Em đi
Em đi “bán chữ” trên rừng
Đã qua mặn ngọt, đã từng cay chua
Bản nghèo chữ ít người mua
Ế hàng không nỡ phân bua nửa lời.
Ước chi Bộ hóa mặt trời
Rẽ mây ngó xuống mảnh đời sương giăng
Ước gì Sở hóa vầng trăng
Non cao soi trước, đất bằng sáng sau.
Ở rừng tự hát ru nhau
Lá trầu chị héo, quả cau em già!
Ước ao có một gian nhà
Có trưa đưa võng đón bà lên chơi.
Em đi nón chạm mây trời
Rừng sâu “bán chữ” cất lời ngân nga
Tiếng rao xao xác lau già
Non cao đội mảnh trăng tà ngậm sương…
Lê Đình Cánh
Tôi biết tới bài thơ này trong một trường hợp khá đặc biệt. Cách đây khoảng chừng gần hai chục năm, khi đó đất nước ta đã bước vào thời kỳ đầu đổi mới, thế nhưng tất cả mọi thứ nói chung đều vẫn còn nhiều hạn chế; kinh tế khó khăn, eo hẹp; xã hội lộn xộn, manh mún còn tư tưởng thì vẫn mang nặng tính cổ hủ, lỗi thời…
Cũng trong thời điểm đó, cha tôi làm đơn xin ra khỏi ngành giáo dục khi ông đang làm hiệu trường một trường phổ thông, lý do chỉ vì lương tháng của ông không đủ nuôi sống chính bản thân chứ chưa nói là gia đình. Và cũng khi đó, cô ruột tôi, một giáo viên đang dạy học ở huyện vùng cao Mường Xén bỏ dạy xách va-li về quê. Cô tôi là con út trong một gia đình rất đông anh chị em, tôi nghe kể lại là từ nhỏ cô luôn được mọi người trong nhà yêu thương, chiều chuộng; vậy mà năm 1973 khi vừa tốt nghiệp đại học sư phạm là cô xung phong lên miền núi dạy học. Sau này cô kể lại rằng khi đó ra đi là vì lý tưởng cao đẹp của tuổi thanhh niên, vì tiếng gọi của con tim luôn thôi thúc. Vậy mà năm đó, sau mười mấy năm ở Mường Xén, cô tôi lại trở về.
Tối hôm cô về, sau những thông lệ, thủ tục của người đi xa trở về, cô ra bàn ngồi với cha tôi. Chuyện vãn rồi tôi thấy cha hỏi cô: “Cuộc sống của em trên đó ra sao?”. Cô không trả lời câu hỏi của cha, mà lặng lẽ đi mở cái va-li rút ra một tờ báo rồi đặt trước mặt cha, giọng cô thật khẽ: “Nó đây anh à!”. Khi đó tôi ngó qua vai cha nhìn vào trang báo, trên đó thấy chỉ vỏn vẹn có một bài thơ “Em đi”; tôi ghé xuống đọc cùng cha bài thơ với sự hồn nhiên vô tâm của tuổi trẻ.
Đêm đó tôi thức giấc vì nghe tiếng điếu cày của cha cứ rít lên từng hồi, tôi nhìn ra thấy cha vẫn ngồi trầm ngâm bên bàn nước, thoáng chốc lại cha lại nhìn vào tờ báo để trước mặt rồi buông một tiếng thở dài não nuột. Khi đó tôi còn quá trẻ để có thể hiểu hết được về những nỗi u uẩn trong lòng cha và cả về những khúc quanh của cuộc sống.
Cô tôi về hôm trước thì hôm sau mẹ tôi dẫn cô ra bến cá, rồi từ sau buổi đó cô trở thành người buôn cá. Sáng sớm cô đạp xe ra bến, chờ thuyền chài về bến rồi mua cất mang ra chợ huyện bán lại. Tiền lãi ba buổi chợ bằng cả tháng lương dạy học của cô, kiếm được nhiều tiền nên dường như cô cũng ham, ngày ngày cô hết ở chợ rồi lại ra bến, nhiều hôm tối mịt mới về nhà.
Cứ như vậy được chừng nửa năm, cho tới một hôm có mấy người bạn buôn của cô tới nhà. Tôi thấy mọi người trò chuyện một hồi rồi chả hiểu chuyện gì mà thấy tiếng cô nói lớn: “Kiểu gì cũng chơi! Con này không ngán!”. Khi đó tôi thoáng thấy cha ngồi tái mặt. Lúc khách ra về, cha gọi cô sang ngồi ở gian thờ ông bà nội. Hai người ngồi ở đó rất lâu. Tôi không biết cha và cô đã nói những chuyện gì, chỉ thấy đêm đó cha lại ngồi ưu tư bên bàn nước, tiếng điếu cày lại rít lên lọc sọc nhưng lần này có xen lẫn tiếng khóc tấm tức của cô ở buồng trong.
Cô nằm liền hai ngày không ăn uống, tới ngày thứ ba thì cô ngồi dậy, mặt tỉnh như sáo rồi bảo cha mẹ tôi: “Ngày mai em lại lên Mường Xén!”. Chỉ có vậy rồi cô lại đi, lại lên rừng “bán chữ”. Lần thứ hai cô lên Mường Xén khi đã 36 tuổi, cả một quãng đời thanh xuân, son trẻ cô đã dành trọn cho miền đất ấy; tình duyên, công danh đều lỡ dở, rồi tưởng đâu đã hết duyên nợ, vậy mà…
Tôi còn nhớ hôm tiễn cô đi, cha tôi còn chạy theo ra bến đò tận tay đưa lại cho cô tờ báo và nói: “Hãy cứ làm mảnh trăng tà ngậm sương em nhé!”. Tôi không hiểu lắm về câu nói đó của cha, nhưng thấy cô mỉm cười thật rạng rỡ. Và cho tới bây giờ bài thơ “Em đi” ấy luôn là một kỷ niệm thiêng liêng đối với gia đình tôi.
Cô tôi ở với đất Mường Xén cho ngày về nghỉ hưu. Tôi không biết cô đã “bán” được bao nhiêu chữ, đã có bao nhiêu thế hệ học trò người dân tộc đã trưởng thành từ công ơn dạy dỗ của cô nhưng có một điều mà tôi biết rõ là cô tôi đã phải chịu nhiều thiệt thòi, đã phải hy sinh đi nhiều thứ mà lẽ ra cô xứng đáng được hưởng thụ. Người ta thường nói nhiều về nghề giáo; nào là cao quý, thanh cao… nhưng mấy ai hiểu được rằng đằng sau những mỹ từ ấy là cả một sự hy sinh lớn lao, và trên hết là tấm lòng cao cả của người thày.
Trần Minh Tâm
Nguyễn Xuân Ngọc - NgocjNX1939@ gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương
(Ngày 25/09/2015 19:29:34)
TÂM TƯ CÔ GIÁO VÙNG CAO
Trần Tâm - trantam_496@yahoo.com - -
(Ngày 7/01/2010 06:06:35 PM)
Xin chào tác giả của bài thơ và bài viết này! Vô tình tôi đọc được bài viết này trên Internet, cũng là một người yêu thơ ca và hay tìm hiểu đặc biệt là thơ lục bát nên cảm nhận của tôi về bài thơ này là rất hay. Đang công tác trên vùng tây bắc và cũng được chứng kiến cảnh trường lớp trên đây nên tôi rất hiểu sự gian nan của nghề " bán chữ ". Thời nào cũng vậy, các thầy cô giáo đều vất vả, gian nan và hy sinh nhiều cho sự nghiệp của mình, đặc biệt là các thầy cô công tác tại các vùng cao của tổ quốc. Tôi cũng có nhiều bạn bè đang công tác tại những vùng cao, biên cương của tổ quốc nên cũng vì thế có những đồng cảm, thiện trí tới họ. Xin gửi 1 sáng tác của tôi để thấy được sự đồng cảm của mình tới công việc cao quý này: CÔ GIÁO HAY LÀ CÔ TIÊN ------------------------ Em như cơn gió dịu dàng Gọi mùa xuân đến bản làng vùng cao Để gieo mầm sống ngọt ngào Như mưa mùa hạ khát khao tuôn trào Hay em là nắng lao xao Đem về ánh sáng tặng trao núi rừng Đôi bàn chân bé không ngừng Băng rừng, lội suối đến từng bản xa Gọi con chữ đến từng nhà Em là cô giáo hay là cô tiên? Kỷ niệm 20.11.2009 T/giả: Trần Tâm Note: Nhân Kỷ niệm 20/11/2009 " HIẾN TRƯƠNG NHÀ GIÁO VIỆT NAM " Xin được dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới những thầy cô giáo, những người đang ngày đêm tận tụy với sự nghiệp trồng người cao quý. Đặc biệt cho tôi xin chia sẽ với những khó khăn của các thầy cô giáo đang công tác trên những vùng cao của Tổ Quốc, chúc các Thầy cô có thật nhiều sức khỏe và nghị lực để đem thật nhiều cái chữ tới nơi này! Bài thơ: " Cô giáo hay là cô tiên " ngắn ngủi này của tôi xin được bày tỏ tấm lòng chân tình của mình gửi tới những thầy cô giáo đã từng dạy dỗ tôi, các bạn của tôi là các thầy cô giáo, những người bạn của tôi là các thầy cô giáo đang công tác trên những vùng cao của Tổ Quốc./.
|