Thứ sáu, 22/11/2024,


Hiện tượng vè hóa, văn xuôi hóa và cũ hóa thơ… cần báo động (07/10/2011) 
Khi đánh giá về ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tác giả đã đẩy ngôn ngữ bình dân lên ngôn ngữ bác học. Nhận định này đã gián tiếp phân cấp ngôn ngữ ca dao hò vè với ngôn ngữ thơ. Tức là thơ cao hơn ca dao bình dân. Đó là một điểm rất đáng chú ý trong việc phân biệt thơ với các thể loại văn vần hay văn xuôi, từ, phú mà dân gian vẫn thường sử dụng. Như ta đều biết, thơ được xây dựng bằng một thứ “ngôn ngữ lạ hóa” mà nhà nghiên cứu Phan Ngọc còn gọi là “ngôn ngữ quái đản” đã phát triển ở giai đoạn cao, chứa đựng các đặc tính không thể thiếu, đó là nhạc điệu, truyền cảm, hàm súc và giàu tính biểu tượng.
 
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát biểu tham luận "Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại
- nhìn từ miền Trung" sáng 08/10/2011 tại Thanh Hóa.
 Ảnh: Lãng Ma (Lucbat.com)
 
Nhưng thời đại thông tin công nghệ phát triển hiện nay, sự ngộ nhận về thơ xuất hiện nhan nhản trên thế giới ảo (và cả trên những bản in giấy), không những ít được các nhà phê bình chỉ ra bản chất thật giả của thơ mà còn được các cư dân mạng kém hiểu biết về nghệ thuật này tung hứng chia sẻ không tiếc lời. Chính vì thế mà sự ngộ nhận về thơ ngày càng gia tăng hơn bao giờ hết.
Một nguy cơ nữa là thị hiếu độc giả thơ ngày càng ngả dần về nhu cầu giải trí, ngại đọc loại thơ cao siêu bác học mà ưa thích một tinh thần ngộ nghĩnh đùa tếu kiểu dân gian, nên các loại thơ-vè phát triển rầm rộ như nấm sau mưa. Ta dễ dàng nhận thấy nhiều bài thơ-vè được truyền tụng và được đón nhận vô cùng nồng nhiệt:
Xưa kia da sắt mình đồng
Nói năng hoa mỹ, như rồng phun mưa
Bây giờ như cải muối dưa
Bao nhiêu thần dược vẫn chưa ngóc đầu
Cuộc đời chìm nổi bể dâu
Từ “oanh” đến “liệt” gần nhau thôi mà
Nay mai về với ông bà
Ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân!
Hoặc:
Sáu mươi là tuổi dậy thì
Bảy mươi là tuổi bước đi vào đời
Tám mươi là tuổi ăn chơi
Chín mươi tuổi mới ngước trời xem sao
Một trăm tuổi vẫy tay chào
Các em ở lại, anh vào website…
Phải nói, những bài thơ-vè đùa tếu như thế là khá xuất sắc. Nhưng phải chăng đó là thơ? Có lẽ những người làm thơ, hay người yêu thơ đích thực không ai nghĩ thơ là như thế. Đó là một hiện tượng xâm thực thơ, đi ngược lại sự phát triển của nghệ thuật thơ. Dưới đây, tôi xin đơn cử một số hiện tượng xâm thực thơ cần báo động trong nền thơ của chúng ta hiện nay.
1. HIỆN TƯỢNG “VÈ HÓA THƠ”
Có lẽ “trường phái thơ Bút Tre” đã tạo được hiệu quả mạnh mẽ vài ba chục năm nay. Tôi còn nhớ năm 1984 đi cùng nhạc sĩ Văn Cao qua Vĩnh Phúc gặp nhà thơ Bút Tre, Nguyễn Thụy Kha nói “trường phái Bút Tre địch được trường phái Bùi Giáng trong nam”. Nay nhìn lại thì thấy trường phái Bút Tre không những “địch đươc” mà còn đang thắng thế. Thật vậy, làng thơ hôm nay không chỉ có Bút Tre mà còn có cả Hậu Bút Tre: Bút Tre Trẻ, Bút Tre Xanh, Bút Tre Non, Bút Nứa, Bút Sậy, Bút Luồng, v.v…Trường phái này được nồng nhiệt đón nhận và ca ngợi không tiếc lời:
Tham quan, du lịch, nghỉ hè
Thơ văn trường phái Bút Tre đứng đầu.
Và khẳng định:
Bao nhiêu Bút Sắt mòn rồi
Hôm nay còn mãi với đời Bút Tre…
Vẫn biết văn học dân gian vô cùng đa dạng và thông mình, hóm hỉnh, nhưng văn học dân gian và văn học viết là hai phạm trù khác nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Dù có tạo ra những ảnh hưởng không dễ phân biệt, nhưng không bao giờ chúng chồng khít lên nhau. Bởi văn học dân gian sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ “thực dụng”, còn văn học viết sử dụng ngôn ngữ miêu tả và kể chuyện trong văn xuôi, hay ngôn ngữ “lạ hóa” trong thơ.
Điều dễ thấy hiện nay là ngôn ngữ thực dụng đang lấn át, xâm thực thơ không thương tiếc, nó hăm hở biến thơ thành hò vè hay văn xuôi có vần.
Nhà chị công nhân
Nửa tôn nửa ngói
Nhà mẹ anh hùng
Nghĩa tình xây mới…
Những loại thơ như thế, nó kéo thơ xuống với ngôn ngữ quần chúng bình dân mà hơn nửa thế kỷ trước các nhà thơ đã thi đua “lột mình” phục vụ đại chúng, để rồi sau đó nhiều người thức tỉnh với nhóm “nhân văn giai phẩm” nhằm làm một cuộc cách mạng thơ… bất thành vì những định kiến chính trị. Riêng điều này thì nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn lại sớm nhận ra, và họ cũng đã có một số đóng góp nhất định để đẩy lùi dần ngôn ngữ thơ thực dụng nhan nhản một thời. Đó là sự trả giá cho những non nớt trong quan niệm nghệ thuật phục vụ chính trị theo hướng đại chúng.
Ngày nay, những người thơ đích thực không còn ấu trĩ như xưa, nhưng chính đời sống dồn nén của kinh tế thị trường nửa mùa đã khiến đại bộ phận công chúng lơ là thơ phú, và thị hiếu của họ bị bào mòn, chai cứng với thơ, nảy ra nhu cầu giải trí “mì ăn liền”, khiến không ít nhà thơ hạ mình mua tiếng vỗ tay giá rẻ. Còn những “nhà thơ nghiệp dư” viết thơ theo cảm tính thì ngộ nhận giữa thơ và vè, cũng góp một phần không nhỏ vào công cuộc “vè hóa thơ” trên khắp thi đàn. Vì thế mà cánh đồng thơ cỏ nhiều hơn lúa, cỏ lấn át lúa, cỏ đè bẹp lúa để mang về cho thơ một mùa thơ-vè cỏ dại… Tôi có thể dẫn ra nhiều bài thơ-vè, nhiều tập thơ-vè… nhưng có thể không dẫn ra thì nhiều người cũng đã biết. Vấn đề quan trọng là chúng ta, cả người làm thơ và người đọc thơ phải ý thức sâu sắc rằng, nguy cơ “vè hóa thơ” đã và đang diễn ra với một cường độ mạnh, cực mạnh rất đáng báo động.
2. HIỆN TƯỢNG “VĂN XUÔI HÓA THƠ”
Không kể thời tiền sử sáng tạo ra lối kể chuyện thơ, thì thơ văn xuôi đã xuất hiện từ thế kỷ XIX ở phương Tây. Mãi đến cuối thế kỷ XX, câu chuyện thơ văn xuôi vẫn còn được tranh cãi nảy lửa. Theo một ý kiến được ủng hộ của Jean Claude thì “Bài thơ văn xuôi được cô đúc bởi đối tượng hỗn hợp và bất xác tín của ngôn ngữ thơ, trong khi đó, văn xuôi biến đổi đối tượng tiềm tàng (cô đúc) của nó để đặt nó vào cái thực tại hỗn hợp. Thơ xóa sạch mọi dấu vết hay dấu mốc nhận dạng, trong khi văn xuôi, ngược lại, nhân chúng lên gấp bội, bắt ốc vít bù loong chúng vào nhau thật chắc”. Nghe có vẻ phức tạp thế, nhưng cũng không khó hiểu, bởi thơ có đặc trưng của thơ và văn xuôi có đặc trưng của văn xuôi. Phân biệt các lãnh địa này, nhà ngôn ngữ Nguyễn Phan Cảnh cũng viết: “Tạo hình chủ yếu là vương quốc của văn xuôi nhưng có một khoảng trời giành riêng cho sử thi và thơ ứng dụng, còn biểu hiện, trước hết là lãnh địa của thơ nhưng lại cắt một phần đất cho văn xuôi trữ tình”.
Tôi đồ rằng nhiều nhà thơ “hiện đại” của ta chưa hiểu thấu điều đó, nhưng đã vội vàng nhảy vào thơ văn xuôi với những trường phái tân hình thức, hậu hiện đại của Tây của Mỹ nên đã mang đến một hậu họa cho thơ mà lại ngộ nhận rằng, mình đang song hành cùng thơ đỉnh cao thế giới. Tôi đã đọc nhiều thơ văn xuôi của các nhà thơ ta cả trẻ lẫn già, và tôi thử nối lại các xuống dòng, thì thấy hầu hết đều là văn xuôi chứ không phải thơ, thậm chí lại còn lủng củng hơn cả văn xuôi. Ví dụ một đoạn thơ, tình cờ tôi mở ra trên bàn viết: “Anh bế em lên như bế cả con sông Hồng phù sa trần truồng tràn ra biển lớn một mùa màng phì nhiêu còng bóng mẹ gieo gặt. Những vì sao thiên hà rơi đầy mắt em mắt anh ướt lòe ánh sáng xua bóng đêm đè xuống vai ta rần rần châu thổ. Anh đi đây những thiên hà đang vẫy gọi anh…”.
Với lối nói ngoa ngôn mê sảng như vậy, nhà thơ có thể giết chết cả ngàn trang giấy mà chả biết để làm gì. Nhiều nhà thơ trẻ, nhà thơ già cũng đã được phủ dụ, ru ngủ bằng những trang văn xuôi như vậy mà tưởng mình là tiên phong thi sĩ . Ở đây phải tỉnh táo mà nhận ra rằng, văn xuôi đang xâm thực thơ vô tội vạ. Đó chính là hành động “văn xuôi hóa thơ” hiệu quả nhất.
Không ai bắt mọi nhà thơ Việt đều phải viết thơ lục bát, dù lục bát là một thể thơ đã thấm vào hồn cốt dân tộc Việt. Nhưng làm được một câu thơ lục bát cho đúng vần đúng điệu đối với một số nhà thơ là không phải dễ, chứ chưa nói đến việc làm một câu lục bát hay để đời. Ngược lại, không phải nhà thơ nào cũng làm được thơ văn xuôi hiện đại, hậu hiện đại ngoa ngôn mê sảng như không ít người thiêu thân vào loại thơ này trên thi đàn nhân danh cách tân đổi mới. Nói vậy, tôi không nhằm phán xét những bài thơ văn xuôi hay hay dở, mà muốn cùng các nhà thơ nhận chân bản chất của thơ dù nó thuộc trường phái nào, cổ điển hay hậu cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại; đồng thời cũng báo động cho những ai đang đeo đuổi loại hình thơ văn xuôi hãy cảnh giác với sự dễ dãi, phô trương hình thức. Thực ra các thể loại, các trường phái không có tội, mà tội lớn là sự thiếu hiểu biết, sự ngộ nhận non nớt của nhà thơ trước ma trận của cái mới luôn mai phục ở phía trước.
3. HIỆN TƯỢNG “CŨ HÓA THƠ”
Năm 1990, trong một cuộc trò chuyện tâm đắc với nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến về thơ, anh có một nhận định vô cùng bất ngờ thú vị đối với tôi: “Thơ trước hết phải mang tới một cái gì khác cổ điển (trước nó), nhưng chỉ có khác thì khó đọc, mà chỉ có cổ điển thì đọc thấy nó tẻ. Thơ nào đọc thấy khang khác mà vẫn phảng phất cổ điển thì đấy là thơ đích thực mang tới giá trị mới. Nhưng cái khác ở thơ thật khó giải thích rõ ràng, có khi người ta chỉ cảm được nó mà thôi”.
Tôi nghĩ, nhận định của anh Hoàng Ngọc Hiến là rất thận trọng và mới mẻ. Giới nghiên cứu, phê bình chưa thấy ai nói thế. Người làm thơ chắc cũng ý thức mơ hồ về điều đó, nhưng đến khi nghe anh Hiến nói thì mới ngẫm lại mình, và thấy đó là một nhận định thật sáng giá.
Có một thực tế là những nhà thơ cách tân thường chạy theo cái mới, cái lạ, cái độc đáo chưa từng có, như muốn cắt đứt với quá khứ. Nhưng nghệ thuật lại có ký ức của nó. Ngay cả khi anh muốn làm một cuộc bạo động chữ thì cũng không thể cắt đứt với ký ức ngôn ngữ của chính nó. Còn khi anh đã cắt đứt hoàn toàn với ký ức nghệ thuật thì chính anh sẽ rơi vào khoảng chân không, xa rời ký ức của con người, và như vậy thì chỉ tạo ra những tác phẩm hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Đó chính là sự thất bại mà nhiều nhà cách tân cực đoan đã mắc phải.
Ngược lại, nhiều nhà thơ lại chỉ viết theo bản năng mà ít chú trọng đến sự nghiền ngẫm về văn hóa thơ quá khứ và hiện tại của nhân loại, nên cái anh tưởng là mới lạ lại hóa ra thành cũ kỹ đến sáo mòn. Đó là căn bệnh phổ biến của thơ ta gần đây. Nhan nhản những tập thơ vô thưởng vô phạt xuất hiện trong các giải thưởng, trên quầy sách, trên bàn thờ tổ tiên hay trên những trang mạng cá nhân. Đó là thứ thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ rích, tưởng như vừa khai quật trong bãi thải của quên lãng. Có người biết điều đó, và họ khẳng định họ không làm thơ mà chỉ ghi lại những cảm xúc cá nhân, in ra làm kỷ niệm. Nhưng cũng không ít người say mê với nó và tưởng mình không thua gì Nguyễn Bính, Xuân Hương khi được một số độc giả khen vuốt ve trên mạng ảo…Đối tượng này nhiều vô kể, thậm chí có thể che lấp cả những giá trị thơ đích thực không phải lúc nào cũng có. Đây cũng là nguyên nhân xói mòn giá trị của thơ, khi nó trở thành hiện tượng “cũ hóa thơ”.
Tóm lại, những hiện tượng xâm thực thơ như đã kể trên là hoàn toàn có thật, nó đang diễn ra hàng ngày chung quanh ta. Đó là những hiện tượng ăn lấn, xói mòn và hủy hoại sự phát triển của thơ trong một thời đại mà “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” rầm rộ khắp hang cùng ngõ hẻm. Để thay cho lời kết, tôi xin dẫn hai câu lục bát của “Hậu Bút Tre” Bảo Sinh, cũng là tâm trạng của tôi khi viết bài này:
Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?
Hà Nội, 9.2011
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn xuân Ngọc - NgocNx1939@gmail.com - 0377225720 - Hiệp sơn kinh Môn,Hải Dương  (Ngày 11/09/2020 4:38:30)

ÔNG ẤY NHÀ THƠ

Đêm nằm tôi nghĩ ngẩn ngơ
Nhà thơ thuở trước bây giờ đi đâu? !
Nhà thơ nay xếp chật tầu
Mà tìm khó thấy một câu để đời

Xuân Ngọc

  Phan ThịThanh Minh - phanthithanhminhhn!@gmail.com -  o4.38584445 + 01688 - Nhà 12--Tổ 41 Khương Trung,T.Xuân,Hà Nội  (Ngày 19/10/2011 12:07:59)

Rất hoan nghênh bài viết của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Tôi có hai bài thơ thay lời.Tôi buồn nhất là cứ phải đọc các bài
thơ lủng củng vô bổ đăng nhìều trên các báo và có người bốc thơm
ca ngợi dủ điều. Tôi có đôi câu đối cảm nghĩ về thơ:

CÂU CHỮ VIẾT RA NHƯ KHÓC NHƯ THAN ĐƯỢC NGHĨA ĐƯỢC TÌNH RI(ĐÂY)HẴN PHÚ
NGÔN TỪ GHI LẠI VỪA KHOAN VỪA NHẶT CÓ VẦN CÓ ĐIỆU RỨA (ĐÓ)LÀ THƠ.

Và có hai bài thơ thay lời:

THẨM ĐỊNH THƠ

Thơ gì khó đọc quá văn xuôi
Ca ngợi rùm beng rõ quá lời
Không nhịp không vần câu khó hiểu
vô duyên vô nghĩa ý lôi thôi
Văn từ lủng củng khen rằng mới
Vần luật chỉnh nghiêm bảo cũ rồi
Cứ viết đăng hoài thơ mới ấy
Liệu còn năm tháng để thơ trôi.

ĐỘC GIẢ THƠ

Tiên sinh lần lượt xa rồi
Người sau đang tới biết thời những ai
Nghĩ về thơ trở trăn hoài
Không vần khó đọc hơn bài văn xuôi
Đọc,nghe muốn thuộc thơ người
Trúc trắc,trục trặc -Chán đời cho thơ!

PHAN THỊ THANH MINH
Bút danh: Nhật Nguyệt,Lộc Điền
Điện thoại: 04.38584445 + 01688.710142
Email: phanthithanhminhhn@gmail.com
Địa chỉ:Nhà 12,ngõ 245,Tổ 41,Khương Trung Thanh Xuân,
Hà Nội

  Phan ThịThanh Minh - phanthithanhminhhn!@gmail.com -  o4.38584445 + 01688 - Nhà 12--Tổ 41 Khương Trung,T.Xuân,Hà Nội  (Ngày 19/10/2011 12:07:05)



Rất hoan nghênh bài viết của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Tôi có hai bài thơ thay lời.Tôi buồn nhất là cứ phải đọc các bài
thơ lủng củng vô bổ đăng nhìều trên các báo và có người bốc thơm
ca ngợi dủ điều. Tôi có đôi câu đối cảm nghĩ về thơ:

CÂU CHỮ VIẾT RA NHƯ KHÓC NHƯ THAN ĐƯỢC NGHĨA ĐƯỢC TÌNH RI(ĐÂY)HẴN PHÚ
NGÔN TỪ GHI LẠI VỪA KHOAN VỪA NHẶT CÓ VẦN CÓ ĐIỆU RỨA (ĐÓ)LÀ THƠ.

Và có hai bài thơ thay lời:


THẨM ĐỊNH THƠ

Thơ gì khó đọc quá văn xuôi
Ca ngợi rùm beng rõ quá lời
Không nhịp không vần câu khó hiểu
vô duyên vô nghĩa ý lôi thôi
Văn từ lủng củng khen rằng mới
Vần luật chỉnh nghiêm bảo cũ rồi
Cứ viết đăng hoài thơ mới ấy
Liệu còn năm tháng để thơ trôi.

ĐỘC GIẢ THƠ

Tiên sinh lần lượt xa rồi
Người sau đang tới biết thời những ai
Nghĩ về thơ trở trăn hoài
Không vần khó đọc hơn bài văn xuôi
Đọc,nghe muốn thuộc thơ người
Trúc trắc,trục trặc -Chán đời cho thơ!

PHAN THỊ THANH MINH
Bút danh: Nhật Nguyệt,Lộc Điền
Điện thoại: 04.38584445 + 01688.710142
Email: phanthithanhminhhn@gmail.com
Địa chỉ:Nhà 12,ngõ 245,Tổ 41,Khương Trung Thanh Xuân,
Hà Nội

  nguyentrongtao - nguyentrongtao@gmail.com -  - Hà Nội  (Ngày 16/10/2011 8:34:19)

Cám ơn 2 bạn đã có ý kiến nhân bài phát biểu của tôi tại Hội thảo Thơ ở Sầm Sơn.
Những băn khoăn của các bạn là rất đúng về thực trạng thơ hiện nay. Nó đang bị lạm dụng hoặc bị xa lánh vì những nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, không nên chủ quan về sự hiểu biết hay sở thích của mình về thơ.
Trong bài viết trên, tôi muốn mọi người phân biệt thơ với các loại thể khác như vè, văn xuôi... nhằm tăng cường "chất thơ" cho thơ. Cũng là cất lên tiếng nói bảo vệ thơ mà thôi.
Chính các bạn cũng nói, nhiều người chỉ thích món bình dân, chối với thơ tìm tòi cái mới. Đó là quyền của họ, nhưng số này đông lắm...
Ngay nhiều "cụ" cũng không học về thơ, nên không thể lấy tuổi tác để thay cho tri thức, mà lại là loại tri thức thượng tầng.
Tóm lại, đó là một thực trạng buồn, và mọi người cần làm cho tình hình tốt hơn, vui hơn bằng cách nâng cao dần dân trí thơ.

NTT

  Nguyễn Khắc Kình - Lynguyenlien1946@yahoo.com - 0904323633 - Số 17/4 Phố Ao Sen- Hà Đông- Hà Nội  (Ngày 07/10/2011 18:01:57)

Chào Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo!Tôi đã đọc bài của Anh trên diễn đàn Lục bát xưa và nay.Trước khi nói về văn chương, tôi muốn hỏi Anh một câu hỏi thuộc về đời sống tiêu dùng , đó là: - Anh cho biết hàng hóa chất lượng kém có phải là hàng Giả không?Nếu là hàng Giả thì phải xử lý theo pháp luật như thế nào? - Câu hỏi này , nếu Anh muốn biết đầy đủ thì phải liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam! Thưa Anh!
Thơ xuất hiện hàng ngày trên "thị trường" cũng là một thứ " hàng" đấy Anh a! Đã là hàng hóa thì mãi mãi, đương nhiên có hàng Thật, hàng Giả!Ta có khẩu hiệu : Kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái...Nhưng hình như càng chống nó càng xuất hiện với những thủ đoạn tinh vi hơn! Ta chỉ nên nói là : Hạn chế hàng Giả, hàng Nhái thôi, như ta nói : Hạn chế tác hại của Thiên tai chứ đừng nói : Chống thiên tai thắng lợi mà duy ý trí đấy!
Trở lại "hàng hoá Thơ" của lĩnh vực Văn chương, ta phải khẳng định với nhau rằng: " Người người làm Thơ, nhà nhà xuất bản Thơ"nói chung lat điều không đáng phê phán vì mục đích của những tác giả thơ ấy( Cả tác giả không chuyên và chuyên!)là muốn bộc bach tâm tư , tình cảm của mình với non sông đất nước với gia đình, bè bạn và có khi cả với Đảng, Bác nữa cơ mà?...Các tác giả ấy, những mong có những bài thơ hay, tâm huyết, bất hủ...nhưng trình độ mọi mặt hạn chế nên làm thơ lục bát thì thành diễn ca, làm thơ thì thành Vè, làm thơ văn xuôi thì thành văn xuôi lủng củng...Đấy là về hình thức, còn nnoij dung gửi gấm thì phần lớn là " Trực tuyến" - thẳng ruột ngựa, biết gì viết nấy, nghĩ gì viết nấy không trải truốt, hình tượng gì ...Ấy vậy mà tại các Câu lạc bộ Thơ ở các Xã, ở Phường Thơ kiểu ấy được đọc , bình phẩm, thưởng thức thâu đêm suốt sáng đấy Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo a! Mà có lần nghe bình thơ " Bóng chữ" của Lê Đạt phần lớn các bác , các Cụ không hiểu đành bỏ về cả, Thế có " nẫu ruột" không chứ?Có Cụ trước đây là nhà giáo( Cấp 3 ấy chứ)thế mà vẫn chỉ nói rằng: Thơ cổ thì không phải bàn, còn thơ mới gần đây thì chỉ có thơ Tố Hữu, Thơ của Bác Hồ là đọc được, chứ ngoài ra thơ đi theo hướng mới thì không ra làm sao cả. Các vị ấy làm ra thơ thì bình với nhau, khen hay khen mới chứ người lao đông ( đối tượng tiêu dùng của văn chương) thì đọc không hiểu nên họ lảng tránh như sợ " mua" phải hàng giả?Tôi cho rằng ý kiến: - Thơ viết cho đại đa số người dân bình thường đọc và yêu mến thì mới là khó?Ví như Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, từ trí thức đến nông dân không biết chữ đều yêu thích mà thơ của Cụ thì sao không hiện đại?Cái Đẹp văn chương của Cụ đương nhiên là một đỉnh cao của văn chương đất Việt ta!
Còn cái ý kiến nhỏ về loại thơ Bút tre kia nữa, nó sẽ còn mãi trong dân chúng đấy như là sự tồn tại của Truyện Tiếu lâm đi liền với người lao động trong những lúc làm viêc mêt nhọc!Tiếng cười sang khoái phá tan sự mệt nhọc, mặc cảm cái phận chân lấm tay bùn...
Ta cứ cho rằng : Các loại thơ nghiêng về giải trí, hò vè dông dài kia( Mà còn có cả thơ của các doanh nhân thành đạt, các nhà quản lý cao cấp nữa cơ đấy...)là phong trào tạo ra cái không khí thơ ca rộng khắp để làm cái nền tôn lên các tác giả thơ " đỉnh cao" thì đã sao?Cái điều quan trọng là :" Thuận mua vừa bán", ai thích hàng nào thì " sài" hàng ấy?Mua phaỉ hàng giả thì thiệt mình thôi, bây giờ có Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng can thiệp để bênh vực người mua phải hàng giả nhưng muốn bênh được quyền lợi thì còn " lắm thủ tục" pháp lý lắm, chắc ai đã chịu ai?Do đó lời khuyên vĩnh cửu là : Hãy là người thông minh khi mua hàng hóa!Ta hãy vận dụng vào lĩnh vực " hàng hóa Thơ" này xem sao! Hỡi đông đảo bạn đọc xa gần!
Để kết thúc ý kiến của mình, tôi xin nhắc lại rằng: Nhà thơ Nguyễn Trọng Tào nên hỏi xem : Hàng kém chất lượng và hàng giả có khác nhau không nhé! Cau trả lời hay lắm đấy Nhà thơ a!...
Và cuối cùng đừng đặt tâm vào cái câu thơ của Bảo Sinh- " hậu duệ" Bút Tre là gì, sao lại phải mất ngủ vì cái thứ không đâu :
Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?
"Thằng ấy", thằng khác, thằng nào là nhà thơ, nhà văn, nhà này nhà nọ ...cùng " mặc kệ nó" để có giấc ngủ yên, mai còn bước vào cuộc mưu sinh !...

Chúc Nhà thơ sống vui vẻ,có nhiều thơ hay ( và cả ca khúc )hay nữa nhé!

Lý Nguyên Liên ( NKK)-0904323633.

  Nguyễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com - 01668383020 - CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên  (Ngày 07/10/2011 10:15:47)

Thân gửi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Tôi rất tâm đắc với những ý kiến của anh về thơ, nói đúng ra là "thơ hiện nay". Vâng, chưa bao giờ thơ các loại lại được làm, được in bằng mọi cách, được đưa lên mạng (không phải chỉ có Lục bat.com). Có thể nói, CLB thơ mọc lên nhan nhản khắp nơi, và "nhà thơ", "thi sĩ" cũng nở rộ như...thơ. Trong tủ sách của tôi hiện giờ có đến 50 "quyển" sách thơ, nhiều quyển in rất đẹp, khá dày, trên giấy tốt. Nhưng (ở đời thường khổ vì chữ "nhưng") thú thật, đọc vài bài, vài câu, liền không muốn đọc thêm nữa. Thỉnh thoảng mới có bài "gọi là thơ" hoặc là "thơ-hò-vè", chết cái không để đọng lại bất cứ cái gì trong tâm trí người đọc. Thế mà, các "nhà in nhân dân" góc phố nào cũng có, được dịp "làm ăn" thu lợi lớn vì cái tính sính thơ, in thơ, chung tiền nhau in thơ, tài trợ in thơ...in xong không cần có ai phát hành, mà chỉ là để giao lưu, cho, tặng, hoăc...xếp vào tủ sách cho ra vẻ...thế thôi. CLB Thơ Việt Nam do ông Bành Thông làm Chủ tịch hiện có đến 6000 hội viên. Số hội viên này có lẽ chỉ cung cấp một phần rất nhỏ số lượng "thơ" cho Ban chủ nhiệm in vào "Hương đất Việt", còn lại tham gia xuất bản thơ của các CLB thơ từ thôn, xóm, xã, phường trở lên. Thành ra, thời đại "công nghiệp hóa" này, ra ngõ gặp nhà thơ. Ông Đặng Vương Hưng "mệt bở hơi tai" sáng lập trang mạng toàn cầu "Lục bát.com" thu hút khá nhiều thi sĩ ở ba miền. Ông biết đánh trúng huyệt các nhà thơ Việt, khơi thác nguồn cảm hứng cho thể thơ dân tộc, lục bát. Trên trang mạng có rất nhiều bài thơ hay, đáng được gọi là thơ, song cũng còn không ít tác giả quá dễ tính khi làm thơ lục bát gửi cho Lục bat.com. Tuy nhiên, những nhà điều hành và biên tập thơ lục bát trên trang mạng cũng cần "khó tính" và công tâm hơn trong việc biên tập thơ của các tác giả gửi đến, chớ có "bên trọng, bên khinh" yêu nên tốt ghét nên xấu, thì sẽ có nguy cơ xập tiệm.
Đồng tình với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về những điều anh viết và đưa lên mạng. Nhưng cuộc sống vẫn đi theo cái dòng chảy của nó, không dễ gì bắt một con sông lớn phải chảy theo ý mình. Những nhà lý luận phê bình văn học, những "cây đa, cây đề" trong làng thơ, tại sao lại cứ...im lặng chưa nói mạnh hướng dẫn quần chúng, hướng dẫn mọi người làm thơ, kể cả các loại thơ, trong đó có thơ lục bát. Giá có ai đó bỏ sức, bỏ tiền, chủ yếu là bỏ tâm huyết dựng một trang mạng riêng chuyên giới thiệu các bài viết của các nhà phê bình văn học, phê bình thơ, giúp bạn đọc và cá tác giả phân biệt thơ và ...chưa thơ. Anh Nguyễn Trọng Tạo có đồng ý với tôi về ý tưởng này không?
Mấy ý kiến mạo muội, sau khi đọc bài của anh Nguyễn TRọng Tạo, mong được bầy tỏ quan niệm của một người mới "tập làm thơ" như tôi. Xin cảm ơn anh Nguyễn Trọng Tạo và Ban biên tập trang mạng Lục bát.com.
Nguyễn Thanh Hà, Chủ nhiệm CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng yên

Các bài khác: