Thứ sáu, 22/11/2024,


100 năm trước Bác Hồ đã xuất cảnh như thế nào? (Kỳ 3) (06/06/2011) 
Từ “Ngọa Du Sào” đến “Liên Thành thương quán”
Những người tham gia Ngọa Du Sào có Hồ Tá Bang (tự Quốc Phụ), làm ký lục Tòa sứ Phan Thiết, cha tôi là Phạm Đăng Chất (tức Trần Lệ Chất, tự Giá Khanh) làm Thông phán cho Công sứ Bình Thuận, Nguyễn Hiệt Chi (tự là Mông Thương, Giáo Thọ), Trương Gia Mô (tức Nghè Mô), Ngô Văn Nhượng (tự Thôi Chi) và hai con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội (tự Canh) và Nguyễn Quý Anh (tự Nhu Khanh), v.v…
Trong “Loạn Duy Tân”, cha tôi phải cải họ thay tên là Nguyễn Như­ Chuyên vượt biển tạm lánh sang Anh quốc. Sau đó, khi quay lại Việt Nam, trở về quê ­Uớc Lễ - Thanh Oai thì đổi tên là Trần Lệ Chất (tự Giá Khanh). Vì cha tôi thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên bạn bè đã tiến cử ông làm Thông phán cho Công sứ Pháp Lu-xen ở Phan Thiết - Bình Thuận và được ông ta trọng dụng.
Cũng thời gian này, các nghĩa sĩ của Đảng Duy Tân đang tìm nhau để phục hưng lại tổ chức. Họ chọn “Ngọa Du Sào” làm nơi đọc sách, ngâm thơ và tiếp các nhân sĩ yêu nước. Lâu dần, “Ngọa Du Sào” trở thành một Hội quán rất nổi tiếng.
Sau đó, hai người con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh còn thành lập “Liên Thành th­ương quán” kinh doanh nhiều mặt hàng như: Nước mắm, vải vóc, tơ lụa, thuốc Bắc, nhu yếu phẩm,...
Điều đặc biệt là Hội quán này được Công sứ Pháp Lucien Garnier rất ủng hộ. Nhân cơ hội đó, ông Hồ Tá Bang(3)đã bàn với cha tôi cùng tham gia mở rộng “Liên Thành thương quán” để biến nó thành một tổ chức có lợi cho phong trào Duy tân và Đông du.
Sau đó, cha tôi cùng Hồ Tá Bang và mấy người bạn thân làm tờ trình quan Công sứ Pháp, chính thức xin mở rộng “Liên Thành thương quán” thành lập Hội Quán Liên Thành (còn được gọi là Liên Thành công ty). Thực chất, đây là một tổ chức hoạt động Cách mạng gồm ba bộ phận với ba chức năng gồm: “Liên Thành Thương quán” (chuyên làm kinh tế, gây quỹ hoạt động); “Liên Thành thư xã” (truyền bá các sách báo và tài liệu tuyên truyền có nội dung yêu nước) và “Dục Thanh học hiệu” (trường dạy học cho con em lao động nghèo, theo nội dung yêu nước và tiến bộ).
 
Hồ Tá Bang và Phạm Đặng Chất là hai người được xem là đã lo các thủ tục hành chính, giấy tờ cho Nguyễn Tất Thành (tức Văn Ba) xuất cảnh năm 1911? (ảnh tư liệu, sưu tầm);
Đôi bạn vong niên cùng giúp Nguyễn Tất Thành
Cha tôi hơn Hồ Tá Bang 13 tuổi, nhưng người rất khâm phục ông, bởi từ thời niên thiếu Hồ Tá Bang đã theo học khoa cử, thông thạo cả chữ Hán, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, nhưng không đi thi làm quan. Năm Mậu Tuất (1889), Hồ Tá Bang làm Kí lục tại Toà sứ Phan Thiết, sau đổi về làm ở Toà sứ Hội An. Ông là người chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nhà duy tân Nguyễn Lộ Trạch. Khi đang làm việc tại Toà sứ Phan Thiết, Hồ Tá Bang đã hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh đề xướng. Ông là một chí sĩ rất có uy tín hồi đó. Ngược lại, Hồ Tá Bang cũng rất nể trọng trí tuệ và tinh thần yêu nước của cha tôi. Hai người luôn coi nhau như bạn vong niên...
Nhìn Nguyễn Tất Thành, cha tôi nghĩ ngay đến Hồ Tá Bang, liền ­ướm hỏi, thăm dò:
- Ta sẽ nhờ mấy người bạn giúp đỡ cháu, để tìm đường Đông du?
Nguyễn Tất Thành trả lời:
- “Đông du”? Nhiều người đã làm, nhưng việc lớn khó thành. Có lẽ cháu phải tìm con đường khác? Hiện mật thám đang theo dõi cháu rất nghiêm ngặt.
- Cháu cứ yên tâm, chuyện đâu sẽ có đó...
Đầu thế kỷ hai mươi, hầu như­ thư­ơng trư­ờng của Việt Nam đều do ngư­ời Pháp và ngoại kiều chiếm giữ. Người Việt chỉ mới mở đ­ược một vài Công ty mà Liên Thành là một ví dụ. Nhưng Công ty Liên Thành tồn tại và phát triển được, một phần là nhờ Quan Công sứ Bình Thuận là Claude Léon Lucien Garnier cũng có cổ phần trong đó.
Khi cha tôi giới thiệu chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành, Quan Công sứ và các cổ đông của Liên Thành Công ty đều tưởng anh là con trai của “Lệ Chất tiên sinh”, nên ai cũng nhiệt tình giúp đỡ, đặc biệt là ông Nghè Mô. Nguyễn Tất Thành đã được nhận vào dạy học ở “Dục Thanh học hiệu”. Đó cũng là người thày giáo trẻ nhất của nhà trường.
Hình ảnh Thày giáo Nguyễn Tất Thành năm 1911 tại Trường “Dục Thanh học hiệu” qua diễn xuất của Nguyễn Minh Đất trong phim "Nhìn ra biển cả" (ảnh tư liệu sưu tầm)
Người thày giáo trẻ của “Dục Thanh học hiệu”
Trường Dục Thanh ngày ấy là một khu đất nhỏ, rộng chừng hơn trăm mét vuông, nối liền nhà thờ của cụ Nguyễn Thông, có bốn lớp học với số học sinh trên một trăm người. Có nhà ngủ cho các học sinh và thầy giáo ở trọ. “Ngoạ Du Sào” là căn nhà có gác dài hơn sáu mét, rộng hơn bốn mét, cao chừng hai mét, ở tầng trên là nơi các thầy giáo hay đọc sách, chấm bài. Nơi đó có đầy đủ các vật dụng như: tráp văn thư, nghiên mài mực, tủ đứng, rương sách, góc treo sách, ghế, cái sạp cho các thầy ngồi để viết, bàn dài để các thầy ngồi nói chuyện, tràng kỷ, khay gỗ chạm, những cái chén các thầy uống trà...
Sau này, một nhân chứng từng là học trò của thầy Nguyễn Tất Thành hồi đó là cụ Nguyễn Đăng Lầu (tức Cửu Lâu, 1897 - 1978, quê ở Đức Thắng, Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận) kể lại(1): Khoảng Năm 1908 - 1909, ông thân sinh tôi cho tôi đi học tân thư trường Dục Thanh - Phan Thiết. Tôi nhớ dạy ở trường Dục Thanh tất cả có sáu thầy: thầy Cung, thầy Hải, thầy Bảy... nhưng các trò nhớ nhất là thầy Nguyễn Tất Thành. Bởi thầy Thành trẻ hơn hết.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành làm trợ giáo môn thể dục và phụ trách các hoạt động ngoại khóa của Trường Dục Thanh(2). Thầy Thành dạy thể dục mỗi ngày hai buổi, buổi sáng lúc sáu giờ, buổi chiều lúc năm giờ. Sau khi tập thể dục buổi sáng xong, tất cả xếp hàng đi vào lớp học. Vào lớp rồi, tất cả đứng dậy vòng tay hát “Bài ca Ái quốc”.
Ca rồi, đợi thầy rung chuông ra lệnh, các trò mới được phép ngồi và bắt đầu học. Thầy Nguyễn Tất Thành tính tình bao dung và rất thương học trò. Thầy coi học trò như các em ruột của thầy, không phải một đôi lớp, mà từ lớp nhất đến lớp tư đều yêu mến thầy. Có một ít trò nhiều khi trả bài thường quá sợ mà quên, thầy động viên: “Đừng sợ! Không việc chi mà sợ. Cứ bình tĩnh mà trả bài, nếu chưa thuộc thì học lại”.
Vào ngày chủ nhật, thầy Nguyễn Tất Thành thường dắt học trò đi chơi nhiều nơi, như bãi biển Thương Chánh, khi nước cạn ngoài cồn thật mát mẻ; hoặc bên Toà sứ. Thời ấy đất còn trống, cây hoa sứ rất nhiều, ngày chủ nhật công chức nghỉ, đóng cửa nên học trò chơi đùa thoải mái. Trong những buổi đi chơi như thế, thầy giảng dạy thêm về lịch sử đất nước. Nhiều lần thầy chỉ vẽ trò chơi cho học trò và cùng chơi nên thầy trò rất cảm mến nhau.
Hồi ấy, ở Phan Thiết chỉ có học trò nam của Trường Dục Thanh là hớt tóc hết, còn các trường công và trường tư khác ít người hớt tóc. Lúc ấy có bài “Khuyên hớt tóc”, chính thầy Thành đã đọc cho học trò cả trường đều viết để học thuộc lòng...(3)
Tuy nhiên, dạy học và kiếm tiền để sống yên phận không phải là mục đích của Nguyễn Tất Thành.
 
(Còn nữa)

 


(3) Hồ Tá Bang (1875 - 1943) người làng Kế môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, một Nhân sĩ yêu nước cận đại.
(1) Tài liệu tham khảo từ nguồn: Binhthuantoday.
(2) Tham khảo theo tài liệu từ cuốn “Hồ Chí Minh tiểu sử” - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2006, trang 19-42.
(3) Tài liệu tham khảo từ nguồn: Binhthuantoday.
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: