1. Kỳ công tìm bích họa bí ẩn trên núi đá Ninh Bình
Sau 2 năm chờ đợi, tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng một câu chuyện vô cùng bí ẩn, vô cùng hấp dẫn, đặc biệt, đó là những bức họa kỳ lạ, ẩn hiện ma quái trên một mái đá thuộc một dãy núi đá trồi lên giữa bãi lầy ngập nước…
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Luyên,
người tìm hiểu khá sớm về những bích họa trên vách đá
Cách đây 2 năm, trong lần đi thăm chùa Bái Đính, khi đó còn là một công trường ngổn ngang với tượng đá lăn lóc, gỗ lim chềnh ềnh, anh bạn đồng nghiệp ở Ninh Bình có tặng tôi bản thảo một tập tài liệu nghiên cứu về Hang Động, mà theo anh rất có giá trị. Tài liệu này có tên hơi dài: “Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp khai thác tiềm năng hang động Karst phục vụ phát triển du lịch khu vực Tam Điệp - Yên Mô - Kênh Gà - Vân Trình - Vân Long, tỉnh Ninh Bình, 2006”. Người chủ trì đề tài là Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên.
Tài liệu toàn nói về các hang động, với rất nhiều thứ lý thú. Những thạch nhũ đẹp kỳ quái, những bức tượng phật chìm trong vách đá, nơi cư trú của người cổ từ hàng vạn năm trước.
Trong số các hang động được giới thiệu, tôi chú ý đến cái hang có tên không được thơm tho cho lắm: Hang Thúi Thó. Hang được định vị chính xác tuyệt đối trên bản đồ với số liệu kinh tuyến, vĩ tuyến chi tiết. Địa điểm hang thuộc xã Gia Vân, (Gia Viễn, Ninh Bình), nơi có khu ngập nước nổi tiếng mang tên Vân Long, cùng đàn voọc mặc quần đùi (cách gọi yêu loài vọc mông trắng, vì trông xa như thể nó mặc quần đùi trắng).
Hang động được Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên giới thiệu ngắn gọn thế này: “Hang phân bố ngay sát mặt nước. Đáy hang cao 30cm so với mặt ruộng. Cửa hang quay 130 độ. Trần hang cao 7-8m. Hang có hình vòm cung. Hang khô, không có nước, xếp vào loại tàn dư, thuộc thời kỳ cuối của giai đoạn phát triển karst. Hang này có nét độc đáo là tại vách hang bên trái có một tầng văn hóa gồm các mảnh sò, ốc do người Việt cổ ăn để lại. Ngoài ra, dưới đáy hang còn tồn tại một tảng trầm tích bao gồm các mảnh vỏ hàu, hà gắn kết với nhau rất chặt. Đây là di tích của một đợt biển tiến trong Holocen. Tầng trầm tích này nằm ngay trên nền hang, có nhiều khả năng bị sập xuống. Đánh giá: Hang có giá trị về mặt văn hóa – lịch sử như là một chứng tích của người Việt cổ xưa”.
Sẽ chẳng có gì đáng chú ý ngoài cái tên lạ Thúi Thó, nếu như phần cuối của đoạn giới thiệu, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên không có thêm dòng chữ có nội dung đại để: “Tại dãy núi có hang Thúi Thó, có một vách đá xuất hiện những hình vẽ cổ, kỳ lạ, như những bức bích họa”.
Đọc được dòng chữ hình vẽ cổ như những bích họa, lòng tôi chợt xốn xang. Tôi đã đến vô vàn hang động, từ nhỏ bé đến kỳ vĩ, từ không có người ở đến những hang có nhiều trầm tích, đến hàng trăm mái đá kỳ vĩ, đẹp đẽ, song chưa từng nghe ở đâu có bích họa trên đá. Có chăng, chỉ là những hình khắc, mà sự phát hiện ra hình khắc trên đá, cũng là quý giá lắm rồi, ở Việt Nam có mấy nơi có hình khắc trên đá đâu.
Dãy núi có hình vẽ bí ẩn, duy nhất ở Việt Nam
Lại nhớ đến cảnh tôi phải mất mấy ngày giời cuốc bộ trong rừng Hoàng Liên Sơn, để được tận mắt mấy tảng đá có hình khắc. Phải nói thẳng rằng, những hình khắc còn sơ khai quá, ít giá trị nghệ thuật. Ấy thế mà, khi đem những tấm ảnh đó cho PGS – TS. Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam), ông rưng rưng xúc động. Vị tiến sĩ khả kính kéo cặp kính trễ nải phân tích từng đường cong của hình khắc mà tôi chụp với sự hào hứng tột độ. Bao nhiêu ý nghĩa của lịch sử, văn hóa, đời sống, ý tưởng, của sự cách điệu hiện về trong những lý giải giàu chất khoa học của ông. Thế mới biết, trong cảnh nghèo nàn của những giá trị di sản, dù vài nét nguệch ngoạc trên đá cũng quý lắm.
Trở lại câu chuyện về mấy dòng chữ nhắc đến trong báo cáo khoa học của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên. Sau khi đọc được mấy dòng chữ đó, tôi đã về ngay Ninh Bình để tìm hiểu. Nhưng rồi, tôi đã phải thất vọng, vì những bức họa đó là… bí mật cấp tỉnh! Mà đã là bí mật, thì được xem cũng khó, nói gì đến chuyện đưa lên báo cho cả thế giới biết.
Quả thực, nói là bí mật cũng phải, vì cả nước Việt Nam, chưa từng nghe nói ở đâu có bích họa trên đá. Dân trí nước mình trong việc bảo vệ di sản có thể nói là kém nhất thế giới. Nói thế thì hơi tủi, nhưng chả ngoa tí nào. Đến hệ thống lăng mộ vua Trần uy nghi, lộng lẫy như thế, người ta còn phá nát. Kẻ trộm thì đục đẽo tượng, đập nát cả chân tảng kê cột xem có kho báu không, còn chính quyền thì ủi cả lăng mộ đi, lấy đá, tượng làm kè, đắp đập thủy lợi nhấn chìm mộ… Thôi thì đủ kiểu tàn phá.
Cứ xem bãi đá cổ có hình khắc ở Sapa thì đủ biết ý thức bảo vệ di tích của nhân dân ta “tốt” đến cỡ nào. Khi phát hiện bãi đá cổ, các nhà khoa học nước ngoài trân trọng nghiên cứu, bảo vệ, còn chúng ta thì thi nhau phá. Cán bộ thì đánh mìn phá đá làm đường, còn người dân biến tảng đá có hình khắc thành cầu trượt, khách du lịch thì tranh thủ khắc lên đó vài chữ trai gái lồng vào nhau, chim bồ câu cắn mỏ, mũi tên xuyên thủng trái tim rỉ máu...
Nhớ lần người rừng Trần Ngọc Lâm dẫn tôi vào Hoàng Liên Sơn xem bãi đá có hình khắc chưa từng biết đến, ông bảo: “Tôi chả tin các nhà khoa học Việt Nam bảo vệ được cái gì. Họ chỉ giỏi nghiên cứu, làm dự án kiếm tiền. Xong rồi thì bỏ mặc cho dân phá. Cách bảo vệ di sản tốt nhất là… không nghiên cứu, không công bố, cứ để mặc kệ nó ở đó!”. Cái cách bảo vệ di sản của ông Lâm thật chả giống nước nào trên thế giới, nhưng có lẽ, ở môi trường này, đó là cách tốt nhất! Sở dĩ, ông dẫn tôi đi xem bãi đá, là để ông nói lên một tiếng, cho đất nước biết rằng, chúng ta có thêm một bãi đá có hình khắc. Mục đích chỉ có thế thôi. Giờ bãi đá lại chìm vào rừng thẳm, sẽ được bảo tồn cả ngàn năm nữa, chứ không thảm hại như bãi đá Sapa, giờ mất sạch rồi.
Đã có lúc, máu khám phá nổi lên, tôi định bụng đi dọc những ngọn núi ở Vân Long, tìm cho kỳ được những bức vẽ ấy, nhưng quả thực, chả khác nào mò kim đáy bể. Ngay việc chui vào khu bảo tồn loài voọc chỉ còn lại duy nhất mấy chục con trên toàn thế giới đã là khó, nói gì đi tìm những bức bích họa. Bởi vì, theo lời kể của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, trong hoàn cảnh bình thường, những bức bích họa kia chìm trong đá, không ai nhìn thấy. Chỉ khi nào té nước lên vách đá, nó mới hiện lên. Chẳng lẽ, tôi lại đi tìm từng vách đá, rồi xách nước lên té?
Không được chiêm ngưỡng bích họa trên đá duy nhất ở Việt Nam, quả thực, nhiều đêm khó ngủ. Hễ nhắm mắt lại, những bức bích họa màu đỏ trong những lăng mộ vua chúa Ai Cập lại hiện lên rõ mồn một, với đủ hình thù người đóng khố, đội mũ cầm dao kiếm, hoặc cảnh đàn bà múa may quay cuồng…
Nhớ lại cái lần cách đây mấy năm, khi nghe tin trong Vườn Quốc gia Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình), các cán bộ kiểm lâm phát hiện ra hóa thạch khủng long trên vách đá, cũng tương tự như chuyện bích họa trên đá này. Sau nhiều năm thăm dò, thuyết phục, để tạo sự tin tưởng, tôi mới được lãnh đạo của Vườn cho đi xem, với lời hứa: Không tiết lộ địa điểm trên báo.
Để được tận mắt những bích họa duy nhất ở Việt Nam này, đành phải kỳ công thuyết phục. Rồi cuối cùng, sau 2 năm chờ đợi, tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng một câu chuyện vô cùng bí ẩn, vô cùng hấp dẫn, đặc biệt, đó là những bức họa kỳ lạ, ẩn hiện ma quái trên một mái đá thuộc một dãy núi đá trồi lên giữa bãi lầy ngập nước…
2. Ngỡ ngàng những bích họa bí ẩn trên núi Cửa Chùa
Từ vách đá sần sùi, trắng xóa dần hiện lên những vệt đỏ ối. Nước chảy đến đâu, sắc đỏ xuất hiện đến đó và theo thời gian màu đậm dần lên. Khi dòng nước chảy hết một khoảnh trên phiến đá, thì hình ảnh một người đàn ông to lớn, dũng mãnh, dữ dằn hiện lên đỏ rực.
Mái đá chứa những bích họa bí ẩn
Sau khi hứa lên bờ xuống ruộng rằng không tiết lộ cụ thể địa điểm có hình vẽ bí ẩn trên vách đá, tôi được Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên giới thiệu tới ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng trạm du lịch Vân Long. Theo Thạc sĩ Luyên, ông Quang là một trong số ít người biết rõ vách đá có hình vẽ bí ẩn, độc nhất được biết đến ở Việt Nam.
Sau phút ngần ngừ, rồi ông Quang cũng gọi anh Nguyễn Văn Nhàn, là cộng tác viên của khu du lịch, có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát người ra vào, trông nom đàn voọc trong những dãy núi của khu ngập nước Vân Long.
Anh Nguyễn Văn Nhàn chống sào đẩy con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên đầm Vân Long. Cảnh tượng núi đá mọc lên giữa khu ngập nước, soi bóng lung linh, với sen tỏa ngát hương, chả khác nào bồng lai dưới hạ giới.
Dãy núi Cửa Chùa dài gần cây số, là một trong số cả chục dãy núi thuộc khu ngập nước Vân Long, vắt qua hai tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình, rộng vài ngàn héc-ta. Toàn bộ các dãy núi đều là núi đá vôi, với vô vàn vách đá phản ánh mặt trời trắng xóa. Nếu không có sự chỉ dẫn, tự lần mò đi tìm, chắc cả năm cũng thấy hình vẽ ở đâu.
Con đường từ bến thuyền đến núi Cửa Chùa chỉ dài chưa đầy 1km, song Nhàn phải chèo thuyền ngót 30 phút mới tới nơi. Lâu ngày không có người ra vào dãy núi này, sen mọc bít lối đi. Nhàn phải đẩy thuyền cật lực mới đè bẹp được những lá sen to như cái ô để thuyền lướt đi.
Toàn bộ dãy núi Cửa Chùa cỏ mọc rậm rịt, dây leo chằng chịt. Thi thoảng có những vách đá trống trơn, phải chiếu ánh mặt trời trắng xóa, không có cây cỏ nào bám lên được. Chúng tôi chỉ trỏ hết vách đá này đến vách đá kia để phán đoán nơi có những bích họa lạ lùng, song Nhàn chỉ cười tủm tỉm.
Rồi con thuyền cũng cập chân núi. Nơi đây, có một bãi đất khá bằng phẳng, khô ráo, rộng rãi và sạch sẽ. Vách đá như một bức tường thành khổng lồ, nghiêng chừng 70 độ, như thể sắp đổ ụp xuống.
Cậu bé ngồi trên ngai vàng?
Nhàn chỉ tay lên vách đá rộng vài trăm mét vuông bảo: “Anh đi tìm xem hình vẽ ở chỗ nào”. Tôi lần mò khắp vách đá, ngửa mỏi cổ nhìn lên cao, vạch từng bụi cỏ song tuyệt nhiên chả thấy có hình vẽ, hình khắc nào cả. Có chăng, chỉ thấy vài vết vạch nguệch ngoạc như ai đó dùng dao chém vào.
Nhàn chẳng nói chẳng rằng ra mép đầm hái một lá sen to tướng rồi vục đầy nước. Nước đầm trong đến nỗi nhìn rõ cả con cá bé xíu bằng cọng tăm bơi lội. Nhàn bê bịch nước đứng dưới chân vách đá bảo: “Anh nhìn kỹ nhé, toàn bộ vách đá màu trắng, sần sùi tự nhiên, không có tranh vẽ gì cả”. Thì đúng là vách đá chẳng có gì, bởi tôi đã lần mò tìm kiếm kỹ lưỡng một lượt.
Nhàn ráng sức té bịch nước lên vách đá. Một cảnh tượng như ma thuật hiện ra trước mắt tôi: Từ vách đá sần sùi, trắng xóa dần hiện lên những vệt đỏ ối. Nước chảy đến đâu, sắc đỏ xuất hiện đến đó và theo thời gian màu đậm dần lên. Khi dòng nước chảy hết một khoảnh trên phiến đá, thì hình ảnh một người đàn ông to lớn, dũng mãnh, dữ dằn hiện lên đỏ rực.
Người đàn ông này có khuôn mặt tròn xoe, hai mắt là hình vẽ tròn như hai hòn bi ve, đôi tai rất lớn và mái tóc trông như ngọn lửa đang cháy. Nhìn toàn bộ khuôn mặt, thì có thể thấy người vẽ muốn biểu đạt đây là người kỳ quái, hung tợn.
Lạ nhất là phần khắc họa bụng. Những nét vẽ ở bụng như kiểu giải phẫu, với xương sườn và nội tạng. Tuy nhiên, vì nét vẽ không chi tiết, rõ ràng, nên cũng có thể hiểu đó là áo giáp.
Riêng hình vẽ phần chân thì mang tính cách điệu nhiều hơn là tả thực. Đôi chân khá nhỏ, đứng trong tư thế… xiêu vẹo. Bàn chân thì không có, nhưng các ngón chân thì dài và ngoằn ngoèo như thể rễ cây. Không rõ phần chân của người đàn ông này muốn biểu thị điều gì, hay là sự ngô nghê của con trẻ khi đặt bút? Khả năng ngô nghê ít xảy ra, bởi hai điều, thứ nhất là địa điểm vẽ khá cao, trên vách đá, mà người lớn phải kiễng chân mới với tới được, thứ hai, chất liệu vẽ trên đá không phải là sơn hay mực tầm thường (điều này sẽ nói sau). Như vậy, đôi chân kỳ quái của người đàn ông này phải biểu thị một ý tưởng nào đó, cần sự giải mã của các nhà khoa học.
Hai tay người đàn ông này cầm hai thứ vũ khí khác nhau. Tay phải cầm quả chùy cán dài, tay trái cầm thanh đao và giương ra hai bên như thể đe dọa. Xét về mặt tổng thể, có thể tưởng tượng đây là một chiến binh.
Sau khi quan sát kỹ lưỡng bức họa người đàn ông kỳ dị, tôi dùng chai nước khoáng bằng nhựa múc nước dưới đầm rồi phụt bừa lên vách đá. Nước chảy đến đâu, các nét đỏ ối hiện lên đến đó. Chỗ nào nhiều nước thì màu đậm, chỗ nào ít nước thì màu hiện lên mờ nhạt. Chỉ dội qua một lượt, tôi đếm được tới vài chục hình vẽ. Các hình vẽ khác đều có tiết diện nhỏ hơn so với hình vẽ người đàn ông dữ tợn.
Những hình vẽ trên mái đá không theo một thể thống nhất, xuất hiện lộn xộn và rải rác khắp mọi nơi. Có chỗ các hình vẽ tập trung dày đặc, có chỗ lưa thưa vài hình, có chỗ chẳng có hình vẽ nào.
Hình vẽ nhiều nhất là cảnh nhảy múa
Có hai nội dung mà các hình vẽ biểu thị, gồm hình người và ký tự lạ. Các ký tự xuất hiện rất nhiều, có chữ hơi giống chữ Nho, song có chữ như thể tượng hình tả một con vật nào đó. Liệu đây có phải là một loại chữ cổ thời xa xưa? Nếu đây là hệ thống chữ cổ, thì quả là một thông tin vô cùng quý giá.
Về hình người thì có vô số hình vẽ khác nhau, có hình cầu kỳ phức tạp, với đầy đủ tay chân, đầu tóc, vũ khí, song có hình rất đơn giản, chỉ gồm cái đầu tròn xoe và thân hình bầu, thêm mỗi cái tay nữa.
Có hình tôi nhìn mãi mà không biết chủ nhân vẽ người, khỉ hay mèo. Nhìn ở một cách toàn diện, thì vừa giống khỉ vừa giống người, nhưng nhìn riêng khuôn mặt thì lại rõ là con mèo.
Phổ biến nhất có lẽ là hình người, gồm cả trai lẫn gái nhảy múa bên nhau, rồi hình người tay cầm dao kiếm.
Lạ nhất là một khu vực dày đặc người, nhảy múa có hàng có lối. Phía trên cùng là một người đang ngồi không rõ trên ghế hay ngai vàng. Hình nhìn vẽ này, có thể liên tưởng người ngồi trên ghế là ông chủ, vua chúa, đấng tối cao. Tuy nhiên, người ngồi trên ghế lại giống một đứa trẻ, đầu đội mũ, miệng cười rất tươi.
Nhìn các hình vẽ, có thể thấy nhiều sắc thái, nhiều khung cảnh hiện lên. Đó có thể là mô tả về chiến tranh, về đời sống thường nhật, về các lễ hội… Tôi cứ vục nước té lên khắp mái đá, để rồi ngắm nhìn không chán mắt những bích họa ma quái, kỳ lạ, lúc ẩn, lúc hiện trên vách đá.
Còn nữa…
PHẠM NGỌC DƯƠNG
(Nguồn: VTC)