CHỢ LÀNG
Gánh buồn vui những nhọc nhằn
Đòn tre chín rạn tháng năm vai người
Cam xanh xanh mãi góc đời
Chín vàng chuối ngọt cùng lời ru trưa
Chõng tre dưới gốc đa xưa
Bát chè xanh, cốc nước dừa mát ngon
Điếu cày ai vẽ khói tròn
Buông trâu nghỉ lại thả hồn làm thơ!
Áo nâu… thon đến thẫn thờ
Mắt cô hàng xén bất ngờ liếc qua
Gương xinh soi nét ngọc ngà
Để ai má lúm thêm hoa đồng tiền!
Thóc làng chớp mắt làm duyên
Thúng to nhỏ thấm đẫm miền ca dao
Qua rồi giông bão năm nào
Vẫn nghe lúa hát xôn xao quê mình.
Góc quê ôi chứa chan tình!
Đắm trong kí ức lung linh mảnh hồn
Thời gian đi… những mất còn
Chợ làng neo giữ vẹn tròn nét quê…
Quỳnh Trâm
Vào câu mở đầu của bài thơ chúng ta đã gặp TỨ CHỢ với Nghệ Thuật:
Gánh buồn vui những nhọc nhằn
Đòn tre chín rạn tháng năm vai người
"Gánh buồn vui...Đòn tre chín rạn..." liên tưởng đến câu ca dao: "Ba đời bảy họ nhà tre. Hễ cất đòn gánh nó đè lên vai"
Lời thơ của Quỳnh Trâm như tiếng thở dài, thương thay cho thân phận các Mẹ, các chị quanh năm đi chợ với: "...những nhọc nhằn...tháng năm vai người". Một thời, muôn đời vất vả đi qua: "Đòn tre chín rạn..."
Câu thơ hình tượng:
Điếu cày ai vẽ khói tròn?
Buông trâu nghỉ lại thả hồn làm thơ
Người nông dân gắn bó với con trâu, cái điếu cày từ muôn thuở. Ngày nay đã được cơ giới hóa nên hình ảnh: "Con trâu đi trước cái cày theo sau" cũng còn rất ít ở đồng bằng Bắc Bộ. NT Quỳnh Trâm đã tìm được cái hình tượng người nông dân hút thuốc lào tinh nghịch thi nhau nhả khói theo hình chữ O mà lại còn: "thả hồn làm thơ". Cũng như NT Lê Vân viết: "Ế thơ! Thi sĩ đi cày/ Kiếm dăm yến thóc "mẹ mày" liếc yêu". Sự vô tư yêu đời, yêu ruộng của người nông dân từ ngàn xưa thật đáng quý, đáng kính, thơ mộng biết bao.
Khổ 3 Quỳnh Trâm viết:
Áo nâu...thon đến thẫn thờ...
...Để ai má núm thêm hoa đồng tiền
Hình ảnh người con gái nhà quê được TG miêu tả bằng nghệ thuật của ngôn từ Thơ: "Áo nâu...thon...soi nét ngọc ngà...má lúm...hoa đồng tiền". Quỳnh Trâm sử dụng ngôn ngữ thật điệu nghệ, bóng bảy, đa sắc.
Đây mới là câu độc đáo:
Thóc làng chớp mắt làm duyên...
...Vẫn nghe lúa hát xôn xao quê mình
Hạt thóc mà biết "chớp mắt làm duyên" rồi "lúa hát xôn xao quê mình
Quỳnh Trâm đã chắt lọc được tinh chất của ngôn từ, chắt lọc cả Ý và TỨ để bài thơ được thăng hoa và ngưng kết. Đa số các nhà thơ viết: Gió hát - Biển hát - Sóng hát - Mưa hát - Suối hát - Ve hát v...v... chứ "lúa hát" hoặc "Thóc làng chớp mắt làm duyên" quả là "hàng độc" Đến đây chúng ta có thể liên tưởng đến câu của Giáo Sư Hà Minh Đức
kết luận: "Thơ là sự kết tinh cái đẹp của tâm hồn và tạo vật và bài thơ hay là sự kết tinh của kết tinh..." Bài thơ: CHỢ LÀNG của Nhà thơ Quỳnh Trâm đã xứng đáng được như thế. Chúc mừng bài thơ Đặc Sản!
Đà Lạt: 15-5-2012
Hà Đức Ái