Nobel Văn học 2011 đã trao cho thi sĩ - nhà tâm lý Tomas Transtroemer (sinh 1931), người đã từng vào danh sách ứng cử của giải này vài lần. Có thể với phần đông các nhà thơ Việt Nam chưa biết Tomas Transtroemer là ai, nhưng với giới dịch thơ và mê văn học dịch, ông không còn xa lạ, vì từ mấy chục năm trước, thơ ông đã hiện diện trong văn học Việt.
Nhìn lại lịch sử giải Nobel Văn học, Việt Nam thường rất chậm trễ trong việc dịch và giới thiệu các tác giả đoạt giải này. Thậm chí đến nay, có vài tác giả đã thành kinh điển, Việt Nam vẫn chưa dịch một tác phẩm nào của họ. Sự chậm trễ có nhiều lý do, trong đó có sự hạn chế về ngôn ngữ và định kiến của dịch giả - không thích thì không dịch.
Một chuyện hy hữu
Nhưng với Tomas Transtroemer thì hoàn toàn khác. Ông xuất bản tập thơ đầu tiên năm 23 tuổi, với tên gọi 17 bài thơ, đến nay, ông mới in khoảng 13 tác phẩm tiếng Thụy Điển, thì đã có hơn 11 tác phẩm được dịch ra tiếng Việt.
11 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ 1954 đến 1996, thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh dịch qua bản tiếng Pháp từ đầu thập niên 1990, NXB Văn học in năm 2000 với tên gọi Toàn tập thơ. Tuyển tập này gồm các tập: 17 bài thơ (1954), Những bí mật trên đường (1958), Bầu trời một nửa đã xong (1962), Tương đồng và dấu ấn (1966), Hình tượng ban đêm (1970), Những lối mòn (1973), Biển Baltic (1974), Rào cản của chân lý (1978), Quảng trường hoang dã (1983), Vì người sống và người chết (1989), Du thuyền tang lễ (1996). Tuyển này ít được chú ý không phải vì dịch thuật kém, mà do bìa 1 in sai tên nhà thơ, làm nhiều người bất bình không mua; và do truyền thông yếu, hơn 10 năm trước, chẳng mấy người để ý đến Tomas Transtroemer.
Thi sĩ Tomas Transtroemer
Năm 1998, Nguyễn Xuân Sanh đã sang Thụy Điển để gặp Tomas Transtroemer, cùng đàm đạo và làm sáng tỏ nhiều ý tưởng mà ông muốn chuyển sang tiếng Việt. Họ đã trở thành “hai người bạn chí thân”, như trong lời tựa tuyển tập đã đề cập.
Cũng xin nói thêm, Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt, lớn lên tại Hà Nội, quê ở Quảng Bình. Năm 1942, ông cùng các văn nghệ sĩ như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Văn Hạnh... lập nên nhóm Xuân Thu nhã tập với những tuyên ngôn và cách tân về nghệ thuật. Sự nghiệp văn học của ông khá đồ sộ, riêng thơ có thể kể Nhận ruộng (1945), Chiếc bong bóng hồng (1957), Tiếng hát quê ta (1955), Nghe bước Xuân về (1961), Quê biển (1966), Sáng thơ (1971), Đảo dưa hấu (1974), Đất nước và lời ca (1978), Đất thơm (thơ văn xuôi, viết 1940-1945, in 1995)... Ông đã dịch và xuất bản gần 20 tác phẩm thơ, trải rộng từ thơ Nga, thơ Pháp, thơ Indonesia... cho đến thi phẩm của từng thi sĩ.
Sự đồng hành
Trước khi đoạt giải Nobel, tác phẩm của Tomas Transtroemer đã được dịch ra gần 60 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, đủ biết đây là một người có nhiều bạn đồng hành. Bởi trong vô số các định nghĩa về dịch thơ, thì việc cảm, việc viết lại và đồng hành với tư duy của tác giả được nhiều người ủng hộ. Bởi thơ gần như không thể dịch, mà chỉ có thể đồng sáng tạo, thông qua việc đồng hành với thi sĩ.
Bìa Toàn tập thơ do Nguyễn Xuân Sanh dịch, NXB Văn học, 2000
Đến nay, thơ Bắc Âu và thơ Thụy Điển còn khá xa lạ tại Việt Nam, chủ yếu do cách ngăn ngôn ngữ, dịch giả không cảm được thì không thể dịch được. Dù Bộ Văn hóa Thụy Điển có rất nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu văn học và văn hóa của nước mình, nhưng tình hình chưa phải là khả quan. Năm 2009, quyển Thơ Thụy Điển (NXB Hội Nhà văn) ra đời, trong đó có nhiều thơ của Tomas Transtroemer, cũng thỏa mãn một phần “cơn khát”. Năm kế tiếp, quyển Các nhà văn Thụy Điển giải Nobel (NXB Lao động) phát hành, cái nhìn về văn học Thụy Điển mới được cải thiện đôi chút. Có được điều này, không thể phủ nhận công sức của Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây của dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Trở lại chuyện Tomas Transtroemer, trước khi ông đoạt Nobel, thì từ thập niên 1980, nhà thơ Diễm Châu đã dịch nhiều bài của ông ra tiếng Việt. Tiếp theo là công phu của Nguyễn Xuân Sanh với 11 tập dịch; rồi nhà thơ Lê Đình Nhất Lang... cũng dịch nhiều bài in trên mạng. Quả là Tomas Transtroemer có nhiều hấp lực. Chính bậc thầy Joseph Brodsky cho biết mình đã mượn của Tomas Transtroemer nhiều ẩn dụ; nhà thơ đương đại người Scotland là Robin Robertson (sinh 1955) vay mượn của ông nhiều thủ pháp để “viết lại”.
Cuối cùng, việc Tomas Transtroemer hiện diện khá toàn diện ở Việt Nam trước khi đoạt giải Nobel là một việc tình cờ và cũng bình thường, vì từ xưa đến nay, dù dân “cá độ” rất “chạy đua tin tức”, nhưng giải thưởng này gần như không thể “mua độ”. Cho nên, nếu ai đó nói việc mình chọn những tác giả “sẽ đoạt giải Nobel” để dịch cũng chỉ là cách nói cho vui, vì bí mật của giải này luôn bất ngờ vào phút cuối.
Văn Bảy
(Nguồn: TT&VH)