Chủ nhật, 08/09/2024,


Bé tập làm thơ (08/08/2008) 


Nguyễn Thị Hạ Uyên là cô bé láng giềng ở kề sát nhà tôi. Một hôm ngày tháng Mười, cô bé từ bên sân nhà nói với sang:

- Thầy ơi! (tôi vốn làm nghề thầy giáo nên thường được tặng không tiếng Thầy) cô giáo Như Nguyện bắt bọn con làm báo tường nhân ngày 20 tháng 11. Phải làm văn, làm thơ, viết truyện.

- Làm thơ nữa hả ? Nếu muốn, qua đây thầy bày cho.

Tôi giảng cho em thế nào là Bằng (những chữ không có dấu giọng), thế nào là Trắc (những chữ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng), thế nào là hiệp vần (ví dụ: Heo, Mèo hiệp với nhau, Lương, Trường, Phường hiệp với nhau). Tôi viết lên tấm bản đen nhỏ:

 

b B t T b B(hiệp vần 1)

b B t T b B(hiệp vần 1) t B(hiệp vần 2)

b B t T b B(hiệp vần 2)

b B t T b B(hiệp vần 2) t B(hiệp vần 3)

 

Tôi giảng:

Chữ B và T viết hoa thì phải tuân theo răm rắp, còn chữ b và t viết thường thì không bắt buộc y theo. Ðể dễ nhớ có thể mượn câu này "Nhất tam ngũ bất luận. Nhị tứ lục phân minh" nghĩa là chữ thứ 1-3-5 thì sao cũng được, còn chữ thứ 2-4-6 thì phải thật đúng. Trong câu Bát (câu 8 chữ), tuy cùng Bằng nhưng một chữ có dấu huyền và một chữ không dấu :

 

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
....
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

 

Tôi bảo Hạ Uyên lấy tên các bạn trong lớp mà lắp vào dưới các chữ Bằng (B) và Trắc (T).

- Dễ lắm! Cứ Trâm là Bằng, Hải là Trắc. Khoa hiệp vần với Thoa với Hòa với Tòa .... Nào, em chép tên các bạn lên tờ giấy này. Gắng nhớ và chép cho đủ.

Hạ Uyên ngồi lặng lẽ ghi. Nơi trán khoảng giữa hai mắt hằn lên một nếp nhăn. Sau mươi phút em trao cho tôi tờ giấy. Tôi lẩm nhẩm đọc. Rồi nói :

- Thầy chọn giúp em mấy cái tên hiệp vần với nhau:Trang hiệp với Hoàng. Chương hiệp với Tường và Hường. Còn những tên khác thì hễ Trắc thì ghi dưới T, Bằng thì ghi dưới B. Nhớ: dưới chữ t và b thì không bắt buộc phải đúng Bằng Trắc.

Kết quả sau 15 phút lắp ghép:

 

b B t T b B(vần 1)

Ân Bình Cảnh Chức Dung Trang

b B t T b B(vần 1) t B(vần 2)

Danh Ða Gia Huấn Hiệp Hoàng Hội Chương

b B t T b B(vần 2)

Kim Khôi Lan Mạnh Nam Tường

b B t T b B(vần 2) t B(vần 3)

Oanh Phùng Quý Toản Xuân Hường Vũ Uyên

 

Trước khi chia tay tôi mới cho em biết rằng em vừa làm thơ Lục Bát. Ông Nguyễn Du cũng làm vậy. Chắc chắn cô bé không dám tin rằng đó là sự thực. Nếu bài này làm ở lớp thì khi đọc lên cả lớp sẽ thích thú vỗ tay reo liền. Nhưng không phải là học sinh của lớp thì đọc lên rời rạc vô nghĩa. Nên tôi ra thêm một đề khác " những trái cây bày bán trong chợ". Kết quả chắc chắn sẽ vui hơn.

Hôm sau em trao cho tôi kết quả:

 

b B t T b B(vần 1)

Hành Ngò Ớt Tỏi Tiêu Dừa

b B t T b B(vần 1) t B(vần 2)

Mít Cam Quít Ổi Chuối Dưa Kiệu Hành

b B t T b B(vần 2)

Gừng Riềng Nghệ Sả Bưởi Chanh

b B t T b B(vần 2) t B(vần 3)

Sầu riêng Vú sữa Cam sành Chôm chôm

 

Rõ ràng là kết quả rất ... ngon miệng.

Trên tờ báo tường của lớp Năm A trường Tân Lập kỷ niệm ngày Hiến chương các nhà giáo có đăng bài thơ Lục bát của Hạ Uyên:

 

Tình thầy trò đẹp huy hoàng

Như bông hoa Huệ, hoa Lan thắm màu

Phận trò luôn nhớ làu làu

những lời cô dạy trước sau nằm lòng

 

Tôi khen:

- Hay quá há. Hiệp vần đúng. Chữ dùng chính.

.....

Thấy Hạ Uyên yên lặng, tôi nói:

- Ðó như em thấy đó, làm thơ cũng không nổi quá khó. Câu nhập đề em có thể viết bằng nhiều cách, chẳng hạn "Tình thầy trò đẹp muôn màu ... tình thầy trò đẹp như hoa..." Có thể viết cách khác "Nhân ngày kỷ niệm Hiến chương " hoặc "Nhớ ơn cô giáo dạy mình" hoặc "Công cha nghĩa mẹ ơn thầy" ... Các câu sau cũng vậy. Biết bao nhiêu cách đặt câu, miễn đúng Luật Bằng Trắc và câu sau phải hiệp vần với câu trước. Cái khó là tìm cho được ý hay, chọn cho được lời hay. Làm thơ thiệt hay mới khó chớ làm thơ cho có thì dễ.

Hôm sau tôi bảo Hạ Uyên:

- Ba em đang làm vườn ở mãi Long Khánh. Em thường viết thư thăm. Lần này em hãy viết thư dưới dạng thơ Lục bát đi.

Hạ Uyên le lưỡi:

- Ai dám! Con biết gì mà dám làm thơ ?

Tôi khuyến khích:

- Thì cứ bắt đầu làm ... dở dở. Cứ viết như thường. Sau đó mình ngắt ra làm 4 câu. Chú ý chữ thứ 2-4-6-8 phải Bằng. Rồi chữ thứ 6 của câu Lục và chữ thứ 6 của câu Bát phải hiệp vần với nhau. Nào, bắt tay ngay. Em viết thư ngắn cho Ba em đi. Muốn thăm, muốn chúc, muốn hứa gì, tùy ý, như em vẫn viết.

Hạ Uyên nghe lời, - tánh dễ thương ở chỗ đó, - cầm giấy bút hì hục ngồi viết. Sau mười phút trao cho tôi tờ giấy. Nội dung:

Nay con kính gởi lời thăm ba thân thương được mạnh giỏi.

Cầu mong vườn cà - phê xanh tốt và đàn heo gà phát triển.

Năm qua con có cố gắng siêng học.

Cuối niên khóa được lên lớp thẳng và con được tuyên dương toàn trường.

Tôi chỉ lên tấm bản đen nhỏ, nơi đó có Luật Bằng Trắc còn ghi rõ, chưa xoá. Góp ý với Hạ Uyên bỏ bớt đôi chữ. Ðổi chữ "phát triển" (T) bằng chữ "bình yên" (B) cho đúng vần Bằng. Lộn chữ "siêng học" thành "học siêng" để hiệp vần: yên và siêng. Thay chữ "tuyên dương" bằng chữ "khen" cho hiệp đúng vần (siêng và khen). Kết quả cuối cùng:

 

Nay con ... gởi lời thăm ba ...

... mong vườn ... xanh tốt ... heo gà bình yên.

Năm qua con ... gắng học siêng.

... được lên lớp thẳng ... được khen toàn trường.

 

Hạ Uyên lẩm nhẩm đọc lại rồi hít mũi, có vẻ như mắc cỡ . Riêng tôi thầm nghĩ: chắc chắn là ở Long Khánh, ông Nguyễn Hanh, cha của Hạ Uyên sẽ nghi ngờ đôi mắt mình khi đọc bài thơ, bởi không biết đây là sự thật hay là chuyện giả, chuyện chiêm bao. Vì thật khó mà tin rằng con gái nhỏ của mình đã làm được ... như vậy. Nó mới mười một tuổi thôi mà. Mới nhõng nhẽo bắt mình ẵm chạy quanh sân đây mà.

(trích Bé học làm thơ - Nhà văn Võ Hồng)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: