Chủ nhật, 24/11/2024,


Chuyện vui ngày xuân (01/01/2009) 

 

     Vào những ngày xuân, trong lúc thư nhàn, mọi người tề tựu bên nhau, những câu chuyện vui, giàu trí tuệ thường nổ ra đem lại không khí thật hấp dẫn.

     Chuyện kể chưa xa, vào thời kỳ kinh tế bao cấp, dân ta còn nghèo, đất nước gặp nhiều khó khăn. Những câu thơ phản ánh hiện thực đời sống ngày ấy mà chúng ta thường gặp như:

 

Một yêu anh có may-ô (áo may ô)

Hai yêu anh có cá khô ăn dần

Ba yêu rửa mặt bằng khăn

 

     Chính từ cái khó nghèo ấy, từ cái kim sợi chỉ ngày đó, Nhà nước đều phải phân phối và bình chọn khi cung cấp cho người dùng. Bởi thế, cơ quan văn nghệ Thái Bình được cửa hàng phân phối cho bộ cho hai bộ com-le. Để thực hiện việc chia, anh em phải “bắt thăm”. Và, lập tức từ việc này, nhà thơ Tường Lan đã ứng tác mấy câu thơ khá thú vị:

 

Hai người một bộ com-le
Kim Chuông cái áo, Trọng Khuê cái quần
Ba năm hội diễn một lần
Trọng Khuê có mỗi chiếc quần đi thi
Còn mong chờ ở quý Ty
Năm nay hội diễn có gì hay không?

 

     Nghe mấy câu này, nhà thơ Kim Chuông liền trêu vui Trọng Khuê:

 

Áo quần chuyện ấy hề chi
Ở nhà ông Trọng mấy khi mặc quần

 

     Bài thơ được tung ra, Trọng Khuê vốn là nhà viết kịch hài, hóm hỉnh liền hạ luôn hai câu thơ đùa lại:

 

Bình thơ mỗi tháng một lần
Kim Chuông lại phải mượn quần Trọng Khuê

 

     Vẫn là chuyện vật chất thời bao cấp ấy. Vào ngày giáp Tết nọ, một cơ quan tìm về xã xin một con lợn giá bao cấp (rẻ) cho anh em ăn Tết. Hò hẹn rồi, khi về bắt lợn lại bị quả trắng tay. Nhà báo, nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo liền ra vế thách đối:

Cuối năm Trâu được bữa thịt Lừa, mấy chú nhà văn trơ mắt ếch.

     Câu đối hay và hóc ở các tên con vật được nén vào vế thách. Nhưng, ngay sau đó, nhà viết kịch Trọng Khuê đã đối lại:

Đầu năm Hổ buông lời hứa Hoẵng, một thằng xã toét lộ tìm Hươu.

     Cả hai vế đối thật đắt ở chữ nghĩa, hình ảnh. Và, cũng chính từ sự khâm phục đôi câu đối này, nhà văn Nguyễn Khải đã về tận xã có câu chuyện nọ viết được bài ký in trên số Tết của Báo Lao động.

     Giữa sớm xuân này, nhắc lại chuyện vui trên, chúng ta thấy được cái khó, cái cơ cực của một thời về đời sống vật chất của dân tình và bước phát triển của thời kỳ dân giàu, nước mạnh ở chặng đường đổi mới của đất nước hôm nay.

Vĩnh Kim 

(Văn nghệ)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: