Một mảnh nylon vừa đủ chỗ ngồi được trải ra ở giữa số nhà 22 và 24 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một giỏ đồ gồm vài lọ xi, mấy cái bàn chải lớn nhỏ, vài ba miếng giẻ và hai đôi dép cũ đã đủ cho một góc làm việc của ông Bảng. Không biển hiệu, không kệ kính, thế nhưng khách vẫn nườm nượp đến bởi từ lâu người ta đã biết đến ông Bảng với biệt danh "Hà thành đệ nhất đánh giày".
Năm 12 tuổi, cha mẹ qua đời, cậu bé Bảng phải bỏ đất Bình Lục (Hà Nam) ra Hà Nội kiếm sống, rồi ôm hộp đánh giày từ đó. Thời ấy, khách hàng là những quan chức người Pháp, những tên lính Tây rất khó tính nên cậu phải làm rất chu đáo, phải chăm sóc đôi giày thật kỹ cho đến khi sáng bóng. Cách chăm giày ấy cho đến bây giờ ông Bảng vẫn giữ nguyên.
|
Ngay cả đế giày dép, ông Bảng vẫn chà rất kỹ. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Để đánh một đôi giày ông sử dụng 4 bàn chải và một tấm mút. Bàn chải to bản đầu tiên dùng để đánh sơ qua toàn bộ chiếc giày, loại bỏ bụi, đất bẩn. Sau đó, ông bắt đầu quét một lượt xi bằng chiếc bàn chải đánh răng. Toàn bộ phần trên và đế giày đều được phủ kín lượt xi. Ông đánh sơ qua rồi lại phủ thêm một lượt xi nữa. Lần này ông Bảng dùng chiếc bàn chải nhỏ và tiếp tục đánh bóng chiếc giày. Công đoạn này ông làm rất kỹ với một chiếc bàn chải to khác vì "phải chà đi chà lại nhiều lần thì giày mới bóng lên được".
"Cuối cùng cần dùng miếng mút để lau lại toàn bộ chiếc giày. Công đoạn này giúp giày bóng đều và mịn hơn. Những hạt bụi cuối cùng cũng sẽ được làm sạch", ông Bảng cười, giơ đôi giày đã được làm sạch sau khoảng 20 phút.
Dù đông hay vắng khách, ông Bảng đều tuần tự thực hiện các công đoạn. Khách biết tính ông nên chẳng bao giờ giục. Có khi bận quá, họ bỏ giày lại, tan buổi làm quay lại lấy. Có khách quen ở Đông Anh, Sóc Sơn hàng tháng gom giày thành bao tải đem đến nhờ ông đánh.
Do toàn đánh giày cho khách quen nên hầu như ông chẳng bao giờ ra giá, cũng chẳng lấy trội hơn mọi người, thường từ 5 đến 10 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày ông cũng kiếm được 70.000-100.000 đồng, đủ nuôi sống ông ở đất Hà thành và có chút đỉnh gửi về quê làm quà cho các cháu.
Ông Bảng cười khoe chỉ làm đánh giày nhưng "nổi tiếng" lắm, cả khách Tây, khách ta đều biết. Có người đánh giày xong tặng ông 100 USD, rồi lại còn quay phim đưa ông lên tivi ở "bên Tây" nữa. Thi thoảng ông cũng nhận được quà từ mọi người, khi là đồng quà, tấm bánh, gói thuốc, cũng có khi là những hộp xi đánh giày quen thuộc.
"Có một bà Tây biết tôi qua tivi đã gửi tặng một thùng xi xịn. Bạn của bà ấy khi lên máy bay đã không mang theo được nên bà đã quy ra tiền gửi cho tôi", ông Bảng khoe.
|
Con cháu khuyên về quê an hưởng tuổi già, nhưng ông nhất quyết không chịu vì nhớ nghề, nhớ phố. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Có vị khách vì thích cách chăm giày, lại thương ông cụ suốt đời cặm cụi với nghề đã mời ông về nhà ở không mất tiền. Có người còn đưa ôtô đến đón ông về nhà đánh giày, sau đó lại đưa ông quay lại chỗ cũ. Họ gọi ông bằng bố, xưng con làm cho ông Bảng không thể nào dứt được khỏi nghề.
"Tôi từng bỏ nghề về quê lấy vợ, sinh con. Lăn lộn đủ nghề cuối cùng vẫn về Tràng Tiền ôm hộp đồ nghề cũ. Đúng là cái nghiệp nó chọn người", ông Bảng bồi hồi nhớ lại.
Ông cho biết, năm 1954, khi quân Pháp về nước cũng là lúc ông hết việc làm. Về quê cưới vợ, sinh 4 người con, ông rồi lại ra Hà Nội. Sau đó ông lưu lạc vào Nam, làm đủ nghề từ cửu vạn, đào vàng, nuôi tôm..., nhưng vẫn tay trắng. Cái đói, cái nghèo chẳng thể dứt mà có lúc ông còn suýt phải đổi bằng tính mạng. Thế là lần thứ ba, ông quay lại với nghiệp đánh giày và gắn bó với nó cho đến nay.
Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông Bảng bảo từng đánh giày cho nhiều thế hệ trong một gia đình. Có những người khi là khách hàng của ông chỉ ở tuổi thanh niên, giờ đến dẫn theo cả đứa cháu. Những anh công an ngày xưa thương ông, tạo điều kiện cho ông có chỗ ngồi đánh giày từ chức thiếu úy nay đã thành đại tá.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, con cháu khuyên nên về nhà, nhưng ông Bảng nhất quyết không chịu, vẫn một mình ở thủ đô đều đặn hằng ngày đi đánh giày trên con phố Tràng Tiền. "Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, với con phố sầm uất này, ngắm phố phường quen rồi, giờ về quê không làm gì buồn lắm", ông giải thích và lại rít một hơi điếu cày.
Hoàng Thùy