Thứ sáu, 22/11/2024,


Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Người đãng trí số một (02/08/2008) 

 

Ở Lưu Trọng Lư, sự đãng trí diễn ra gần như… toàn diện. Bởi vậy, về mặt này, ông có thể được xếp vị trí… số một trong các nhà thơ Việt Nam.

 

Lưu Trọng Lư có 8 người con. Ngoài tên khai sinh, ông đặt thêm những cái tên: Nu, Na, Nông… cho dễ nhớ. Nhưng khi dắt con đi khám bệnh, nghe bác sĩ hỏi tên đứa nhỏ, nhà thơ luống cuống không sao nhớ nổi, đành phải quay lại hỏi con: 'Mi tên chi?', khiến cả phòng khám cười rộ lên.

 

Một lần Lưu Trọng Lư cùng vợ đi tàu hỏa vào Nha Trang. Tới ga, ông lập cập bước xuống, bỏ mặc bà trên tàu ngồi đợi. May mà rồi hai vợ chồng cũng gặp nhau trên bãi biển.

 

Nhà thơ Nguyễn Vỹ từng phác họa chân dung Lưu Trọng Lư thời hoa niên: 'Tánh Lưu Trọng Lư đãng trí không ai bằng; lúc nào cũng như người mất hồn. Khi hứng thú muốn đi hóng mát, ít khi nhớ mang giày, đã mặc một chiếc quần tây rồi, mà còn xỏ thêm một cái nữa vào để đi hãnh diện ngoài phố…'.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp kể chuyện, một lần ông chứng kiến cảnh Lưu Trọng Lư đang xăm xăm bước trên đường. Một thoáng, thi nhân họ Lưu bỗng lúng túng quay ngang, quay dọc, không biết nên bước về hướng nào. Và khi ông rảo cẳng chạy qua đường, thì một chiếc ôtô vụt tới. Thi nhân 'loạng choạng và ngớ ngẩn xòe hai tay ra định chống đỡ', may mà có người bạn kéo lại.

Nguyễn Đình Lạp rút ra nhận định, Lưu Trọng Lư là một mẫu người 'mơ mộng', 'ngẩn ngơ', rời nhà mà không có ai theo kèm là 'rất dễ dàng làm mồi cho tàu, xe'.

 

Tương tự cách suy nghĩ này, nhà văn Vũ Ngọc Phan cho rằng Lưu Trọng Lư 'là người mơ mộng, lúc thường cũng đã lẫn lộn, không phân biệt được thực với mộng'.

 

Nhà thơ Hoàng Minh Châu thì kể về sự đãng trí của Lưu Trọng Lư trong buổi khai mạc cuộc họp Ban Văn nghệ Đông Bích (nghệ An): Hôm ấy, vì quên bản báo cáo ở nhà, thi nhân họ Lưu phải dựa vào sổ tay mà nói vo. Nhưng rồi, phát biểu nửa chừng, ông chợt rời bục diễn giả, tiến sát tới hàng ghế đại biểu, cứ thế thân mật hỏi chuyện hết người này người kia. Phải nửa giờ sau ông mới nhớ tới nhiệm vụ của mình và quay trở lại bàn làm việc.

Đến chiều, xong buổi họp, ông cùng Hoàng Minh Châu lên phố ăn phở. Dọc đường hẳn là nghĩ ra tứ thơ mới, ông lần hết túi nọ tới túi kia để tìm sổ và bút máy. Tới khi vào quán, nghe Hoàng Minh Châu gọi 'Cho hai bát tái', ông vội nói to, đính chính: 'Cho tôi tách… bút máy. À, quên, tách cà phê thôi'.

 

Sách Giai thoại làng văn Việt Nam (NXB Văn hóa Dân tộc, 1999) có câu chuyện: Hồi xảy ra chiến tranh biên giới, lão thi nhân theo đoàn văn nghệ sĩ tới một đơn vị bộ đội tìm hiểu tình hình. Tại đây, ông ghi chép rất tỉ mỉ lời kể của các chiến sĩ trẻ để chuẩn bị tư liệu cho một bài bút ký.

- Bọn giặc có chết nhiều không? - Lưu Trọng Lư hỏi.

- Dạ, chết nhiều - Chiến sĩ đáp

- Chúng bị thương có nhiều không?

- Dạ, chúng bị thương nhiều và kêu khóc dữ lắm ạ.

Sau khi cặm cụi ghi các câu trả lời của chiến sĩ, nhà thơ ngước lên hỏi:

- Chúng khóc răng?

Nghe lão nhà thơ hỏi vậy, các chiến sĩ lúng túng không biết trả lời ra sao. Chợt một chiến sĩ nhanh nhảu thưa:

- Dạ, chúng khóc bằng ngoại ngữ, chúng cháu không hiểu ạ!

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy sự đãng trí của Lưu Trọng Lư len cả vào phút 'tác nghiệp' của ông.

Sinh thời, Lưu Trọng Lư từng làm thơ về sự đãng trí của mình:

 

Giật mình ta mới nhớ ra
Là ngày sinh nhật vợ ta đó mà

 

Hai câu thơ không chỉ cho thấy một Lưu Trọng Lư đãng trí trong đời thường mà còn cho thấy một Lưu Trọng Lư đãng trí trong nghề nghiệp: Ông đã quên mất rằng, với thể thơ lục bát, người ta tối kị sự lặp vần ở chữ thứ 6 và chữ thứ 8 của câu bát (như trường hợp vần a ở chữ “ta” và chữ “mà” trong câu thơ trên).

 

Từ những đặc điểm trên, tôi bỗng nhớ tới một sự cố liên quan tới bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Đây là một bài thơ được Trần Đăng Khoa đánh giá là 'bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại'.

Nhưng theo ý kiến của nhà thơ Nguyễn Vỹ (trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến - NXB Hội Nhà văn, 1994) thì 2 câu kết của bài thơ giống 2 câu kết trong một bài thơ cùng tên của Nhật Bản (ra đời vào thế kỷ thứ VII). Ấy là 2 câu: 'Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô'. Có ý kiến cho rằng, đây là trường hợp 'những tài năng lớn gặp nhau'.

 

Riêng người viết bài này thì cho rằng, nếu đúng thực có bài thơ như thế (hiện việc này còn nhiều ý kiến), thì rất có thể 'sự cố' ấy bắt nguồn từ sự đãng trí của Lưu Trọng Lư. Có thể ông đã đọc bài thơ Nhật Bản nói trên (được dịch ra tiếng Pháp), rồi từ tiềm thức, nó vô tình 'thức dậy', nối mạch trong ông.

Bản thân Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam chẳng từng kể chuyện Lưu Trọng Lư ngâm ngợi thơ mình mà cứ tưởng là thơ… Thế Lữ.

                                                                                                                   (evan.com)

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: