Chủ nhật, 24/11/2024,


Khẩu hiệu 'Tiên học lễ...' nên chấm dứt? (25/07/2012) 
Vietnamnet: Thế hệ tôi, sinh trưởng ở miền Bắc, đi học trường phổ thông 10 năm (từ lớp 1 đến lớp 10) vào những năm 1954-1964, thì khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hầu như không để lại ký ức gì. Là vì ở miền Bắc thời đó, những gì được xem như gắn với “tư tưởng phong kiến” đều bị coi là lạc hậu, cần tránh xa, cần chống lại.
"Việc sử dụng lại khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” từ hơn chục năm nay, theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt. Nếu cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm lấy từ nguồn thuần Việt. – nhà Nghiên cứu phê bình Văn học Lại Nguyên Ân tham luận.
 
Có “Tiên học lễ…” vì trò hư
Cho nên dễ hiểu là không hề thấy khẩu hiệu này xuất hiện trong khuôn viên bất cứ ngôi trường nào trên miền Bắc thời gian ấy; cũng hầu như không có giáo viên hay cán bộ nào trong ngành giáo dục thời ấy dám nói đến khẩu hiệu đó trước các đám đông.
Vậy khẩu hiệu này trở lại khi nào? Hãy nhớ đến một sự việc kể sau đây.
Theo sự ghi nhận – như một dữ liệu nghiên cứu – của tác gia Trần Đình Hượu (1927-1995) thì vào năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm “Tiên học lễ hậu học văn” trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” (đăng tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31, tháng 7/1973) mà động cơ viết bài này, theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo” (trích bài báo đã dẫn).
Ngay sau khi bài báo này xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của T.Ư. Đoàn (số 2351, ra ngày 16/8/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo”, phản đối gay gắt ý kiến này.
Thế thì khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã “sống lại” trong ngành giáo dục Việt Nam từ khi nào? Đứng ngoài quan sát như tôi và phần đông bạn đọc, thì khẩu hiệu này có lẽ đã tái xuất hiện trong nhà trường Việt Nam từ những năm 1990.
Nói thật gọn, tâm lý coi trọng và đề cao người thầy chính là cơ sở tâm lý xã hội khiến cho khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” từ chỗ bị cấm đoán miệt thị trong “đêm dài bao cấp”, lại bỗng chốc được nêu cao trên khuôn viên các ngôi trường vẫn được những người quản lý nó mệnh danh là “nhà trường xã hội chủ nghĩa”. Thêm nữa, còn do nỗi lo ngại về tình trạng “xuống cấp” đạo đức xã hội đáng báo động như trò hư, vô lễ, những chuyện không hay trong giới giáo viên.
 
 
Nhà Nghiên cứu phê bình Văn học Lại Nguyên Ân
 
Không nên duy trì yếu tố vay mượn
Thế nhưng có nên tiếp tục trương cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cả trên khuôn viên các ngôi trường Việt Nam hiện nay cũng như trong lời nói hàng ngày hay không?
Tôi vẫn chưa quên cảm giác gì đó rất không thoải mái mỗi khi nhìn thấy khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được sơn vẽ sao cho kích cỡ thật lớn, lại đặt ở vị trí đáng chú ý nhất, tại các ngôi trường Việt Nam.
Vì sao vậy? Vì nó lời lẽ bằng ngôn từ Hán Việt, không phải lời lẽ thuần Việt. Vì nó gắn với những thời kỳ rõ ràng là đã qua của giáo dục Việt Nam. Vì nó ngày càng bộc lộ yếu tố vay mượn ngoại lai mà cũng ngày càng rõ là không nên tiếp tục.
Nếu bảo ta vẫn có thể dùng “Tiên học lễ, hậu học văn” như khẩu hiệu trong giáo dục bởi nền giáo dục ta từ ban đầu vốn chịu ảnh hưởng Trung Hoa - thì cần đáp lại rằng: đúng là giáo dục ở Việt Nam xa xưa thuở ban đầu chịu ảnh hưởng giáo dục Trung Hoa, tiếp nhận cái học của Nho giáo, trong ngàn năm Bắc thuộc và suốt 9 thế kỷ của các nền quân chủ độc lập.
Nhưng từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ đầu thế XX, nền giáo dục ở Việt Nam đã chuyển sang tiếp nhận giáo dục của châu Âu, trực tiếp là của Pháp.
Cho đến ngày nay, thử nhìn xem toàn bộ học vấn mà 12 lớp thuộc hệ nhà trường phổ thông của ta cung cấp cho học sinh là nguồn từ đâu? Rõ ràng có đến 99% các tri thức là từ nguồn Âu-Mỹ. Giáo dục phổ thông ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ở chính Trung Hoa lục địa hay Đài Loan, cũng đều như vậy.
Vậy là giáo dục vùng châu Á trong đó có ta đều đã “thoát Á” rồi. Vậy thì nhà trường hiện tại đâu có còn dính líu gì nhiều với Nho giáo, Nho học mà quay lại dùng các phương châm, khẩu hiệu rút từ nó?
Đã đến lúc bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ..."
Cốt lõi mệnh đề “Tiên học lễ, hậu học văn” là nhấn mạnh việc trau dồi tư cách đạo đức bên cạnh việc học lấy tri thức và kỹ năng. Đây là một phương châm không riêng gì của giáo dục ở phương Đông. Nhưng cách diễn đạt lấy chữ “lễ” đại diện cho toàn bộ phương diện đạo đức thì rõ là một sự quy nạp quá lệch, tỏ ra cũ kỹ, lại rất dễ phát sinh hiểu lầm và bị lạm dụng.
Toàn bộ phương diện tri thức và kỹ năng mà người ta cần tiếp nhận trong sự học, đem gói vào chữ “văn” thì quả là sơ giản hóa đến mức khó chấp nhận.
Trong cuộc sống thường ngày, ngoài ý nghĩa lễ độ thông thường, “lễ” thường ám ảnh người ta ở một vài hàm nghĩa thông tục.Về phía người học, “lễ” dễ gợi tới sự khuất phục – đòi hỏi học trò phải vâng phục – điều mà học trò lớp trên càng khó có thể sẵn sàng thể hiện, do tư cách “người lớn” đang đậm dần lên ở các cô gái, chàng trai. Họ không thể “phục” nếu người thầy không thật giỏi và không thật có tư cách. Đối với phụ huynh, “lễ” nổi bật nhất ở ý nghĩa cống nạp – nó có cái gì đó nặng nề hơn so với sự trả công thông thường.
Tôi biết là có bạn sẽ yêu cầu phải nêu những hàm nghĩa của “lễ” từ gốc, từ các kinh điển Nho giáo. Song đấy là lĩnh vực của giới nghiên cứu học thuật; người ngoài đời thường không đủ hiểu biết để tiếp cận như thế; họ chỉ hiểu và đụng chạm với “lễ” ở ý nghĩa thông tục mà thôi.
Cho nên, việc sử dụng lại khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” từ hơn chục năm nay, theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt. Nếu cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm lấy từ nguồn thuần Việt. Và nếu không tìm được từ nguồn “thuần Việt”, thì nên tham khảo những nguồn có quy mô thế giới, chẳng hạn từ nguồn của tổ chức UNESCO.
Trong bối cảnh thế giới hiện tại, ta cũng nên lưu ý đến những hiện tượng như các viện mang tên Khổng Tử được Trung Quốc lập ra ở các nước với tính cách những cơ quan truyền bá văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài.
Cái tên của Khổng Tử và có lẽ cả học thuyết của ngài nữa, như vậy, đang được đóng dấu đậm bản quyền quốc gia Trung Hoa. Ta nên tế nhị với chuyện này.
Ta nên tự chứng tỏ rằng: từ thời hiện đại, người Việt Nam chúng ta đã đứng ngoài biên giới của nền văn hóa Trung Hoa rồi, không còn đứng trong đó nữa, như ở thời trung đại.
Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” – vốn có xuất xứ từ Khổng Tử – càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ nên được ghi nhận như một trong những thứ ta đã từng vay mượn thời quá khứ xa xưa.

Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Quang Sơn - nguyenquangson_2004@yahoo.com - 0293 871 941 - Tân An- thị xã Nghĩa Lộ -Yên Bái  (Ngày 25/08/2012 20:02:22)



"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"
Câu này chắc cũng phải bỏ thôi vì nó cũng vay mượn văn học cổ điển Trung Hoa, quá lỗi thời rồi.Bỏ tất cả cái cũ, cái mới lấy đâu nền tảng mà phát triển?

  thuý hà - hoa sen co @yahoo.com - 0974023369 - Hà đông  (Ngày 25/08/2012 9:46:59)
tôi rất đồng ý vớiNNC LẠI NGUYÊN ÂN thú thât tôi cũng rất khó chịu khi nhìn thấy khẩu hiệu đó to bành chướng ở các ngôi trường.cứ như câu nói bâng quơ chả nhằm vào đâu.không biết ai khởi xướng ra chuyện này nữa..nên dẹp bỏ
  Trần Tá - trantatl@gmail.com - 01684735589 - Hội VHNT VĨnh Phúc  (Ngày 24/08/2012 21:44:08)

Trần Tá - trantatl@gmail.com - -01684735589 Hội VHNT vĨnh Phúc

Theo tôi nghĩ : Tiên học lễ ,hậu học văn chỉ là một cách thể hiện phương châm giáo dục mà thôi .Để mai này phục vụ được tốt cho nhân dân ,cho xã hội thì khi còn trên ghế nhà trường người học sinh trước hết phải học làm người .Tôi nghĩ theo một khía cạnh nào đó thì chữ "Học lễ" ở đây là học một quy tắc ứng xử phù hợp với đạo đức của thời đại chúng ta - còn "Học văn " ở đây là học cách tiếp cận với một nền tri thức mà nhà trường đang hướng tới.
Vấn đề cơ bản ở đây là cách tiếp cận ,ứng xử với khẩu hiệu đó như thế nào mới là quan trọng .
Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du vẫn cứ lấy các tích ,các địa danh là của Trung Quốc , nhưng cái hồn cốt tâm lý đạo đức của nó thì vẫn chở đầy tình cảm người Việt. Chính vì vậy mà Truyện Kiều sống mãi trong mọi thế hệ người Việt !
Trần Tá

  Phạm Minh Giắng - phamigia@gmail.com - 0987736365 - Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư-Thái Bình  (Ngày 10/08/2012 15:39:22)

Nghìn năm Bắc thuộc thì không nói. Nghìn năm độc lập với bao nhiêu danh nhân văn hóa của đất nước Việt Nam được lưu danh cũng nhờ biết TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN đấy chứ.

Học lễ thì phải hiểu là "lễ phép" chứ không phải là lễ như ông Lại Nguyên Ân dẫn giải. Học văn thì phải hiểu là "văn minh" chứ không chỉ là văn học. Văn minh thì nó bao gồm cả kiến thức khoa học tự nhiên, kiến thức khoa học xã hội.

Do ngay từ khi mở mắt ra khóc oe oe là đã tắm trong văn minh. Ngay từ khi bập bẹ học nói là đã gut bai, thanh kiu, hê lô, mà không học cho thuần thục cháu chào ông ạ, cháu chào bà ạ, con chào thầy ạ, con chào cô ạ. Thế nên nó mới hư gọi ông bà là ông khốt bà khốt, gọi thầy giáo cô giáo là lão ấy, mụ ấy.

TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN cái phương châm qua mấy nghìn năm các thế hệ giương cao để xây dựng nên văn hiến Việt Nam chẳng bao giờ là lỗi thời. Câu nói mượn từ tiếng Hán khi nó đã được sử dụng thuần thục trong tiềm thức Việt thì nó cũng như thuật ngữ của khoa học tự nhiên mượn từ Âu Mỹ và đã thuần thục với người Việt vậy thôi.

Lễ phép là tri thức nó tạo thành lương tri. Văn minh là kiến thức TẠO tạo thành đời sống. TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN nghĩa là lễ phép và lương tri phải thuần thục trước khi dồi dào kiến thức văn minh.

Phạm Minh Giắng

  Nguyễn Thanh Lâm - thanhlam1939@gmail.com - 0986.729.893 - Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên  (Ngày 08/08/2012 18:44:53)

Tôi đồng ý với ông Lại Nguyên Ân. Theo tôi nên có khẩu hiệu:
HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỚC KHI TRAU DỒI TRÍ THỨC

  trương văn lực - controi58@yahoo.com - 0937 30 35 36 - Ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre  (Ngày 29/07/2012 17:58:20)

Nhà NC Lại Nguyên Ân đã đưa ra một ý kiến khá mới trên một tinh thần khá cũ. Và, quả là bảo cho ngay một ý kiến hay một lời bình nào thì cũng không đơn giản. Bởi lẻ người đánh trống cũng đang bỏ dùi – cái bệnh xưa nay vẫn còn truyền nhiễm trong giới tay ngắn, mồm dài khiến miệng nói biện chứng mà chính tai mình kề bên vẫn khổ mãi vì phải nghe trước những giáo điều. Nhà NC sâu quá, cao quá sao không cho thử vài câu rất Việt thay cho cái câu “lai căn” đẵ sống dài, chết dại, lại sống lại – TIÊN HỌC LỄ …ấy?
Ôi! Nhà NC lại cho rằng 99% tri thức dạy trong trường học hiện nay là nguồn Âu Mỹ?! Vậy Việt Văn, Quốc Sử… được nhà Nc cho bao nhiêu % đây? Hay theo ông, những cái đó không là kiến thức cho người đi học!? Quả là không thể trách các em đầu chỏm học dỡ môn Việt Văn, Quốc Sử … khi “Người có đầu tóc” lại suy nghĩ như ấy!
Đành rằng, chuyện giáo dục hiện nay, còn nhiều cái phải bàn: Nội dung, hình thức, con người… nhưng bàn cũng nên đưa ra một lối ra, chứ bàn cụt, bàn lui… bàn cho có bàn rồi thôi, hình như cũng lại rơi vào hai chư LỖI THỜI rồi!
Nhân đọc, có liền mấy ý có lẻ còn nhiều chưa chín chắn, xin nhận lỗi và xin tha thứ!

Các bài khác: