Phiên bản thử nghiệm của Alezza.com
Các nhà văn được lợi từ Alezaa
Câu chuyện về tác quyền văn học liên quan đến google cách đây hơn hai năm, chưa có hồi kết và chưa biết kết quả cuối cùng sẽ đi đến đâu bởi sự phức tạp, bất đồng về mặt điạ lý cũng như ngôn ngữ, luật lệ… đã khiến khái niệm “số hoá tác phẩm văn học” dường như trở thành chuyện ồn ào một chốc một lát, nhiều nhà văn không muốn quan tâm nữa, không tin tưởng vào cách giải quyết hợp lý hợp tình… Thì bất ngờ, tại Việt Nam, công ty Vinapo đã cho ra đời “Hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu” mở ra cơ hội cho độc giả và tác giả một hình thức tiếp cận với tác phẩm mới mang tên thư viện Alezaa.com thu hút sự quan tâm của giới văn chương bởi tính khả thi.
Tại buổi ra mắt phiên bản thử nghiệm nội bộ của Alezaa, đã có nhiều nhà văn đặt câu hỏi, với những tính năng ưu điểm như giá thành chi trả thấp hơn sách giấy, hạn chế tối đa việc sao chép, có thể chọn và đọc sách mọi lúc mọi nơi… vậy thì liệu có chiếm ưu thế sách giấy trong tương lai, thậm chí có thể thay thế không? Câu trả lời là không, chỉ những cuốn sách đã được cấp giấy phép và xuất bản trên thị trường là sách giấy mới là lựa chọn của Alezaa. Và phiên bản điện tử chỉ là một hình thức khác của sách giấy. Ở đây không có sự cạnh tranh và sự thay thế giữa sách giấy và sách điện tử, tất cả cùng tồn tại song song. Các nhà văn cứ in sách giấy theo cách truyền thống, nếu muốn sách của mình có thêm phiên bản điện tử thì tham gia vào thư viện Alezaa.
Độc giả muốn đọc sách của Alezaa phải có một tài khoản trên mạng để truy cập. Sau khi chọn được sách để mua thì tải xuống và thanh toán qua tài khoản từ ATM hoặc thẻ thanh toán do chính công ty Vinapo phát hành dưới dạng thẻ cào với các mệnh giá khác nhau. Lợi nhuận thu được, trừ các chi phí giao dịch bắt buộc khoảng 30%, thì 70% còn lại sẽ chia đôi và tác giả được hưởng được nửa số đó. Lợi nhuận của mỗi cuốn sách sẽ khác nhau, phụ thuộc vào lượng độc giả mua. Cuốn nào càng có nhiều người mua thì tác giả càng được nhuận bút cao. Như vậy, cùng một lần in sách, nhà văn được hưởng nhuận bút hai lần, độc giả cũng có nhiều cơ hội đọc tác phẩm hơn. Hơn nữa, với công nghệ từng được ứng dụng và triển khai ở nhiều nước tiên tiến có thể hạn chế tối đa việc sao chép và in lậu. Có lẽ vấn đề sao chép và in lậu luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà văn khi xuất bản sách. Vì thế, dù hiện nay phía Vinapo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tháng 8 tới đây mới đi vào hoạt động chính thức nhưng nhiều nhà văn tỏ ra hợp tác và hoan nghênh kế hoạch này. Bởi xét đến cùng thì khi tham gia, nhà văn đã thực sự là người được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, độc giả cũng có thể dễ dàng tìm kiếm những cuốn sách phù hợp với sở thích và công việc của mình, nhất là những cuốn sách được xuất bản từ khá lâu. Nhà văn Dương Hướng và nhà văn Chu Lai gặp nhiều trường hợp độc giả và sinh viên muốn tìm mua sách, nhưng trong các hiệu sách đều không có và tác giả thì cũng chỉ còn một cuốn duy nhất được giữ lại. Trường hợp này cũng tương tự với ngay cả các cuốn sách mới xuất bản bán chạy, nhiều độc giả không thể mua được vì hết sách, hoặc chưa tái bản thì giờ đây chỉ với vài thao tác đơn giản, họ có thể nhanh chóng có ngay trong tay tác phẩm mình đang tìm kiếm.
Còn đó những băn khoăn
Dù không còn xa lạ trước việc tác phẩm được tồn tại trên mạng Internet như trước đây với Google, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được các nhà văn quan tâm đưa ra. Ví dụ như từ trước đến nay hầu hết các nhà văn, nhà thơ, hoặc tất cả những ai yêu thích tác phẩm, muốn chia sẻ trên các mạng xã hội đều đã đưa tác phẩm của mình trên mạng cho độc giả miễn phí và dường như việc đọc sách miễn phí đã trở thành thói quen của rất nhiều người.
Mới đây nhất, trong ngày Hội sách tại Văn Miếu, nhiều người đã chen lấn, xô đẩy trước cả giờ vàng tặng sách để được sở hữu bất cứ cuốn sách nào, bất chấp mình có thích không, có đọc không và để làm gì thì thấy rõ tâm lý này. Nếu giờ đây, đọc sách phải trả tiền thì sẽ rất khó khả thi, nhất là phía Vinapo cam kết sẽ nhờ các diễn đàn hạ tác phẩm xuống, hoặc sẽ can thiệp để tác phẩm đó bị lỗi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ việc đọc sách điện tử của mình đã diễn ra vài năm nay. Theo nhà thơ thì đọc sách trên mạng đã trở thành thói quen và rất tiện lợi, không phải mất thời gian tìm kiếm, lại có thể đọc được mọi lúc. Trần Đăng Khoa có một tủ sách giấy lên đến hàng chục nghìn đầu sách và mới đây ông đã tặng lại làm thư viện.
Một trở ngại cho sách điện tử là bắt buộc phải có Internet và các thiết bị kết nối mà không phải ai cũng có điều kiện và địa điểm nào cũng đáp ứng được. Nói cách khác, việc đọc sách giấy hầu như trước nay là bộ phận trí thức, học sinh sinh viên và ở các đô thị thì nay vẫn vậy. Nghĩa là sách điện tử sẽ đáp ứng những đối tượng tiềm năng cũng như có điều kiện, yêu thích văn chương…
Nhà văn Sương Nguyệt Minh trước khi đặt vấn đề đã dẫn chứng một câu chuyện vui thời bão giá, là vợ đưa cho 5 nghìn mua rau nhưng khi ra đến chợ thì người bán hàng nói phải 15 nghìn, song nhà thơ vẫn vui vẻ về nói với vợ chỉ hết có 4 nghìn. Sương Nguyệt Minh liên hệ với việc, nhà văn làm thế nào để biết tác phẩm của mình bán được trên mạng 5 nghìn cuốn, hay 10 nghìn cuốn mà không cần con số Alezaa cung cấp vẫn chính xác. Bởi nếu công ty bán được 10 nghìn cuốn mà báo lại với tác giả chỉ có 10 cuốn thì tác giả cũng không thể biết, tác giả chỉ trông chờ vào sự “tử tế” của công ty. Hay hình tượng hơn là người đã làm ra cái khoá thì kiểu gì cũng có “chìa” để mở. Vấn đề này, bên thực hiện lại cho rằng khá đơn giả, sẽ có một thống kê ngay bên cạnh, tác giả có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào, các giao dịch sẽ được chi tiết tương tự bản kê cước viễn thông.
Còn dịch giả Lê Bá Thự thì băn khoăn với sách dịch, có khi bản quyền thuộc về một nhà xuất bản, cá nhân tác giả thì lợi nhuận và các trách nhiệm liên quan thế nào. Trả lời cho dịch giả và các nhà văn, là với từng nhà văn, từng trường hợp cụ thể sẽ có những thoả thuận riêng biệt dựa vào tình hình cụ thể mỗi cuốn sách.
Trở lại câu chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngay cả khi khái niệm sách điện tử còn xa lạ ở Việt Nam thì nhà thơ đã tự tiếp cận với sách điện tử. Cũng như câu chuyện về văn học mạng trước nay, người ta cứ tranh cãi có hay không sự tồn tại cũng như giá trị của văn học mạng. Rồi thì phải sử dụng Internet thế nào… Xung quanh nó là những chuyện dở khóc dở cười của nhà văn. Thế rồi, thời gian đã chứng minh, giờ đây văn học mạng, blog, web, báo điện tử đã trở thành một kênh thông tin, một kênh đăng tải hữu hiệu và nhanh chóng cho giới cầm bút. Vì thế, có thể nói, sách điện tử sẽ không thay thế sách in, nó sẽ cùng tồn tại với sách in để đáp ứng “điều kiện” cũng như những tiện ích mà xã hội điện tử mang lại.
Dẫn chứng như thế để thấy, dù việc tiện lợi cho cả hai phía là tác giả và độc giả nhưng khó có thể thay đổi một thói quen trong một sớm một chiều của đại đa số độc giả Việt Nam. Thư viện Alezaa muốn duy trì và phát triển không thể thành công ngay trong giai đoạn đầu, mà phải kiên trì, coi như có một quãng thời gian để thay đổi thói quen của công chúng. Công chúng thích nghi với việc muốn thưởng thức giá trị văn hoá phải bỏ tiền ra hơn là “cho”, “tặng”, miễn phí…
Hà Anh