Trong cuộc hội ngộ Kỷ lục Việt Nam lần thứ 21 năm 2011 tổ chức sáng nay, 30-10, tại Trung tâm Hội nghị White Palace – TPHCM, có một kỷ lục gia rất đặc biệt. Đó là cậu bé khiếm thị bẩm sinh Bùi Ngọc Thịnh, mới 11 tuổi nhưng có thể chơi thành thạo 5 loại nhạc cụ: trống, organ, đàn sến, đàn cò và guitar cổ.
Đau đớn vì con
Bố và mẹ Thịnh đều bị khiếm thị. Số phận Thịnh cũng không may mắn hơn khi ngay từ lúc chào đời, cậu bé đã không nhìn thấy ánh sáng.
Anh Bùi Văn Lộc, bố của Thịnh, từ nhỏ mắt vẫn bình thường nhưng đến năm học lớp 11, anh bị đau đầu rồi đôi mắt dần mờ đi và cuối cùng không nhìn thấy gì nữa. Mới 17 tuổi, bi quan, chán nản, buồn khổ và nhiều lúc tuyệt vọng, Lộc tìm đến Hội Người mù huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa để học chữ nổi. Tại đây, anh chợt nhận ra bên cạnh mình có rất đông người cùng cảnh ngộ. Họ sống trong sự chia sẻ và đồng cảm với nhau.
Cũng ở Hội Người mù Ninh Hòa, anh Lộc gặp chị Lan, một cô gái mù bẩm sinh từ trong bụng mẹ nhưng có giọng hát rất hay, học rất giỏi, luôn lạc quan và giúp đỡ mọi người. “Lúc đó, tôi nhận thấy giọng hát ấy, tính cách ấy chắc chắn sẽ trở thành chỗ dựa tin cậy cho chồng con sau này” - anh Lộc nhớ lại. Chính sự nhiệt tình giúp đỡ, mai mối của những người cùng cảnh ngộ, anh chị đã đến với nhau bằng hai tâm hồn đồng điệu và mơ ước về một ngôi nhà riêng cùng những đứa trẻ. Sau 6 năm quen nhau, họ quyết định làm đám cưới. “Tụi mình bị mù mắt chứ trái tim có mù đâu” - chị Lan tâm sự.
Mang trong bụng đứa con đang lớn dần, chị cùng chồng vừa mừng vui, chờ mong ngày đứa bé chào đời vừa mơ hồ lo lắng. “Thế nhưng, chúng tôi tin rằng trong cuộc đời tăm tối vì thiếu ánh sáng của mình, trời sẽ thương tình cho một đứa con có một đôi mắt bình thường để nhìn và cảm nhận cuộc sống xung quanh thay phần cha mẹ của nó” - anh Lộc thổ lộ. Anh chị tin tưởng vì có rất nhiều trường hợp như thế.
Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn đàn organ
Vậy mà, ông trời như muốn trêu ngươi, đặt số phận anh chị vào một thử thách đầy nghiệt ngã. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi bé Bùi Ngọc Thịnh sinh ra thiếu tháng, sức khỏe quá yếu phải nuôi trong lồng kính và uống sữa bình thay sữa mẹ. “Chúng tôi đặt tên con là Ngọc Thịnh với hy vọng mọi thứ đến với cuộc đời đứa bé sẽ thuận lợi và may mắn. Trong suốt những tháng đầu tiên sau khi Thịnh sinh ra, chúng tôi vẫn tràn ngập niềm tin như thế” - chị Lan bộc bạch.
Đến tháng thứ 6, mỗi lần đưa đồ chơi cho con, không trúng tay thì đứa bé không cầm, đút cơm không đúng miệng thì bé không há miệng, chị Lan bắt đầu sinh nghi nhưng không dám tin về nỗi bất hạnh mà vợ chồng mình phải gánh chịu nay lại giáng xuống đầu con trẻ. Cho tới một ngày, khi con gần 1 tuổi, trong một lần đưa con đi khám bệnh, bác sĩ cho biết bé Thịnh bị mù bẩm sinh, mọi hy vọng của anh chị sụp đổ tan tành. “Tôi gần như ngã gục, không còn điều gì đau đớn hơn. Biết thế này, tôi đã không sinh con” - chị Lan chua xót.
Hạnh phúc cũng vì con
Gia đình anh Lộc sống nương tựa nhau ở Hội Người mù huyện Ninh Hòa. Hội không được trợ cấp tiền từ Nhà nước, các hội viên phải làm nhiều việc để sinh nhai: bó chổi, làm hương trầm, tăm tre… Thu nhập từ những công việc này của mỗi người khoảng mười mấy ngàn đồng mỗi ngày, tháng nào nhiều lắm thì được 500.000 đồng.
Ba tuổi mới tập đi, lên 4 tuổi mà Thịnh vẫn chưa đứng vững. Thế nhưng, khi tay trống trong đội văn nghệ của Hội Người mù huyện Ninh Hòa vừa buông dùi nghỉ là cậu bé liền lao tới. “Ngày đó con mê tiếng trống lắm. Mỗi khi tiếng trống nổi lên là con thấy lòng mình nhảy múa, sung sướng” - Thịnh nhớ lại.
Anh Bùi Văn Lộc cho biết hồi nhỏ, Thịnh rất yếu ớt, đứng còn không vững, té lên té xuống hoài nhưng lại tỏ ra thích thú kỳ lạ với các loại nhạc cụ. “Cu cậu ham lắm, có khả năng lặp lại những âm thanh vừa nghe được” - anh Lộc tự hào. Đến năm 6 tuổi, Thịnh xin bố mẹ cho được đi học đánh trống. Dù biết Thịnh còn nhỏ nhưng vì thương con, anh chị vẫn tìm thầy cho cậu bé học. Không thể nhìn thấy bằng mắt, Thịnh học bằng cách rờ tay lên mặt trống và tự cảm nhận những âm thanh phát ra rồi tập lặp lại. Một năm sau, cậu bé đã có thể đánh hơn 100 điệu trống khác nhau.
Cậu bé mù bẩm sinh này còn có thể chơi thành thạo guitar và 4 loại nhạc cụ khác
Lên 7 tuổi, Thịnh lại năn nỉ mẹ cho đi học guitar cổ điển. “Cây đàn thùng khi đó còn to cao hơn cả người Thịnh. Cháu nó ôm cây đàn mà mình chỉ nhìn thấy đàn chứ không thấy người đâu” - chị Lan nhớ lại. Sau đó, Thịnh tiếp tục học đàn organ, đàn sến và đàn cò. “Lúc Thịnh xin tiền để mua các loại đàn, tôi nói: “Con học món nào thì học một món cho giỏi”. Nó không chịu, cứ ao ước hoài. Thấy con cứ như vậy, xót xa quá, tôi hỏi: “Con học nhiều thứ để làm chi vậy?”. Thịnh bảo: “Con học vì con không muốn chỉ biết đánh mỗi đàn guitar. Con học đàn sến, đàn cò để con còn hòa đàn với dàn nhạc” - chị Lan cho biết.
Thế là anh chị lại thắt lưng buộc bụng dành dụm tiền để mua đàn cho con. “Khi mang đàn về, Thịnh lao vào học suốt ngày, không màng đến ăn uống và chỉ vài ngày sau là cu cậu đánh được ngay. Giờ Thịnh còn đòi học thêm đàn tranh. Thầy giáo dạy đàn nói với đàn tranh thì chỉ những người sáng mắt mới học được vì khi đeo móng vào, người chơi không thể cảm nhận dây bằng ngón tay nữa. Thế nhưng, Thịnh vẫn khăng khăng là nó thích, sẽ học được” - anh Lộc kể.
Hôm 16-9, Hội thi Tiếng hát từ trái tim của tỉnh Khánh Hòa có tổng cộng 7 giải nhất thì chị Lan và con trai đã chiếm đến 4 giải và được chọn đi biểu diễn ở Hà Nội vào đầu tháng 11-2011. Sau khi Thịnh nhận giấy chứng nhận Kỷ lục Việt Nam xong, hai mẹ con sẽ trở lại Khánh Hòa để kịp ngày đi xe lửa ra Hà Nội biểu diễn.
“Thế là trời cũng đã thương vợ chồng tôi nên mới cho Thịnh khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ. Vợ chồng tôi chỉ mong ước sau này Thịnh lớn lên, nhờ vào khả năng thiên phú này mà cháu có thể nuôi sống được bản thân và gia đình mình” - chị Lan nói trong hạnh phúc.