Ngày 5 tháng 6 năm 2011, cả nước ta long trọng kỷ niệm sự kiện lịch sử tròn 100 năm (1911 – 2011) Người thanh niên yêu nước Văn Ba (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước... Nhưng 100 năm trước đây, trong điều kiện đời sống dân ta còn nghèo nàn, lạc hậu và thiếu thốn, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn; đặc biệt là mật thám Pháp luôn canh phòng nghiêm ngặt, kiểm duyệt gắt gao những người có tư tưởng yêu nước... Bác Hồ đã xuất cảnh như thế nào?
LB.c xin trích đăng chương đầu Tiểu thuyết tư liệu ”Kỳ Nữ” của Nhà văn Đặng Vương Hưng, (do Tạp chí Hữu Nghị phối hợp với NXB Hội Nhà văn sắp ấn hành). Bằng những tư liệu, chứng cứ lịch sử mới sưu tầm được và qua lời kể của nguyên mẫu nhân vật chính; tác giả sẽ tái hiện, cung cấp thêm một số chi tiết còn ít người biết đến và góp phần lí giải thêm về sự kiện lịch sử nêu trên.
Niềm tự hào của Gia tộc Phạm Đăng
Sinh thời, nhiều người thường kính trọng gọi cha tôi là Lệ Chất tiên sinh. Cha tôi tên thực là Phạm Đăng Chất; Người còn rất nhiều họ và tên khác như: Trần Lệ Chất (tự Giá Khanh), Nguyễn Như Chuyên, Nguyễn Như Xừng (tự Xứng), Đặng Thái Phúc, Đặng Hoàng Phúc,... Cha tôi sinh năm 1862, đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc(1), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cha tôi là người gốc Hoàng Phái triều Nguyễn và là một Nhân sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX.
Chúng tôi luôn tự hào với nguồn gốc dòng họ “danh gia vọng tộc” của mình. Gia phả dòng họ Phạm Đăng cho biết: Lệ Chất tiên sinh là người ở động Hoa Lư, nguyên gốc họ Nguyễn. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, vì tội can ngăn vua Lê chúa Trịnh để cứu người, chi họ Nguyễn này đã bị “tru di tam tộc”. May còn sót được mấy người, cùng bà tổ họ Phạm và con trai là Nguyễn Như Hùng đã theo hướng Nam vượt sông Gianh, qua Đèo Ngang, trốn vào Quảng Bình. Nhưng ở đó cũng không yên, ông Nguyễn Như Hùng cải tên thành Phạm Đăng Hưng(2) và người cháu Nguyễn Như Hương thì đổi tên thành Phạm Đăng Tỉnh để tiếp tục chạy trốn vào Quảng Nam. Tại đây, ông Phạm Đăng Hưng lấy người vợ thứ hai là bà Đặng Thị Lành. Nhưng chỉ được hai năm, vẫn bị truy đuổi, ông lại đưa thân mẫu, cùng cháu và người vợ, khi đó đang mang thai, chạy vào đến Gò Công thì thân mẫu bị bệnh thời khí qua đời.
Ngày đó, bà Đặng Thị Lành đang mang thai năm Canh Ngọ (1810) bà Lành sinh được người con gái xinh đẹp và thông minh hơn người, đặt tên là Phạm Thị Hằng. Lúc này ông Phạm Đăng Hưng không còn ở Tân Trụ mà đã về Trà Vinh khai hoang lập ấp. Vua Gia Long xuống chiếu lệnh cho ông về triều làm thầy dạy của các hoàng tử. Sau đó, ông đảm nhiệm trọng trách Thượng thư Bộ Lễ và là một danh thần nổi tiếng của triều đình Nhà Nguyễn.
Lăng Hoàng Gia nơi yên nghỉ của một số người thuộc Gia tộc Phạm Đăng nổi tiếng ở Gò Công tỉnh Tiền Giang (ảnh tư liệu, sưu tầm).
Từ thiếu nữ họ Phạm đến Đức bà Từ Dũ
Từ nhỏ Phạm Thị Hằng đã không chỉ nổi tiếng xinh đẹp mà còn hiền thục đoan trang nhất vùng. Đến năm mười bốn tuổi thì thiếu nữ Phạm Thị Hằng được đưa vào cung, hầu hạ Hoàng tử Dong. Năm 1923, theo phép đặt tên của đế hệ, Hoàng tử Dong đổi tên mới là Miên Tông. Trong số 78 hoàng tử của Minh Mệnh thì Miên Tông là con trưởng. Nên sau khi vua Minh Mệnh băng hà, năm 1841 Hoàng tử Miên Tông vừa tròn 34 tuổi đã được nối ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Trị.
Sinh thời, Thiệu Trị hoàng đế rất sủng ái bà Phạm Thị Hằng bởi các đức tính cẩn trọng, thông minh, ăn nói dịu dàng, nết na đức hạnh, tận tâm dạy dỗ các hoàng tử và công chúa. Từ năm 1829, bà Phạm Thị Hằng đã có mang và sinh được Hoàng nam Hồng Nhậm cho Miên Tông.
Khi vừa lên ngôi, vua Thiệu Trị đã phong cho bà Phạm Thị Hằng là Cung tân, đến năm thứ ba phong lên làm Thành Phi, đến năm thứ sáu thăng lên làm Quý phi, hàm Đệ nhất giai phi, đứng đầu hậu cung.
