Thứ sáu, 19/04/2024,


Một Di sản “gốc Việt” được vinh danh ở Trung Quốc (30/05/2011) 
 (TT&VH) - Một hội hát ở Quảng Ninh “theo chân” người Việt sang Quảng Tây, được Trung Quốc đầu tư, xếp hạng di sản cấp quốc gia và sắp đệ trình lên UNESCO trong khi chúng ta vẫn “bình chân như vại”?
Câu chuyện trên được thuật lại tại Hội nghị Triển khai các công ước UNESCO (Hà Nội, ngày 12/5) như một minh chứng về sự cần thiết của việc tổng kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc.
 
Sắp được đệ trình là di sản thế giới
Người kể chuyện - Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa) - biết tới sự việc trên một cách tình cờ trong chuyến công tác tại Trung Quốc năm 2010. Từ rất nhiều năm trước, hội hát này được những người Việt di cư mang từ Trà Cổ (Quảng Ninh) sang Đông Hưng (Quảng Tây) và duy trì đều đặn trong cộng đồng bé nhỏ của mình theo thời gian. Rồi, vài năm gần đây, khi “lọt vào mắt” ngành văn hóa Trung Quốc, cộng đồng người Trung gốc Việt tại Đông Hưng được đầu tư kinh phí để bảo tồn và phát triển hội hát, biến hoạt động này thành một “đặc sản” riêng cho ngành du lịch.
 
TS Lê Thị Minh Lý - người phát hiện ra di sản “gốc Việt” ở Trung Quốc được vinh danh
 
“Họ đã xếp hội hát này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cấp quốc gia và có ý tưởng đệ trình lên UNESCO để xin xét duyệt danh hiệu... cấp thế giới.” - bà Lý kể - “Chuyện “gốc Việt” phía Trung Quốc cũng không cần giấu, bởi UNESCO vẫn công nhận các di sản này một cách “bình đẳng”, và thực tế ở Trung Quốc cũng có những di sản “gốc Nhật” hay “gốc Hàn” như vậy”.
Có mặt tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - người được giao nhiệm vụ nghiên cứu “hỏa tốc” về di sản trên) khẳng định: Hình thức hát hội này vẫn đang được người dân lưu giữ tại Trà Cổ, có bản chất khá gần với nghệ thuật hát cửa đình và thu hút sự tham dự từ 3 làng trở lên trong mỗi lần tổ chức. Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2011, hồ sơ về hội hát trên sẽ được hoàn thành và gửi tới Cục Di sản Văn hóa (DSVH) như một trong nhiều hoạt động của đợt tổng kiểm kê DSVHPVT trên toàn quốc.
Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể: đang quá chậm?
Cần nói thêm, bắt đầu từ 15/8/2011, đợt tổng kiểm kê do Cục DSVH phối hợp cùng các cơ quan quản lý văn hóa địa phương tổ chức trên phạm vi toàn quốc và sẽ kết thúc vào ngày 31/10/2011. Hiện, theo lời bà Lý, một số địa phương vẫn tỏ ra lúng túng trong công tác kiểm kê vì thiếu kinh nghiệm và kinh phí. “Đặc biệt, với những di sản nằm trải rộng trên nhiều địa phương, có những đơn vị than thở rằng kiểm kê mãi mà vẫn không hình dung và xây dựng được tư liệu về những di sản phi vật thể của mình” - bà Lý nói.
Sự lúng túng ấy, theo nhận xét của các đại biểu, nằm ở việc nhiều đơn vị kiểm kê vẫn chưa nắm rõ được bản chất chuyên môn của công việc này. Với bản chất “động” dễ chịu tác động của môi trường xã hội, nhiều DSVHPVT đã biến mất hẳn theo thời gian, hoặc còn nhưng không thể vận hành lại vì thiếu đi chủ thể và không gian đặc thù. “Có 2 hình thức kiểm kê: theo địa bàn và theo chuyên đề. Tôi thường tư vấn các cơ quan địa phương nên thực hiện kiểm kê theo chuyên đề nội dung để công việc được thuận lợi hơn. Và khi hoàn thành đợt kiểm kê đầu tiên vào tháng 11 tới, chúng ta hoàn toàn có thể “ghép” nhiều chuyên đề từ các địa phương lại để nhận dạng rõ hơn về hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của mình”.
Một mặt động viên các địa phương cố gắng hoàn thành việc kiểm kê, dù chỉ là những phác thảo ban đầu, một mặt bà Lý cũng cho biết: “Tôi vẫn nhắc lại rằng công tác kiểm kê này nhằm mục đích đánh giá được hiện trạng và các mức độ cần thiết phải bảo vệ của hệ thống DSVHPVT chứ không phải là xếp hạng cao, thấp giữa từng di sản”.
Theo bà Lý, UNESCO cũng đã khuyến khích Việt Nam trong thời gian tới nên đệ trình thêm hồ sơ của các di sản do cộng đồng dân tộc thiểu số xây dựng để chứng tỏ bản sắc văn hóa đa dạng của mình. Hiện, trong số 6 DSVHPVT đã được UNESCO công nhận mới chỉ có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản do cộng đồng dân tộc thiểu số nắm giữ.
Chiêu Minh
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: