Hãng thông tấn nổi tiếng thế giới BBC vừa có bài viết về Đặc nhiệm Mỹ, với một chi tiết rất thú vị, khi nhắc đến cuốn sách “Nếu tôi là tỷ phú” của Nhà thơ Đặng Vương Hưng – người sáng lập trang web lucbat.com – xuất bản năm 2000, như một dẫn chứng đầy thuyêt phục...
Vụ việc chấn động thế giới khi đặc nhiệm Mỹ hạ sát ông Osama Bin Laden ở Abbottabad đã gợi lại một số cuộc tập kích thành bại khác nhau bằng trực thăng trước đó của Hoa Kỳ vào lãnh thổ nước khác, gồm cả cuộc tập kích Sơn Tây (Việt Nam) năm 1970 và vụ Iran năm 1980.
Điều được một số nhà quan sát nêu ra là cả hai cuộc tập kích ở Pakistan vừa qua, và Bắc Việt Nam đều được coi là thắng lợi dù cả hai lần, Hoa Kỳ phải để lại một trực thăng tại hiện trường vì những lý do khác nhau.
Vụ tập kích Sơn Tây
Dù giới quân sự Mỹ nói họ 'thường xuyên có các cuộc đột nhập và giải cứu' trên lãnh thổ Bắc Việt Nam thời chiến, nhưng vụ Sơn Tây, xảy ra ở nơi cách Hà Nội chưa tới 50 cây số, là cuộc tập kích táo bạo nhất của Hoa Kỳ người ta biết đến trong Chiến tranh Việt Nam.
Một đơn đặc nhiệm Hoa Kỳ đã bay từ căn cứ tại Thái Lan đêm 20/11 vào Sơn Tây nhằm giải cứu các tù binh là phi công Mỹ mà Hoa Kỳ tin là bị cầm giữ tại đây.
Nhưng khi họ xuống đến nơi sáng ngày 21/11/1970 thì không còn tù binh nào cả và trại Sơn Tây đã bị bỏ trống từ tháng 7 năm đó.
Các tài liệu và sách vở sau này của Hà Nội có xu hướng cho rằng đây là một thất bại của Hoa Kỳ.
'Đây là một kế hoạch được Mỹ chuẩn bị hết sức công phu, tốn kém, với sự tham gia của rất nhiều các quan chức chóp bu trong bộ máy chiến tranh khổng lồ của một cường quốc quân sự hồi đó: Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers, Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Giám đốc Cục tình báo CIA Richard Helms'.
Họ cũng viết rằng đích thân Tổng thống Mỹ đương nhiệm Richard Nixon đã phê chuẩn cho kế hoạch này.
Một cuốn sách ra năm 2000 của Đặng Vương Hưng còn nói 'kế hoạch về Vụ tập kích cứu phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây nói trên đã nằm trong số những hồ sơ lưu trữ tuyệt mật của quân đội Mỹ' (Tác phẩm Nếu tôi là tỷ phú, NXB Hội Nhà văn – LB.c).
Đúng là kế hoạch lên từ 1967 được giữ tuyệt mật nhưng sau cuộc tập kích Sơn Tây, chính giới Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc điều tra, chất vấn tìm hiểu vụ việc và các tài liệu này sau đó được công bố rộng rãi.
Các binh sĩ tham gia cuộc tập kích sau này lập ra hội 'Son Tây Raiders' và kể cho báo chí nhiều điều.
Họ được thưởng các huân huy chương Thập tự Ưu tú, Thập tự Không quân và Sao Bạc của quân đội Mỹ.
Cuốn sách 'The Raid' của Benjamin F.Schemmer (đã được dịch và phát hành tại Việt Nam) sử dụng nhiều chi tiết từ những lời kể này.
Các hồ sơ phía Mỹ cũng ghi nhận một cái nhìn hơi khác Hà Nội về thành bại của vụ Sơn Tây.
Dù bị chất vấn xoay quanh lý do tin tình báo không được cập nhật, nhìn chung giới quân sự Hoa Kỳ tin rằng cuộc tập kích vào trại tù Sơn Tây là một 'thắng lợi chiến thuật', vì việc thực hiện gần như hoàn hảo.
Các nguồn của phía Mỹ cũng cho rằng họ đã tiêu diệt từ 100 đến 200 quân Bắc Việt Nam tại trại Sơn Tây.
Tác động tuyên truyền
So với Sơn Tây hay vụ đột nhập vào Iran, thì tại Abbottabad, Hoa Kỳ thắng lợi cả về chiến thuật và chiến lược vì phía Mỹ không hề hấn gì (chỉ một biệt kích Mỹ bị trẹo chân), và giết được Osama Bin Laden, nhưng về ngoại giao với Pakistan thì chưa rõ hệ quả và hậu quả vụ đột nhập ra sao.
Về mặt ngoại giao và thế mạnh truyền thông, ban đầu dư luận Mỹ tin rằng vụ Abbottabad là một cú ghi điểm lớn cho Tổng thống Barack Obama.
Nhưng sau khi ông Osama Bin Laden đã chết và bị thủy táng ngoài biển, cùng với việc công bố nhiều bức hình khác nhau về cuộc sống của ông ta trong khu nhà ở Pakistan, có những ý kiến nay coi vụ việc không có lợi cho Tòa Bạch Ốc.
Sau vụ Abu Ghraib, quân đội Mỹ cũng chú ý kỹ hơn về tác động 'phản cảm' của hình ảnh chụp riêng tư với kẻ thù, dù là kẻ thù sống hay chết và đội Navy Seals đã không được phép chụp hình hay quay video riêng với xác của ông Osama Bin Laden mà họ chở bằng trực thăng bay về Afghanistan.
Việc kiểm soát các hình ảnh sau đó về vụ tập kích Abbottabad cũng và video về ông Bin Laden cũng được điều phối kỹ nhằm ngăn ngừa tình trạng phản tác dụng.
Nhưng theo bình luận của Peter Roff trên trang US News hôm 7/5 thì vì hạ sát ông Osama Bin Laden nhanh quá thay vì đem ra xử, Tổng thống Obama đã 'biến Osama thành một người tử đạo' hơn là con người thực của ông ta.
Ngoài ra, dư luận Mỹ dù tin tổng thống, vẫn muốn được thấy bức hình hay đoạn video nào đó chứng minh Osama Bin Laden thực sự đã chết.
Việc Tòa Bạch Ốc không công bố các hình ảnh này đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách họ xử lý truyền thông sau vụ Abbottabad.
Dù vậy, chiến dịch giết Osama Bin Laden cũng còn tốt đẹp hơn hẳn cuộc tập kích của Hoa Kỳ vào Iran để giải cứu con tin người Mỹ năm 1980.
Chiến dịch Móng Ó ̣(Eagle Claw) tháng 4/1980 với tám trực thăng RH-53D bay vào sa mạc phía Đông Iran đã không đem lại kết quả.
Bão cát, liên lạc bị đứt và lỗi kỹ thuật đã làm xảy ra tai nạn (trực thăng đâm vào phi cơ C-130) khiến phía Hoa Kỳ bị thiệt hại tám quân nhân, một số khác bị thương và sứ vụ của họ phải bỏ.
Một cuộc cấp cứu sau đó, vào tháng 10 cùng năm cũng thất bại ngay ở bước chuẩn bị với một phi cơ đâm xuống căn cứ vì hỏa tiễn bắn ra sớm quá.
Hậu quả chính trị và khủng hoảng về tuyên truyền cho Hoa Kỳ và riêng Tổng thống Jimmy Carter khi đó là rất lớn.
Lãnh tụ Hồi giáo Iran, Giáo chủ Khomeini nổi tiếng như cồn tại Trung Đông và uy tín của Hoa Kỳ tụt dốc.
Nay nhìn lại, mỗi cuộc tập kích là một dấu ấn cho từng vị tổng thống Mỹ.
Ông Richard Nixon được nói đến với cuộc tập kích Sơn Tây, ông Jimmy Carter với vụ Iran và ông Barack Obama đã, đang và sẽ còn được bình luận qua lăng kính vụ Abbottabad.
Nguồn: BBC