Năm 1847, vua Thiệu Trị không may băng hà, theo di chiếu, Hồng Nhậm được lên kế vị ngai vàng, lấy hiệu là Tự Đức. Sau khi lên ngôi, Tự Đức hoàng đế đã phong cho mẹ mình là Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, rồi Hoàng thái hậu, hiệu là Từ Dũ.
Sinh thời, Đức bà Từ Dũ là một người nổi tiếng cần kiệm, không ăn mặc xa hoa, không tiêu xài hoang phí, một bậc mẫu nghi thiên hạ nức tiếng và đáng kính, được người đời sùng bái. Vua Tự Đức hoàng đế đã cho xây ngôi mộ tổ họ ngoại ở tại Gò Công. Vốn là một người con hiếu thảo, mọi điều Hoàng thái hậu Từ Dũ dạy dỗ đều được vua Tự Đức ghi lại trong một cuốn sổ nhỏ, gọi là “Từ huấn lục”.
Năm 1883, khi Hoàng đế Tự Đức băng hà, triều đình nguy cơ lâm vào cảnh rối ren. Nhưng dưới sự cai quản của Đức bà Từ Dũ, hậu cung vẫn yên ổn. Năm 1889, chắt nội của Đức bà Từ Dũ là Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi, lấy hiệu là Thành Thái. Ba năm sau, nhà vua phong cho cụ bà của mình là Thái hoàng Thái hậu.
Năm Thành Thái thứ 13, Đức bà Từ Dũ qua đời, thọ 93 tuổi. Cụ được an táng gần điện Xương Lăng và tôn thờ tại Hữu Nhất án ở Thái Miếu trong Đại nội kinh thành Huế...
Vua Bảo Đại được Ngự lâm quân và lính Pháp tháp tùng trong một chuyến vi hành (ảnh tư liệu, sưu tầm).
Tại sao Vua Bảo Đại lại gọi cha tôi là “Hoàng Bá”?
Năm 1907, sau khi phế truất vua Thành Thái, người Pháp đã định đưa Hoàng thân Phụng Hóa (tức Bửu Đảo, con vua Đồng Khánh, sinh năm 1884) lên ngôi, để nối tiếp dòng vua bù nhìn. Nhưng nhiều trọng thần của triều đình đã không ủng hộ, vì họ không muốn đặt lên ngai vàng một người “vô hậu” (tuyệt tự). Người Pháp đành phải chấp nhận Hoàng tử Vĩnh San lên ngôi vua, với niên hiệu là Duy Tân.
Nhưng Duy Tân là một vị vua dù tuổi còn nhỏ mà trí đã lớn. Ông kiên quyết chống lại và bất hợp tác với Toàn quyền Pháp. Cuối năm 1916, được một số tổ chức yêu nước giúp đỡ, vua Duy Tân đã bí mật gặp các nhà chí sĩ của Việt Nam Quang phục hội để bàn mưu khởi nghĩa chống Pháp. Kế hoạch bị lộ, nhà vua bị bắt cùng nhiều chiến sĩ yêu nước khác. Dụ dỗ, đe doạ, thuyết phục Duy Tân trở lại ngai vàng không được, người Pháp đã quyết định đưa ông đi lưu đày sang đảo Rêu-ni-ông (Réunion)...
Không tìm được ai khác, Hoàng thân Phụng Hoá đã được người Pháp dựng lên ngôi vua. Đó là ông vua nổi tiếng vì sự “bù nhìn”. Thời ấy, ở Kinh thành Huế người dân thường truyền nhau câu ca:
Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây
Nghề này thì lấy ông này “tiên sư”
Vua Khải Định lấy tới 12 vợ, nhưng tất cả đều không có con. Vĩnh Thuỵ là con của người khác, nhưng đã được nhà vua nhận là con mình(3).
Năm 1922, trước khi sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa Mác-xây, Khải Định cho làm lễ sắc lập Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ mới 10 tuổi làm Đông cung Hoàng thái tử. Ngay sau khi được xác lập là người kế vị ngai vàng bù nhìn, Vĩnh Thuỵ đã được Khâm sứ Sác-lơ mang về Pháp “đào tạo”...
Thực ra, Vĩnh Thụy là con rơi của người chú ruột tôi là Phạm Đăng Lãm và thím dâu của tôi là Hoàng Thị Cúc. Đó là một câu chuyện dài, đầy bi hài, thương cảm mà hình như chính sử đã cố tình quên lãng. Nó chỉ được người già kể lại, nói nhỏ cho nhau nghe, như một nỗi đau của dòng họ, bởi được liệt vào dạng “thâm cung bí sử”.
(Còn nữa)
_______________________
(1) Theo tài liệu của nhà nghiên cứu, Tiến sĩ sử học Thông Thanh Khánh.
(2) Phạm Đăng Hưng (1764 - 1825) tự là Hiệt Củ, sau này là Thượng thư Bộ Lễ, ông ngoại của Vua Tự Đức và là thân phụ của Thái hậu Từ Dũ.
(3) Tư liệu dẫn theo cuốn sách "Các triều đại Việt Nam" của hai nhà Sử học Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, Nxb Thanh Niên tái bản lần thứ 6, năm 2001, trang 388 và 399.