Các nhà khoa học tìm thấy cây nắp ấm Thorel ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh sau hơn một thế kỷ vắng bóng.
Cây nắp ấm Thorel. Ảnh: Redfernnaturalhistory.
Cây nắp ấm Thorel (Nepenthes thorelii Lecomte) được phát hiện trong chuyến khảo sát giữa Viện Sinh học Nhiệt đới và các nhà nghiên cứu đến từ Pháp và Anh hồi năm ngoái.
Cây nắp ấm là một trong những giống cây leo từ Đông Nam Á. Một số lá của chúng tạo thành hình ấm để bắt côn trùng. Bên trong lá hình ấm có lông răng. Đó là vòng tròn chứa các gai nhỏ hướng xuống dưới và bao quanh lối vào ấm. Ở phía trên ấm có một nắp để ngăn chặn nước mưa (nếu nước mưa vào quá nhiều thì các enzyme tiêu hóa sẽ bị hòa tan hết). Nắp có vô số tế bào trong và mờ nên côn trùng dễ lầm tưởng đó là một mảng của bầu trời.
Khi con mồi rơi vào lá, nắp sẽ nhanh chóng úp xuống để nó không thể thoát ra. Sau đó con mồi sẽ trượt xuống phần cuống lá, nơi có rất nhiều enzyme tiêu hóa đang chờ sẵn.
Loài cây nắp ấm Thorel được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên ở xã Thị Tĩnh, huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương khoảng 1861-1869. Sau đó, nhà thực vật học Paul Henri Lecomte mô tả năm 1909. Paul Henri Lecomte đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài cây.
Kể từ khi Thorel thu được mẫu vật của loài này, cho đến khi nhóm khoa học tìm thấy ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thì chưa có một ghi nhận về nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên.
Phân biệt hoa của cây nắp ấm Thorel (A) và hoa cây nắp ấm hiện đang được trồng làm cảnh (B). Ảnh: Lưu Hồng Trường.
Theo tiến sĩ Lưu Hồng Trường, thành viên nhóm nghiên cứu, người quan sát rất dễ nhầm lẫn nắp ấm Thorel với các loài nắp ấm được ghi nhận ở các nước khác đang được làm cây cảnh.
Ông Trường cho hay, loài nắp ấm Thorel có bộ phận "ấm" hay "bình" (được tạo ra từ lá) gần đất có dạng bầu tròn, so với các loài tương tự ở nước ta (khá phổ biến trong tự nhiên và được trồng rộng rãi) thì bình của nắp ấm Thorel tròn hơn rất nhiều. Ở các loài tương tự, dạng ấm tròn đôi khi xuất hiện ở một vài cá thể riêng biệt nhưng đặc tính này rất ổn định ở loài nắp ấm Thorel.
Ông Trường lo ngại về hiện trạng tuyệt chủng của Thorel khi số lượng chỉ còn chưa đến 100 cá thể. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại nắp ấm Thorel ở tình trạng Cực kỳ nguy cấp.
"Việc phát hiện loài cây sau hơn 100 năm đã khẳng định giá trị độc đáo của thiên nhiên Việt Nam, vì vậy cần có biện pháp bảo tồn và kế hoạch phục hồi loài nắp ấm Thorel, bảo tồn nguồn gene quý hiếm của nước ta. Đặc biệt, nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét.", ông Trường đề nghị.
Hương Thu
Cây ăn chuột
Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện loài cây nắp ấm có khả năng bắt chuột và côn trùng tại Philippines.
Nepenthes attenboroughii có thể là loài cây ăn thịt lớn nhất thế giới. Ảnh: Stewart McPherson.
Đây là loài thực vật lớn nhất trong bộ cây nắp ấm, thậm chí lớn nhất trong số những loài cây ăn thịt trên trái đất. Nó có khả năng tiêu hóa thịt chuột nhờ các enzyme có tính chất giống axit.
Stewart McPherson và Alastair Robinson – hai nhà thực vật học người Anh – từng được nghe câu chuyện về loài cây ăn thịt khổng lồ tại Philippines từ các nhà truyền giáo Cơ đốc vào năm 2000. Hai ông cùng một nhóm chuyên gia quyết định tới Philippines để tìm hiểu.
“Chúng tôi thấy loài cây ăn thịt này trên đỉnh Victoria của Philippines vào năm 2007 sau hai tháng tìm kiếm. Chúng sống ở độ cao từ 1.600 m trở lên so với mực nước biển và có những chiếc bẫy hình nắp ấm để bắt mồi. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng bẫy của chúng chỉ bắt côn trùng, nhưng hóa ra chúng còn tóm được cả chuột. Thật ngạc nhiên là mãi đến bây giờ loài người mới biết đến chúng”, Stewart McPherson nói.
Lá của nó biến đổi thành chiếc bẫy để bắt chuột và côn trùng. Ảnh: Stewart McPherson.
Nhóm nghiên cứu quyết định đặt tên loài cây nắp ấm mới là Nepenthes attenboroughii để tôn vinh David Attenborough – tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về tự nhiên.
Nắp ấm là một trong những bộ cây ăn thịt. Một số lá của chúng có dạng hình ống để bẫy côn trùng và động vật nhỏ. Có vẻ như loài Nepenthes attenboroughii không mọc thành đám vì nhóm chuyên gia chỉ nhìn thấy từng cây riêng lẻ. Do loài cây này sống ở độ cao mà con người hiếm khi leo tới (trên 1.600 m so với mực nước biển) nên McPherson hy vọng rằng chúng sẽ được an toàn.
Trong quá trình tìm kiếm, nhóm của McPherson còn tìm thấy Nepenthes deaniana - một loài cây ăn thịt đã biến mất trong tự nhiên suốt hơn 100 năm qua.
Minh Long (theo BBC)
Cận vệ đắc lực của cây ăn thịt
Khi những con mọt bò lên cây nắp ấm để ăn lá, kiến xông ra và đuổi chúng. Nếu những con mồi tìm cách thoát khỏi chiếc bẫy trên cây, kiến sẽ đồng loạt tấn công khiến chúng không thể thoát.
Một lá hình chén của cây Nepenthes bicalcarata. Ảnh: berkeley.edu.
Loài cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata sinh trưởng trong những rừng đầm lầy trên Borneo – hòn đảo nằm ở phía tây Thái Bình Dương và thuộc quyền quản lý của Brunei, Malaysia và Indonesia. Những rừng đầm lầy trên đảo Borneo chứa nhiều than bùn, loại chất chứa ít chất dinh dưỡng. Giống như nhiều loài cây nắp ấm khác, một số lá của N. bicalcarata có hình dạng giống chén có nắp để bẫy côn trùng.
Nhưng thành lá hình chén của N. bicalcarata không trơn và không chứa loại dung dịch nhầy có khả năng phân hủy chất hữu cơ, dẫn tới giảm hiệu quả bắt mồi. Loài cây này tự tìm ra cách khắc phục khi “liên minh” với một loài kiến có tên Camponotus schmitzi. Kiến cư trú trên những tua xoắn dưới đáy lá hình chén và thưởng thức mật hoa trên vành lá, Livescience cho biết.
Đương nhiên, kiến cũng cung cấp một số “dịch vụ” để trả công cho cây. Chúng làm sạch vành lá hình chén và duy trì mức độ trơn để cây bắt mồi. Nếu mọt - kẻ thù của cây nắp ấm - bám vào cây để ăn lá, kiến sẽ tấn công chúng. Kiến ăn những phần thừa của những con mồi lớn mà cây không tiêu hóa hết. Ngoài ra, chúng còn ẩn nấp dưới vành lá và đồng loạt tấn công những con mồi muốn thoát ra khỏi bẫy. Phân của kiến là một loại phân bón rất tốt cho cây.
Kiến Camponotus schmitzi sống trong những tua xoắn bên dưới lá hình chén của cây nắp ấm. Ảnh: Newscientist.
Trước đây một số nhà khoa học cho rằng kiến là bên hưởng lợi trong mối quan hệ cộng sinh với cây nắp ấm. Tuy nhiên, Vincent Bazile – một nhà sinh thái của Đại học Montpellier 2 tại Pháp – lại khẳng định cả hai bên đều có lợi. Ông cùng các đồng nghiệp đã so sánh những cây nắp ấm có kiến với những cây không có kiến. Kết quả cho thấy những cây có kiến sinh trưởng nhanh hơn.
“Kiến có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của những cây mà chúng cộng sinh”, Bazile phát biểu. Ông cũng cho rằng nhờ kiến mà cây nắp ấm sinh ra những chiếc lá (cả lá thường và lá hình chén) to hơn. Lá của chúng cũng giàu nitơ hơn. Nitơ là dưỡng chất có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất DNA, protein và nhiều phân tử hữu cơ khác. Ngược lại, lá của những cây không có kiến lại thiếu dưỡng chất trầm trọng.
“Sự hợp tác giữa cây ăn thịt và kiến là sự thích nghi độc đáo và đáng chú ý trong thế giới động vật. Nó giúp thực vật sinh trưởng tốt trên đất nghèo dưỡng chất. Điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao cây N. bicalcarata có vòng đời dài và phát triển mạnh. Chiều cao của chúng có thể lên tới 20 m, một con số kỷ lục đối với giống cây nắp ấm” Laurence Gaume, một nhà sinh thái của Đại học Montpellier 2, nhận định.
Minh Long
Cây ăn thịt chim
Một cây nắp ấm giết chết và “ăn” con chim sẻ ngô cỡ lớn. Đây là trường hợp hy hữu mới ghi nhận được lần thứ hai trên thế giới.
Xác con chim sẻ ngô bên trong lá của cây nắp ấm trong vườn của nhà trẻ làng West Pennard. Ảnh: BBC.
Nigel Hewitt-Cooper, giáo viên dạy trẻ tại làng West Pennard, hạt Somerset, Anh, phát hiện xác con chim sẻ ngô trong một lá của cây nắp ấm khi kiểm tra vườn của nhà trẻ., BBC cho biết.
“Tôi cảm thấy cực kỳ sửng sốt khi thấy cảnh tượng ấy”, ông bày tỏ.
BBC cho biết, đây mới là lần thứ hai con người phát hiện cây ăn thịt bắt và ăn chim trên phạm vi toàn thế giới. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại Đức vài năm trước.
“Một người bạn của tôi nghiên cứu những cây ăn thịt trong môi trường hoang dã và anh ấy chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc chúng bắt chim”, Hewitt-Cooper nói.
Những cây nắp ấm cỡ lớn thường bắt ếch, thằn lằn và chuột. Những cây lớn nhất có thể bắt chuột, nhưng giới khoa học cho rằng bắt chim là công việc "bất khả thi" đối với chúng.
Cây nắp ấm là một trong những giống cây leo từ Đông Nam Á. Một số lá của chúng tạo thành hình ấm để bắt côn trùng.
Bên trong lá hình ấm có lông răng. Đó là vòng tròn chứa các gai nhỏ hướng xuống dưới và bao quanh lối vào ấm. Ở phía trên ấm có một nắp để ngăn chặn nước mưa (nếu nước mưa vào quá nhiều thì các enzyme tiêu hóa sẽ bị hòa tan hết). Nắp có vô số tế bào trong và mờ nên côn trùng dễ lầm tưởng đó là một mảng của bầu trời.
Khi con mồi rơi vào lá, nắp sẽ nhanh chóng úp xuống để nó không thể thoát ra. Sau đó con mồi sẽ trượt xuống phần cuống lá, nơi có rất nhiều enzyme tiêu hóa đang chờ sẵn.
Hewitt-Cooper nghĩ rằng con chim sẻ ngô đậu lên cây nắp ấm để bắt côn trùng bên trong một lá.
“Có lẽ con chim cố bắt những con côn trùng trôi nổi trên bề mặt chất lỏng bên trong chiếc lá. Do vươn cổ quá sâu nên nó rơi xuống và không thể thoát ra”, ông nhận xét.
Minh Long
Toilet độc nhất vô nhị của chuột núi
Mỗi khi muốn "giải quyết nỗi buồn", chuột trù núi lại leo lên cây nắp ấm. Trên đó chúng được thưởng thức bữa ăn miễn phí trước khi ngồi vào "bồn cầu" và thói quen này cũng có lợi cho cây bởi chúng lấy dưỡng chất từ phân.
Một cây Nepenthes lowii chưa trưởng thành. Ảnh: wikipedia.com.
Những loài cây thuộc bộ nắp ấm (Nepenthales) sinh ra hai loại lá, trong đó một loại có chức năng bắt côn trùng (có hình ấm). Nhìn bề ngoài loại lá bắt côn trùng giống chiếc giày moccasin nhỏ màu xanh lục. Bên trong lá hình ấm có lông răng. Đó là vòng tròn chứa các gai nhỏ hướng xuống dưới và bao quanh lối vào ấm. Ở phía trên ấm có một nắp để ngăn chặn nước mưa (nếu nước mưa vào quá nhiều thì các enzyme tiêu hóa sẽ bị hòa tan hết). Nắp có vô số tế bào trong và mờ nên côn trùng dễ lầm tưởng đó là một mảng của bầu trời.
Khi con mồi rơi vào lá, nắp sẽ nhanh chóng úp xuống để nó không thể thoát ra. Sau đó con mồi sẽ trượt xuống phần cuống lá, nơi có rất nhiều enzyme tiêu hóa đang chờ sẵn. Nhưng gần đây các nhà sinh vật học của Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Royal Roads (Canada) phát hiện ra rằng có một loại cây nắp ấm chỉ “ăn” phân động vật chứ không bắt côn trùng. Đó là loài Nepenthes lowii.
Khi chưa đến giai đoạn trưởng thành, Nepenthes lowii phát triển trên mặt đất và bắt côn trùng. Nhưng trong giai đoạn trưởng thành chúng bám vào các cây leo và các loài thực vật cao hơn. Nhóm nghiên cứu lắp đặt nhiều camera để theo dõi hoạt động của nhiều cây loại này trong một khu rừng trên núi cao thuộc đảo Borneo, Indonesia.
Chuột trù núi liếm mật mật ở mặt dưới của nắp trong lúc tống chất thải ra ngoài cơ thể vào ấm. Ảnh: Livescience.
Những đoạn phim cho thấy loài chuột trù núi (Tupaia montana) thường nhảy lên cây, liếm mật ở mặt dưới của nắp rồi thả phân vào ấm. Thậm chí một đoạn video còn cho thấy chuột trù còn đánh dấu cây mà chúng thường leo lên bằng cách cọ xát cơ quan sinh dục của chúng vào nắp trước khi tụt xuống. Hành vi đó cho thấy mỗi con chỉ gắn bó với một "nhà vệ sinh" nhất định.
“Về mặt cơ bản thì đó là một nhà vệ sinh lý tưởng dành cho chuột trù. Tại đó chúng vừa được ăn, lại vừa cảm thấy an toàn. Chúng tôi không nhìn thấy những chiếc lá hình ấm bắt côn trùng. Rõ ràng chúng đã mất khả năng đó”, Jonathan Moran, một nhà khoa học của Đại học Royal Roads, phát biểu.
Sau khi xem xét kỹ, các nhà khoa học nhận thấy lá của loài Nepenthes lowii đã tiến hóa rất nhiều để hấp thụ dưỡng chất từ phân. Chẳng hạn, mặt trong của ấm không trơn như ấm của những loài chuyên bắt côn trùng. Nhờ đó mà chuột trù không gặp nguy hiểm nếu chẳng may rơi vào trong ấm. Trong ấm có một rãnh để phân có thể trôi xuống phần cuối của ấm khi trời đổ mưa. Ấm luôn mọc ở phần cuối của lá và phải chịu sức nặng của chuột trù núi (khoảng 150 g). Vì thế nó rất cứng, dai và được nhiều cành nâng đỡ.
Chuột trù núi sẽ chẳng bao giờ nhầm lẫn “nhà vệ sinh” quen thuộc của chúng với những chiếc lá bình thường, bởi vị trí của nắp và ấm đảm bảo rằng những con vật luôn hướng mông về phía ấm khi chúng liếm mật ở nắp.
Theo Moran thì khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ phân động vật có ý nghĩa to lớn đối với cây khi chúng sống trên núi, nơi côn trùng rất hiếm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy phân chuột đáp ứng 57-100% nhu cầu nitơ của cây.
Minh Long (theo Livescience)
Mai Nguyễn Trang Thư - mainguyntrangth@yahoo.com - 0123456789 - Cầu Kè, Trà Vinh
(Ngày 13/11/2012 10:10:27)
Hệ sinh thái ở Việt Nam quả thật là rất phong phú
Nguyễn Hữu Tiến - Nguyenhuutien_gdkcq@yahoo.com.vn - 0912623931 - CLB lục bát Đoàn Thị Điểm - Hưng Yên
(Ngày 12/11/2012 15:15:57)
Cái gạch nối giữa cuộc đời Nhạc sĩ họ Phan và Ca sĩ họ Nguyễn là chữ "Hoa" (Phan Lạc Hoa - Thanh Hoa). Âu cũng là định mệnh! |