Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo là một trong những cao tăng Việt Nam đầu tiên đã đem xá lợi Phật về nước và cập bến Sài Gòn lúc 7 giờ sáng ngày 30.6.1937 sau cuộc hành hương dài hơn hai năm. Ông mang theo cuốn Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng ghi chép hằng ngày trên đường đi.
|
Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo, tức thiền sư Nhẫn Tế - Minh Tịnh, mất ngày 17.5.1951 tại Bình Dương, thọ 63 tuổi, nhục thân của ngài được nhập tháp để thờ tại chùa Thiên Chơn. Chùa Thiên Chơn nằm gần chợ Búng, vùng Lái Thiêu (huyện Thuận An, Bình Dương) do ngài thực hiện bản vẽ và chủ trì xây dựng năm 1940, với đặc điểm trên nóc chùa có một khối tháp lớn được tạo hình mỹ thuật giống như tháp ở Bồ đề đạo tràng Ấn Độ mà ngài đã tham bái. |
Đây là cuốn nhật ký chứa đựng nhiều tư liệu giá trị về đời sống xã hội trên xứ tuyết, với các bài thơ, bài kệ do ông làm bộc lộ tấm lòng từ bi, kể cả các đoạn văn ghi lại cảnh sinh hoạt chợ búa bình thường vẫn chan chứa tình thương như khi ông đứng trước những cửa tiệm “bán đồ y phục kỵ hàn (chống rét) nhứt là áo may da trừu, da dê để y lông, cùng da các thú khác (ở Lhasa)... Da thú thuộc rồi treo lểnh nghểnh, chồng cả đống này lên đống kia, thiên hạ bu theo cái quán ấy mua… Bần đạo thấy da chúng thú thương tâm nên chi thà chịu lạnh chớ không đành mua đó làm ấm thân”. Chợ bán toàn thịt trâu, rượu xăng chế từ cơm nếp hồng, trà để pha sữa uống.
Ông viết “người xứ tuyết” không đặt lư hương trước bàn Phật mà “có chỗ riêng trống trải ngoài trời để đốt trầm, lá mộc bá, lá thơm tùy hỷ” như ở chùa Dzêss-bung. Chùa này “có tới 7.700 tăng chúng, hằng ngày có 100 tăng sư lo cúng dường, chùa có nóc vàng chói rực”. Ông cũng viếng chùa Sera, chùa Chôkhăng, đại già lam Galden, chạm tên (Thubten Osall, Nhẫn Tế - Minh Tịnh) di lưu tại tháp ngài Nămkha Giamsanh, thỉnh những cục đá nhỏ đem về kỷ niệm. Nhật ký cũng mô tả cảnh tuyết ngập “có chỗ cao đến hơn một mét”, cảnh vắng vẻ thấy “vật chết quăng ném cùng đường” nào là xương cốt, móng da nằm phơi giữa trời. Ông ghi nhận phần lớn người ông gặp trên dãy Himalaya rất tốt bụng, vật chi ai bỏ rơi ngoài sân trước ngõ cứ để nguyên chẳng ai lượm lấy, vì với họ “thân thể không cần, có tiền thì nửa phần ăn, nửa phần cúng dường, ngộ thiệt. Ăn lấy no chứ không lấy ngon. Mặc cho ấm chứ không cần tốt, mình mẩy không lo cho sạch, chỉ lo sạch cái tâm...”. Họ ăn trầu với cao tầm dung (?), hút thuốc để nguyên lá quấn lại.
|
Đến xóm Đôdark đi theo mé hồ lớn “muỗi mòng bay theo đen mịch, vừa đi vừa quạt” mới khỏi bị chích. Đến những dãy núi cao “không cây cỏ nào mọc nổi vì bị tuyết đóng dày hằng ngày nên dân (ở đó) phải dùng phân súc vật (như phân bò phân dê) làm củi đun nấu”. Lạ nhất là cảnh hầm đá cho nóng: “Hai người ôm rơm rải trong chòi rồi đem đồ vào, rồi lo đi hầm đá hòn, đến khi đá đã nóng đỏ thì gắp đá bằng kềm sắt spécial pour bỏ vào máng sôi ục ục, nước nóng lối 360, huynh Samdhen giầm trước nửa giờ, vào trùm (uống một chén nước cơm rượu) một hơi mồ hôi ra lai láng như xông. Huynh ấy nói, như vậy nước độc sẽ xuất ra hết, hết đau, mời bần đạo trùm một chặp, mồ hôi ra lau mình, nghe nhẹ nhàng xác tục”.
Về nông gia, nhật ký ghi xứ tuyết “có cấy thứ lúa bông như bông cỏ”, với hai loại: một loại lông đuôi cụt (gọi là nễ), thường dùng làm hèm rượu xăng, một loại lông đuôi dài (gọi là trô) thường dùng làm bột sadou, rang xay để đem theo ăn trên đường, khỏi nấu nướng.
Ông cũng ghi lại cảnh thiêu xác người chết trên sông Hằng, cảnh người theo phái hành xác nằm trần truồng trên đường phố Madras, cảnh diễu binh lớn ở Lhasa, cảnh múa hát, biểu diễn văn nghệ ở Tây Tạng, cảnh trời nắng song vẫn lạnh tái da, không ở trong nhà được, mà phải đem đồ ăn ra ngoài nắng ăn cho ấm bớt. Đến một hang đá có khói đóng đen, nơi đó người ta tử hình những kẻ phạm tội giết người: “Cách xử tử của xứ Bhutan lạ quá: đem người tội sát nhơn đến mé suối và cái thây bị sát tử cũng khiêng đem đến đó, rồi nấu cơm, đồ ăn cho tội nhơn ăn no nê, đoạn cột bó người tội nhơn với các tử thi của nó đã sát hại, cột bó hẳn hòi rồi quăng xuống suối”. Còn ở Tây Tạng xử khác hơn, bỏ tù, rồi mỗi ngày đánh đòn từ 10 đến 50 roi tùy án nặng nhẹ.
|
Dự một lễ cúng có 4 vị mang mặt nạ rồng, cầm đuốc bước tới trước pháp đàn múa trong nửa giờ, rồi phà lửa khắp nơi quanh pháp đàn với ý nghĩa đốt các tật xấu xa trong tâm người, đoạn “cả thảy lẳng lặng nghe hòa thượng tụng kinh cúng dường, dưng hương, có đủ thứ hương như: thiên hương, đồ hương, trầm thủy hương, tô lạc”... Đến dốc Nhaip-xốc-la (nhaip là đất, xốc là lưng) ông viết: “Lên đèo này ước vài giờ mới tới đảnh, xuống ngựa, vì xuống cái dốc ải này, ngựa dắt đi còn trợt lên, trợt xuống, hà huống là cỡi. Đi bộ suốt 3 giờ đồng hồ mới tới triền bình địa, mệt ngất lên ngựa đi tới 10 giờ rưỡi mới đến làng Dum-bô-chê”. Tương tự như thế, nhật ký ghi lại những chi tiết trên đường hành hương đến Tây Tạng huyền bí.
Nhật ký trên hiện lưu giữ tại chùa Tây Tạng (Bình Dương) với bảng in ronéo (chưa ấn hành) trên khổ giấy A4 dày 316 trang, mà chúng tôi may mắn được đọc.
Giao Hưởng
(Nguồn: Báo Thanh Niên)