Tục ăn bốc đi đất
Ăn bốc bằng tay và đi đất cả ngày là một tập tục lâu đời ở Đông Nam Á, tất nhiên phù hợp với những thổ dân sống dựa vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên và khí hậu nóng ẩm.
Tục này còn tồn tại cho đến giữa thế kỷ 20, ở Việt Nam, tromg đó tục ăn bốc lùi xa một cách phổ biến và người ta chỉ ăn bốc khi không có điều kiện, hoặc thích thú như vậy, nhưng đi chân trần cho đến nay vẫn không hẳn mất đi. Nếu vào một quán ăn Ấn Độ ở châu Á, người ta sẽ thấy ăn bốc là một hiện tượng văn hóa đặc thù, mặc dù món ăn của người Ấn rất nhiều cà ri, cay và nhờn, nhưng những ngón tay khéo léo vê cơm và đưa lên miệng.
Tục ăn bốc. Ảnh internet
Người Việt khi đi rừng lâu ngày, thường phải nấu ăn luôn trong rừng. Người ta tìm những cây nứa, cây giang, có khẩu dài, có nước ở trong, nước đó có thể uống, hoặc tiện điếu cày, hoặc cho gạo vào đó rồi đốt trên lửa, nếu muốn cơm chín nhanh cần bóc bớt vỏ cứng (cật nứa), đó chính là loại cơm lam, nấu bằng ống nứa, hiện được coi như là món ẩm thực bán nhiều ở các vùng từ Xuân Mai đi Mai Châu.
Thịt thú rừng có thể nướng trên lửa củi, chim hay gà là loại có lông nên bọc đất nướng. Nếu muốn thịnh soạn, ngắt vài tàu lá chuối to làm mâm và bày biện thực phẩm lên đó. Nhiều món đồ của người Mường, như rau đồ, xôi đồ, cá hấp cả cá nướng đều bọc bằng lá, khi ăn mới mở ra, cũng là hậu duệ của tục ăn bốc lâu đời.
Khi dùng đũa người ta thường dùng đôi đũa rất dài, vì đồ ăn trải trên một mặt bằng tương đối rộng ở nhà sàn. Đôi đũa này thường được nhuộm đỏ bằng một loại lá cây rừng. Cá, thịt thú hoặc gia cầm xé bằng tay, chấm với muối cùng với những bình rượu đựng trong các hồ lô quả bầu, ăn hết sức hứng thú.
Rau cỏ luộc cũng bốc tay chấm muối hoặc nước mắm như vậy. Ban đầu chỉ là do điều kiện tự nhiên khó khăn, sau cuộc sống phát triển mâm bát đã đầy đủ, nhưng thi thoảng người ta vẫn thích ăn bốc. Đồ gốm không đắt tiền, nhưng luôn đòi hỏi kỹ thuật cao, trong nhiều dân tộc ở Việt Nam, chỉ có các tộc Việt, Chàm, Thái, và Hán làm gốm, trong đó trừ người Hán ở Trung Quốc, chỉ có người Việt sống trên đất Việt làm nhiều chủng loại gốm sinh hoạt hơn cả. Gốm Bầu Trúc của người Chàm, gốm Mường Chanh của người Thái chủ yếu là gốm đất nung, nhẹ lửa với các loại bình lọ, nồi.
Như vậy ăn bốc gắn liền với việc chế biến thực phẩm theo kiểu tự nhiên. Cơm lam, gà đắp đất, ngô nướng, khoai nướng, sắn nướng, mía lùi... trong đó có món bún chả thịt nướng và chả cá (nướng) trở thành đỉnh cao của môn ẩm thực.
Xẻ thịt bò trong ngày lễ hội ở làng. Có thể thấy rõ dân làng, từ người già đến trẻ nhỏ đều đi đất. Ảnh chụp tại Huế. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới. |
Nhiều người cho rằng đi đất là mất vệ sinh, nhưng phái dưỡng sinh lại cho rằng, mỗi ngày người ta nên đi chân đất ít nhất bốn tiếng đồng hồ, để được tiếp âm, cho âm dương cân bằng. Do đi đất quanh năm, nên da chân người nông dân rất dày không sợ chông gai sỏi đá. Những đôi guốc gỗ thô sơ và dép da, dép mo cau cổ lỗ dường như chỉ đi làm cảnh, chứ gặp đường đất trời mưa là không thể bước nổi. Còn hài tía, hia cao cổ thường phải quan lại mới thửa nổi, và dành cho các cậu ấm cô chiêu dẫm phải gai mùng tơi cũng đau.
(Nguồn: TT&VH)