Chủ nhật, 24/11/2024,


Vua hề Sác - lô: Tiếng cười là nước mắt khô (27/06/2011) 
Còn trong mắt tôi, vua hề Sác-lô (Charlie Chaplin) vẫn sừng sững đó trong lịch sử điện ảnh thế giới, chỉ có tiếng cười kiểu của ông là đã "chết" thật sự. Thời của những tiếng cười ở tầm sâu sắc đã qua từ lâu...! Khi rất nhiều lần tôi và bạn bè đã cười quá dễ dãi, tùy tiện, nhạt thếch, hời hợt, thì đó cũng là lúc mà tất cả chúng tôi đều thành thực mong muốn rằng: một ngày nào đó mỗi người đều có những tiếng cười ở tầm suy nghĩ cao hơn, tiếng cười giá trị hơn, chất lượng hơn, tiếng cười như ở thời của Sác-lô.
 
Vua hề Sác-lô
Hôm nay, Sác-lô vẫn ở đây
Sác-lô là một kẻ lang thang với bộ râu bàn chải, chiếc mũ quả dưa và cây gậy ba toong; một quý ông, một nhà thơ, một người hay mơ mộng, hay là một anh chàng cô đơn luôn tìm kiếm tình yêu và sự phiêu lưu, một nhà khoa học, một nhạc sĩ, một tay chơi pô lô… như vua hề đã tự miêu tả về mình.
Sác-lô là người đàn ông nhỏ bé, là biểu tượng vĩ đại của kỉ nguyên phim câm và kịch câm, là người đã mang lại tiếng cười cho mọi người nhiều hơn bất kì ai trên thế giới này, người đã thực sự thay đổi cách chúng ta đối xử với cuộc sống. Sác-lô, người sẽ khiến công chúng bật cười vì dáng điệu lạch bạch như chim cánh cụt, dáng điệu vụng về lạ mắt… của vua hề, trong những thước phim có cảnh ông say sưa ăn một chiếc giày, ngon lành như ăn một con cá hồi thơm lừng, gặm xương và hít hà với vẻ trẻ thơ ngây ngô và sung sướng vô cùng.
Nhưng ngay sau đó, công chúng sẽ lại rưng rưng nước mắt khi chứng kiến tình yêu cao đẹp và tuyệt vọng của người nghệ sĩ già với cô vũ nữ trẻ đẹp (Trong “Limelight”), tình yêu thương của một gã lang thang với một đứa trẻ bị bỏ rơi (Trong “The kid”), hay số phận của một kẻ lạc lõng đơn độc trong một thế giới đầy những biến động và đổi thay.
Gã đi lang thang đây đó, giống như là không có thực ở trên đời: không người thân, không bè bạn, không chốn nương thân, với tâm hồn và một trái tim thuần khiết, luôn hành động vì những điều tốt đẹp… (Trong “Modern times”)…
Đó là những nhân vật bị xã hội vùi dập, nhưng không bao giờ gục ngã mà luôn tiến lên phía trước đón nhận những thử thách mới. Người ta nói rằng, trái tim của Sác-lô thuộc về những con người lao động nhỏ bé, bình dị, không có quyền lực gì trong tay, chỉ có trái tim nồng ấm và tấm lòng nhân hậu. Không phải tình cờ mà tất cả những bộ phim của Sác-lô đều dành cho giai cấp lao động - tầng lớp bị áp bức - với một niềm cảm thông sâu sắc.
Có lẽ, chính thời ấu thơ sống trong những khu nhà ổ chuột ở Victorian (nước Anh) đã cho Sác-lô những kinh nghiệm sống quý báu và một lối diễn xuất giản dị, không màu mè, phô trương nhưng vẫn rất duyên dáng. Một giai thoại về vua hề đã kể lại rằng, năm 1972, Sác-lô được trao giải Oscar Thành tựu trọn đời. Khi lên nhận giải, ông đã được cả khán phòng đứng lên vỗ tay không ngớt. Người ta nói rằng, đây là tràng vỗ tay dài nhất trong lịch sử lễ trao giải của giải thưởng danh giá này.
Cho đến nay, vẫn chưa có một ai đủ khả năng làm cho đông đảo khán giả say mê, thán phục đến thế!
Và thời của khủng hoảng tiếng cười?
Những thước phim đen trắng của Sác-lô thực sự đã làm cho cuộc sống trở nên đầy sắc màu. Sác-lô dạy cho chúng ta rất nhiều điều về giá trị của cuộc sống, những điều vẫn đúng và mới mẻ ngay cả ở thời của chúng ta, khi mà cuộc sống càng ngày càng khắc nghiệt hơn: khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, quá nhiều mệt mỏi và tổn thương,… thì chúng ta vẫn phải sống, thậm chí sống hạnh phúc, sống tốt và sống đẹp.
Nhưng tiếng cười của Sác-lô thì có lẽ đã lỗi thời!
Thời của chúng ta, người ta dễ dàng hài lòng và thỏa mãn với việc cười sảng khoái trong rạp chiếu phim để giải trí, để giải tỏa stress, và ra khỏi rạp thì tiếng cười cũng tan biến nhanh hơn một bóng mây, chẳng hề lưu lại chút dấu vết. Thời của chúng ta, phim hài sôi động và kết thúc vui vẻ, có Mr Bean với đôi mắt lồi, chàng phóng viên Borat với các trò chọc cười nhiều khi dung tục, có “Những người độc thân vui vẻ” ngô nghê trong lời thoại, ngớ ngẩn trong cách tạo tình huống, phô trương trong cách giáo dục… dẫu được chiếu vào giờ "vàng" nhưng càng xem càng nản.
Cá tính của các nhân vật dường như đã biến mất, thay vào đó dàn diễn viên đem đến những câu chuyện nhợt nhạt, thiếu sức sống, dùng đủ trò như cố cù nách khán giả mà khán giả cũng không cười nổi. Tiếng cười bỗng trở nên hoang phí.
Rồi ngoài đời sống kia xuất hiện khá nhiều những trò mua vui, và rất nhiều tiếng cười đáng lo ngại vì sự dễ dãi và rẻ tiền. Người ta bắt chước tiếng nhà quê, nhại các bài hát hoặc đối thoại bằng tiếng lóng để gây cười. Ai cũng có thể nhận ra các diễn viên chọc cười lấy được trên phim kia không ngại bê nguyên những thô lậu đời thường lên sân khấu. Như thế là có quá nhiều cơ hội để chúng ta thư giãn. Khán giả được cười, cười thoải mái, cười chỉ để cười và có chăng những điều sâu sắc đọng lại từ nhân vật cũng nhạt nhòa. Nhiều tình huống lạm dụng hài đến mức gây khó chịu cho người xem xuất hiện dày đặc trên các chương trình giải trí khiến tiếng cười trở thành phản cảm.
Có người lại dẫn lời Milan Kundera mà nói rằng cuộc đời này chẳng có gì nghiêm chỉnh, và cách phản ứng tôt nhất trước đời sống là cười, một tiếng cười mệt mỏi, đầu hàng trước hoàn cảnh, nhưng thực chất là vô trách nhiệm. Và nụ cười đích thực thì đã trở thành một thứ gì hiếm hoi và quý giá vô cùng. Còn người như Sác-lô trong thời nay cũng vậy, hiếm có vô cùng?
Chợt nhớ đến câu chuyện vừa về "Vua hề" mà tôi từng nghe, để ngẫm ngợi về những chuẩn mực của đời sống xưa - nay:
Một ngày đẹp trời, vua hề Sác-lô đi dạo phố về và thấy trong túi áo mình có một chiếc đồng hồ vàng, cùng một mảnh giấy có ghi: “Cháu là một thằng móc túi trên tàu điện ngầm. Cháu vừa ăn trộm được chiếc đồng hồ này thì nhìn thấy ngài, cháu vội tặng lại ngài để bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc”.
Vua hề Sác-lô vội đăng lên báo lời nhắn ai bị mất chiếc đồng hồ thì đến địa chỉ của mình để nhận lại. Hôm sau, ông nhận được một bưu phẩm, trong đó có một chiếc dây đồng hồ vàng và một bức thư: “Tôi chính là chủ nhân của chiếc đồng hồ. Sau khi đọc lời nhắn của ngài, tôi quyết định tặng lại ngài cả chiếc đồng hồ và sợi dây này, vì không lẽ lòng ngưỡng mộ của tôi với ngài lại không bằng của một thằng móc túi?"
Cho đến nay, vẫn chưa có một ai đủ khả năng làm cho đông đảo khán giả say mê, thán phục đến thế. Vua hề Sác-lô: người đã đem lại nụ cười cho mọi người nhiều hơn bất kì ai trên thế giới này, đã một thời thực sự làm thay đổi cách người ta đối xử với cuộc sống.
Đinh Phương Linh
(Nguồn: Vietnamnet)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: