Chủ nhật, 24/11/2024,


Hành trình kỳ lạ của một người Việt đến Tây Tạng (Kỳ 2) (21/11/2011) 

 

Đến Lhasa

Vài ngày sau khi đến Lhasa, Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo đã xuất hiện trên đường phố với pháp phục màu vàng chói uy nghiêm của một thiền sư khiến dân chúng cả thành Lhasa kinh ngạc và lo lắng giùm cho ông, vì đây là điều cấm kỵ từ lâu ở xứ này.

Sự xuất hiện khác thường

Theo ghi chép của ông trong Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng (chưa xuất bản) thì thời ấy việc mặc pháp phục màu vàng đi giữa thành phố Lhasa là vi phạm luật định: “Bất cứ ai nếu thấy mặc đồ vàng thì phải bị bắt và đánh đuổi ra, vì xứ Lhasa trọng sắc vàng lắm. Sắc Phật chỉ đặng làm y, làm áo, làm mão, còn ai dùng làm chăn, làm quần, làm vớ, làm giày bằng sắc vàng ấy thì bị phép nước bắt đánh đòn, lột đồ ấy rồi đuổi ra khỏi nơi cư ngụ. Nhơn dân quăng đá mắng chưởi. Ấy là tục lệ xứ này vậy”. Sau vài giây phút ngỡ ngàng, dân chúng thành Lhasa đã yên lòng vì thấy đi bên cạnh ông là những quý tộc và những viên chức hộ tống đưa ông đến dinh của một vị quan cấp cao nhất Lhasa đương thời, mà ông gọi là “thừa tướng” cho dễ hiểu: “Quan thừa tướng cho người lại bảo bần đạo phải đắp y bi sô (tức pháp phục màu vàng của tỳ kheo) chứ không nên bận đồ Tây Tạng đi yết kiến” và đó là một đặc ân hiếm thấy. Trước kia, đã có những vị tỳ kheo các vùng khác đến Tây Tạng nhưng cũng không được mặc sắc vàng như ông. Vì thế, khi ông xuất hiện, người lớn trẻ em đang đứng “trên đường và hai bên phố đều dòm ngó xầm xì”... Đến dinh thừa tướng cũng vậy: “Cả người trong dinh đều thấy, đã đồn rân khắp thành thị, phần đông đều hiểu trước thầy là người quen của nhà thừa tướng”.

 
Chùa Tây Tạng ở Bình Dương (do Lạt ma Nguyễn Tấn Tạo khai sơn) hiện nay với phong cách kiến trúc theo mô hình các cổ tự ở Himalaya - Ảnh: Võ Văn Tường

Quan thừa tướng và phu nhân mời ông ngồi trên đơn, còn những người khác tháp tùng “ngồi trên rầm trên đất”, vì tục người Tây Tạng không có bàn ghế bằng gỗ. Phu nhân đeo ngọc châu “tóc rẽ làm hai, đeo trên hai góc ngôi sao, bỏ xả hai bên tai (chạy xuống) khỏi vai, đoạn dưới tóc bính, rồi đâu hai bính ra sau lưng, có một sợi ngọc điệp cột hai bính ấy”. Bà bưng một cái đĩa bạc trên có đặt sẵn bình trà, bình sữa và bình đường cũng bằng bạc, đem đến mời ông. Lần thứ hai, vào 1.7.1936, quan thừa tướng lại sai người đến mời ông lần nữa, lần này để xem hát ở dinh. Hết lớp hát khoảng 9 giờ đêm, phu nhân đãi trà và chính tay bà quẹt lửa cho ông đốt thuốc.

Tiếp kiến pháp vương

Chính nhờ thừa tướng và phu nhân cùng các lạt ma có uy tín lúc bấy giờ ở Lhasa mà sau đó ông được giới thiệu để tiếp kiến Pháp vương Bodalama lần thứ nhất ngày 3.7.1936.

Ấy là một ngày có ý nghĩa rất lớn đối với ông trong chuyến hành hương. Là vì lần đầu tiên ông yết kiến pháp vương có “mặt mày sáng láng, ngồi trên long đơn, trước có tợ sơn son phết vàng, trên đơn trải gấm Tây Tạng, nội bộ chỉ có bần đạo đắp y vàng rực từ trên sắp dưới, làm cho quốc vương chăm chỉ ngó ngay, khiến các lạt ma và quan nội điện đều để mắt”. Pháp vương rất hài lòng, ngài cầm một nắm dây lụa điều màu đỏ quấn lên cổ ông thân thiết. Khi ra về, dân chúng hai bên đường phố Lhasa thấy sợi dây điều màu đỏ trên cổ ông đều biết ông ở trong ngự điện thiền cung mới ra nên tỏ thái độ cung kính chiêm ngưỡng ông. Ông yết kiến pháp vương lần nữa vào ngày 4.10.1936, sau đó được pháp vương ban pháp danh là Thubten Osall Lama. Theo ông giải thích: “Thubten là tên của đức Tả tê Lama thái thượng hoàng đã băng. Thubten (có nghĩa là): vòng cứng bền chắc của kim cương. Còn chữ Osall (có nghĩa là): ánh sáng mặt trời - tên của đương kim quốc vương lạt ma, nên bần đạo biết Thubten Osall có nghĩa là Huệ Nhựt (có thể hiểu là: ánh sáng trí huệ phóng chiếu rực rỡ như mặt trời)”. 

Được pháp vương và các lạt ma, quý tộc Tây Tạng giới thiệu, ông đã đến thăm điện Potala - nơi được mệnh danh là trái tim hoặc linh hồn của thủ phủ Lhasa, tận mắt quan sát, chiêm ngưỡng và ghi lại cảnh chùa cất trên đỉnh núi với rất nhiều đèn lưu ly thắp bằng beurre tại các điện, với nhiều lầu nhiều nóc mà nóc nào cũng thếp vàng khiến ông “chói mắt vì thấy nhiều điện Phật toàn bằng vàng ròng, lư đèn, lục bình các món cũng vậy... Ôi đến nơi: thấy tháp cao lớn, cả trên dưới đều thếp bọc vàng ròng, chạm trổ, ngọc thạch xanh, đỏ, vàng, trắng, lưu ly, pha lê, trân châu, thủy xoàng của quan dân cúng dường gắn khắp tháp”. Những ghi nhận của ông về điện Potala hoàn toàn phù hợp với tài liệu do Lạt ma Lobsang Rampa cung cấp sau này qua cuốn Các lạt ma hóa thân (Lê Nguyễn dịch, NXB VH-TT 2003). Theo đó, điện Potala là một cung điện khổng lồ xây trên miệng một núi lửa đã tắt và trên nền móng của một cung điện cũ, ngọn hỏa sơn này “chứa trong lòng nó những hang động bí mật với hàng ngàn đường hầm tỏa ra tứ phía. Có những hang động cất giấu nhiều tài liệu cổ xưa hàng chục thế kỷ. Có những kho chứa châu báu, vàng ngọc từ thời đại xa xưa. Rất ít ai được biết đến những chỗ này (...) những mạch vàng lớn khoảng mấy chục thước bề ngang, ngày xưa nhiệt độ cao đã làm vàng chảy ra như sáp nến về sau nguội dần, đông đặc lại thành những mạch vàng dài như một con rồng uốn khúc. Bây giờ chắc hiểu tại sao người ta xây cung điện khổng lồ lên trên miệng núi lửa như thế (...) nếu không biết che giấu, Tây Tạng có thể trở nên một chiến trường đẫm máu do lòng tham vô độ của con người” (sđd trang 63).

Ông cũng đã đi nhiều chùa lớn và tu viện khác thuộc vùng phụ cận của Lhasa, để rồi một hôm - ông bất ngờ gặp một đại sư bí mật trong hẻm núi vắng lạnh và trở thành chuyện lạ nhất của chuyến hành hương. Vì chính cuộc kỳ ngộ đó đã đánh thức trí nhớ và công phu tu tập từ tiền kiếp của ông... (còn tiếp)

Giao Hưởng

(Nguồn: Báo Thanh Niên)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: