Chủ nhật, 24/11/2024,


Người đàn ông lùn nhất thế giới với những ước mơ về tình yêu và hạnh phúc (10/06/2012) 
Ai là người lùn nhất thế giới? Với công cụ tìm kiếm và tra cứu qua mạng internet hiện nay, chỉ cần bạn gõ máy tính mấy chữ và nhấp chuột, là sẽ cho rất nhiều kết quả... Nhưng những người có chiều cao thấp nhất từng sống trên hành tinh này, được biết đến cho đến nay, cũng chưa có ai dưới 54,6 cm...
Vậy mà, ở Việt Nam từng có một người đàn ông chỉ cao có... 52 cm và cân nặng 9 kg! Thân hình dị dạng bởi khuyết tật, nhưng đầu óc ông thì vẫn sáng suốt và thông minh như ai. Ông có tài chơi đàn bầu, thích kể chuyện vui, luôn khát khao được mọi người yêu thương và hạnh phúc...
Họ và tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Dóm, từng sống ở thôn Doãn Lại, xã Lại Xuân, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
 
                                 
Dù đã đi đôi dép đế xốp dày 3 cm, nhưng ông Nguyễn Văn Dóm chỉ cao gần bằng 1/3 tác giả bài viết
- Nhà thơ Đặng Vương Hưng  (ảnh chụp đầu năm 2005, tại Thủy Nguyên - Hải Phòng)
 
Mười tám tuổi mới... tập đi
Theo lời Nguyễn Văn Dóm tự kể, thì ông sinh ngày 11-5-1952 (tuổi Nhâm Thìn), trong một gia đình nông dân, có năm anh chị em (bốn trai và một gái), Dóm là con trai thứ ba. Bố mẹ và bốn anh chị em ruột của Dóm đều có chiều cao và cân nặng bình thường. Ngoài làm ruộng, nhiều gia đình ở vùng quê của Dóm còn có nghề phụ là nung vôi. Vôi của vùng Lại Xuân này làm ra từ thời xưa đã không chỉ bán ở Hải Phòng, mà còn nổi tiếng nhiều tỉnh xứ Bắc.
Lúc mới chào đời, Nguyễn Văn Dóm cũng có thân hình như bao đứa trẻ khác. Nhưng mới hai tuổi, sau một lần ốm nặng, cậu bé bắt đầu phải chịu sự bất công của tạo hóa: Người cậu hầu như không cao thêm, cũng không tăng cân được nữa, chỉ có khuôn mặt là già đi theo năm tháng. Thương con, cha mẹ Dóm đã tốn không biết bao nhiêu công sức, tìm đủ thứ thuốc chữa chạy mà cậu bé vẫn không khỏi bệnh. Bạn bè cùng tuổi đã cắp sách đến trường, nhưng riêng Dóm thì ngồi cũng chẳng được, chân tay cứ mềm oặt y như người không xương.
Mãi tới năm 18 tuổi (1970), nhờ người đỡ bên cạnh, Dóm mới lết đi được những bước đầu tiên trong đời. Và 5 năm sau, anh bắt đầu chống gậy tập đi...
Chàng trai trong thân hình một đứa trẻ ấy đã liên tiếp gặp tai nạn: vấp ngã gãy chân, trẹo tay, gãy răng... Cha mẹ Dóm đã mời thày thuốc về tận nhà bó bột, nhưng cứ vết thương này chưa lành xương thì chỗ khác lại bị gãy tiếp... Điều kỳ lạ là Dóm vẫn sống, cho dù quanh năm ốm quặt ốm quẹo, uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Kết quả sau những lần tai nạn liên tiếp ấy là đôi chân của Dóm cong queo như hình chữ Z.
Đôi chân khuyết tật cong queo hình chữ "Z" khiến ông Dóm đi lại hết sức khó khăn. 
Tự học và có nhiều tài lẻ
Người thấp bé tí tẹo, nhưng Dóm rất thông minh. Không có điều kiện cắp sách tới trường như chúng bạn, Dóm chỉ tự học mà biết đọc, biết viết. Thương con, cha mẹ của Dóm đã thuê thày về nuôi cơm trong nhà, làm gia sư trong hai năm liền. Nhờ chăm chỉ đọc sách, Dóm đã tự học tương đương trình độ hết cấp II phổ thông (lớp 7/10). Không chỉ ham học, Dóm còn có khả năng tính toán, cộng trừ nhân chia rất nhanh. Hợp tác xã đã định cử anh làm kế toán, tính công điểm cho bà con, nhưng việc không thành, chỉ bởi một lý do đơn giản: Hình thức của Dóm quá hạn chế!
Không chỉ thông minh mà Dóm còn rất khéo tay. Ngồi buồn một mình ở nhà, chỉ với con dao nhỏ, với ống tre xin được, miếng gỗ bỏ đi, anh thường đan lát, đẽo gọt thành những con giống và hình thù kỳ lạ, dễ thương.
Một lần được nghe tiếng đàn bầu trên đài, Dóm nảy ra ý định tự chế ra chiếc đàn bầu và mày mò học cách gảy đàn. Chẳng bao lâu, tiếng đàn của anh đã nổi tiếng khắp vùng. Chỉ nghe đài, rồi tự học theo, nhưng Dóm có thể chơi độc tấu thuần thục được mấy chục bài, với đủ các làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam... xã đã mấy lần đưa Dóm đi tham dự Hội diễn văn nghệ quần chúng trên huyện, lần nào anh cũng giật giải và mang giấy khen về cho quên hương.
Năm ấy có đơn vị bộ đội đóng quân tại địa phương nghe tiếng đàn bầu của Văn Dóm, đã cho người đến mời anh tham gia biểu diễn văn nghệ. Người ta may cho Dóm bộ quân phục tí hon, ve áo có gắn quân hàm hạ sĩ và đội mũ có sao... Bây giờ, mỗi khi có khách đến thăm nhà, Dóm vẫn tự hào mang tấm ảnh mình đang mặc quân phục, chơi đành bầu trên sân khấu ấy ra khoe... dù nó đã cũ nát, anh phải cắt ghép và dán lại.
Tiếng lành đồn xa, Đoàn nghệ thuật Hải Phòng, rồi Đoàn Xiếc Tạ Duy Hiển đã lần lượt tìm về Lại Xuân mời Văn Dóm đi biểu diễn. Họ sẵn sàng dành cho người “Nghệ sĩ tí hon” này một suất “biên chế” trong đoàn của mình. Nhưng bố mẹ của Dóm đều khước từ, vì thương con và mặc cảm với hoàn cảnh tàn tật của anh. Họ không muốn con trai mình phải hành nghề mua vui và làm trò cười cho thiên hạ nhờ ngoại hình dị dạng!
Quả thật, Văn Dóm có thể chơi đàn bầu rất hay, nhưng khán giả thường vỗ tay to hơn chính là vì thân hình thấp bé của anh. Trong cuộc đời mình, đã có vài lần Dóm được người nhà đèo xe đạp lên phố huyện. Chỉ cần ra cách nhà chừng cây số, là đã có cả một đàm đông hiếu kỳ vây xung quanh anh. Dóm xuất hiện ở đâu là từ trẻ con đến người già ở đấy cùng xúm lại vì tò mò, ngăn không được mà cản cũng không xong.
 
Luôn khát khao tình yêu và hạnh phúc
Gái Thủy Nguyên có tiếng là đáo để, gặp người như Dóm các cô cũng chẳng buông tha:
- Anh Dóm ơi, đi tìm vợ đấy à?
- Có thích lấy vợ, thì chúng em làm mối cho!
- Đánh đàn bầu giỏi như anh Dóm, ối em xinh đẹp chết mê chết mệt đấy! Đàn bầu ai gảy thì nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Hi hi hi...
Nói rồi các cô cùng cười ré lên và đấm lưng nhau thùm thụp.
Nghe các cô gái trẻ hồn nhiên cười vui mà Dóm buồn muốn rơi nước mắt.
Quả thật, đã sinh ra trên cõi đời này thì ai cũng có quyền được ước mơ v ề tình yêu và hạnh phúc. Đã không ít lần Nguyễn Văn Dóm đã ước ao: Giá như thân hình anh bình thường như bao người đàn ông khác trên đời? Giá như anh có thể cao thêm được 100 cm? Và ngay cả khi biết mình đã bị tật nguyền suốt đời, Dóm vẫn khát khao: Giá như có cô gái nào đó đồng cảm được với hoàn cảnh tàn tật và biết thương yêu anh trọn cuộc đời này thì hay biết bao?
 Chính cha mẹ của Dóm cũng đã nghĩ đến chuyện “Nồi méo úp vung méo” mấy lần định tìm vợ cho Dóm, để sau này họ qua đời anh còn có người chăm sóc, nương tựa... Nhưng thời gian cứ trôi đi, chuyện ấy chưa thành thì họ đã lần lượt nằm xuống: Mẹ của Dóm - bà Trần Thị Lắm - mất năm 1982, 5 năm sau đến lượt cha của anh - ông Nguyễn Văn Hè qua đời.
 
Chứng nhận Nguyễn Văn Dóm được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Trời cho mỗi người một phận...
Không còn chỗ dựa tinh thần lớn nhất, Dóm đành ở với gia đình người cháu ruột – anh Nguyễn Văn Chúng, hiện làm việc ở Xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa thuỷ, thuộc Công ty Vận tải thuỷ số 3 của TP. Hải Phòng. Anh Chúng là con ông Nguyễn Văn Thềm, anh trai cả của Dóm. (Ông Thềm đi bộ đội năm 1952, sau chuyển ngành về làm cán bộ Tòa án huyện An Dương - nay là An Hải, Thành phố Hải Phòng - đã mất năm 1999 vì bệnh hiểm nghèo). Chồng làm công nhân, vợ làm ruộng, kinh tế gia đình anh Chúng chỉ thuộc diện đủ ăn.
Mấy năm trước, chúng tôi tìm về thôn Doãn Lại, đến thăm ông Nguyễn Văn Dóm, thấy trong sân có cả một đàn chó to nhỏ tới gần chục con. Gọi mãi mà chẳng thấy ai mở cửa, chỉ có đàn chó xông ra sủa ầm ĩ. Một chị hàng xóm nhiệt tình phải cầm đòn gánh sang đuổi chó, mời chúng tôi vào nhà... Lúc ấy, ông Dóm mới xuất hiện.
Thì ra, ông Dóm còn thấp hơn cả lưng con chó to nhất đàn. Người đành ông khốn khổ và thiệt thòi ấy chống cây gậy ngắn bằng kim loại, đi đôi dép xốp đế dày khoảng 3 cm, bước đi tập tễnh rất khó khăn. Nghe chúng tôi tự giới thiệu rằng từ Hà Nội về thăm và tặng quà... ông Dóm vồn vã mời khách vào nhà.
- Quý hóa quá, các bác từ mãi thủ đô mà về tận đây là em cảm động lắm!
Dóm nói vậy, rồi ông leo lên chiếc giường ngủ của riêng mình. Chiếc giường đôi cỡ bình thường, nhưng so với thân hình nhỏ bé của ông thì nó quá rộng. Cuối giường, có mặt một cái hòm tôn nhỏ. Hình như tất cả “tài sản” riêng của Dóm đều được để trong đó. Ông cẩn trọng mở hòm, rồi lấy ra mấy bức ảnh cũ, một bản phô tô bài báo viết về mình... để giới thiệu với khách.
- Các bác xem này. Đây là ảnh thời em còn thanh niên, được mời đi đánh đàn bầu cho bộ đội. Cũng đội mũ đeo sao như ai, nom oai ra phết! Đúng không?
Chúng tôi cùng cười vui. Chị hàng xóm trêu:
- Thời ấy mà bác Dóm quyết lấy vợ, chắc bây giờ đã thành ông nội, ông ngoại rồi cùng nên.
Dóm thở dài:
- Tôi cũng muốn lắm chứ! Cùng do cha me sinh ra, ai chẳng muốn được bằng anh bằng em. Nhưng trời cho mỗi người một phận... Biết làm sao đây?

Tấm ảnh quý giá chụp ông Nguyễn Văn Dóm thời trẻ mặc quân phục chơi đàn bầu đã cũ nát,
phải cắt ghép lại... Ông luôn mang ra khoe mỗi khi khách đến chơi nhà.

Dù khuyết tật vẫn muốn mình có ích cho đời
Từ năm 1992, Nguyễn Văn Dóm được Nhà nước trợ cấp xã hội, mỗi tháng 45.000 đồng. Nếu số tiền ấy chỉ để mua gạo, mua rau thì cũng đủ, vì ông ăn rất ít, mỗi bữa chỉ một lưng cơm đã no. Nhưng người ta sống ở trên đời đâu chỉ có ăn, dù thân hình to cao, hay bé nhỏ, ai cũng cần có nhu tình cảm và tinh thần.
Chia tay với chúng tôi, Nguyễn Văn Dóm cứ dặn đi dặn lại:
- Các bác nhớ nhé: Nếu bây giờ có đoàn xiếc, đoàn nghệ thuật nào cần người như em, xin cứ giới thiệu, em sẵn sàng ngay!
Ông Dóm còn tâm sự: Nếu như có trong tay một vài triệu đồng, nhất định ông sẽ mở một chiếc quán nhỏ để bán hàng, tự kiếm sống; và ước ao được đi thật xa, về tận... Hà Nội, để thăm Thủ đô được một lần trong đời.
Trước khi tạm biệt, ông Nguyễn Văn Dóm đã đồng ý để người viết bài này chụp một vài tấm hình kỷ niệm, đồng thời cũng là để giới thiệu với bạn đọc cả nước biết một người lùn 52 cm là có thật. Ông cũng không ngại ngần ngồi xuống bậc thềm nhà, vén 2 ống quần lên, để lộ ra đôi chân bị khuyết tật, cong queo như thân cây tre bị tật. Thật khó có thể dùng bao nhiêu câu chữ, lời văn nào tả hết được chính xác, cặn kẽ, nếu như không có những hình ảnh để so sánh chuyện thấp - cao của ông Dóm với một người bình thường cùng đôi chân khuyết tật của một người đàn ông này.
Nhưng chúng tôi cũng hiểu: một người khuyết tật, chỉ cao có 52 cm như Nguyễn Văn Dóm, thì duy trì cuộc sống bình thường đã khó khăn, còn những ước mơ ước, dù đơn giản thế nào, cũng không phải là chuyện dễ dàng khi ở một vùng quê nghèo như thế!
Một dịp may đã đến: Tháng 7 năm 2005, Nguyễn Văn Dóm được tiếp nhận vào Đoàn Văn nghệ Khuyết tật của Thành phố Hải Phòng. Ông đã cùng đoàn đi biểu diễn nhiều đêm ở khắp các địa phương thuộc Hải Phòng - Quảng Ninh. Tiết mục đàn bầu của nghệ sĩ Văn Dóm thường được người xem hoan nghênh nhiệt liệt, đòi diễn lại nhiều lần, vì tò mò bởi thân hình dị thường của ông. 

Đáng tiếc vì chưa được Guinness công nhận
Nhân cuộc hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại TP. HCM, ngày 26/5/2012, lần đầu tiên có mặt của Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Châu Á và các nước CHDCND Lào, Vương quốc Thái Lan, Vương quốc Campuchia,... Trang web cộng đồng lucbat.com từng có nhiều hoạt động nhân văn, có ý tưởng sẽ tổ chức chuyến đi về Thủy Nguyên - Hải Phòng, để thăm hỏi và chia sẻ với ông Nguyễn Văn Dóm - một mảnh đời nhiều thiệt thòi và bất hạnh; đồng thời, sẽ lấy thêm tư liệu, giới thiệu hồ sơ cho Tổ chức Kỷ lục Châu Á, đề nghị xác lập: “Nguyễn Văn Dóm - Người lùn nhất Châu Á” và sau đó là “Người lùn nhất thế giới”...
Nhưng đáng tiếc, chuyến đi về Hải Phòng còn chưa kịp thực hiện, thì chúng tôi đã nhận được thông tin từ cộng tác viên Bá Chẳng, người cùng làng với ông Nguyễn Văn Dóm cung cấp: Tháng 3 năm 2006, trong một đêm diễn tại sân vận động huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nghệ sĩ Văn Dóm đã bị đột quỵ ngay trên sân khấu và ông qua đời sau đó không lâu.
Dù chưa được tổ chức Guinness xác nhận, nhưng chúng tôi cho rằng với chiều cao 52 cm, ông Nguyễn Văn Dóm ở Việt Nam chính là người lùn nhất thế giới, mà cho đến nay người ta mới được biết đến!

Hà Nội, 5-2012 
                 Đặng Vương Hưng
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lê Tiến Hoành - lehoanh46@yahoo.com - 0903.440.026 - số 15; ngõ 151A/29 Thái Hà; Đống Đa; TP: Hà Nội  (Ngày 04/07/2012 12:14:07)

Một người lùn như anh Dóm(52cm)ở Việt Nam cũng như trên thế giới là rất hiếm,lẽ ra anh đẫ được vinh danh ở tổ chức Guinness thế giới từ lâu rồi mới phải. Cái đáng quý của anh Dóm là: Anh tuy tật nguyền, mọi thứ ở anh đều là khiêm tốn không bằng người khác, xong ở anh có được một nghị lực tuyệt vời. Anh có nhiều ước mơ như: Được làm một nghệ sỹ biêu diễn đàn bầu cho bất kỳ một đoàn nghệ thuật nào, dù đoàn đó ở tỉnh nhà hay đoàn xiếc trên Hà Nội, anh đều ưng thuận.Xong Bố Mẹ anh vì thương anh, chỉ sợ anh khổ khi xa vắng Cha Mẹ với cái thân hình thấp bé nhẹ cân...Bây giờ anh ấy không còn nữa, tôi chỉ băn khoăn một điều giá như:Chính quyền các cấp, các tổ chức tư thiện, các nhà hảo tâm biết sớm để có chút tài trợ, hoặc có một định hướng rõ ràng đủ sức thuyết phục Bố Mẹ anh Dóm đón anh Dóm đến một cơ sở nào có đủ điều kiện để đào tạo, để chăm sóc, nuôi dạy anh chắc anh sẽ giúp ích và cống hiến được nhiều hơn cho xã hội. Biết đâu anh ấy sẽ trở thành một nhân tài cho đất nước...nhưng bây giờ mọi thứ đã quá muộn rồi. Nhừng người như anh lại từ giã cuộc đời quá sớm, con những kẻ vô lương tâm mà trên các báo, đài đưa tin như: Ham mê cơ bạc, cá độ bống đá, nghiện hút v.v... đâm Cha, giết Mẹ, bốp cổ vợ con, trộm cắp tiệm vàng, giết người cướp của thì cứ sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tôi xin tạm dừng ở đây, nói sao cho hết được; xã hội loài người là vô cùng phong phú và đầy dãy phức tạp mà!

Các bài khác: