Thứ sáu, 03/05/2024,


 
  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (1) (Ngày 20/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng  - Địa chỉ: Tp.Hồ Chí Minh  - Điện thoại: 01233123789)

Qua tham khảo những đề xuất gợi ý của Ban Trù bị “Lễ hội Lục Bát”, tôi xin góp vài ý kiến nhỏ để Ban Tổ chức (BTC) có những động thái chuẩn bị và dự liệu trước để lễ hội được tổ chức lần đầu này thành công tốt đẹp.

 

1- Về tên gọi “Lễ hội Lục Bát”: Đây đúng là một Lễ hội, lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, trang trọng và lịch sự. Có thể có nhiều quan chức của Nhà nước, bạn bè quốc tế, kiều bào ở nước ngoài và các nhà thơ, nhà văn, văn nghệ sĩ, các tác giả và đông đảo bạn đọc trong nước tham gia. Lễ hội Lục Bát, sau này để thành thông lệ, ngày 6 tháng 8 (âm lịch) hàng năm nên gọi là “Ngày Lục Bát” (mà không gọi là thôi nôi hoặc sinh nhật nữa – xin đừng gọi là ngày sinh nhật) được tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn, luân phiên tại các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ vv... Nên có tổ chức “Đăng cai” trước. Sẽ có sự chuyển giao “Ngày Lục Bát” cho thành phố tiếp theo trong buổi bế mạc Lễ hội của năm trước. Để nhắc nhau về ngày này, cứ nhớ câu ca:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ Ngày Lục Bát mừng vui mà về

Dẫu rằng cách trở sơn khê

Đến Ngày Lục Bát cùng về gặp nhau…

 

2- Về "Thư mời tham dự Lễ hội Lục Bát": Sẽ do Ban Tổ chức phát hành. Phải có “Thư mời” chứ không nói suông được. Ông bà ta có nói “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lễ hội thành công nhiều hay ít, trang trọng hay không, một phần cũng do “Lời chào” này. Còn đông đảo tác giả và bạn đọc trong nước thì có thể “Thông báo này thay cho giấy mời…”. Khách mời có thể là Bộ trưởng, thứ trưởng các Bộ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh thành, Các Sở, ban ngành, các nhà thơ, nhà văn, các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, các nhà ngoại giao, các nhà tài trợ…

 

3- Về "Hát thơ Lục Bát": Cụm từ này nghe chưa quen lắm. Từ lâu nay các nhạc sĩ sáng tác thường dựa và cảm hứng của mình để đặt lời bài hát, cũng có thể do sự “quyến rũ” của một bài thơ, một tứ thơ hay nào đó (trong đó có thơ Lục Bát) để nhạc sĩ sáng tác. Thành ra, nói “Hát thơ lục bát” nghe hơi lạ tai. Có thể thay bằng cụm từ “Hát và ngâm thơ Lục Bát” được không?. Phần ngâm thơ Lục Bát sẽ do các nghệ sĩ chuyên nghiệp trình bày đã quen lắm với nền Văn hoá Việt, có Đài đã thành lập cả Ban Tiếng thơ và buổi Tiếng thơ, điều này không thấy Ban tổ chức (BTC) đề cập đến. BTC nên liên lạc với các nghhệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng trong nước mời họ ngâm những bài thơ đã trình làng trong lucbat.com. Ngoài ra, còn nhiều thể loại Hát, Hò… nữa mà chỉ có thơ Lục Bát mới sử dụng được, như Hát đối đáp, Hò Huế, Hô Bài chòi của Liên Khu 5 (cũ) đều phải sử dụng thể thơ Lục Bát, nếu có được thì nội dung càng phong phú.

 

4- Về "Góc Chân dung Lục Bát": “Sau khi đăng ký với BTC, mỗi tác giả sẽ được làm và trưng bày một panô cỡ 1m x 1,5 m (in phun màu trên vải bạt), trên đó có ảnh chân dung, tóm tắt tiểu sử, tự bạch, kèm một bài thơ lục bát ngắn do tác giả tự chọn…” (Trích “Thư ngỏ” của BTC). Đây là một thể loại tương đối mới mẻ và khá… tốn kém. (Bầu Tổng thống Mỹ cũng chẳng được… sang như thế!). Một bức thư pháp khổ 13x18cm, cỡ chỉ bằng quyển thơ bạn cầm trên tay đã là 68.000 đ (Theo “giá bìa” của một nhà thư pháp) thì “Góc chân dung Lục bát” khổ 1mx1,5m như mô tả của BTC thì… không dưới vài trăm ngàn đến… bạc triệu! Mà có bao nhiêu tác giả được cái may mắn ấy trong khi số tác giả tham gia xuất bản sách đã trên 100 người, lấy ai, bỏ ai? Vì vậy, “Chuyên mục” này chỉ nên hạn chế trong phạm hẹp như: dành cho quảng bá lucbat.com hoặc dành cho các nhà tài trợ cho lucbat.com để tri ân họ đã rộng mở tấm lòng đối với trang Web. Còn ai đăng ký cũng được thì khó thực hiện về thời gian và kinh phí triển khai.

 

  5- Về việc "Phát hành 2 tuyển tập thơ" của lucbat.com: Hai tuyển tập thơ trên, số lượng in nên nhiều hơn các tập sách thông thường vì ngoài việc làm tặng phẩm còn bán ngay tại Lễ hội cho có “khí thế” để gây quỹ cho lucbat.com. Các tác giả ngoài sách được nhận, tặng còn có thể mua thêm để tặng bạn bè, người thân trong gia đình. Ngoài ra, có thể tổ chức làm các CD thơ trong lucbat.com theo đề nghị của các tác giả…để gây quỹ cho lucbat.com.

 

  6- Về "Kinh phí để tổ chức lễ hội": Theo tôi, vẫn có thể sử dụng một phần kinh phí của Nhà nước (nếu có), vì đây là một Lễ hội Văn hoá của người Việt Nam, dần dần sẽ trở thành Lễ hội cấp Quốc gia. Kinh phí này có thể do Bộ Văn hoá Thông tin, UBND các địa phương, tỉnh thành nơi tổ chức Lễ hội cung cấp. Ngoài ra còn có kinh phí tài trợ của các “Mạnh thường quân” trong và ngoài nước và quỹ của lucbat.com. Nhưng với nguồn kinh phí “tự túc” hoặc do tài trợ thì e khâu tổ chức sẽ gặp rất nhiều khó khăn…

 

   Trên đây là những ý kiến và đề xuất có tính cách cá nhân, suy nghĩ hạn hẹp, cũng xin mạnh dạn nêu ra để BTC, các tác giả và bạn đọc xa gần, chung sức góp thêm để “Ngày Lục Bát” (ngày 6-8) trở thành “Ngày hội” của mọi người yêu thơ Lục Bát trên cả nước! 

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20.7.2009

Nguyễn Đình Trọng

ĐT: 01233 123 789

Email: tucchip@vnn.vn

 

  HÒM THƯ CỘNG TÁC SỐ 2 (Ngày 19/7/2009 - Gửi bởi: Nhóm Thường trực Biên tập - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0904 48 68 99)

     Từ 13/7 đến 19/07/2009, Hộp thư lucbat.com đã nhận được thư, bài của các tác giả theo các mục sau:

 

1. Lục bát mỗi ngày: Vũ Năng Nghĩa, Lê Duy Thái, Hòa Văn, Cầm Sơn, Trần Vân Hạc, Trần Xuân Trường, Trần Quang Liên, Đinh Thường, Nguyễn Bá Hòa, Ngô Văn Tuấn, Mai Thanh Tịnh, Kiều Công Luận, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Vũ Quang Tần, Võ Văn Hoa, Đậu Phi Hùng, Đỗ Tá Hảo, Hoàng Kim Lục, Phạm Văn Chỉnh, Nguyễn Hoàn, Trương Văn Vĩnh, Nguyễn Duy Xuân, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Văn Vương, Vũ Ngọc Giang, Dương Phượng Toại, Vương Khắc Côn, Phan Văn Nhớ, Nguyễn Văn Tài.

 

2. Chùm lục bát: Trần Như Lộc, Mai Hữu Phước, Nguyễn Tất Dũng.

 

     3. Lục bát dự thi: Mai Thìn, Nguyễn Văn Củng, Mai Hữu Phước, Phạm Châu Loan, Nguyễn Ngọc Châu, Ngô Quang Tùng, Nguyễn Thị Như Khương, Sỹ Mậu, Nguyễn Linh, Nguyễn Đại Đoàn, Nguyễn Quốc Trưởng, Nguyễn Thị Mai, Hoàng Linh Lan, Nguyễn Ngọc Lam, Lê Đức Vinh.

    

     4. Các mục khác: Phạm Văn Tự, Lưu Quốc Hòa, Đậu Phi Hùng, Trần Quang Liên, Phạm Vân Hiền.

 

     Trân trọng cảm ơn sự cộng tác của các tác giả!

Đàm Thục Anh

(ĐT: 0904 486 899)

 

 

 

  Biên tập cho lucbat.com là đam mê của tôi! (Ngày 19/7/2009 - Gửi bởi: Thủy Hướng Dương - Hà Nội - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0904009155)

Tôi thật may mắn có duyên với Lụcbat.com từ những ngày đầu website này ra đời. Với tôi, được làm việc cho lucbat.com, mỗi khi đến thời gian được phân công làm "Thường trực biên tập", thì không những là niềm vui mà còn là một nỗi đam mê, mà tôi luôn nghĩ rằng khó ai có thể làm cho mình dứt được.

 

Tuy ít nhiều đã có kinh nghiệm làm Biên tập, nhưng những ngày đầu bắt tay vào việc, ngoài việc lo nội dung câu chữ, tôi phải gắng thật nhiều để làm sao kiếm được một hình minh họa vừa đẹp lại vừa phù hợp với bài thơ (tưởng là đơn giản mà hóa ra chẳng dễ dàng gì). Có những lúc phải tìm hàng giờ liền mới được một bức ảnh như ý rồi lại cắt xén, gọt ngang, gọt dọc. Đấy mới chỉ là phần hình ảnh, còn phần biên tập thơ thì khó khăn hơn nhiều. Nhiều khi các tác giả gửi thơ đến, chỉ có một số rất ít là thạo vi tính văn phòng còn lại tất cả tôi đều phải sửa sai, thậm chí gõ lại hoàn toàn có khi lại nhanh hơn. Cũng phải thông cảm thôi vì có phải ai cũng rành rọt IT đâu, nhất là những tác giả lứa tuổi 50 trở lên thì đòi hỏi giỏi IT là điều mơ mộng. Nhưng có thế thì tôi mới có việc mà làm chứ? Từ ngày làm biên tập cho lucbat.com đến nay, không biết tôi đã đọc bao nhiêu bài tất cả. Chỉ biết với cảm nhận riêng tôi thì thơ dở, thơ hay tôi đều phải đọc rất kỹ rồi mới sửa sang hay thêm bớt gì để rồi gửi lại xin ý kiến của tác giả có đồng ý không mới cho đăng bài.

 

Làm biên tập cho lucbat.com có thể ví như làm dâu trăm họ. Nhiều lúc gặp những chuyện dở khóc, dở cười như kiểu tác giả giận dỗi vì “bị” sửa thơ vì tâm trạng “thơ mình vợ (chồng) người” hầu như ở tác giả nào cũng có ít nhiều. Còn có những tác giả một ngày gọi điện đến BBT không biết bao nhiêu lần chỉ để yêu cầu... nghe họ đọc thơ! Lúc ấy, thật tình mà nói, tôi đúng là rơi vào hoàn cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội”, chả lẽ ngắt máy không nghe thì e rằng tác giả cho là mình “yết kiêu”, nhưng cứ nghe như thế thì chả làm được việc gì. Lại có tác giả quên thời gian, đã gọi điện cho biên tập trao đổi thông tin bài vở lúc... 2 giờ sáng, nhưng họ vẫn cứ ngỡ mới... 10 giờ tối.

 

Làm biên tập có nhiều cái lạ lùng lắm. Sướng nhất là những lúc đang mệt mỏi hay vướng bận điều gì đó trong đầu mà bắt gặp được một bài thơ hay thì bỗng dưng thấy tỉnh táo hẳn ra. Lúc ấy bài thơ như tiếp thêm cảm hứng cho mình làm việc hiệu quả hơn. Đương nhiên, điều tất yếu là bài thơ hôm đó cả hình minh họa lẫn nội dung trở nên lung linh, sinh động lên rất nhiều. Ngược lại có những lần “phải” đọc thơ dở quá nhiều, thì ngày hôm đó như bị stress, “ngọc thể” bất an.

 

Biên tập thơ cho Lucbat.com tôi thấy tâm hồn mình trẻ hơn, niềm vui lấn át cả nỗi buồn, vì qua công việc tôi như hiểu và gần hơn tâm hồn mỗi tác giả, tuy rằng không thể một lúc mà tâm sự hết nhưng đó là một điều thú vị mà ít ai có được.

 

Giờ đây, sân chơi Lucbat.com đã ngày càng đông vui và tấp nập vì thế mà công việc Biên tập trở nên bận rộn với nhiệm vụ nặng nề hơn. Chỉ mong sao, Lụcbát.com sẽ mang đến cho mọi người “mỗi ngày một niềm vui”, đó cũng chính là tâm nguyện của những người làm biên tập vậy. Hy vọng rằng các tác giả thông cảm và chia sẻ với tâm sự của tôi.

 

                                                                   17/7/2009

                                                             Thủy Hướng Dương

 

  Nên đăng sáng kiến đóng góp cho Lễ hội Lục bát tại mục "Bạn đọc" (Ngày 18/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng – Đại diện lucbat.com tại Tp. Hồ Chí Minh  - Địa chỉ: SG - Điện thoại: (08) 38 123 789 - 01233 123 789)

 

Kính gửi: BBT lucbat.com

Tôi đã mò mẫm, dò dẫm mất… nửa ngày theo chỉ dẫn của "Thư ngỏ" để vào Diễn đàn Lễ hội thơ lục bát. Thật như một "trận đồ bát quái" đối với những người mới học ABC về vi tính. Với những người này, muốn gửi một bài viết đi đã là khó, huống chi còn phải nhớ đến bí danh với mật khẩu! Mà không có những thứ đó thì đừng hòng biết được một thứ gì trong cái "trận đồ bát quái ấy". Vấn đề ở đây là ta cần thảo luận, trao đổi một cách công khai, không bí mật những việc cần thiết mà Lễ hội Thơ Lục bát cần làm trong ngày 6 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 24.9.2009).

Tôi không biết được những ai đã viết bài góp ý về ngày Lễ hội, Tôi coi nơi ấy như là nơi “tối” đối với những người “mù mờ” vi tính. Vậy thì tại sao ta không đem công việc đại sự ra chỗ “sáng” mà bàn bạc? Chỗ “sáng” ấy là Diễn đàn Bạn đọc với lục bát com. Ở diễn dàn này mọi người dễ gặp nhau nhất, không còn bận tâm tới bí danh và mật khẩu!

            Ngày xưa, khi giặc đến nhà, các bô lão nhà ta còn đem chuyện “Quốc sự” ra ngã ba đường mà bàn luận “Hoà hay chiến?” Tôi thầm nghĩ đến Nhóm Lucbat.com Đoài Phương. Đó là một nhóm 10 cụ già đã về hưu, có thể “quân sư” một cách ngon lành về công việc tổ chức Lễ hội, bảo các cụ “thư tay” còn nhanh gọn hơn là nhớ bí danh, mật khẩu để vào cái "trận đồ bát quái ấy"! Thú thật với các anh chị chứ tôi đánh vi tính còn dở hơn cô Vũ Thị Nguyệt làm thơ bằng hai chân, bỡi tôi đánh vi tính chỉ bằng… 2 ngón tay, còn cô Nguyệt thì bằng 10 đầu ngón chân vì thế mới có câu thơ tôi đã viết tặng cô: Tôi làm thơ cả  hai tay/ Suốt đời lận đận, loay hoay không thành!

Vì những lý do trên, nếu để  cuộc thảo luận “Lễ hội thơ lục bát” ở cái "miền đất sang trọng như địa đàng" ấy, chắc chỉ có và bạn trẻ giỏi vi tính như múa, dạo qua dạo lại rồi dông tuốt! Chẳng được mấy bài về thảo luận, góp ý kiến cho một lễ hôi Lục Bát hoành tráng sắp khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Xin các những người thực hiện chuyên trang hãy đưa cuộc thảo luận ấy về “Bạn đọc với lucbat.com”.

Và, tôi hy vọng rằng bài viết của tôi cũng sẽ được đăng ở đó.

Đôi lời tâm sự thật lòng vì một Lễ hội Lục bát thành công ngoài mong đợi!

Trân trọng!

Tp HCM, 17.7.2009

Nguyễn Đình Trọng

Email: tucchip@vnn.vn

 

 ________________

 

Lời BT: Tiếp thu ý kiến góp ý của tác giả Nguyễn Đình Trọng, chúng tôi sẽ cho đăng những sáng kiến, đóng góp ý tưởng về Lễ hội Lục bát trên mục "Bạn đọc" ngay trên giao diện trang chủ của lucbat.com!

 

  Nên ghi nhận công sức của các Đại diện vùng miền! (Ngày 16/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng – Đại diện luc bat.com tại Thành phố Hồ Chí Minh  - Địa chỉ: SG - Điện thoại: (08) 38 123 789 - 01233 123 789 )

 

Kính gửi Ban Biên tập lucbat.com

Các tác giả và Bạn đọc lucbat.com thân mến!

 

Cho đến hôm nay (16.7.2009) các tác giả đăng ký tham gia xuất bản sách gây quỹ cho lucbat.com đã là 116 (LB mỗi ngày) và 68 (Chùm LB tự chọn). Với số lượng tác giả tham gia như vậy cũng tạm đủ để xuất bản 02 tuyển tập thơ lục bát đáng trân trọng, tuy còn rất nhiều bài thơ hay mà lần này chưa đưa được vào tập. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tập thơ đầu tiên, còn nhiều bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi. Việc biên tập và chỉnh lý các bài thơ cũng gần như đã hoàn tất.

 

Qua tham gia biên tập sách lucbat.com - 2009, tôi nhận thấy trong 18 đại diện các vùng miền – những tác giả đã góp nhiều công sức để làm nên trang Web hôm nay, mà những tập thơ đầu tiên của lucbat.com lại không có thơ của họ trong tuyển tập là một điều hơi buồn. Đó là một Đào Tấn Trực, giáo viên trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên – một nhà thơ đồng quê, có nhiều bài tham gia trang Web, rồi Trương Văn Vĩnh (Đà Nẵng), Đàm Thục Anh (Hải Phòng), Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam), Ngọc Trần (Tp.HCM) – tuy mới tham gia đại diện vùng miền nhưng bài vở của chị đã có mặt trên trang Web ngay từ đầu… Tất cả những đại diện các vùng miền đã sát cánh cùng Chủ nhiệm – nhà thơ Đặng Vương Hưng làm nên trang Web đồ sộ kỷ lục như hôm nay.

 

Vậy thì sao không đáng tuyên dương, ghi nhận những nỗ lực của họ? Trong đại diện các vùng miền có nhiều tác giả có hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ thực sự đã vượt lên chính mình như tác giả Nguyễn Hồng Công, tác giả Trần Hồng Giang… tinh thần đó thật đáng khâm phục! Để ghi nhận công việc của họ đã đóng góp cho trang Web, theo tôi, chúng ta nên đưa thơ họ vào tuyển tập LBMN - 2009, nhưng không nên thu kinh phí của họ đóng góp, mà ta tìm nguồn tài trợ khác bù vào. Nếu Ban Biên tập ủng hộ ý kiến tôi vừa đề xuất thì, “Ơ-rê-ca”! Tôi đã liên lạc tìm được nguồn tài trợ kinh phí cho việc đáp nghĩa này: Đó là một người phụ nữ trong ca dao Việt Nam

 

Nếu Ban Biên tập ưng thuận thì xin ghi tên “Người phụ nữ trong ca dao” ấy như sau: Bà Phan Thị Tám – một độc giả yêu thơ Lục Bát – ĐT: 0123 238 7070 – Xin ủng hộ 1.000.000 đ (Một triệu đồng) để xuất bản và tôn vinh thơ Lục bát.

 

Kính chúc Ban biên tập sức khoẻ!

Chào thân ái!

Nguyễn Đình Trọng

(Đại diện lucbat.com tại Tp. Hồ Chí Minh)

Điện thoại: 01233 123 789

Email: tucchip@vnn.vn

 

(Xin tò mò muốn hỏi một người phụ nữ xinh đẹp trong BBT có bút danh thật rực rỡ “Nước Lên Trời”: Câu ca dao có người phụ nữ ấy là câu nào? Đây có lẽ cũng là một đề tài trong Lễ Hội Lục Bát – 24.9.2009).

_____________

 

BBT Xin hoan nghênh sáng kiến và sự nhiệt tình, tâm huyết của tác giả Nguyễn Đình Trọng!

 

 

  Nhân đọc ý kiến "Lục bát không nên chỉ dân dã và dễ hiểu" (Ngày 15/7/2009 - Gửi bởi: Đinh Thường - Địa chỉ: thuonghuyen858@yahoo.com.vn - Điện thoại: 0912.242.998)
    

      Kính gửi: Ban Biên tập lucbat.com!

     Đọc bài "Lục bát không nên chỉ dân dã và dễ hiểu" của Nhà văn Nguyễn Ngọc Châu (Hải Phòng) đăng trong chuyên mục "Bạn đọc với Lucbat.com", mặc dầu là người làm thơ nghiệp dư, song tôi rất đồng cảm với ý kiến của Nhà văn.

     Mọi người đều hiểu rằng: lucbat.com là sân chơi không những của các tác giả đã thành danh mà còn là sân chơi của những người mới cầm bút và của đông bảo bạn đọc yêu thể thơ truyền thống của dân tộc. Tiêu chí của lucbat.com là giữ gìn và tôn vinh cái hay cái đẹp của thơ Lục bát trong thời @. Nó vừa mang giá trị truyền thống vừa phản ánh những vấn đề hiện đại. Cho nên  người sáng tác cũng luôn phải cố gắng để có những bài thơ hay, những câu thơ để đời và người đọc cũng phải cố gắng nâng cao khả năng cảm nhận.

     Một tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và một bài thơ nói riêng bao giờ cũng chứa đựng ít nhiều thông tin về người sáng tạo ra nó. Từ cái lớn như nhân sinh quan, thế giới quan đến những cái nhỏ chẳng hạn như vốn hiểu biết, nghề nghiệp, vùng miền... Thế thì vấn đề dễ hiểu cho tất cả bạn đọc của lucbat. com là điều rất khó.

     Từ suy nghĩ như trên, tôi xin đề nghị:

     - Với Ban Biên tập: Biên tập kỹ các tác phẩm trước khi cho đăng. Chỉ cho đăng những tác phẩm thật sự đạt yêu cầu. Tác phẩm không được đăng, BBT nên có ý kiến phản hồi chỉ rõ lý do để động viên người sáng tác cố gắng hơn. Khi sửa chữa một câu hay một từ (trừ những sai sót về chính tả, ngữ pháp) trong một bài thơ nào đó nếu có được sự trao đổi với tác giả hiệu quả sẽ cao hơn.

     - Với người sáng tác: Nên chú trọng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong các tác phẩm nếu có sử dụng các từ ngữ liên quan đến các tích xưa, các từ ngữ chuyên môn chưa phổ thông nên có chú thích để độc giả dễ cảm nhận.

     Xuất phát từ tấm lòng đối với thể thơ Lục bát, tôi xin có mấy lời chia sẻ với Nhà văn Nguyễn Ngọc Châu và bạn đọc.

     Kính chúc BBT mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt!

                                               Đinh Thường
                                           (ĐT: 0912.242.998)
 
  Lời cảm ơn từ Quản Bạ - Hà Giang (Ngày 13/7/2009 - Gửi bởi: Phạm Văn Tự - Trường THCS Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang  - Địa chỉ: HG - Điện thoại: 021.93846162 – 021.93846208)

Kính gửi: Ban biên tập Lucbat.com

Hôm nay tôi rất vui mừng và phấn khởi được Ban biên tập chọn đăng bài thơ "Bức tranh quê" trong chuyên mục "Lục bát mỗi ngày" đó là niềm tự hào về con người, cảnh vật của quê hương vùng cao Tam Sơn - Quản Bạ với "Vú Cô Tiên" mơ mộng... huyền ảo; có rượu Thanh Vân "chưa uống, chưa mời đã say..."; có chè Tùng Vài thơm mát cuộc đời; có hồng ngon Nghĩa Thuận cùng với mùi hương thảo quả và hang động Khố Mỷ làm say đắm lòng người... Tất cả những điều đó thiên nhiên đã ban tặng cho con người vùng cao "đất cằn lắm đá nhiều ngô" từ đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch sinh thái vùng cao trong cuộc sống của con người hôm nay và muôn đời sau!

Là một nhà giáo quê ở miền xuôi quê lúa Thái Bình, đã gắn bó với sự nghiệp "trồng người" của vùng cao 33 năm "đường xa chân mỏi bao điều mộng mơ..." nhưng thật đáng trân trọng, tự hào với cái tâm của người thầy cùng với những vần thơ mộc mạc... đã được sự quan tâm đặc biệt của Ban biên tập  đăng tải trên trang Lucbat.com. Tự đáy lòng mình tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm và động viên vô bờ bến của Ban biên tập. Và xin kính chúc chúc các bác, các anh... luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, luôn là điểm tựa tiền tiêu để chắp cánh cho Lucbat.com ngày càng "đổi mới", bay xa... bay cao và mãi mãi trường tồn....

Nhân dịp này xin nhờ Ban biên tập sửa lại câu thơ thứ 2 (từ dưới lên) trong bài thơ trên là: "Say đi... say mãi... say rồi" để cho đúng với bản thảo mà tôi đã gửi. (Nếu có gì sơ xuất mong Ban biên tập lượng thứ).

Đồng thời, cũng đề nghị Ban biên tập đăng  bài thơ "Bức tranh quê" thay cho bài "Thầy giáo vùng cao" trong tập thơ "Lục bát mỗi ngày".

Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Ban biên tập Lucbat.com.

            Kính thư!

Phạm Văn Tự

Email: thcsts@gmại.com

         __________________

 

Lời Biên tập:

Lucbat.com cảm ơn những tình cảm của một nhà giáo miền xuôi tình nguyện lên "trồng người" tại miền đất Hà Giang xa xôi đã dành cho trang web.

Chúng tôi đã kịp thời sửa sai chữ "say" ở câu áp chót bài thơ, Và đã lấy bài thơ "Bức tranh quê" của bạn đã thay cho bài thơ "Thầy giáo vùng cao", như chúng tôi đã liên lạc trao đổi với bạn khi bài thơ vừa ra mắt bạn đọc.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!

                                         Lucbat.com

 

  HỘP THƯ CỘNG TÁC SỐ 1 (Ngày 13/7/2009 - Gửi bởi: Nhóm Thường trực Biên tập - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0904486899)

     Từ 06/7 đến 12/07/2009, Hộp thư lucbat.com đã nhận được thư, bài của các tác giả theo các mục sau:

 

     1. Lục bát mỗi ngày: Nguyễn Văn Tài, Hồ Thế Phất, Nguyễn Đình Trọng, Nguyễn Đăng Kiên, Dương Thành Thái, Trần Vân Hạc, Trần Lan Hương, Nguyễn Đức Huy, Phan Thành Minh, Nguyễn Lam Ngọc, Trần Lan Hương, Phan Văn Nhớ, Đậu Phi Hùng, Nguyễn Quang Lục, Ngọc Minh, Nguyễn Đào Trường, Mai Hữu Phước, Nguyễn Quang Huỳnh, Tô Đình Tuấn, Nguyễn Văn Vương, Nguyễn Đức Tiên, Ngô Đình Miên, Y Nhiên, Lê Bá Duy.

 

     2. Chùm lục bát: Nguyễn Long, Trần Kim Lan, Cao Trần Nguyên, Dương Phượng Toại, Nguyễn Khuyến, Trần Thế Vinh, Thạch Đờ Ni.

 

     3. Lục bát dự thi: Đỗ Văn Ngung, Lưu Thế Quyền, Nguyễn Đại Đoàn, Trần Vân Hạc, Phạm Ánh Sao, Nguyễn Hường, Phan Trọng Hào, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phan Thị Thu Thảo, Đỗ Đình Tuân, Trần Nguyễn Dạ Lan.

 

     Trân trọng cảm ơn sự cộng tác của các tác giả!

Đàm Thục Anh

(ĐT: 0904 486 899)

 

  Là thơ "vay mượn" thì nên thế nào? (Ngày 11/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Ngọc Lam - XãTrừ Văn Thố, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương - Địa chỉ: Bình Dương - Điện thoại: 0984 867 217)

            Kính gửi: Ban biên tập lucbat.com

Tôi vừa đọc được bài bình phẩm của tác giả Từ Ngọc với bài thơ Từ thuở nằm nôi của tôi.

Thật sự là tôi rất vui, nhưng vì không muốn phá vỡ cảm xúc của tác giả Từ Ngọc, và hơn nữa bài thơ sẽ được đăng trong tập Lục bát tự chọn nên tôi xin có lời đính chính, câu thơ Yêu em từ thuở nằm nôi, mẹ em đi chợ anh ngồi anh ru là một câu ca dao mà tôi tìm thấy trong quyển sách Ca dao Việt Nam dịch sang tiếng Anh của ba tôi Nguyễn Xuân Khoa (chưa xuất bản, mặc dù ba tôi đã mất 33 năm).

Trong một bài thơ, nếu "vay mượn" câu thơ thì cần phải chú thích tên tác giả, nhưng khi không chú thích tên (mặc dù được đóng trong ngoặc kép) thì mặc nhiên là ca dao. Có lẽ do chủ quan mà tôi đã không chú thích rõ ràng và đưa đến ngộ nhận. Những gì không phải là của mình thì cần phải trả lại, nên tôi phải gửi đến BBT thư này. Cũng như câu Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ người áo vải khăn điều vắt vai, đây là câu ca dao tôi được nghe hát ru từ năm 9 tuổi.

Tình yêu trong thơ ca thì rất bay bổng vì xuất phát từ sự lãng mạn, nên khi tâm trạng phù hợp với ca dao thì mình vay mượn và phong phú hóa. Với một tác phẩm (nói chung) thì mọi người đều có cách hiểu riêng, và dĩ nhiên bao giờ tác giả cũng trân trọng ý kiến đó.

Tác giả Từ Ngọc đã sửa 03 câu thơ của tôi, rất hay, nhưng đó là "công trình" của tác giả Từ Ngọc, vì vậy sau này nếu xuất bản tập thơ tôi cũng sẽ giữ nguyên mẫu của mình. Không phải tôi cố chấp, nhưng sự thật cái hay đó là do công lao động của người khác. Quan điểm của tôi là vậy, hy vọng sẽ được mọi người hiểu đúng về mình.

Thư đã quá dài, xin dừng bút. Chúc các anh chị trong BBT luôn luôn dồi dào sức khỏe để gánh vác những trọng trách do lòng tự nguyện, thật đáng khâm phục!

Thân chào.

Nguyễn Ngọc Lam

ĐT: 0984 867 217

 

  Gửi người vợ yêu nơi xa... (Ngày 7/7/2009 - Gửi bởi: Vũ Năng Nghĩa - 86/189 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội - Địa chỉ: HN - Điện thoại: 01223668868)

 

Cũng băng đi một thời gian bộn bề đối mặt với cuộc sống mà tình yêu của tôi dành cho thơ phải xếp lại trong tim. Hôm nay, thật ngẫu nhiên, giữa lúc căng thẳng nhất để chuẩn bị đối phó với những khó khăn mới, thì tôi lại có được sự động viên kịp thời của thi ca - lục bát.

Những hình ảnh làm tôi nhớ tới những kỷ niệm đã qua, và đây cũng chính là tâm sự của tôi với người vợ yêu của tôi đang phải làm việc xa tôi tới hàng chục giờ bay...

 

GỬI EM YÊU

 

Em đừng buồn nhé em yêu

Xa nhau cũng để mọi điều tốt thôi

Phượng ơi, Cúc rực sắc rồi

Qua mùa hoa sữa, đất trời lại Xuân

Mình xa, xa để mãi gần

Một lần xa cách, muôn lần nhớ mong

Sông Hồng khi đục khi trong

Hồ Tây còn mãi chờ mong chiều về

Yên Phụ dọc suốt bờ đê

Trải dài nỗi nhớ dồn về Hồ Gươm

Vọng đâu tiếng trống tan trường

Giật mình anh ngỡ bên đường là em

 

Vũ Năng Nghĩa

(Email: nghia_hd77@yahoo.com)

 

  Lục bát không nên chỉ dân dã và dễ hiểu (Ngày 2/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Ngọc Châu - 312 Lê Thánh Tông, Hải Phòng - Địa chỉ: Hải Phòng - Điện thoại: 01269284620)

Tôi rất vui từ khi biết có Lucbat.com. Tôi vốn là nhà văn, dịch giả, còn thơ thì ít khi viết có lẽ vì trong một thời gian dài người ta có vẻ chuộng và ngợi ca những kiểu thơ cách tân. Nói chung, khi đọc những bài thơ ấy, tôi thường phải căng đầu óc lên để hiểu và rồi sau đó quên ngay, kể cả những bài thơ của các nhà thơ tên tuổi mà tôi có vinh dự được các anh ấy tặng vì quen biết từ lâu như Mai Văn Phấn, Thi Hoàng… Tôi buồn vì nghĩ rằng cái hồn thơ ngày xưa tôi đã có chắc là chết hẳn rồi vì hình như thời bây giờ người ta cho nó là thứ đồ cổ rất ít niên kỉ, có nghĩa là chẳng còn giá trị gì nữa.

Một lần ngồi trên trại sáng tác Đại Lải, tôi cố giở những bài thơ trên khắp thế giới (do Mai văn Phấn copy vào chiếc máy tính mà tôi cho Thi Hoàng mượn, sau đó anh ấy trả lại tôi). Tôi có mấy điều kinh ngạc như sau:

- Với hàng vài chục ngàn bài thơ của cả Âu, Á, Mĩ, Úc, Mĩ latinh... mà sao mình chỉ có thể khoái được độ chục bài là cùng.

- Mới đầu, nghe tên dịch giả tôi hơi hoảng vì có những dịch giả dịch nhiều không thể tưởng tượng được, trong khi ngày xưa tôi đã dịch một số bài thơ sang lục bát và các thể thơ Việt Nam khác mà saothấy khó thế, naò là phải hiểu được đúng cái thần của người ta, nào là chuyển đạt ngôn ngữ sao cho vần điệu, không được phạm một qui định nào về niêm luật khi đã chọn thể thơ chuyển dịch. Rồi một ý nghĩ “phạm thượng” chợt nẩy sinh trong đầu tôi: "Dịch thơ bây giờ quá dễ, hệt như dịch các bài báo, một ngày mình cũng có thể dịch được khoảng chục trang là ít". May sao ý nghĩ ấy được Thi Hoàng ủng hộ, anh ấy khẳng định "Không chỉ dịch dễ mà làm ra những bài thơ như vậy cũng dễ".

Tôi đã định không ngó ngàng đến thi đàn nữa thì chợt gặp Lụcbat.Com. và cũng như mọi người, đều phải thốt ra lời cám ơn những người đã tạo dựng một sân chơi để chúng ta có thể tôn vinh cái đẹp, cái hay của thể thơ đặc thù của người Việt chúng mình.

Tôi chỉ muốn đưa ra một góp ý sau: Không nhất thiết coi thơ Lục bát phải là cái gì đó dân dã, dễ hiểu cho tất cả mọi người (vì không cần tôn chỉ đó thì bản thân thể thơ này đã có được những đặc tính ấy rồi). Tôi muốn thơ lục bát của người Việt mình ngoài điều ấy ra còn đạt được tới tầm cao tư tưởng không kém một thể thơ hiện đại nào khác. Trong bài thơ "Tơ nhện" tôi gửi đến thì BBT có đề nghị sửa từ "sát na", vì sợ rằng nó khó hiểu với người đọc. Tôi chấp nhận sửa nhưng có áy náy trong lòng vì nghĩ rằng có nhiều người đọc hiểu được từ đó. Vừa rồi tôi gửi bài "Hố đen" xong lại chợt nghĩ nếu cũng theo tiêu chí trên thì có thể nhiều người không hiểu được "hố đen vũ trụ” là gì. Có thể người ta lại hiểu theo một nghĩa dung tục là "hố đen của đàn bà" thì rất dở. Vì có những băn khoăn như vậy nên tôi viết những dòng này gửi tới BBT và bạn đọc, mong có được một quan điểm chung nào đó.

Mong nhận được hồi âm của bạn đọc gần xa.

                                    Nguyễn Ngọc Châu

                                   (ĐT: 01269 284 620)

 

  Nên có hộp thư cộng tác (Ngày 24/6/2009 - Gửi bởi: Phan Văn Nhớ- Cục Chính trị Quân đoàn 4 - Địa chỉ: Cục Chính trị Quân đoàn 4 - Điện thoại: 0982696525 - (08) 3 37101337)

Kính chào các anh chị Ban biên tập website lucbat.com!

Tôi có xin ý kiến nhỏ thế này: Nên thêm mục dạng như “Hộp thư cộng tác” (được cập nhật hàng ngày, hoặc hàng tuần) để thông tin đến bạn đọc - nhất là những người gởi tin, bài... mà lucbat.com nhận được trong ngày, hoặc trong tuần. Như vậy, những người có gởi tin bài về lucbat.com sẽ yên tâm hơn khi biết tin, bài của mình đã đến được với Ban biên tập.

Kính chúc các anh chị mạnh khỏe, vui, và hạnh phúc

Chúc trang web của chúng ta luôn mới, luôn hấp dẫn...!

Trân trọng!

                                       Phan Văn Nhớ

                                    (ĐT: 0982696525)

 

Lời BT: Cảm ơn tác giả Phan Văn Nhớ đã góp ý.

Chúng tôi sẽ cố gắng thông báo sự cộng tác của các tác giả ít nhất mỗi tuần một lần, vào ngày thứ 7, hoặc Chủ nhật, trong mục "Bạn đọc với lucbat.com".

Trân trọng.

                                        Lụcbat.com

 

Trước tiên Trước Trang [589, 590 ,591 ,592 ,593 ,594 ,595 ,596 ,597 ,598 ,599 ,600 ] Tiếp  Cuối cùng