Thứ tư, 01/05/2024,


Không “Hách” như ta tưởng. (07/08/2008) 


Trên nhiều tài liệu sách báo, ông kê khai tên thật của mình là Nguyễn Phan Hách. Ấy là bởi ông muốn ghi đúng những gì mà giấy tờ còn giữ được. Còn sự thực thì tên đệm của ông là Xuân. Khi ông mới mười lăm tuổi, truyện ngắn “Khỏi ốm” của ông được in hết cả trang báo Văn nghệ và tên tác giả ghi là Nguyễn Xuân Hách. Thời gian làm giáo viên Trường cấp II Phương Sơn (Lục Nam, Bắc Giang), chàng văn sĩ trẻ Nguyễn Xuân Hách đem lòng yêu một cô gái họ Phan. Để ghi dấu mối tình này, anh lấy họ của cô gái làm tên đệm của mình. Thậm chí sau này, từ sự việc trên, anh đã có bốn câu thơ lục bát:

 

Tên em cùng với tên anh
Yêu nhau đem đặt bút danh quen rồi
Oái oăm lắm mấy sự đời
Tên thì lấy được còn người thì không
.

 

Sở dĩ có câu thứ tư là vì yêu nhau được ba năm thì họ chia tay. Xung quanh mối tình này, nhà văn trẻ còn có một số kỷ niệm đáng nhớ: Một lần, Nguyễn Phan Hách viết một bài thơ và dưới bài ông ký tên chung hai người: Tên mình và tên cô gái. Đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3, thấy bài thơ “đường được”, cụ Trinh Đường bấy giờ là biên tập viên báo Văn nghệ đã lập tức đưa in bài thơ trên trang nhất. Có điều, cụ chỉ để mỗi tên tác giả là cô gái họ Phan nọ.
Lại một lần khác: Bấy giờ vào quãng 1964, 1965, Nguyễn Phan Hách nảy hứng viết một bài nửa truyện nửa ký về chính người yêu của mình. Bài viết kể về những suy tư của cô gái ở một miền quê phải hứng chịu những trận bom Mỹ. Bài viết để tên người thật, địa danh thật nhưng sự kiện thì… hư cấu. Bài viết được in cả trang báo Tiền phong và sự rầy rà cũng bắt nguồn từ đây. Theo Nguyễn Phan Hách nhận định thì lúc ấy ông còn “non tay nghề”, không phân biệt được sự khác nhau giữa truyện và bài báo. Bài đăng, đài đọc ra rả cả thị trấn Lục Nam cùng nghe. Huyện ủy phản ứng. Nhà trường nơi Nguyễn Phan Hách dạy cũng làm dữ lắm. Vì sự cố ấy, ông bị điều chuyển công tác. Chung quy lại cũng vì tình cảm đặc biệt với người yêu. Theo Nguyễn Phan Hách cho biết thì tên cô gái còn được xuất hiện ngay từ tít bài với co chữ… tương đối lớn. Điều này làm cô gái thích lắm.
Trái ngược với cái tên “thét ra lửa” của mình, ở ngoài đời, Nguyễn Phan Hách được tiếng là người lành hiền. Chẳng thế mà, hồi ông còn công tác ở báo Văn nghệ, nhà thơ Vĩnh Mai, Tổ trưởng Tổ thơ đã làm thơ vui về cái tên của ông và các đồng nghiệp khác trong tổ, trong đó có câu như sau: Hổ - Hách mà hiền. Đúng là ở đời, ông và nhà thơ Phạm Hổ có cái tên nghe dữ dằn nhưng mà tính tình thì thật… lành.

(Sưu tầm - Chuyện làng Văn)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: