Chủ nhật, 24/11/2024,


Bí ẩn cột rồng đá khổng lồ ngàn tuổi ở Bắc Ninh (10/02/2012) 
 
Có một điều kỳ thú khiến các nhà khoa học say mê tìm hiểu, đó là làm cách nào mà người xưa, với công cụ thô sơ đã vận chuyển được khối đá khổng lồ này lên gần đỉnh núi Dạm? Theo tính toán, cột đá này nặng ít nhất 54 tấn.
Kinh Bắc là vùng đất cổ kính, với dày đặc các di tích lịch sử xếp hạng quốc gia. Tuy nhiên, trong một báo cáo đề xuất công nhận bảo vật quốc gia gửi đến Cục Di dản Văn hóa, Bảo tàng Bắc Ninh lại chọn cột đá chùa Dạm là bảo vật đứng đầu. Vậy cái cột đá chưa mấy ai biết đến đó có gì đặc biệt, được coi trọng như thế?
Những ngày đầu năm Nhâm Thìn này, tôi đã tìm về chùa Dạm, để được tận mắt cột rồng đá, bảo vật hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh.
 
Chùa Dạm được dựng lại tạm bợ, chẳng có ai thăm viếng.
Chùa Dạm, dù tôi chưa đến bao giờ, song khi xướng cái tên đó lên, lại có vẻ như thân thuộc lắm. Người tứ phương, xe cộ nườm nượp đổ về quả núi Đại Lãm, thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Tôi cũng hòa theo dòng người đó đến núi Đại Lãm. Nhưng hóa ra, dòng người đổ về chùa Hàm Long, nằm trên sườn Bắc núi Đại Lãm.
Lên chùa Dạm có 2 đường, một đường đi bộ theo các bậc đá quanh co từ chân lên đến đỉnh núi, một đường xe ủi mới mở chạy thẳng lên chùa. Cả hai đường đều vắng quay vắng quắt, chẳng có bóng người. Ngôi chùa tuềnh toàng, tạm bợ, nhỏ xíu cũng cửa khóa, chẳng có ai. Giờ tôi mới hiểu, chùa Dạm chỉ còn là thứ trong sách vở.
 
Cột đá chạm rồng uy nghi và bí ẩn trên núi Đại Lãm.
Thứ tôi cần tìm nằm uy nghi ngay cuối con đường mới mở từ chân núi lên tận ngôi chùa Dạm dựng lại tạm bợ. Tôi thực sự sững sờ trước một tuyệt tác đã đứng đó gần 1.000 năm. Trải bao mưa nắng, trơ gan cùng tuế nguyệt, công trình điêu khắc độc nhất vô nhị này vẫn chứa đựng những bí mật chưa được khám phá.
Thật không quá lời, khi các cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh khẳng định rằng, cột đá chùa Dạm là công trình nghệ thuật đặc sắc bậc nhất thời Lý còn lưu truyền cho hậu thế.
 
Những nét chạm khắc tinh xảo.
Lang thang loanh quanh khu vực núi Dạm, tôi gặp được cụ Nguyễn Thị Thập. Cụ Thập là Phật tử, thường xuyên lên chùa lau dọn, trông giữ những di vật để ngổn ngang, dãi dầu mưa nắng. Theo cụ Thập, truyền thuyết trong làng đều khẳng định rằng, cột đá chạm rồng có từ thời Lý.
Theo truyền thuyết, người phương Bắc đã trấn yểm linh hồn Cao Biền ở quả núi Dạm. Vì muốn xâm lược nước ta, nên tìm cách khiến Cao Biền sống dậy.
Họ đã mang 100 nén hương đến nhờ một người dân trong vùng đốt ở núi này. Khi đốt xong nén hương cuối cùng, Cao Biền sẽ sống dậy và nhà Lý sẽ sụp đổ, nước Nam sẽ về tay phương Bắc. Biết ý đồ xấu của họ, nên người này đã đốt luôn 100 nén cùng lúc, khiến Cao Biền không sống lại được. Cột đá được dựng lên vừa để tưởng nhớ người dân anh dũng kia, vừa là biểu tượng của sự vững bền.
 
Thân giống rắn.
Chẳng thế mà, như lời hòa thượng Thích Thanh Dũng (trụ trì chùa Hàm Long kiêm chùa Dạm), dù trải ngàn năm, đổi thay thế sự, chùa bị nhiều đời phá hoại, nhưng cột đá vẫn vẹn nguyên. Các cụ truyền rằng, hễ ai động đến cột đá, lập tức thần sét sẽ giáng đòn chí mạng vào đầu. Chẳng ai dám động vào cái cột đá kỳ bí ấy.
Theo hòa thượng, các nhà khoa học đo đạc thấy rằng, không tính phần chôn sâu dưới đất, cột đá này cao 5m. Cấu trúc điêu khắc chia cột làm 2 phần. Phần dưới hình vuông, phần trên hình tròn. Có thể điều này biểu trưng cho quan niệm trời tròn đất vuông của cha ông ta.
 
Phần dưới cột đá hình vuông, phần trên hình tròn biểu tượng "trời tròn đất vuông"?
Khối hộp vuông phía dưới có tiết diện một cạnh 1,4m và một cạnh 1,6m. Phần tròn trên thu nhỏ hơn một chút, nhưng đường kính cũng tới 1,3m.
Điểm nhấn của phần tròn và cũng là của toàn bộ cột đá này chính là tác phẩm điêu khắc rồng đá theo phong cách thời Lý. Thời Trần, Lê sau này điêu khắc rồng mang tính cách điệu cao, nhưng thời Lý thì rất chi tiết, tỉ mỉ. Đôi rồng với vuốt 5 móng sắc nhọn, bờm thành búi, thân giống rắn quấn chặt cột đá, đuôi ngoắc vào nhau, miệng ngậm ngọc, đầu vươn cao chầu mặt trời vừa uy nghi vừa sinh động.
Đứng từ xa nhìn lại, thấy cột đá hiên ngang trên sườn núi, tiến lại gần thấy cột đá vô cùng hoành tráng nhưng cũng không kém phần tinh xảo.
 
Những lỗ hình chữ nhật để kê trụ đỡ?
Một số nhà nghiên cứu khi xem xét đã cho rằng, cột đá này mang tiểu tượng Linga của văn hóa Champa. Cột đá biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, cầu mưa thuận gió hòa.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu của nước ta, như TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ), ông Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV) đều bác bỏ thông tin cho rằng cột đá là một cái Linga. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, qua 6 lỗ hình chữ nhật (đặt dầm chịu lực) ở gần đỉnh cột, có thể tin rằng cột đá là trụ đỡ của một kiến trúc nào đó.
TS. Phụng tin rằng, cột đá này có liên hệ với ngôi chùa Một Cột ở Thăng Long. Vua Lý Thánh Tông đã xây chùa Một Cột sau giấc mơ hoa sen, và người con của ông, vua Lý Nhân Tông cũng có thể dựng một ngôi chùa nữa như phiên bản trên núi Đại Lãm. Theo đó, trên cột đá chùa Dạm người ta thờ Phật Quan Âm - gắn liền với hình ảnh hoa sen.
Nhưng cũng có giả thuyết khác cho rằng, trên đỉnh cột đá là tòa sen. Hình tượng rồng đội tòa sen là mô típ rất phổ biến ở trong các ngôi chùa Việt.
Có một điều kỳ thú khiến các nhà khoa học say mê tìm hiểu, đó là làm cách nào mà người xưa, với công cụ thô sơ đã vận chuyển được khối đá khổng lồ này lên gần đỉnh núi Dạm? Theo tính toán, cột đá này nặng ít nhất 54 tấn.
 
Những bức tường kè đá vô cùng hoành tráng.
Loại đá làm cột này không có trong vùng Bắc Ninh, mà phổ biến ở vùng Hải Dương, Quảng Ninh. Các nhà khoa học cho rằng, người xưa đã vận chuyển cột đá theo đường sông Hồng, rồi đào ngòi Con Tên đến tận chân núi để kéo khối đá. Sau đó, họ mở một con đường dẫn lên núi mà độ dốc ở mức tối thiểu. Những khúc gỗ làm dầm chịu lực phải là loại gỗ lim hoặc cứng tương đương và số người thực hiện vận chuyển khối đá này phải lên đến cả trăm người, cùng trâu mộng, voi, ngựa.
Cùng với cột đá khổng lồ, quả núi Dạm từng tồn tại một ngôi chùa vô cùng hoành tráng. Trải qua chiến tranh loạn lạc, rồi tiêu thổ kháng chiến thời Pháp, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn.
 
Các nhà khảo cổ học đã đào nhiều hố thám sát ở di tích chùa Dạm.
Hòa thượng Thích Thanh Dũng cho biết, chùa Dạm còn có nhiều tên khác nhau như là Đại Lãm, Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám, vì chùa được khởi dựng để làm nơi tu hành của Nguyên Phi Ỷ Lan, cũng là nơi khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám. Trên núi hiện còn một cái giếng có tên gọi là Bống. Hiện tại, nền thứ ba và bốn của ngôi chùa vẫn còn dấu tích chùa và đền thờ Bà Tấm - Nguyên phi Ỷ Lan.
Chùa Dạm được xây dựng vào năm 1086. Sau hơn 10 năm xây dựng, năm 1097 chùa Dạm mới hoàn thành. Vua Lý đã đặt tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi.
 
Tấm bia Hậu Lê ghi lại lịch sử chùa Dạm.
 
Chùa Dạm được xây dựng trên diện tích trên 2 mẫu Bắc Bộ, với 4 cấp cao dần lên đỉnh núi. Các cấp nền đều có xếp đá lớn chống xói lở, cao tới 6-7m. Ngôi chùa này cũng từng được gọi là chùa Trăm Gian, vì chùa rất rộng lớn, với hàng trăm gian nhà.
Tuy nhiên, giờ đây, thứ còn lại của ngôi chùa khổng lồ khi xưa chỉ là cột đá chạm rồng, cùng những bức tường đá vĩ đại kè núi. Nhìn những bức tường xếp đá khổng lồ như tường thành vẫn còn lại đến ngày nay có thể hình dung được sự hoành tráng của ngôi chùa này.
Cũng theo hòa thượng Thích Thanh Dũng, Nhà nước đã có dự án phục dựng lại chùa Dạm. Đây là dự án khổng lồ, ngốn kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, việc khai quật khảo cổ đã hoàn tất và sẽ triển khai dựng chùa trong thời gian không xa. Với chùa Dạm, Bắc Ninh sẽ lại có một công trình đồ sộ phục vụ Phật tử cả nước.
 
Diễm Nguyệt
(Nguồn: http://vtc.vn)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: