Vậy là chúng ta đang sống trong những giờ phút đầu tiên của năm mới 2012, năm được coi là "năm của sự kiện" và cả những biến cố có tính bước ngoặt cho nhân loại.
Cùng điểm lại những nét chính yếu của năm 2012 mà chúng ta đang sắp trải qua.
1. 2012, năm thứ 2012 sau Công nguyên, năm thứ 12 của thiên niên kỉ thứ 3, năm nhuận thứ 3 của thế kỉ 21, năm thứ 3 của thập niên 2010.
2. Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn làm năm Quốc tế về hợp tác xã, đồng thời là năm Alan Turing nhằm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh thường được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính (23/6/1912 - 23/6/2012)
3. Năm của các cuộc bầu cử
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 là tâm điểm chú ý của giới chính trị toàn cầu
Năm 2012 chứng kiến một con số kỉ lục của các cuộc bầu cử, với 6 cuộc trong tháng 1, 8 cuộc trong tháng 2, 11 trong tháng 3, 5 trong tháng 4, 9 trong tháng 5, 9 trong tháng 6, 7 trong tháng 7, 3 trong tháng 8, 2 trong tháng 9, 8 trong tháng 10, 4 trong tháng 11 và 4 trong tháng 12; tổng cộng là 76 cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống hoặc Chủ tịch nước.
Điều đặc biệt nhất là hầu hết nguyên thủ các cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới đều "lên ghế nóng" vào năm nay.
Các cuộc bầu cử tiêu biểu có thể kể đến là:
- 4/3: Bầu cử Tổng thống Nga
- 29/3: Bầu cử Quốc hội Iran
- 22/4: Bầu cử Tổng thống Pháp (dự bị vòng 2: 6/5)
- 4/5: Bầu cử Tổng thống và Nghị viện Palestine
- Tháng 7: Bầu cử Tổng thống Ấn Độ
- Tháng 10: Bầu cử Quốc hội Trung Quốc. Riêng nhà cầm quyền đảo Đài Loan tuyên bố bầu cử Tổng thống vào ngày 14/1 tới.
- 6/11: Bầu cử Tổng thống Mỹ
- 19/12: Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc
4. Năm của Thế vận hội
Sân vận động Olympic ở London
- Bắt đầu với Thế vận hội Thanh niên Mùa đông lần đầu tiên được tổ chức tại Innsbruck, Áo từ 13-22/1.
- Thế vận hội Mùa hè 2012, khai mạc tại London ngày 27/7 và kết thúc vào ngày 12/8.
London là thành phố đầu tiên trên thế giới lập kỉ lục 3 lần đăng cai Thế vận hội Mùa hè.
5. Năm của "ngày tận thế"
Một trong những cụm từ đầu tiên gắn với "2012" khi gõ trên Google chính là "ngày tận thế". Bắt nguồn từ thông tin về một phần tư liệu văn tự cổ Maya đã được giải mã, trong đó coi tháng 12/2012 là sự kết thúc của một giai đoạn trong lịch sử vũ trụ, giả thuyết và kế đó là tín niệm về "ngày tận thế" 21/12/2012 đã ra đời.
Đây là câu chuyện gây tranh cãi gay gắt nhất trong thời gian qua, và bất chấp việc phần đông các nhà khoa học, trong đó có những chuyên gia hàng đầu về nền văn minh Maya bác bỏ giả thuyết này, nó vẫn gây ra một ảnh hưởng sâu sắc đến mức nhiều nhóm tín ngưỡng trên thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến hành hương sang thế giới bên kia. Nhiều người đã lên kế hoạch tự tử, xây hầm ngầm hoặc lên vũ trụ để trốn ngày tận thế.
Poster phim "2012" của đạo diễn Roland Emmerich
Cần nhớ lại rằng năm 2011 cũng từng được một nhóm nhỏ tín hữu Kito giáo coi là "ngày tận thế", và cũng có những người tự sát vì sợ hãi trước điều này, nhưng thực tế là chúng ta đã đang ở năm 2012!
6. Năm của lo sợ và dọn dẹp
Có quá nhiều sự kiện năm 2011 để lại hậu quả to lớn cần chúng ta dọn dẹp:
- Hậu quả của thiên tai, mà tiêu biểu là động đất, sóng thần đi liền với thảm họa hạt nhân Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan, bão ở Philippines, động đất ở New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, hạn hán gây ra nạn đói khủng khiếp ở Sừng Châu Phi...
- Di chứng của chiến tranh và "mùa xuân Ả Rập". Đó là hòa bình và ổn định cho Ai Cập, Libya sau các cuộc lật đổ đẫm máu, là tương lai cho Syria, Yemen sau một năm dài bất ổn.
Libya đã từng là 'khối vàng' của Bắc Phi trước khi xảy ra chiến tranh
- Những thùng thuốc súng bất chợt được châm ngòi năm 2011: Việc gia nhập Liên Hợp Quốc của Palestine gia tăng căng thẳng ở dải Gaza, Mỹ và Iran cùng "giương cung lắp súng" sẵn sàng khai hỏa trên vịnh Ba Tư, cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il vào lúc năm cùng tháng tận khiến tương lai hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên càng trở thành "một câu hỏi lớn không lời đáp".
Kèm theo đó là mối quan ngại của quốc tế về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran, 2 nước được Mỹ liệt vào danh sách "trục ma quỷ".
- Theo nhà nghiên cứu thiên văn học cổ đại Anthony Aveni, người Maya chuyên về chủ thuyết cân bằng vũ trụ, nên không thể tự mình đưa ra giả thuyết về ngày tận thế. Vậy thì "ngày tận thế" nếu có tồn tại, rất có thể sẽ đến bởi chính con người, những nhân tố làm đảo lộn sự cân bằng và ổn định trên trái đất bằng cách hủy hoại môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, chạy đua vũ trang và gây chiến tranh nóng.
Nói như Albert Einstein: "Tôi không biết Chiến tranh thế giới thứ ba người ta sẽ dùng vũ khí gì, nhưng đến Chiến tranh thế giới thứ tư, người ta sẽ dùng gạch và đá!"
Tất nhiên, những điều đó chưa thể là 2012.
Hà Anh
(Nguồn: http://vtc.vn)