Thứ hai, 06/05/2024,

Sô phia mùa đông một bài thơ hay (05/09/2013)

XÔPHIA MÙA ĐÔNG 

 Một bài thơ hay / Lời bình:Lại Quang Phục

                                    Thơ:   ĐOÀN XUÂN HÒA

Xôphia ơi! Nữ thần ta gọi

Chiều mộng du qua ghế đá không người

Nàng chưng cất Hoa hồng Kazanlức

Ta đến tìm như ở giữa chơi vơi.

 

Lửa vĩnh cửu và quảng trường đá lát

Lăng cũ thăng hoa cho “đổi mới” căng lều

Chúa chính thống cũng chia làm hai ngả

Nửa hoa hồng và nửa những rong rêu

 

Ngoài năm mươi ta mới đi tìm tuyết

Vitôsa nắng lạnh một phương trời

Mắt nàng thẳm và buồn như giếng ngọc

Cứ đong đầy không vợt bớt sang tôi.

 

Plôvđíp những đền đài cổ tích

Rượu vang hừng ấm cả ngày đông

Nếu mai mốt không còn hoa và rượu

Nàng có về Hà Nội với ta không

 

Hoa Hồng đỏ mà máu hoa thì trắng

Đọng long lanh như giọt nước mắt ngày

Ta muốn bứng cả chiều thung lũng

Để xa rồi nàng vẫn dịu dàng bay.

 

 XÔPHIA MÙA ĐÔNG 

Một bài thơ hay

 

                                                  Lại Quang Phục 

          Thật là tình cờ tôi gặp nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, một nhà thơ Hà Nội. Anh là viên chức của ngành cơ khí nông nghiệp, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và cũng là một nhà thơ. Cuộc gặp diễn ra trong một quán nhỏ ven quốc lộ 10, gần cầu Tân Đệ, trưa nay với nhiệt độ ngoài trời đạt đến 36*C, không khí căng nồng oi ả với cái nắng hầm hập hắt vào quán vắng. Trong khung cảnh bức bối đó, bỗng vang lên một giọng trầm ngân vọng, cơ hồ không gian lúc này như chìm xuống và lắng đọng, có điều gì như man mác đợi chờ một luồng hơi mát từ vùng xứ lạnh xa xăm tràn tới, ùa vào quán nhỏ ven đường hôm nay:”Xôphia mùa đông

“Xôphia ơi! Nữ thần ta gọi

Chiều mộng du qua ghế đá không người

Nàng chưng cất hoa hồng Kazanlức

Ta đến tìm như ở giữa chơi vơi…”

     Ở giữa miền nhiệt đới, tôi giật mình trước âm hưởng vang vọng của bài thơ mà tác giả ngâm tặng, ghi lại cho tôi, vì biết tôi có một thời đã ở đó. Xôphia là tên thủ đô của nước cộng hoà nhân dân Bulgaria. Theo truyền thuyết thần thoại Hy lạp, nàng là một nữ thần. Trước sự tàn bạo của quỷ dữ nàng, Xôphia xinh đẹp đã hiến tặng trái tim của mình để bảo vệ quê hương thoát khỏi sự hủy diệt của bầy quỷ ác. Để tỏ lòng tôn kính, người dân Bulgaria đã lấy tên nàng đặt cho thủ đô yêu dấu. Thủ đô Xôphia nằm trên dãy núi rừng già của bán đảo Balkan (Starazagôra), thung lũng đồng cỏ, thảo nguyên điệp trùng nối tiếp nhau. Cách thủ đô Xôphia không xa là đỉnh Vitôsa quanh năm có tuyết phủ. Người dân Bulgaria tự hào coi đỉnh Vitôsa như đỉnh núi Phúsỹ của Nhật Bản, vừa hùng vỹ ,vừa kiêu sa, đẹp thanh khiết như một nàng công chúa. Vừa gặp mặt tác giả đã sững sờ thốt lên những lời thầm thì, thiết tha cháy bỏng: “Xôphia ơi! Nữ thần ta gọi” và bàng hoàng giật mình như mộng du trước những chiếc ghế đá trong công viên "Tự do" trống vắng. Rồi như chợt nhớ ra nàng công chúa còn đang mải mê thu hoạch hoa hồng để chưng cất thành những giọt tinh dầu thơm ngào ngạt có một không hai trên thế giới, dưới thung lũng Kazanlức. “Nàng chưng cất hoa hồng KazanLức / Ta đến tìm như ở giữa chơi vơi” Sự trống vắng đã tạo nên sự chơi vơi trong nỗi lòng  thi sỹ. Để anh lang thang vô định, giữa thủ đô xa lạ đầy huyền thoại. Và tác giả đã nhập thế, hòa vào ngọn lửa vĩnh cửu đi tìm lời giải của những mâu thuẫn đang xảy ra tại đây. Ngọn lửa chiến thắng vẫn cháy âm ỉ, trên quảng trường lát đá hoa cương (những viên đá nằm đó, năm sáu thế kỷ đã qua đi, nó vẫn tồn tại như một chứng tích của lịch sử), chỉ tiếc rằng lăng cũ đền đài của chủ nghĩa xã hội không còn nữa. Lăng lãnh tụ quốc tế cộng sản Geooghi Đimitrôv đã bị tháo dỡ trong cuộc cách mạng “cải tổ” những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tác giả đã chạnh lòng xót xa:

”Lửa vĩnh cửu và quảng trường đá lát

Lăng cũ thăng hoa cho “đổi mới” căng lều

Chúa chính thống cũng chia làm hai ngả

Nửa hoa hồng và nửa những rong rêu”

     (Lăng bị phá dỡ vì sự quá khích của phái cải tổ, đó là sự nhẫn tâm đối với lịch sử). Lăng tẩm đền đài xưa với bao ngưỡng vọng  nay tan hoang trở thành bãi trống cho những người cải tổ đến căng lều, biểu tình, đẹp đó song chưa yên ổn, đó là một điều thật trớ trêu là mặt trái của cải tổ và tác giả ngộ ra rằng: cuộc “cách mạng” đó, đã đào, bới lung tung, đảo lộn cá thần linh, động chạm tới cả đức tin và phần hồn của người dân, nhom nhem hoen ố, nửa vời, lẫn lộn. Giữa sự chính thống hồng hào rực rỡ còn có cả rong rêu bèo rác phủ lấp.

     Thời gian trôi khi tóc đã đổi màu ở vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” tác giả đi tìm sự trinh nguyên trong trắng của tuyết, mặc dù tác giả không dùng một từ nào nói đến màu sắc, bóng dáng hình hài của tuyết, song đỉnh Vitôsa vẫn sáng long lanh, không gian vẫn lạnh tê tái - đó là bản chất của mùa đông, của tuyết, của sự lạnh lùng trinh nguyên vĩnh cửu. Dưới góc nhìn của thi sỹ, Vitôsa như một nàng công chúa kiêu sa, chịu đựng bao nỗi buồn sâu thẳm cứ đong đầy đôi mắt trong như ngọc, mà không san sẻ nỗi buồn cùng tác giả:

“Ngoài năm mươi ta mới đi tìm tuyết

Vitôsa nắng lạnh một phương trời.

Mắt nàng thẳm và buồn như giếng ngọc

Cứ đong đầy không vợi bớt sang tôi”.

       Trong hành trình của người lữ thứ, tác giả gặp trên đường những đền đài thành quách sừng sững trường tồn giữa thung lũng hoa hồng, nồng nàn men rượu vang nồng ấm, thấm đậm bầu không khí của miền ôn đới: hoa và rượu giao hòa. Một đất nước nổi tiếng về hoa hồng và bánh mỳ, nghĩ đến đó, tác giả bỗng giật mình tưởng ra rằng nếu một mai hoa và rượu không còn nữa, nàng công chúa kiều diễm kia có dám theo tác giả về Hà Nội không, ở đó có cuộc sống thân thiện, hòa bình. Câu hỏi  đặt ra cho chúng ta thẩm thấu cái ý nghĩ sâu xa về những cuộc cải tổ đang diễn ra ở Đông Âu giai đoạn đó, không vang tiếng đạn bom song mâu thuẫn đang dằn vặt vò xé tâm can con người. Ý thức trách nhiệm của tình bầu bạn, tình đoàn kết hữu nghị sẵn sàng chia sẻ gánh vác đã thôi thúc tác giả thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, ít ra là trên bình diện văn hóa tư tưởng:

Plôvđíp những đền đài cổ tích

Rượu vang hừng ấm cả ngày đông

Nếu mai mốt không còn hoa và rượu

Nàng có về Hà Nội với ta không?”.

         Đắm chìm trong suy tưởng, tác giả như bừng tỉnh trước sự thật không ngờ hiển nhiên như một chân lý “Hoa thì đỏ mà máu hoa thì trắng / đọng long lanh như giọt nước ngày”, sự tinh khiết của máu hoa long lanh như giọt sương buối sớm, và giọt máu hoa đó cũng chính là những giọt lệ thật sự khi chia ly, tình cảm tác giả như đang dâng tràn: “Ta muốn bứng cả chiều thung lũng / để xa rồi nàng vẫn dịu dàng bay”. Rõ ràng trước hoa và người đẹp người ta bất chấp tất cả sẵn sàng làm mọi điều cho hoa và người đẹp, tác giả muốn ôm lấy tất cả thung lũng hoa để mang đi theo mình, còn khi nghĩ rằng mục đích đó khó thực hiện thì cố làm một điều gì đó để đánh thức hương hoa dịu dàng cuốn bay theo. Tỏa hương ngào ngạt trong không gian, đây là một bài thơ hay ra đời trong sự tình cờ, chỉ có cảm xúc thật sự, và sự mến yêu đất nước hoa hồng thật sự, lời thơ mới ngân vang lan tỏa như vây. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.                                 
                         


 

  

Chia sẻ:                  
Các bài khác: