Hai ngôi làng thề không kết hôn
Chuyện nam nữ cùng làng hoặc cạnh làng lấy nhau đã trở thành nét quen thuộc ở nhiều làng quê Việt Nam.
|
Một lễ hội chung giữa hai làng Đông Lâm- Nga Trại. Ảnh tư liệu
|
Vậy nhưng có hai làng ở Bắc Giang suốt nhiều thế kỷ qua không có một đôi trai gái nào nên vợ, nên chồng. Không có mối thù oán nào được ghi lại, khoảng cách địa lý giữa hai làng cũng chưa đầy 3000 mét. Đây quả là một sự bí ẩn…
Lời thề làng cổ
Hai ngôi làng này là Đông Lâm và Nga Trại đều thuộc xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Không giống như những ngôi làng khác, hai làng này cho đến nay vẫn còn giữ được những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, chưa bị cơn lốc đô thị hóa tác động đến.
Người nhập cư cũng phải theo lệ làng
“Trước kia, ở Đông Lâm, Nga Trại đã từng có hai người yêu nhau, muốn đến với nhau. Khi dân làng biết đã bắt vạ. Người con gái phải sửa một cái lễ với mâm xôi, con gà mang đến đình làng của người kia để tạ, xin lỗi thành hoàng làng. Sau khi lễ tạ hai làng, đôi trai gái tự nhiên lại coi nhau như anh em. Cứ như vậy, bao đời nay không ai phạm phải hương ước của hai làng, không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra. Nếu lỡ có đôi trai gái hai làng có tình ý với nhau ngay lập tức bị nhắc nhở, nặng thì bị kỷ luật và thông báo tới gia đình. Nếu người làng khác nhập cư vào Đông Lâm hoặc Nga Trại thì cũng phải tuân theo tục lệ nơi đây. Đó là nhập gia tùy tục!”.
Ông Ngô Văn Mến - người dân làng Đông Lâm.
|
Để kiểm chứng thông tin trai gái hai làng này không lấy nhau, chúng tôi đến UBND xã Hương Lâm. Tại đây, lãnh đạo xã cho hay, kể từ khi có chính quyền xã tới nay, quả thật chưa có một đôi nào thuộc hai làng trên đăng ký kết hôn với nhau. Địa phương không có bất kỳ hình thức gì tác động đến việc này hay cấm đoán gì họ. Một cán bộ ở UBND xã còn cho biết, trải qua bao biến thiên của lịch sử, qua bao nhiêu chế độ xã hội, những người ở hai ngôi làng này vẫn không gá nghĩa với nhau. Dường như có một lời thề nào đó từ xa xưa. “Nhưng xa xưa là thời gian nào thì tôi cũng không biết, hình như cả bố tôi, ông tôi cũng không biết” - người này nói.
Vào Đông Lâm, Nga Trại, tôi gặp rất nhiều các bậc cao niên nhưng họ chỉ giải thích được một cách khá ngắn gọn rằng, từ rất lâu đã có cái lệ này rồi. Duy chỉ có ông Dương Văn Nga, một người rất dễ mến ở Nga Trại, nói được được một con số cụ thể hơn: “Lệ hai làng không lấy nhau có từ thời rất xưa, cũng phải hơn 3000 năm rồi và chưa có ngoại lệ”. Tuy nhiên khi hỏi căn cứ vào đâu mà ông nói vậy thì ông Nga bảo, chỉ nghe các bậc tiền bối truyền lại như thế.
Thấy ở Nga Trại không tìm hiểu gì được nhiều, tôi ngược sang Đông Lâm. Tại đây, tuy chưa tìm được lời giải cho cái lệ kỳ lạ kia nhưng tôi lại được nghe nhiều câu chuyện thú vị. Ông Đồng Văn Thông, người giữ chìa khóa đình và các di tích ở làng Đông Lâm cho biết, cách đây ít lâu, khi người dân địa phương tìm thấy một số cổ vật đã có các nhà khảo cổ về tìm hiểu, họ khẳng định Đông Lâm có tuổi đời khoảng 3.400 năm. “Ngoài ra họ còn cho rằng người Việt cổ đã cư ngụ liên tục trên mảnh đất này, xây dựng được những nền văn hóa mà giới khảo cổ gọi là văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến văn hóa Đông Sơn. Người Việt cổ ở đây là tộc người đóng góp nhiều vào sự hình thành một “bộ” trong số 15 bộ của nhà nước Văn Lang xưa kia” - ông Thông nói.
|
Trẻ em Đông Lâm- Nga Trại ngay từ khi đi học đã được răn dạy
“hai làng là anh em”. Ảnh:Q.T
|
Việc tìm thấy cổ vật dưới lòng đất cũng được thủ từ đình làng Đông Lâm, cụ Ngô Văn Thịnh xác nhận. Cụ cho hay, trong quá trình khai hoang, sản xuất, người dân đã tìm thất rất nhiều lưỡi rìu bằng đá, bằng đồng và nhiều đồ sinh hoạt trong cuộc sống của người xưa. Dân đã đem nộp cho đình trông giữ. Để chứng minh, cụ Thịnh mở ngăn tủ kính cũ kỹ cho tôi xem rất nhiều hiện vật lỉnh kỉnh phía trong và nói: “Hàng nghìn năm rồi đấy. Từ thời này, người hai làng Đông Lâm, Nga Trại đã thống nhất là không kết duyên vợ chồng với nhau”.
|
Ông Ngô Văn Mến với cổ vật bằng đá mới đào được sau khi cày ruộng.
|
Là anh em một nhà?
Một người làng Đông Lâm khác là ông Ngô Văn Mến cung cấp cho chúng tôi những thông tin rất đáng chú ý. Ông Mến khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Trai gái hai làng không lấy nhau, lý do rất đơn giản vì chúng tôi coi như anh em một nhà. Đã là anh em thì không được lấy nhau!”.
Theo lời ông Mến, hai làng Đông Lâm – Nga Trại trải qua quãng thời gian rất dài của lịch sử nhưng chưa hề có một trường hợp nào phá lệ. Thời phong kiến, tục lệ này rất khắt khe. Lệ làng đề ra nếu ai đó vi phạm phải cắt tóc bôi vôi, gia đình phải mổ trâu, giết lợn chịu phạt vạ cho làng. Còn thời nay, trẻ con hai làng được răn dạy điều đó ngay từ khi bắt đầu đi học. Ông Mến cho biết: “Từ cái thuở tôi còn học tiểu học ở trường làng, các thầy cô giáo đã nhắc nhở trai gái hai làng không được trêu ghẹo nhau chứ đừng nói đến việc sau này... tán tỉnh. Và bây giờ cũng vậy, trẻ hai làng cùng học chung một trường, một lớp nhưng cái lệ không được lấy nhau vẫn được răn đe nhắc nhở rất cẩn thận”. Theo ông Mến, cũng có những trường hợp có tình ý với nhau, nhưng chỉ mới là “hiện tượng” là đã bị người lớn nhắc nhở, thậm chí báo cáo với gia đình rồi.
Chúng tôi hỏi về nguyên do của cái lệ này, ông Mến lắc đầu cười bảo ông không biết rõ, chỉ biết vì hai làng là anh em, mà như vậy là cùng huyết thống, nghĩa là không được lấy nhau. “Tôi không biết căn nguyên hay truyền thuyết cụ thể nào. Có một bức tường, đó là bức tường truyền thống ngăn trai gái hai làng Đông Lâm – Nga Trại đến với nhau, cho dù lớn lên cùng nhau, học cùng trường, chung nhau kỷ niệm tuổi thơ, nhưng vẫn không lấy nhau. Bức tường vô hình đó không đến từ lời nguyền mà đến từ những lời căn dặn hàng ngày của cha mẹ, thầy cô giáo, người làng. Vì thế cho nên, cứ đời này sang đời khác, sống gần gũi với nhau đấy mà vẫn không có chuyện lấy nhau” - ông Mến nói.
Trên kính, dưới nhường
Theo nhiều vị bô lão khác thì Đông Lâm, Nga Trại chính thức đi lại, kết giao tình nghĩa anh em sắt son, bền vững vào năm 1075, khi Lý Thường Kiệt đưa quân đánh đuổi quân Tống trên phòng tuyến sông Cầu. Từ đó đã trở thành thông lệ, cứ 6 năm một lần vào ngày 10/9 âm lịch, hai làng lại lần lượt trống dong, cờ mở đón nhau về mở hội. “Những người được cử sang đón người anh em về phải là những đức cao vọng trọng, đủ tư cách đạo đức, mẫu mực. Truyền thống tốt đẹp đó được dìn giữ cho đến ngày hôm nay. Trong gần 1000 năm qua, tục lệ này chỉ bị gián đoạn từ năm 1944 đến 1986 bởi bom đạn chiến tranh và khó khăn về mặt kinh tế”, ông Mến - người vinh dự được làng Đông Lâm 3 lần (1996, 2002, 2006) cử làm đại biểu đi đón hoặc đi dự lễ cho biết.
Dấu vết người Việt 3000 năm trước
Từ thời kỳ đồ đá, ở Hiệp Hòa đã xuất hiện dấu tích con người. Những xóm làng đầu tiên của Hiệp Hòa hình thành dọc hai bờ sông Cầu.
Cách đây khoảng mười năm, các nhà khảo cổ đã khai quật khu di chỉ ở Đông Lâm với diện tích 80 m2, ở độ sâu 1,8 m họ đã tìm thấy nhiều đồ đá, đồ gốm, đồ đồng…có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 3000 năm.
|
Thuở xưa, làng Nga Trại vẫn còn thuộc làng Nguyên. Đất chật người đông nên dân di cư về một vùng đất mới để định cư với tên gọi Xa Trại. Về sau dân làng gọi chệch Xa Trại thành Nga Trại. Làng nằm cạnh làng Đông Lâm nên các cụ đã có sự giao kết giúp đỡ nhau diệt thú dữ, chống lại thiên tai và chống quân thù.
Về Đông Lâm và Nga Trại chúng tôi nhận thấy một điều thú vị là giữa hai làng luôn có một sự kính trọng, nhường nhịn lẫn nhau một cách rất đặc biệt mà không một nơi nào có được. Không chỉ các cụ già, mà ngay cả thanh niên Đông Lâm, Nga Trại khi gặp nhau rất trên kính, dưới nhường, xưng hô với nhau là anh, em, không bao giờ thấy gọi “mày, tao”. Theo ông Mến thì từ thuở ông còn trẻ đến giờ vẫn chưa thấy một vụ va chạm nào giữa hai làng, cho dù chỉ là lời qua tiếng lại. “Người Đông Lâm chúng tôi lành người là vậy, nhưng người Nga Trại còn nhẹ nhàng hơn”, ông Mến nói.
Ông Mến kể, những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế còn khó khăn, mỗi lần Đông Lâm vào mùa vụ, Nga Trại lại cử người đưa trâu bò xuống cày bừa giúp. Rồi đến lúc Nga Trại vào mùa, Đông Lâm lại đưa người, trâu bò lên giúp. Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, hai làng Nga Trại, Đông Lâm bảo nhau phải giữ gìn, phát huy truyền thống đã có từ bao đời.
Kết hôn sẽ càng bền chặt?
Khi tiếp xúc với các bạn trẻ trong làng Nga Trại, dù không biết ngọn nguồn của tập tục trên nhưng họ nói về vấn đề này rất hào hứng. Bạn Nguyễn Minh Châu tâm sự: “Đây là một điều đặc biệt để lại cho con cháu. Ông cha mình giữ được, mình chắc cũng giữ được. Việc không được lấy nhau, chưa nói đến đúng sai, đó là tục lệ cứ đời trước truyền đời sau trong thời gian dài, đã thành truyền thống rồi thì nên hiểu theo chiều hướng tốt đẹp. Là một người con của quê hương mình nên phát huy”.
Tuy nhiên bạn Đinh Văn Hùng lại có quan điểm khác. Hùng nói: “Đông Lâm, Nga Trại đã thể hiện tình nghĩa anh em keo sơn bền chặt, nhưng nếu có đôi trai gái nào “phá lệ” thì bản thân tôi cũng không phản đối. Bởi vì nếu họ yêu nhau thật lòng thì tại sao không đến được với nhau. Với lại việc kết hôn không những không làm mất đoàn kết mà càng làm cho hai làng càng có mối quan hệ bền chặt hơn. Nói việc anh em không được lấy nhau thì thực chất có cùng huyết thống đâu, đó chỉ là anh em kết nghĩa”.
Không biết tục lệ trai gái hai làng Nga Trại, Đông Lâm không lấy nhau sẽ còn tồn tại đến bao giờ, nhưng có điều chắc chắn rằng tình cảm của những người dân hai làng này với nhau thì sẽ nối dài ra mãi mãi.
Vì sao quan họ không lấy nhau?
Trong các làng quan họ (Bắc Ninh), các liền anh, liền chị hát đôi với nhau cũng không bao giờ yêu nhau hoặc lấy nhau. Đây đã là một tập tục bất thành văn. Có người cho rằng nguồn gốc của tập tục này bắt nguồn từ truyền thuyết rằng, thời xa xưa ở vùng Kinh Bắc có người con gái đẹp, khi nhà vua đi đánh trận qua đây đã đem lòng yêu mến mà mang về cung. Tuy nhiên sống trong cảnh cung cấm buồn bã, nàng xin về quê, lập ấp, chiêu mộ dân binh. Đội dân binh này chỉ toàn nữ và bị nghiêm cấm không được yêu đương. Nhưng do tuổi xuân phơi phới, các nàng dân binh vẫn tìm cách gửi trao tâm tư qua những vần thơ, điệu ví với những tráng đinh ở bên ngoài. Từ việc trao đổi tâm tư đơn thuần, việc hát xướng đã dần nâng “trình” lên thành nghệ thuật, quan họ ra đời, với hình thức hát đối đáp giữa các đội nam (liền anh) và đội nữ (liền chị).
Tuy nhiên, hát nhưng vẫn phải tuân thủ quy định cấm yêu đương, kết hôn, lâu dần đã thành tập tục, các liền anh, liền chị không bao giờ bước qua.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, truyền thuyết này có điểm khá vô lý. Đã là “người của vua” thì sao có thể dễ dàng xin về mà lập “đội dân binh”. Bên cạnh đó các tình tiết “nhà vua” và “người con gái đẹp” rất mơ hồ, không có dù chỉ chút ít manh mối để phỏng đoán “vua” và “cô gái đẹp” đó thuộc thời đại nào, là ai. Đây có thể là một câu chuyện do dân gian tự nghĩ ra, để lý giải một tập tục và chúng ta hãy chấp nhận nó, như nhiều truyền thuyết dân gian khác.
Cũng có ý kiến cho rằng, âm nhạc nói chung, nghệ thuật quan họ nói riêng rất cần lửa. Ngọn lửa phải luôn luôn rực cháy trong tim nghệ sĩ thì khi hát mới hay. Quan họ là hát giao duyên, nếu cái “duyên” đã đạt được rồi thì không còn sự khát khao nữa. Người xưa không muốn những nghệ sĩ của mình viên mãn trong tình yêu, tức là không còn sự khát khao nên đã đề ra tập tục cấm yêu, cấm kết hôn giữa các đôi quan họ. Tập tục này đã trở thành nét đặc trưng độc nhất vô nhị chỉ có ở nghệ thuật hát quan họ.
Ngoài ra, tại các làng quan họ thường có tục kết chạ khi đi hát, gần giống như hình thức kết nghĩa, mọi người coi nhau như anh em, do vậy mà không có chuyện yêu đương hay lấy nhau.
Ngoài 3 đời mới được kết hôn
Theo Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình thì việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây: Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự; Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Giữa những người cùng giới tính.
H.T
|
Vân Côn, Phú Hạng cũng không kết hôn
Tại làng Vân Côn (xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội) và làng Phú Hạng (xã Tân Phú, Quốc Oai, Hà Nội) cũng có tục lệ trai gái hai làng không được lấy nhau. Hai làng này chỉ cách nhau một bờ sông Đáy, người dân hai làng coi nhau như ruột thịt, mọi khó khăn đều giơ tay, chìa lưng gánh vác đỡ cho nhau. Sở dĩ trai gái hai làng không kết hôn là vì gắn với một truyền thuyết. Tương truyền rằng, trước khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, các tướng của Hai Bà đã đến dòng sông Hát Môn ăn thề.
Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, các tướng đã cùng Hai Bà Trưng trẫm mình xuống dòng Hát Môn. Một trong số đó có nữ tướng ả Lã Nàng Đê. Thi thể của bà trôi từ dòng Hát Môn xuống Hát Giang (sông Đáy), đến Vân Côn rồi Phú Hạng thì mắc lại. Nhân dân đã vớt bà lên để an táng, sau suy tôn là Mẫu, hai làng cũng kết nghĩa anh em từ đó. Do kết nghĩa anh em nên trai gái hai làng không lấy nhau. Cũng như làng Đông Lâm, Nga Trại ở Bắc Giang, nhiều đời nay dân hai làng Vân Côn, Phú Hạng ứng xử với nhau rất tình cảm, chưa từng có vụ xích mích nào, còn chuyện kết hôn thì càng không có ngoại lệ.
H. T
|
Quang Thành
(Nguồn: GiadinhNet)