Thứ sáu, 22/11/2024,


Vườn thị cổ thụ 600 tuổi trị giá gần chục tỷ đồng (09/07/2011) 

 

Ông Lê Minh Thưởng, hậu duệ đời thứ 16 của họ Lê ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An), chủ nhân của 5 cây thị cho biết: Theo gia phả, cách đây hơn 600 năm, một trận đại hồng thủy cuốn phăng các làng mạc, biến vùng đất ven biển xứ Nghệ này thành một bãi cát trắng. Trên bãi cát bạc màu ấy, 5 cây thị vẫn tươi tốt. Khách tới thăm ai cũng ngạc nhiên vì gốc cây lớn, nhiều người ôm không xuể, thân xù xì với những hốc rỗng vài người ngồi lọt, quả thị to nặng tới một kg. Có đại gia đã trả giá 7 tỷ đồng cho cả 5 cây, nhưng chủ nhân nhất quyết không bán.
 
Ông Lê Minh Thưởng bênh một gốc thị cổ thụ đã 600 năm tuổi
 
Vào thế kỷ 15, một lần dẫn quân đi đánh giặc ngoại xâm, đô đốc Lê Văn Hoan dừng chân ở vùng đất trên, buộc voi vào 5 cây thị vừa để tuyển quân, vừa nghỉ ngơi. Đô đốc Lê Văn Hoan ăn thử một quả thị thấy rất ngọt. Sau lần đó, đoàn quân của đô đốc thắng lớn, Lê Văn Hoan được phong chức Đại nguyên soái Lê Quý Công.
Mỗi lần vào thăm 5 cây thị ở vùng đất này, đoàn quân đánh giặc đều giành chiến thắng. Thấy lạ, nguyên soái đã để một số con cháu ở lại để sinh cơ lập nghiệp rồi lập miếu thờ 5 cây thị. Từ đó, con cháu họ Lê sinh sôi, phát triển và trở thành một trong những dòng họ lớn trong vùng.
Cũng theo gia phả và nhiều bậc cao niên trong làng kể lại, 5 cây thị cổ này chính là nơi mà đoàn quân của vua Quang Trung đã cột voi trong lần hội quân trước khi ra Thăng Long đánh tan quân Thanh năm 1789.
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, 5 cây thị cũng là chứng tích lịch sử. Cụ Nguyễn Văn Nam, 80 tuổi ở xã Nghi Thịnh cho biết, từ nhỏ cụ và các bạn đồng lứa đã ngồi chơi dưới những gốc thị khổng lồ. Đến mùa quả chín, khắp làng trên, xóm dưới đều đến hái quả ở cây thị này. “Nạn đói quay quắt năm 1945 đã khiến nhiều người chết, tuy nhiên nhiều người dân vùng biển đã sống nhờ vào quả của những cây thị già này”, cụ Nam khẳng định.
Khi giặc Mỹ ném bom bắn phá, vùng biển Nghệ An là một trong những vùng trọng điểm. Khi đó, một đơn vị phòng không của quân khu 4 đã đóng trong vườn nhà ông Thưởng. Ở dưới mỗi gốc thị là một căn hầm lớn, có giao thông hào thông nhau. Một số cây thị lớn được người dân và bộ đội khoét rỗng để làm bếp nấu và trú bom.
“Chỉ huy phòng không của quân khu 4 từng ngồi trong hầm cây thị này để chỉ huy bắn hạ nhiều máy bay địch. Hàng chục đoàn quân khi vào Nam chiến đấu đã đi qua những hầm hào của 5 cây thị già”, một cựu chiến binh ở xã Nghi Thịnh cho biết.
Trong suốt những năm chiến tranh gian khổ và cả sau đổi mới, 5 cây thị già bị nhiều người quên lãng. Năm 2006, một đoàn khách du lịch khi đi nghỉ ở Cửa Lò đã vào thăm 5 cây thị cổ của dòng họ Lê. Sau một hồi xem xét những khối u sần sùi, những cái hốc đen ngòm của 5 cây thị, một đại gia đã trả giá cây nhỏ nhất 30.000 USD, cây to giá cao hơn.
“Tính ra tiền Việt lúc đó hơn 3 tỷ đồng, nếu tôi bán thì họ sẽ mang tàu biển vào cập cảng Cửa Lò rồi chở cây đi. Đến lúc đó, con cháu họ Lê mới biết dòng họ mình đang giữ bảo vật”, ông Thưởng cho biết.
Sau nhiều lần tìm đến mua cây thị, nhưng không có kết quả, vị đại gia nọ đã nâng giá lên 7 tỷ đồng cho 5 cây nhưng ông Lê Minh Thưởng kiên quyết không bán vì “đây là báu vật của tổ tiên, là nguồn mạch phát triển của cả dòng họ”.
Năm 2007, những cây thị già của ông Thưởng được đưa vào chương trình “Chuyện lạ Việt Nam”, từ đó nhiều đoàn khách đã tới thăm, nhiều đại gia ở Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nội đã tìm vào đòi mua nhưng ông cũng không bán. Năm 2010, một đoàn nghiên cứu về cây của Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam đến phân tích, thu mẫu và kết luận những cây thị này có tuổi đời gần 600 năm.
Trong số 5 cây thị ở 5 góc vườn nhà ông Thưởng, cây lớn nhất được gọi là thị Nu. Gốc thị lớn 9-10 người ôm mới xuể, rễ thị cắm sâu vào lòng đất, chạy khắp cả khu vườn. Cũng như những cây khác, thân của cây thị này chi chít những hốc, những khối u sần sùi, da mốc meo với nhiều loại cây tầm gửi trong đó có cả hoa phong lan sinh sống.
Mặc dù đều là những cây thị cổ nhưng mỗi cây lại có đặc điểm riêng. Cây thị Nu có quả rất lớn đến gần một kg. Sở dĩ được gọi là thị Nu bởi khi hái xuống thì chưa thể ăn ngay mà phải dấm đến vài ngày mới ăn được. Cây thị lớn thứ hai trong vườn gọi là thị Hồng, có quả chín màu hồng. Một cây khác gọi là thị bần, quả nhỏ, không có hạt và ăn rất thơm. Cây khác được gọi là thị Chàm…
Cả 5 cây thị đều bị khoét rỗng ở phía trong với những vết cháy đen ngòm do việc nấu bếp bí mật và những căn hầm dã chiến trong chiến tranh, nhưng ở ngoài vỏ, những cành non mơn mởn cứ tiếp tục đâm chồi mạnh mẽ.
“Dù đã rất già cỗi nhưng 5 cây thị là bảo vật thiêng liêng vô giá, là mạch sống của tổ tiên. Một số năm, các cây thị khác trong vùng có thể mất mùa nhưng cả 5 cây thị này đều trĩu quả. Ở tuổi gần đất, xa trời, ước mong lớn nhất của tôi và của nhân dân trong vùng là những cây thị này sẽ sớm trở thành cây di sản Việt Nam, con cháu sau này sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, tiếp tục gìn giữ”, ông Lê Minh Thường vừa ôm lấy hốc cây thị già vừa nói.
Đại diện chương trình Cây di sản Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết, mặc dù các chuyên gia của hội đã biết đến 5 cây thị hiếm có này, tuy nhiên hội vẫn chưa nhận được đơn đăng ký cây di sản của ông Thưởng. Sau khi nhận được đơn, Hội sẽ lập đoàn kiểm tra, thẩm định để công nhận 5 cây thị là cây di sản Việt Nam.
Hà Nguyên Khoa (VnExpress)
 
___________
 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Trường Tam - tamnguyentruong@gmail.com - 0983 564 879 - Xóm Mỏ, xã Yên Sơn, huyện Thanh sơn, tỉnh Phú Thọ  (Ngày 10/09/2011 19:20:41)

Tôi nhìn ảnh cây thị này thấy quá bình thường các bạn ạ! Bởi vì ở bản tôi còn có một cây thị lớn hơn cây này nhiều. Cách đây 40 năm khi tôi mới hơn 20 tuổi thì cây thị này đã hơn mười người lớn ôm không hết mà quả của nó có những quả lớn to như quả bưởi vừa vừa. Suốt mùa hè, chúng tôi mỗi khi trèo lên là lấy được đầy bị luôn và cả bản hôm nào cũng có người hái. Tại cây thị này lúc nào cũng có mấy cây nứa dài làm khum để hái thị chớ không chọc đâu vì thị mà rơi thì nát bét. Một điều thú vị nữa là những trái thị ở cây này thơm mà ngọt có lẽ nhất Việt Nam luôn. Tôi không nói khoác đâu các bạn ạ! Mới cách đây về thăm bản cây thị đó vẫn nguyên si. Cây thị này nằm cạnh một nguồn nước mạch từ núi Thu Tinh quanh năm tuôn chảy, nước trong veo, mát lạnh vè mùa hè mà lại rất ấm về mùa Đông nên ngày trước tôi toàn ra đó tắm không cần phải đun nước vào cuối nam âm lịch. Từ Hà nội theo quốc lộ 32, tới phố Vàng của huyện Thanh sơn thì rẽ sang đường 24A (Đã trải nhựa nghiêm chỉnh rồi- rất dễ đi) khoảng 35km nữa là tới xã Yên sơn (Ngày trước gọi là xã Đề Ngữ). tới bến xe khách Đề Ngữ thì hỏi xóm Mỏ (bản của tui) thì ai cũng biết. Không tin các bạn cứ thử lên mà xem, nhân tiện qua huyện Thanh sơn thưởng thức rất nhiều đặc sản núi rừng Tây Bắc Việt Nam mà theo tôi cứ gọi một con lợn lửng độ 10kg làm đủ món (phải lưu ý đủ món)cho 10 người ăn (khoảng 1 triệu)thì tuyệt vời lắm. Thịt Dê núi ở Thanh sơn cũng hơn hẳn dê Ninh Bình vì chất lượng là dê núi thật chớ không phải dê Ninh Bình nếu ko gặp may bị mang dê ăn cỏ như trâu bò làm mất ngon các bạn ạ. Tôi ở Hà nội 40 năm rồi nhưng năm nào cũng về bản Mỏ của tôi ba bốn lần cho đỡ nhớ đấy, xin thề!

Các bài khác: