Chủ nhật, 22/12/2024,


Đồng Đức Bốn đã tiếp nhận “Y bát thơ lục bát” từ Nguyễn Du ra sao? (17/11/2008) 

 

  Ngày nọ, đọc tiểu luận Khổ - câu thơ cứ đến rồi lại đi, thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quả quyết “y bát thơ lục bát” đã được trao truyền từ Nguyễn Du đến Tản Đà, rồi Tản Đà trao cho Nguyễn Bính, đến lượt mình, Nguyễn Bính lại trao cho Đồng Đức Bốn, tôi tự hỏi không biết “y bát thơ lục bát” vuông tròn như thế nào và do Nguyễn Du sáng chế ra hay ông cũng được một thi nhân lớp trước trao tặng(?)

 

     Tôi còn băn khoăn hơn khi thấy Nguyễn Huy Thiệp viết: “Y bát của “ngộ năng” của “Môn phái” lục bát - của Đồng Đức Bốn giá trị không sao kể xiết”. Cùng với Nguyễn Huy Thiệp, một vài tác giả khác, bằng phong cách đi tìm những ý nghĩa ngoài văn bản còn “phát hiện”, tán tụng một số phẩm chất mà tôi ngờ rằng trong thâm tâm chính Đồng Đức Bốn cũng phải ngỡ ngàng. “Ngờ” đi thì như thế, “ngờ” lại thì biết đâu chính Đồng Đức Bốn cũng lấy làm hỉ hả với những lời khen tặng này vì ít nhất “tự tay” nhà thơ đã mấy lần cho đăng ý kiến của Nguyễn Huy Thiệp trong mấy tập thơ của ông. Đặc biệt, trong cuốn tạp chí có tên gọi Văn hóa doanh nhân do đích thân Đồng Đức Bốn thủ vai “chịu trách nhiệm xuất bản” kiêm đứng đầu danh sách “hội đồng biên tập” ông còn cho đăng hẳn bốn bài viết ca ngợi thơ mình - một trường hợp theo tôi là hy hữu trên văn đàn xứ ta. Trong khi đó, đọc một văn bản chưa công bố của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi lại thấy Trần Đăng Khoa nhận xét về thơ Đồng Đức Bốn như sau: “Tôi công nhận Đồng Đức Bốn là cây bút có tài. Nhưng thơ anh óng ánh như những sợi dây kim loại mà máy bay Mỹ dùng để làm nhiễu ra đa của bộ đội Việt Nam thời chiến tranh phá hoại. Những sợi nhiễu ấy mà tung ra thì khiếp lắm. Cứ mù trời, mù đất. Lộng lẫy, kỳ vĩ lắm. Những người yếu bóng vía có thể choáng ngợp. Nhưng gom lại, bóp lại thì không đầy một chét tay. Đồng Đức Bốn chỉ giỏi mài rũa mấy con chữ. Tôi gọi anh là ông thợ kim hoàn bậc 9/7. Nói thế cũng là đề cao tài nghệ của anh ấy lắm. Nhưng thơ anh long lanh một thứ vàng mạ. Chỉ óng ánh trang kim, nhưng nhẹ tếch chẳng có gì. Gạt cái vỏ mạ vàng ra, bên trong chỉ luễnh loãng một chút sương khói” (đã xin phép tác giả - NH).[*] Tôi chia sẻ với nhận xét của Trần Đăng Khoa, bởi đọc lục bát của Đồng Đức Bốn nói riêng và thơ Đồng Đức Bốn nói chung, tôi cũng dự cảm như vậy, nếu không nói dường như đằng sau những câu chữ bóng bẩy, màu mè, duyên dáng, nhịp nhàng lên bổng xuống trầm, dễ bề mê hoặc…, hầu như rất khó có thể tiếp nhận được một điều gì. Nói cách khác, đó là những câu thơ “rỗng ruột”. Phần lớn các bài lục bát của Đồng Đức Bốn đều khó đọng lại trong trí nhớ, dù lục bát là một trong vài thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ nhất. Vậy điều gì đã đưa tới tình trạng trên đây?

 

     Đọc thơ Đồng Đức Bốn, tôi nhận thấy rất rõ sự lặp lại của hiện tượng:

 

     1. Tác giả lấy câu mở đầu của bài thơ để đặt tên cho tác phẩm. Bài Cơn mưa dừng ở Sóc Sơn có câu mở đầu là “Cơn mưa dừng ở Sóc Sơn”, bài Đưa em qua trận bão người có câu mở đầu là “Đưa em qua trận bão người”, bài Xéo gai anh chẳng sợ đau có câu mở đầu là “Xéo gai anh chẳng sợ đau”, bài Hãy về đây với bến sông có câu mở đầu là “Hãy về đây với bến sông”, bài Mùa xuân ngửa mặt nhìn trời có câu mở đầu là “Mùa xuân ngửa mặt nhìn trời” v.v. và v.v…

 

     2. Tác giả lấy vài từ của câu đầu hoặc vài từ của câu thứ hai của bài thơ để đặt tên cho tác phẩm. Ví dụ: bài Chăn trâu đốt lửa có câu mở đầu là “Chăn trâu đốt lửa trên đồng”, bài Thương nhớ cho nhau có câu mở đầu là “Bởi đem thương nhớ cho nhau”, bài Chuông chùa Quán Sứ có câu thứ hai là “Chuông chùa Quán Sứ khi xa khi gần”, bài Tận cuối cơn mưa có câu thứ hai là “Em ở với chồng tận cuối cơn mưa” v.v. và v.v…

Làm một thống kê đơn giản, sẽ thấy sự lặp lại của hiện tượng này có tỷ lệ rất cao, ở tập Trở về với mẹ ta thôi tỷ lệ là 24 bài trên tổng số 45 bài, ở tập Chuông chùa kêu trong mưa tỷ lệ là 19 bài trên tổng số 45 bài. Tuy nhiên, tỷ lệ trên đây chưa đủ để nói lên điều gì nếu chưa được bổ sung bằng một loại hiện tượng khác, đó là việc nhan đề các bài thơ của Đồng Đức Bốn thường gắn với một địa danh. Hiện tượng này cũng được lặp lại với tần số cao, đến mức theo tôi có thể coi Đồng Đức Bốn đã khai sinh ra một thể loại thi ca mới là “thi ký”, tỷ như: Qua cầu Lạc Long, Về Hội An, Gió qua Ngã Tư Sở, Thơ tình viết trên ga Hàng Cỏ, Đi xe ngựa thành phố Vinh, Câu cá trên sông Bạch Đằng, Đồ Sơn, Làng Moi, Hồ Tây, Đêm sông Cầu, Hội Lim, Chợ Thương, Phố Nối mưa rào, Chiều mưa trên phố Huế, Nửa đêm Đà Lạt, Vu vơ chùa Hương, Chuông chùa Quán Sứ, Chơi thuyền trên sông Hương, Khi em ở Thái Nguyên về, Mùa xuân đi phủ Tây Hồ, Ngõ Cấm Chỉ, Cơn mưa dừng ở Sóc Sơn… Bên cạnh đó, nếu không gắn với một địa danh thì nhan đề các bài thơ của Đồng Đức Bốn cũng gắn liền với một tâm sự nào đó của tác giả khi gặp gỡ một sự vật hiện tượng, như: Đi qua cát trắng, Người hát rong, Cuốc kêu, ở quán thịt chó về chiều, Qua nhà người yêu cũ, Gai rào ngõ quê, Chuông buồn, Ngõ nhỏ mưa dầm, Trước thung lũng Tình Yêu, Chia tay một trận mưa rào, Với cây xương rồng, Nước chảy qua sân…

 

     Trong thực tế, các hiện tượng kể trên vốn không xa lạ trong lịch sử thơ ca, bởi ở một số tác phẩm (thậm chí là tác phẩm nổi tiếng), nhiều tác giả cũng đã đặt nhan đề bài thơ theo các lối này và không nhất thiết phải khảo sát nếu chúng không bị lặp lại đến mức không thể không lưu tâm như trong thơ Đồng Đức Bốn. Mặt khác cũng muốn nói thêm rằng, lối đặt tên tác phẩm bằng cách sử dụng câu đầu thường vẫn là cách thức được người ta sử dụng khi sưu tầm, giới thiệu, xuất bản các bài ca dao - những sản phẩm văn hóa dân gian (folklore) thường khuyết danh và chưa có nhan đề. Nhưng dẫu sao, người ta cũng chỉ sử dụng biện pháp này trong một số tình huống nhất định chứ không lạm dụng, bởi bất cứ ai cũng có thể ý thức được rằng sự lạm dụng một biện pháp nào đó trong sáng tạo nghệ thuật là bằng chứng của sự lười nhác (cẩu thả?) mà người làm thơ nói riêng, người làm nghệ thuật nói chung không tự để mình rơi vào. Về phần mình, tôi nghĩ ai đó coi hiện tượng nói trên là học tập và phát triển ca dao thì hình như “hơi bị” dễ dãi.

 

     Tuy nhiên, nếu dừng lại ở nhận định trên đây xem ra vẫn chưa thuyết phục, cần đi sâu thêm một bước nữa vào bản chất của các hiện tượng, nói cách khác là cần khảo sát lý do đưa tới sự xuất hiện của các hiện tượng. Theo tôi từ các thống kê trên đây có thể đi tới kết luận rằng nhan đề của đa số các bài thơ của Đồng Đức Bốn không bao chứa những “tứ thơ” tác giả muốn (định) gửi gắm, mà chúng chỉ là những “cái cớ” đưa tới sự ra đời của bài thơ (xin nhấn mạnh - NH). Thông thường, những “cái cớ” ấy xuất hiện khi tác giả tiếp xúc trực tiếp với một sự vật hiện tượng cụ thể, có khả năng tác động trực tiếp giúp tác giả “cảm tác”, “ứng tác” hoặc “bật” ra thơ. Dù trong thực tế đôi khi một “cái cớ” có thể đưa tới một “tứ thơ” hoặc những câu thơ “xuất thần”, nhưng đó là trường hợp xét đến cùng nhà thơ đã “ấp ủ” những ý tưởng mà “cái cớ” chỉ là điều kiện, là chất xúc tác làm “bùng phát” cảm xúc, còn với Đồng Đức Bốn thì không chắc chắn như vậy. Những “cái cớ” cho sự ra đời nhiều bài thơ của anh thường xuất hiện như khi qua một cây cầu (bài Qua cầu Lạc Long), khi đi câu cá (Câu cá trên sông Bạch Đằng), khi đi xe ngựa (bài Đi xe ngựa giữa thành phố Vinh), khi nghe tiếng chuông chùa (bài Chuông chùa Quán Sứ), khi nghe tiếng cuốc kêu (bài Cuốc kêu), khi nhậu ở quán thịt chó (bài Ở quán thịt chó về chiều)… Có thể nói hiện tượng này rất gần gũi với kiểu lối của các bài ca dao. Bên số ít bài ca dao đã vượt qua những khuôn khổ dân gian thuần túy và mang đậm chất thơ đến mức nhiều thi nhân nổi tiếng phải ngả mũ khi đọc chúng, chúng ta còn thấy phần lớn các bài ca dao đều ít nhiều “nôm na”, và “cái cớ” không có vai trò như một “tứ thơ”. Hầu hết các bài thơ lục bát của Đồng Đức Bốn cũng như vậy. Khi bài thơ ra đời từ một “cái cớ” nào đó thì “cái cớ” đó thường được giới thiệu ngay ở câu thơ mở đầu, hay quá lắm cũng nằm ở câu thơ thứ hai, “cái cớ” trở thành điểm xuất phát và cũng là điểm kết thúc của bài thơ. Sự bắt đầu và cũng là kết thúc ấy đưa tới hai hệ quả:

 

     - Các câu thơ sau chỉ còn là “vệt kéo dài” của câu thơ mở đầu.

     - Nếu không muốn bài thơ “vô đề”, người viết buộc phải sử dụng câu thơ đầu làm nhan đề, vì những câu thơ có tính “vệt kéo dài” chỉ còn là những câu tán thêm, không đủ khả năng chuyển tải điều tác giả đã nói.

Đơn cử hai bài thơ của Đồng Đức Bốn:

 

Khi em ở Thái Nguyên về

Cây đang say bão lại mê nắng vàng

Dáng em thánh thót qua làng

Tóc thơm làm cỏ vội vàng lên nhanh

Tình tôi giờ vẫn để dành

Cho em nên cả trời xanh bất ngờ

          (Khi em ở Thái Nguyên về)

 

     và:

 

Bước vào ngõ nhỏ mưa dầm

Để nghe em hát giọng trầm thế thôi

Sỏi đá còn biết có đôi

Sao em lại lỡ bỏ tôi thẫn thờ

Nếu đời đang hết buồn nhơ

Mưa dầm ngõ nhỏ bao giờ tạnh đây

                      (Ngõ nhỏ mưa dầm)

 

     có thể thấy “cái cớ” cho sự ra đời của hai bài thơ này được giới thiệu qua câu mở đầu và khó có thể lấy một câu thơ khác trong bài làm nhan đề. Còn “tứ thơ” ư, trong những trường hợp này là bất khả vì chúng không có các điểm tựa về tâm thế. Có lẽ do đó, phần lớn những câu thơ có tư cách “vệt kéo dài” trong thơ Đồng Đức Bốn thường khá dông dài, nôm na, gần gũi với những câu ca dao hạng xoàng, và cũng có lẽ vì chúng chỉ là thao tác “vận lục bát” cho bài thơ thêm dài hơi nên đôi khi tác giả có những “sáng tạo” theo tôi là kỳ quặc. Tỷ như trong hai bài thơ đã dẫn ở trên, câu thơ “Dáng em thánh thót qua làng” là câu thơ thoạt đọc thì thấy hay và tài tình nhưng nó lại làm liên tưởng tới một câu thơ của Tố Hữu đã có hơn năm mươi năm tuổi đời: 'Tiếng các em thánh thót quanh làng' (Ta đi tới - Tố Hữu), còn câu “Để nghe em hát giọng trầm thế thôi” là câu thơ “vận” cho có vần, vì câu trên mang vần 'ầm' (mưa dầm), thì ở câu dưới cô gái tất sẽ phải hát 'giọng trầm' để cho câu thơ dín dót, đã vậy lại còn “thế thôi” thì thật là ngang phè phè. Đó là chưa nói câu “Sỏi đá còn biết có đôi” lại thấp thoáng bóng dáng một ca từ của Trịnh Công Sơn: “Ngày sau sỏi đá cũng còn có nhau” (Diễm xưa - Trịnh Công Sơn). Ta có thể tìm được những trường hợp tương tự như vậy rải rác trong nhiều bài lục bát của Đồng Đức Bốn. Lạ hơn, nếu trong bài Xéo gai anh chẳng sợ đau có những câu buồn cười kiểu “Nên dâu cứ biếc nên tơ cứ tằm” thì đi xích lô trên đường Bà Triệu tác giả lại liên tưởng đến Trương Chi, nghe tiếng cuốc kêu tác giả liên tưởng đến Mỵ Châu…! Nghĩa là khi “cái cớ” đã nói ra hết rồi thì thi sĩ khó “vét voi” ra cảm xúc, buộc anh phải dông dài, phải “lập ý” bằng các câu chữ bóng bẩy chứ không thể “lập ý” một cách sâu sắc.

 

     Tuy nhiên, không phải bất kỳ “cái cớ” nào cũng cho phép tác giả có thể tán thêm cho dài dòng, bởi trong thực tế lại có những “cái cớ” quá đơn nghĩa, vì thế Đồng Đức Bốn đành bằng lòng với những bài lục bát chỉ có hai câu. Nếu như ở các bài Khóc một dòng sông gồm hai câu “Tôi ngồi khóc một dòng sông - Dòng sông không chết bởi giông bão còn” và bài Lời ru cho cỏ buồn gồm hai câu “Lời ru cho cỏ biết buồn - Thế nên chớp bể mưa nguồn lại thôi” Đồng Đức Bốn đã lấy mấy từ của câu đầu để đặt tên cho bài thơ, thì ở bài Chiều nay Hồ Tây có giông, tác giả lại muốn “chơi hình thức” bằng cách lấy nguyên văn câu đầu để đặt tên và không lấy lại câu này trong bài, nên cả bài thơ chỉ còn một câu “Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm”. Vấn đề ở đây là trong các bài thơ trên, hai câu với 14 từ đã nói hết điều muốn nói và dẫu tác giả hoàn toàn có thể lựa chọn các từ on, son, lon, ton hay òn, sòn, lòn, tòn… (cho bài Khóc một dòng sông), ôi, xôi, lôi, thôi hay ồi, xồi, lồi, thồi… (cho bài Lời ru cho cỏ buồn), im, xim, lim, tim hay ìm, xìm, lìm, tìm… (cho bài Chiều nay Hồ Tây có giông) để gieo vần thì cũng không còn gì để nói. Còn khi tác giả cố kéo dài sợi dây cao su đó ra thì lại có được những đoạn thơ rất buồn cười, đại loại như Trưa hè cát nóng như rang - Có mặt trời mọc từng hàng lên cao - Tưởng rằng gió đến xôn xao - Không ngờ hai chú cào cào đánh nhau (Viết ở bờ sông), hay Ăn mày thì phải lang thang - Quần manh áo mảnh rộn ràng khắp nơi - Chân đạp đất đầu đội trời - ở đâu không có con người thì đi (Vào chùa). Tôi không hiểu sao Đồng Đức Bốn lại viết như thế, đúng là tán dông dài, mà lại rất nhạt. “Trưa hè cát nóng như rang” thì không có gì là mới mẻ, mặt trời mọc “từng hàng” thì chắc hẳn là do lóa mắt, còn “tưởng rằng gió đến xôn xao” mà lại “không ngờ hai chú cào cào đánh nhau” thì nhà thơ muốn đưa ra một nghịch lý của tự nhiên chăng? Cùng với đó, hiển nhiên “ăn mày thì phải lang thang”, nhưng do cái vần của lục bát, nên nhà thơ mới phải chế ra cảnh “quần manh áo vải rộn ràng khắp nơi”, hóa ra đi ăn mày cũng vui vẻ ra phết. Nhân vật của đoạn thơ này hẳn là những vị ăn mày rất lạc quan, họ không những “rộn ràng khắp nơi” mà còn không có ý định “ăn mày” vì họ tìm đến những chỗ “không có con người”, như sa mạc hoặc rừng hoang! Phải chăng sự dông dài của những câu thơ “rỗng ruột” là một trong những đặc điểm làm nên phong cách thơ Đồng Đức Bốn, và nếu trên đời có cái gọi là “y bát thơ lục bát” thì dường như nó đã bị trao nhầm chỗ. Không biết ở chốn hoàng tuyền, biết được điều này thì Nguyễn Du, Nguyễn Bính liệu có rầu lòng lắm không?

 

     Những phân tích trên đây cho thấy, thơ Đồng Đức Bốn có những hạn chế cốt tử của nó. Qua đó còn thấy những lời to tát rằng, Đồng Đức Bốn là “người mê sảng, lên đồng, bị thơ nhập, trời hành và ban cho ân huệ. Thơ với Đồng Đức Bốn chính là nước mắt, là muối, là máu của cuộc đời” (Đoàn Hương), “Vị cứu tinh của thơ lục bát… Đồng Đức Bốn thuộc vào loại mà tôi gọi là “ngộ năng”. Loại “ngộ năng” vị tình, lấy tình át chữ…” (Nguyễn Huy Thiệp) cũng chỉ là những lời thù tạc người ta dành cho nhau. Cuối cùng thì, dẫu không phủ nhận một vài thành tựu thơ của Đồng Đức Bốn, kẻ viết bài này vẫn kính mong các tác giả viết phê bình hãy khảo sát, đánh giá cẩn trọng hơn nữa trong khi cổ súy cho các gương mặt thơ ca đương đại. “Tán dương” thì dễ, nhưng “phê” vốn khó nghe. Tiếc thay cũng như mọi lĩnh vực khác, thơ ca chỉ có thể đi lên từ sự nhận chân được giá trị đích thực của nó trong cả thành công lẫn hạn chế. Và trong các trường hợp như thế, câu nói “Hãy bằng lòng với những gì tác giả cho ta mà đừng bắt anh ta cho cái mà anh ta không có” phải chăng không có ý nghĩa nhất định?

Tác giả Nguyễn Hòa


_________________

Nguồn: eVăn
[*] Chú thích của eVăn: Câu này rút từ bài trò chuyện giữa Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Mạnh Hùng - dongnat1314@gmail.com - 0904770747 - Quan Hoa , Cầu Giấy , Hà Nội  (Ngày 14/01/2011 09:35:51 PM)
Nếu cứ bới bèo ra bọ như bác này thì đến thơ cụ Nguyễn Du cũng vô số điều còn phải xem xét !
Đọc thoáng qua bài viết nhận thấy tác giả có ít nhiều nhầm lẫn khi đọc thơ Đồng Đức Bốn , cụ thể như bài Vào Chùa :

Ăn mày thì phải lang thang - Quần manh áo mảnh rộn ràng khắp nơi - Chân đạp đất đầu đội trời - ở đâu không có con người thì đi
Nhà thơ Đồng Đức Bốn có ý nói ăn mày nếu đến chỗ nào không có người thì bỏ đi chứ không ở lại , vì ăn mày phải đến chỗ đông người thì mới mong xin ăn được chứ . Ở đây tác giả lại hiểu rằng ăn mày tìm đến chỗ rừng hoang , sa mạc thì có thể thấy thành kiến của tác giả với nhà thơ lớn đến nỗi nhận định bị sai lệch .
Các bài khác: