Chủ nhật, 24/11/2024,


Rồng gặp Tiên đây (24/01/2012) 
 
Rồng là sản phẩm hoàn hảo của trí tưởng tượng bởi nó ôm trọn ước mơ, khát vọng của con người. Rồng hội đủ ba loại trong sinh quyển mà Thượng đế đã tạo ra: loài sống bò chạy trên đất, loài sống bơi lặn dưới nước và loài sống bay lượn trong không gian vô tận. Nó bất tử, chưa ai thấy xác Rồng, mộ Rồng hay xương Rồng hóa thạch cổ. Nó là biểu tượng hạnh phúc. Rồng uy nghiêm mà nhu hòa. Nó hài hòa cái tốt - thiện với quyền lực - nên rất hiếm quý!
 
Rồng đá đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội), thế kỷ 18-19. Nguồn ảnh: Tư liệu NAT
 
Người Việt coi Rồng là cha đẻ của dân tộc mình: Cuộc hôn nhân vĩ đại: Bố vua Rồng xứ Lạc (Long Quân) lấy Mẹ Tiên xứ Âu (Cơ), con cháu mở mang không gian sống ra biển và lên núi. Không gian ấy ngập nước, là văn hóa sông nước, canh tác nuôi trồng bằng/với/cùng nước. Người Việt đã cống hiến cho nhân loại một sản vật vĩ đại, là cây lúa nước và một hình tượng Rồng đặc sắc. Rồng bay lên mây gặp Tiên để giao hòa ân ái, hạnh phúc sinh nở sáng tạo.Tiên - Rồng quả là hình tượng lộng lẫy, cao quý, khái quát, sâu sắc nhất của dân tộc Việt Nam mà thiên tài nghệ thuật Việt đã tạo dâng cho đất nước. Thiển nghĩ nên dùng hình tượng tuyệt vời này làm biểu tượng quốc gia. Tiên - Rồng sâu sắc độc đáo “thuần Việt” hơn cả chim Lạc trống đồng chung chung của cả vùng Nam Hoa - Đông Nam Á!
Hai địa danh lừng/lộng lẫy số một và số hai, hiện thân văn hiến và vẻ mỹ lệ của đất nước Việt Nam tượng Rồng là Thủ đô Thăng Long và kỳ quan Hạ Long. Rồng bay lên từ nước trong đất - lên mây giao hòa/hợp với Tiên - rồi lại hạ xuống nước biển khơi mênh mông viên mãn vòng trường sinh dân tộc. Những thời phát triển mạnh mẽ, giàu có, an hòa là Rồng gặp Tiên đây.
 
Tiên nữ cưỡi Rồng, chạm khắc gỗ đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), thế kỷ 16. Ảnh: T-Group
 
Rồng Tây là quái vật thêm cánh hung dữ. Rồng Việt là thủy sinh hóa linh. Có lẽ phải đến hai ngàn năm sau người phía Bắc mới mượn hình tượng Rồng đưa vào mô hình vận hành vũ trụ, vào 12 con giáp tính tuần hoàn thời gian, vào tử vi, tướng học, phong thủy…, xem xét nhân sinh thế sự cả cộng đồng và số mạng mỗi cá nhân. Và rồi chế độ đế vương tập quyền mới độc chiếm Rồng làm biểu tượng quyền lực. Hoàng đế phía Bắc thôn tính, tiêu diệt, gộp nhập hàng trăm nước tự phong mình quyền lực vô biên chỉ dưới ông trời. Viễn Đông không có tôn giáo nào có các tiên tri, giáo chủ vốn là con trời được phái xuống trần gian nên ông vua đế quốc đầu tiên kiêm luôn thiên tử, tự xưng là con trời có thiên mệnh cai trị thiên hạ. Chả biểu tượng nào hợp với chức danh đó bằng Rồng. Bèn đoạt lấy làm của riêng đặc dụng cho triều đình, hoàng đế…
Rồng là sản phẩm hoàn hảo của trí tưởng tượng. Nó bất tử, chưa ai thấy xác Rồng, mộ Rồng hay xương Rồng hóa thạch cả.
Tuy nhiên con Rồng Việt vẫn là của toàn dân, sinh động trong đời sống vật thể và phi vật thể từ nơi đô hội tới nơi xóm làng. Rồng là một đồ án, họa tiết, biểu trưng trang trí quan trọng và phổ biến nhất: trên các đồ vật tế tự, thiết kế nơi thờ cúng, trên kiến trúc đình chùa đền miếu và tất nhiên uy nghi, to lớn nhất nơi cung điện, trên vương phục, hoàng bào, Quốc ấn, vương huy, gia huy… Mối tình cô thôn nữ với anh lực điền cũng có hình dáng Rồng. Sung sướng ví Như cá gặp nước, như Rồng gặp mây. Hy vọng, nhắn nhủ thì Bây giờ Rồng gặp mây (tiên) đây/Để cho Rồng ngỏ với mây (tiên) đôi lời/Kẻo mai Rồng ngược mây (tiên) xuôi/Biết bao giờ lại nối lời Rồng mây…
 
Rồng thời Trần, chạm khắc trên bệ thờ đá chùa Thầy (Hà Nội), thế kỷ 13-14 
 
Ở Việt Nam có những ngôi đình chạm khắc hàng trăm hình Rồng. Trên các vì kèo gỗ nổi tiếng của kiến trúc Việt không thể thiếu Rồng, mây. Trong tứ linh, bốn con vật thiêng tâm linh Rồng xếp hàng đầu. Núi sông, phong cảnh uốn lượn, hùng vĩ, uy linh mượn tượng đầu, thân, đuôi, vảy, móng… Rồng làm địa danh Hàm Long, Hàm Rồng, Long Đọi, Long Vĩ, Cửu Long… Chọn thế đất Rồng chầu, khai long mạch… là chuyện đầu tiên mưu nghiệp đế vương quyền bính. Thế là từ chuyện nhỏ tới chuyện to quốc sự, từ trong nhà ra làng mình, ra cả nước ta người Việt gắn bó với Rồng. Lại trộm nghĩ đề nghị lấy lại tên Thủ đô là Thăng Long trong tỉnh Hà Nội (như quy hoạch mới và thời Nguyễn) chẳng hẳn là vô lý, viễn vông.
 
Tiên nữ cưỡi Rồng, chạm khắc gỗ đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), thế kỷ 16. Ảnh: T-Group
 
Trong mỹ thuật, hình tượng Rồng được chăm chút nhất, chuẩn hóa chi li nhất nên có thể dựa vào đồ án, họa tiết từ đầu, râu, vảy, thân, đuôi, mắt, mũi, mồm, chân vảy, móng… “ngài” mà xác định niên đại các công trình, hiện vật, tầng văn hóa. Rồng thời Lý đầu nhỏ, chân nhỏ, thân chuốt mịn không vảy, mình uốn hình sin đều đặn, dịu dàng như sóng nước, như cánh tay, chân đùi tròn lẳn đung đưa huyền hoặc của các tiên nữ Chăm Trà Kiệu. Rồng Lý nhu hòa và viên mãn trong các đồ án dày đặc các họa tiết chi li lấy hình tròn làm cốt như các cột trụ đá tròn, hay hình lá đề - trái tim biểu tượng Phật giáo. Rồng Trần - Hồ kế thừa “Phật tính” rồng Lý nhưng mập khỏe hơn, thân uốn lượn mạnh hơn và hoa văn vây quanh bớt rườm rà mà to thô hơn. Rồng Mạc có cái lưng võng đột biến, hội với những văn mây lửa, mây hình lưỡi mác kéo dài rất cương hoạch. Rồng Lê đầu to, mắt mũi, mồm, râu tức cái chân dung uy quyền được nhấn mạnh. Vảy lớn (chớ có giỡn, sờ vào vảy rồng!), chân to bốn hay năm móng theo quy định thứ bậc… Rồng Nguyễn gần Rồng Lê mà phát huy cực điểm tính quy phạm và trang trí. Những con Rồng hoàng tộc nổi tiếng cuối cùng là những con bằng xi măng cốt thép ngoài sân và nhất là bức Long vân khánh hội trên đầu Vua Khải Định trong nội thất tòa lăng này ở Huế.
 
Rồng thời Lý, chạm khắc trang trí trên gạch tháp chùa
Phật Tích (Bắc Ninh), thế kỷ 11
 
Năm Thìn này nơi tranh phong thủy, nghi biểu chúc mừng đám cưới, thượng thọ, tân gia, khai trương, khánh thành..., trên đồ trang sức, cây kiểng và bao “phụ kiện” mỹ dung, trang trí nội thất, trên cả các đồ chơi… tràn ngập hình Rồng bằng vàng mười và mười tám, đồng mạ vàng long lanh và cây thế xanh rờn, bằng thượng đẳng mộc và ngọc, bạc, kim cương… bằng gấm và nhung, lụa, bằng nhựa và tôn sắt, tre nứa nữa.
Sáng Xuân vương vấn ngàn vạn hình, dạng Rồng xưa và nay, cổ kính và tân kỳ, nhưng nổi nhất, nhớ nhất lại là hình tượng cô Tiên cưỡi Rồng - hay đúng hơn là Rồng bồng bế Tiên trên ngôi đình hoành tráng mỹ lệ nhất của quê hương.
 
Nguyễn Bỉnh Quân
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: