Chủ nhật, 24/11/2024,


10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2011 (31/12/2011) 
 
Báo VietNamNet chọn 10 sự kiện được đánh giá là nổi bật nhất trong rất nhiều những sự kiện quan trọng đã diễn ra trên khắp thế giới trong năm 2011.
 
1. Ông Kim Jong il qua đời và chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên
 
Ngày 19/12, truyền hình Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo lâu năm ở nước này, "lãnh tụ kính yêu" Kim Jong Il qua đời ở tuổi 69 vì đau tim do kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần. Thông tin này khiến cộng đồng quốc tế vô cùng bất ngờ vì nhà lãnh đạo này đã qua đời hai ngày trước đó nhưng thế giới bên ngoài không hề hay biết.
Sau khi ông Kim qua đời, tình hình ở Triều Tiên không có biến động. Việc chuyển quyền diễn ra suôn sẻ, người kế nhiệm đã được chỉ định trước đó là con trai út của ông Jong Il là Kim Jong Un bắt đầu nắm quyền với sự ủng hộ của quân đội.
 
2. Động đất, sóng thần, khủng hoảng hạt nhân ở Nhật
 
Ngày 11/3, trận động đất kinh hoàng 9 độ richter xảy ra ở vùng bờ biển đông bắc Nhật và kéo theo sóng thần cao tới 10m ập vào đất liền khiến hơn 10.000 người mất tích.
Trận động đất mạnh nhất trong vòng 140 năm ở Nhật kèm theo sóng thần đã dịch chuyển đảo chính của Nhật Bản khoảng 2,4m và làm trục trái đất chệch đi ít nhất 8cm.
Tai ương vẫn chưa chấm dứt, thảm họa kép trên khiến nhà máy hạt nhân Nhật bị hư hại, gây rò rỉ phóng xạ và làm bùng phát khủng hoảng hạt nhân lớn nhất kể từ thảm họa Chernobyl.
 
3. Bin Laden bị tiêu diệt
 
Ngày 1/5, Bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công tàn khốc nhằm vào Mỹ ngày 11/9/2001, đã bị lính đặc nhiệm Hải quân Mỹ giết chết trên đất Pakistan. Đây là sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, cái chết của trùm sỏ khủng bố số 1 thế giới đã đánh dấu một điểm nổi bật trong thời kỳ nắm quyền của một nhà lãnh đạo vốn bị không ít người xem là quá mềm mỏng trong cuộc chiến chống khủng bố.
 
4. Bầu cử tại Nga và đường trở lại của Putin
 
Kết quả bầu cử Duma quốc gia Nga ngày 4/12/2011 cho thấy cục diện chính trị nội bộ Nga đã có những thay đổi; và xu hướng thể hiện quan điểm chính trị trong cử tri Nga đối với đảng chính quyền, cũng như các đảng đối lập khác cũng có những thay đổi nhất định.
Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất chỉ đạt gần 50% số phiếu (giảm 14%). Lần đầu tiên sau 20 năm kể từ khi Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản LB Nga giành được gần 20% số phiếu. Kết quả bầu cử này sẽ tác động nhất định đến kết quả tranh cử Tổng thống của Thủ tướng Vladimir Putin vào tháng 3 tới.
Cuộc bầu cử còn dấy lên sự bất bình của người dân Nga với kết quả bỏ phiếu. Nó phản ánh tâm lý thất vọng của một bộ phận tầng lớp trung lưu, thanh niên đối với giới cầm quyền, đặc biệt là đối với quốc nạn tham nhũng đang tràn lan trên đất Nga.
 
5. Thảm sát đẫm máu tại Na Uy
 
Ngày 22/7, kẻ sát nhân Anders Behring Breivik đã gây ra vụ khủng bố tồi tệ nhất tại đất nước Na Uy yên bình kể từ sau Thế chiến thứ hai. Hắn đã cho một quả bom phát nổ gần các tòa nhà văn phòng chính phủ ở thủ đô Oslo khiến 7 người thiệt mạng trước khi thực hiện vụ xả súng điên loạn vào trại hè thanh thiếu niên trên đảo Utoyea cách Oslo khoảng 30 km.
Ít nhất đã có 92 người thiệt mạng và 115 người bị thương trong vụ thảm sát, trong đó, hầu hết là các thanh thiếu niên đang tham dự trại hè do Công đảng cầm quyền tổ chức trên đảo Utoyea.
Cộng đồng quốc tế đã lên án hành động của Breivik đồng thời bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối chính phủ và nhân dân Na Uy.
 
6. Gaddafi chết, Libya "tái sinh" từ họng súng
 
Cuộc nội chiến ở Libya có bàn tay can thiệp của NATO và các cường quốc đã sớm kết thúc sau cái chết thê thảm của Đại tá Gaddafi. Hệ quả là một đất nước Libya tái sinh từ đầu họng súng với hơn 30.000 người thiệt mạng và hàng ngàn còn sống rơi vào trạng thái "nỗi buồn chiến tranh".
Nhưng, lo ngại vẫn bao trùm bầu không khí từ một Libya mới này, đặc biệt là khi những người ủng hộ tư lệnh quân sự Tripoli áp đặt Hồi giáo cực đoan và buộc người khác phải nhấp nhận mình. Bên cạnh đó, mối đe dọa của khủng bố càng gia tăng (vùng Sahel) khi mà Al Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) đang mở rộng ảnh hưởng và tuyển mộ thêm nhiều thanh niên.
 
7. Mùa Xuân Ả Rập - một năm nhìn lại
 
Làn sóng biểu tình thổi khắp Bắc Phi và Trung Đông nhằm thành lập chính quyền dân sự và cải cách dân chủ với mở đầu từ Tunisia, đã khiến cho nhiều quốc gia chao đảo - điển hình là Tunisia, Ai Cập, Yemen, Algeria, Bahrain, Oman, Ả Rập Xê Út và cả Iran, Libya và Syria.
Đây được coi như một "trận động đất thực thụ", đang lật lại vấn đề đối với các nhà nước tại vị trong khu vực từ nhiều thập kỷ và làm đảo lộn không gian địa chính trị suốt hơn 5 thập kỷ.
Sau các đợt chính biến tại Bắc Phi, các chính quyền tại vị lâu năm bị thay thế hoặc ảnh hưởng bởi các phe phái Hồi giáo chính trị, và cả phái cực đoan trong quá trình chuyển giao quyền lực. Còn Trung Đông rơi vào tình trạng rối rắm và không ổn định, đặc biệt ở Syria, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Yemen và Ả Râp Xê Út. 
Phong trào này cũng cho thấy sự tồn tại và gia tăng bất đồng nghiêm trọng giữa các cường quốc trên thế giới có quyền lợi trong khu vực - từ cuộc nội chiến ở Libya, cho tới xung đột ở Syria, hay vấn đề Iran.
Được khơi nguồn cảm hứng từ Mùa Xuân Ả Rập, giải Nobel hòa bình năm nay đã dành tặng cho 3 phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền và tự do trong khu vực; đồng thời, tạp chí Time đã bình chọn "người biểu tình" là nhân vật của năm.
 
8. Phong trào Chiếm Phố Wall
Khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 9%, phong trào Chiếm Phố Wall - cuộc biểu tình chống những chính sách ưu đãi dành cho 1% người giàu ở nước này - đã lan tới hàng chục thành phố
Khởi đầu của Chiếm phố Wall là vào ngày 17/9 khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York và bày tỏ sự phẫn nộ đối với "giới chủ tham lam".

Sau đó, phong trào này lan khắp thế giới, đặc biệt là châu Âu, với sự tham gia của hàng nghìn người bất chấp các vụ bắt giữ. Họ kêu gọi giới chính khách hãy lắng nghe người dân thay vì chỉ lắng nghe các chủ ngân hàng. 
 
9. Bê bối tình dục và nghe lén

 
Năm 2011 đã chứng kiến khá nhiều bê bối lớn về tình dục và nghe lén. Thu hút sự chú ý của dư luận nhất là vụ Dominique Strauss-Kahn. Từng được coi là lãnh đạo tương lai của Pháp, Strauss-Kahn đã phải từ chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế sau khi bị buộc tội tấn công tình dục một nữ nhân viên dọn phòng khách sạn ở New York. Sau đó, tuy cáo buộc được rút bỏ nhưng sự nghiệp chính trị của Strauss-Kahn coi như kết thúc.

Ngoài ra, thế giới cũng chấn động trước vụ bê bối nghe lén điện thoại liên quan tới tờ báo nổi tiếng News of the World của Anh do trùm truyền thông Rupert Murdoch điều hành. Tiếp sau đó, nhiều bê bối của ấn phẩm này đã bị lột trần. 
 
10. Đám cưới Hoàng gia Anh được chú ý nhất trong năm
 
Ngày 29/4, đám cưới được quan tâm nhất trong năm được cử hành. Hoàng tử Anh William và cô dâu Kate Middleton đã trao lời thề ước tại nhà thờ Westminster Abbey để chính thức trở thành vợ chồng. Sau khi thực hiện nghi lễ, cặp vợ chồng trẻ đã đi qua hàng loạt địa danh lịch sử của London trong tiếng reo hò vang dội của hàng nghìn người đón đợi. Một không khí lễ hội như trong truyện cổ tích ngập tràn nước Anh.
(Nguồn: http://vietnamnet.vn)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: