Thứ sáu, 22/11/2024,


Những bí ẩn… Cam Ranh (Kỳ 2) (11/06/2011) 

           “Ai làm chủ Cam Ranh, sẽ làm chủ được Biển Đông”
Thiếu tướng Từ Linh, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học quân sự – Bộ Quốc phòng, cho biết: Nhiều nhà chiến lược phương Tây đã đánh giá Cam Ranh là một "pháo đài tự nhiên lý tưởng", "một đồn phòng vệ của Thái Bình Dương". Cửa vào cảng vịnh Cam Ranh hẹp bé, khó tiến công, dễ phòng thủ địa thế hiểm yếu, khống chế được toàn khu vực biển Đông và là khu phòng thủ trọng yếu chiến lược trấn giữ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tạp chí Hải quân Mỹ "Proceedings" số tháng 10/1991 có viết: "Đối với hải quân Mỹ, Nga hay Trung Quốc, ai làm chủ được Cam Ranh, sẽ làm chủ được vùng biển Đông Nam Á và biển Đông".
Bản đồ tự nhiên Vịnh Cam Ranh (tư liệu sưu tầm).
Từ xa xưa, các nhà quân sự đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của vịnh Cam Ranh. Tại đây hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự lớn trong khu vực.
Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905, sau khi hạm đội Viễn Đông bị Nhật Bản đánh tan, các tàu của hạm đội Bantích của Nga hoàng Nicolas đệ II do Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy vượt qua hành trình trên 16.628 hải lý đến Viễn Đông đã ghé vào vịnh Cam Ranh ngày 12-4-1905 để sửa chữa, tiếp nhiên liệu, lương thực, nước ngọt và than suốt một tháng trước khi tham gia trận đánh tại eo biển Tsushima nằm giữa Triều Tiên và Nhật Bản.
Sau chiến tranh Nga - Nhật, lo sợ trước âm mưu tranh giành thuộc địa của Nhật Bản ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, năm 1911, Chính phủ Pháp đã cử Đại úy hải quân Fillommeus chỉ huy xây dựng một quân cảng ở Cam Ranh. Vào giữa năm 1939, Pháp xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch "Phòng thủ chung" ở Đông Dương và xây dựng nhiều công trình quân sự khác trên bán đảo Cam Ranh hòng đối phó với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng ngày 15/9/1940, Nhật gửi tối hậu thư đòi kiểm soát các căn cứ hải quân, trong đó có cảng và vịnh Cam Ranh. Năm 1942, Nhật chiếm cảng Cam Ranh, đồng thời xây dựng thêm sân bay làm bàn đạp chính để đánh chiếm Malaysia và các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tháng 3/1967, chính quyền Thiệu - Kỳ đã ký hiệp định bán đứng vùng bán đo và vịnh Cam Ranh cho Mỹ trong 99 năm, bao gồm một vùng rộng lớn với diện tích 260km2 và trong chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của quân đội Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. Năm 1965, Mỹ quyết định xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự liên hợp hải-lục-không quân và khu hậu cần lớn nhất Đông Nam Á để làm căn cứ tiếp liệu, khí tài quân sự và binh sĩ cho chiến tranh Việt Nam, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương. Tại đây, Mỹ đã xây dựng căn cứ không quân gồm 1 sân bay có 2 đường băng với chiều dài hơn 3.000m (10.000 feet) dùng cho các loại máy bay hiện đại kể cả B-52, 1 sân bay dùng cho trực thăng và hệ thống đường sá với tổng chiều dài 260km...
Quân đội Mỹ tại Cam Ranh trong những năm chiến tranh Việt Nam (ảnh tư liệu st).
Mỹ đã biến Cam Ranh thành căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á. Vịnh Cam Ranh trở thành trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tuần tra trên không của Hải quân Mỹ để giám sát chiến dịch "Market Time", nhằm ngăn chặn Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Căn cứ Cam Ranh trở thành địa điểm chính sửa chữa tàu chiến và cung cấp đạn dược, hậu cần cho hải quân, bao gồm cả cho tàu khu trục và tàu đổ bộ của Hạm đội 7, Mỹ. Năm 1968, quân số của quân đội Mỹ và các lực lượng chư hầu ở Cam Ranh lên tới 30.000 quân (20.000 quân Mỹ và 10.000 quân của các nước chư hầu). Ở khu vực này còn xây dựng hệ thống kho tàng hậu cần hoàn chỉnh, hệ thống rađa, trận địa pháo và hệ thống tên lửa phòng không. Đặc biệt tại đây, quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng cá heo được huấn luyện để bảo vệ cảng Cam Ranh.
Lịch sử Cam Ranh lại lật thêm một trang mới, khi vài năm sau ngày giải phóng, theo tinh thần hợp tác toàn diện Việt – Xô và nhu cầu phòng thủ đất nước, quân đội Liên Xô đã tiếp quản quân cảng Cảng Ranh...
Vẫn theo thông tin của Thiếu tướng Từ Linh: Từ năm 1979, theo hiệp định được ký kết giữa Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Xô, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hậu cần, tên gọi đầy đủ là Điểm cung cấp vật liệu - kỹ thuật số 922 (PMTO) của Hạm đội Thái Bình Dương với diện tích khoảng 100 km2 trong thời hạn 25 năm, phục vụ một đơn vị thường trực chiến đấu mang tên Liên đội tàu chiến đấu số 17 của Hạm đội Thái Bình Dương.
Hải quân Liên Xô đã xây thêm tại Cam Ranh 5 cầu tàu, 2 bãi đưa tàu lên cạn để bảo trì và sửa chữa, xây thêm cơ sở cho tàu ngầm, kho chứa dầu, nhà máy điện, doanh trại, nâng cấp, kéo dài đường băng của sân bay, và một trung tâm trinh sát điện tử hiện đại.
 

Một hình ảnh về sự hợp tác giữa Quân đội 2 nước Liên Xô và Việt Nam tại Quân cảng Cam Ranh, năm 1988 (ảnh tư liệu st)

Đơn vị đầu tiên của Hải quân Liên Xô gồm 54 người đến triển khai trên bán đảo Cam Ranh vào tháng 4-1980. Ba năm sau, cả một hải đoàn cơ động của Hạm đội Thái Bình Dương đã được bố trí ở đây trong đó có các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình chống hạm Project 670, 675, 675MK; tàu ngầm nguyên tử chống tàu ngầm chiến lược Project 659, 671; tàu ngầm điện - diezel tiến công thông thường Project 641; Lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước số 119 (trang bị tàu tuần dương mang tên lửa Project 1134B, tàu khu trục tên lửa Project 956 và tàu hộ vệ tên lửa Project 1234).

Thời gian cao điểm năm 1986, quân số cao nhất lên tới 6.000 quân nhân và kỹ sư, công nhân Liên Xô/Nga làm việc tại đây. Liên Xô đã xây dựng ở đây khoảng 30 công trình bảo đảm. Như vậy, Cam Ranh trở thành căn cứ hậu cần lớn nhất của Hải quân Liên Xô ở nước ngoài, làm đối trọng với căn cứ hải quân ở hải ngoại lớn nhất của Mỹ tại Subic, Philippines.
Vào năm 2001, chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã nhất trí chấm dứt sớm thỏa thuận ký năm 1979 trước 2 năm và ngày 4/5/2002, Đại tá chỉ huy trưởng Eryomin là người cuối cùng rời Cam Ranh, chấm dứt giai đoạn hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại cảng Cam Ranh...
 
Các sĩ quan quân đội CHLB Nga - Việt Nam luôn hợp tác hữu nghị vì quyền lợi của 2 quốc gia (ảnh sưu tầm).
 
“Tôi đã từng mua được 6 chiếc máy bay đồng nát”
Hồi đó, tôi là người có may mắn thường xuyên được làm việc với đại diện quân đội bạn, thông qua Trung tá an ninh Misenkô – Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Trưởng Công an Cam Ranh, xúc động nhớ lại - Tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau ít nhất một lần để trao đổi tình hình.
Tôi nhớ, Misenkô là người thông minh, thích hài hước và uống rượu rất giỏi. Một lần, anh ấy tìm tôi, vẻ mặt căng thẳng: “Có một việc quan trọng, chúng tôi rất cần đồng chí giúp đỡ”.
Tôi nói rằng nếu giúp được cho đơn vị của bạn việc gì thì rất sẵn sàng.
Misenkô không úp mở đặt vấn đề thẳng thắn: “Nhờ công an Việt Nam tìm giúp một người lính đào ngũ!”.
Tôi hiểu, đó là thời gian đất nước Liên Xô gặp rất nhiều khó khăn.
Thỉnh thoảng, những anh lính Nga ở Cam Ranh vẫn trốn ra ngoài doanh trại, dù được canh gác khá nghiêm ngặt. Họ tìm mua rượu, thuốc lá, trái cây đặc sản của Việt Nam...
Có người do quá nhớ nhà đã đào ngũ, nhưng không biết trốn vào đâu, lại không biết tiếng nên thường bị bắt trở lại đơn vị ngay và bị chịu hình phạt kỷ luật rất nghiêm khắc...
Anh lính mà Misenkô nhờ tìm là một trường hợp cá biệt. Chẳng hiểu bằng cách nào, anh ta đã theo được thuyền của ngư dân trốn xuống tận Ninh Thuận...
Năm 1991, khi nghe tin Liên Xô tan rã, như bao nhiêu người cộng sản chân chính, ông Tân đã lặng lẽ khóc... Người cựu Trưởng công an huyện nhớ lại: Một hôm, trung tá Misenkô buồn rầu đến báo tin mình sắp phải về nước. Họ đã ngồi rất lâu bên nhau mà không biết nói gì. Bỗng nhiên, Misenkô hỏi:
– Anh có muốn mua... máy bay không?
Tưởng mình nghe nhầm, ông Tân hỏi lại:
– Mua cái gì?
– Mua máy bay cũ, chúng tôi thanh lý cho.
 
Những chiếc máy bay cũ của Liên Xô được mang đi thạnh lý phế liệu  (ảnh tư liệu sưu tầm).
 

Thì ra trước khi rút về nước, đơn vị quân đội Liên Xô có nhu cầu thanh lý hàng ngàn chiếc ô tô, và phương tiện máy móc cũ, hỏng, trong đó có một số máy bay chở khách nhỏ kiểu TU, và cả máy bay tập lái. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể mua được. (Chợt nhớ tới một thông tin mà người viết bài này vừa đọc trên mạng internet: Một thương nhân Trung Quốc thông qua mạng đấu giá eBay vừa tậu được một chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 huyền thoại của không quân Xô Viết một thời, chỉ với giá 25.000 USD. Trước đó, nghe nói một công ty của Trung Quốc cũng đã bỏ ra mấy trăm ngàn USD để mua cả một tàu sân bay thời Liên Xô và biến nó thành một công viên giải trí kinh doanh khá hấp dẫn...).
– Nhưng tôi không có tiền, làm sao mua nổi máy bay? – Ông Tân dè dặt hỏi.
– Không cần tiền, anh có thể trả đơn vị bằng... rau xanh cũng được mà. Chúng tôi đang cần rất nhiều rau xanh! Misenkô khẳng định.
Ông Tân báo cáo cấp trên. Không ngờ đề xuất của ông được chấp thuận. Thời gian sau đó, Công an huyện Cam Ranh đã tổ chức hẳn một đội xe lên Đà Lạt mua rau xanh và hoa quả tươi về cung cấp cho đơn vị quân đội của Liên Xô. Hàng trăm tấn rau xanh đã được ông Tân chuyển vào quân cảng.
– Thế còn chuyện... máy bay? – Tôi sốt ruột hỏi ông Tân.
– Người ta còn mua bán, đổi chác như thế nào và ở những đâu nữa thì tôi không biết. Riêng tôi đã trực tiếp lấy được tới... 6 chiếc máy bay! – Ông Tân hào hứng kể – Dĩ nhiên đó là những chiếc máy bay cũ, đã được người ta tháo hết ruột và máy móc bên trong, chỉ còn xác. Để vận chuyển, tôi cho cắt rời ra từng mảnh lớn, rồi chất lên xe ô tô chuyển về giao cho công an tỉnh. Anh có biết chúng tôi sử dụng xác máy bay vào việc gì không?
Ông Tân bất ngờ hỏi. Tôi lắc đầu.
– Để... đúc xoong nhôm! Hồi đó, ta mới thoát ra khỏi thời bao cấp, xoong nhôm rất quý. Anh em chúng tôi đã tổ chức đúc hàng vạn chiếc xoong. Mỗi cán bộ công an Khánh Hòa hồi đó được phân phối tới gần chục chiếc, tha hồ sử dụng!
Những ngày đó, cả Cam Ranh tràn ngập hàng thanh lý từ quân cảng đưa ra. Thị xã như biến thành chợ trời đồ cũ, mua thứ gì cũng có: nhỏ thì quần áo lính, đồ dùng cá nhân, lớn thì ô tô, máy ủi... Ông Tân bùi ngùi nhớ lại:
– Tôi cũng xót xa và buồn lắm anh ơi! Một đất nước vĩ đại, một quân đội hùng cường như thế, ai ngờ... Nhưng đó là sự thật lịch sử, phải biết dũng cảm nhìn thẳng vào nó. Không nói ra thì có thể con cháu mình sẽ không biết: Trước đó, tôi đã từng được Trung tướng Beregovoi, Tư lệnh quân cảng Cam Ranh tặng một tấm Huân chương...
Ông Tân trân trọng lấy cho tôi xem tờ giấy chứng nhận có in hình lãnh tụ V.I.Lenin trên nền đỏ, bìa cứng.
Thực ra, đó là một tấm Bằng khen được đánh máy bằng tiếng Nga, nội dung tạm dịch như sau: Tặng cho Trưởng Công an huyện Cam Ranh, đồng chí Nguyễn Văn Tân, vì đã có những đóng góp to lớn để củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa LBCHXHCN Xô Viết và CHXHCN Việt Nam. Để bày tỏ sự kính trọng và mến phục chân thành. Ngày 7/3/1990. Thay mặt Bộ chỉ huy Đội tàu Xô Viết tại Cam Ranh, Phó đô đốc Beregovoi (đã ký).
Nghe tôi giải thích, ông Tân chỉ mỉm cười. Dù là Huân chương hay Bằng khen thì ông vẫn coi đó là một kỷ vật quý báu và niềm tự hào của cuộc đời mình. Nhiều năm sau này, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, hoặc có khách quý đến chơi nhà, người cựu Trưởng công an huyện Cam Ranh thường mang nó ra giới thiệu.
Và tôi chỉ là người có may mắn được chép lại câu chuyện của ông.
 
Cam Ranh - "Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới”
“Bây giờ, nói theo hình tượng thì Cam Ranh giống như một con tàu mới hạ thủy, chuẩn bị vượt sóng gió chinh phục đại dương mênh mông; hay một chiếc máy bay hiện đại đã lăn bánh ra đường băng, để chuẩn bị cất cánh...” –Anh Trần Ngọc Khánh tiếp nối câu chuyện của mình thật say sưa.
Rồi để chứng minh điều ấy, anh mở máy tính, tìm kiếm rồi in ra cho tôi cả tệp tài liệu với những thông tin mới nhất về sự phát triển của vùng đất này trong tương lai.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Khánh Hòa nói chung, Cam Ranh như bừng tỉnh và “cất cánh”, kể từ khi sân bay nơi đây được chọn để khai thác thương mại (19/5/2004) thay thế sân bay Nha Trang...
Trước đây, khách từ Hà Nội muốn tới Khánh Hòa và một số địa phương lân cận bằng đường không, thường phải qua sân bay Cam Ranh bằng loại máy bay nhỏ như ATR. Fokker... do sân bay Nha Trang chỉ có đường băng ngắn 1.900 mét.
Với lợi thế nằm ở trung tâm bán đảo, lại có đường băng dài hơn 3.048 mét, sân bay Cam Ranh có thể cho phép tiếp nhận cùng lúc 30 máy bay các loại với trọng lượng 200 tấn như Boeing, Airbus...
Cũng do diện tích sân bay lớn, nên có thể cho phép mở rộng và lắp đặt các thiết bị hiện đại, an toàn, giúp các loại máy bay lớn hạ cánh dễ dàng vào ban đêm và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Sân bay và cảng biển ở Cam Ranh còn có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành trung tâm tiếp nhận và trung chuyển khách du lịch cũng như hàng hóa.
Sau hơn hai thập kỷ ngủ quên trong vỏ bọc của khu quân sự, vùng đất nắng gió đầy tiềm năng này đang bừng lên sức sống mới mãnh liệt, với sự xuất hiện của khu du lịch nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh nói riêng và Khánh Hòa nói chung, trở thành điểm đến quan trọng của “con đường di sản miền Trung”, kéo dài từ Quảng Bình tới Đà Lạt (Lâm Đồng).
Thiếu tướng Từ Linh còn cho biết: Cũng bởi vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng – an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nên sau khi Nga quyết định rút khỏi Cam Ranh, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra tuyên bố: Quan điểm của Việt Nam về việc sử dụng cảng Cam Ranh trong tương lai là sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Việt Nam sẽ khai thác có hiệu quả nhất những tiềm năng và lợi thế của Cam Ranh phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một đơn vị Hải quân Việt Nam tại quân cảng (ảnh tư liệu st).
Để khẳng định lại quan điểm nhất quán của Việt Nam, ngày 30/10/2010, tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo, Việt Nam đã quyết định sẽ tự mình xây dựng cảng Cam Ranh bằng nguồn lực của chính mình. Cảng này sẽ trở thành một Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp, bảo đảm phục vụ Lực lượng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam" và "Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, khi họ yêu cầu. Việt Nam sẽ cung cấp các dịch vụ như nhiều các quốc gia khác đã làm và theo cơ chế thị trường. Việt Nam đang xem xét ký hợp đồng thuê doanh nghiệp có khả năng, trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, chuyên ngành của Nga để tư vấn giúp Việt Nam xây dựng trung tâm cảng dịch vụ này".
Tuyên bố xây dựng một trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại Cam Ranh có một ý nghĩa rất to lớn đối với Quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Cam Ranh, đồng thời thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Quyết định này thể hiện quan điểm độc lập tự chủ, tính nhất quán của Việt Nam về tương lai của cảng Cam Ranh, về đường lối đối ngoại Quốc phòng của Việt Nam phù hợp với quan điểm "ba không "trong quốc phòng, trong đó có không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, và là biểu hiện sinh động đường lối phát triển kinh tế gắn liền với quốc phòng - an ninh của Đảng ta.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã tuyên bố: "Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng… Đồng thời nó không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài, hay là cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật". Bằng việc cho tàu của tất cả các nước tiếp cận Cam Ranh, Việt Nam một mặt đã khẳng định chủ quyền của mình, mặt khác đã nối dài cách tiếp cận đa phương hóa trong việc sử dụng Cam Ranh và bảo đảm quyền tự do hàng hải trên biển Đông.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam và châu Á tại Học viện Quốc phòng Australia đã đánh giá cao quyết định của Việt Nam khi cho rằng, hiện nay nhiều nước quan tâm đến địa điểm và quyền tiếp cận hơn là thiết lập căn cứ. Việc mở cửa vịnh Cam Ranh cho lực lượng Hải quân nước ngoài là một ngón đòn ''bậc thầy'' trong chính sách đối ngoại "đa phương" của Việt Nam.
Vâng, nếu có điều kiện, chỉ cần một lần tới sân bay hay cảng biển Cam Ranh, nhất định quý bạn đọc cũng sẽ có được cảm nhận như tôi và có thể còn hơn thế nữa.
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: