Thứ sáu, 29/03/2024,

DONG VONG  (17/03/2016)

 Đồng vọng (Lá thư thứ 3)

 

     L Q Q của L Q P

      

             Trung thực, thẳng thắn, có đức tin, không ngộ nhận. Đó là một trong những yếu tố như một mệnh đề cơ bản để xâu chuỗi những giá trị chân chính, xác định và đảm bảo tính bền vững cho những mối quan hệ trong sáng về tình bạn, tình yêu... Điều này chỉ được khẳng định, nâng cấp giá trị một  khi đã trải qua những thử thách, trải nghiệm với những va chạm, vầm dập của cuộc sống.  Thực tế khái niệm về tình bạn, tình yêu vô cùng phong phú và đa dạng. Nó chứa nội hàm nhiều cung bậc thăng trầm khác nhau, nó mang tính đặc trưng cho nhiều giá trị  nhân bản chứa đựng nội hàm về nhận thức, quan niệm sống, lý tưởng sống và cả sắc màu tôn giáo tạo nên  những âm hưởng đa dạng đa mầu sắc. Nhưng tất cả đều được đo bằng sự rung động của trái tim, của lý trí,  tình cảm. Thông qua thế giới quan nhận thức của mỗi đối tượng, tuỳ theo độ chín của thời gian mà mỗi cá nhân hay một nhóm người được tiếp cận, đón nhận và thụ hưởng.

          Người xưa có câu : “ Gừng cay, muối mặn” Chính là để khẳng định độ chín của sự trải nghiệm sự gắn kết,giao hoà bền vững qua những thử thách. Gía trị lòng tin được chia xẻ đã thấm đậm tình cảm chân thành, vị tha lắng đọng tạo ra hồn cốt những giá trị mới trong sáng hơn trung thực hơn lan tỏa hương vị nồng nàn của gừng già, hòa quyện trong vị mặn mòi của muối biển. Thông qua những giá trị vật chất cụ thể để mở ra một giá trị vô hình ảo diệu nâng giá trị sống ngày càng phong phú đa dạng đậm đà hơn. Đó là thứ gia vị nồng nàn chân phương hồn hậu của cuộc sống ban tặng cho con người để cho chúng ta càng tin, ,càng yêu cuộc sống  này hơn.

         Tôi và L Q Q đã có những quan niệm về giá trị sống về tình bạn tình yêu, cũng như các mối quan hệ dựa trên một trục nhân sinh như vậy. Mặc dù thời gian càng ngày, càng lùi xa, nhận thức càng ngày càng chín hơn. song cái gốc của bản chất vấn đề vẫn tồn tại như một giá trị vĩnh hằng, như một thứ tôn giáo chi phối thầm lặng đức tin của hai chúng tôi

    Hôm nay trong buổi chiều đầu thu nắng vàng như rải lụa xuống công viên Vị xuyên. Một mình lặng lẽ đi dạo quanh hồ, không gian lúc này như chùng xuống, sâu thẳm lạ kỳ. Giật mình chợt nhận ra sự bình yên, êm ả của một buổi chiều thanh bình, cả về không gian và thời gian, không phải là ảo giác, tôi chỉ nghe thấy tiếng gió rì rào vuốt ve những hàng cây xanh thẫm, và tiếng lạo sạo của sỏi đá dưới chân. Chiều rơi thoi thóp, mầu nắng nhạt dần, xong hồ Vị xuyên vẫn sáng long lanh như một chiếc gương lớn soi vào cõi thiên hà xa thẳm, như gửi nỗi lòng của bao con người nhỏ bé muốn bay cao hơn, bay xa hơn trên bầu trời trong xanh huyền ảo kia. Cuộc sống ồn ào náo nhiệt đang diễn ra và hình như nó đang tràn đến nơi đây: những khuôn mặt hồng hào rắn rỏi những tà áo thướt tha, mỏng manh,yểu điệu như tiên xa, như thoát tục, những nam thanh, nữ tú họ đang vui đùa trong công viên, không mảy may bị ràng buộc bởi áp lực nào của cuộc sông đời thường, giá trị sống đã và đang tồn tại, tuổi trẻ hôm nay đang được hưởng những phúc lớn của xã hội mang lại.

           Lặng nghe có âm thanh nào đã và đang ùa vào xâm chiếm cõi lòng tôi.     

           Góc đông Bắc Hồ Vỵ Xuyên mộ Cụ Tú vẫn nằm đây,im lặng, nhập nhòe nửa sáng, nửa râm dưới những tầu cọ mượt mà, xanh thẫm, giữa chốn phồn hoa ồn ào náo nhiệt này  lữ khách vẫn cảm thấy sự cô đơn của một con người lỡ làng đang nằm an nghỉ, chấp nhận cuộc chơi giang dở trong sự bất như ý của sự đời kiêu bạc: lận đận qua bao kỳ quyết chí vượt “vũ môn” nhưng không thành”. “ Tưởng đâu võng lọng đón chàng, Ai ngờ vỏ chuối trượt ngang đường về”. Mộng khoa bảng dòng rã gần mười năm trời lẽo đẽo lều chõng hóa thành bèo bọt trôi dạt chốn mom sông, không vượt ra được đại dương trong buổi chiều của đế chế nho giáo đang tàn phai. “Trên không tới dưới không thông” giữa một xã hội phong kiến đang bước sang giai đoạn lâm sàng song chưa chết hẳn, bên cạnh đó lại xuất hiện một xã hội thuộc địa đang hình thành và phát triển, cùng với sự nhập cảng  nền khoa học công nghệ phục vụ cho mục tiêu khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tại Đông Dương. Cùng với những sự ê chề,lố bịch, nhố nhăng của nền văn hóa Tây Âu du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX.Giữa cái tông của gam mầu chủ đạo giá trị nho gia đang suy vi trong ngõ ngách của cuộc sống giao thời xuất hiện những hình thái kinh tế mới giá trị ngôn ngữ mới và một số những giá trị văn hóa tư tưởng đạo đức mới. Ở vào những giai đoạn lịch sử đó thường xuất hiện nhiều ngả đường, nhánh rẽ, đó là những cơ hội cho những trái tim đầy nhiệt huyết thông tuệ ngộ ra được cái bản lai diện mục của cuộc sống, từ đó neo tên mình trên tấm bia vô hình lịch sử    Cú Tú  đã sống vào cái buổi giao thời đó vẫn khao khát luyến tiếc quá khứ vàng son, bất lực trước định mệnh số phận, tạo hóa như trêu đùa với ông hỏng thi liên tiếp, u uất, trầm cảm, bất mãn, giận thân, hờn đời, chán ghét, phá cách tất cả, đã dồn nén tạo nên một áp lực tuôn trào vỡ tung thành một dòng dung nham hừng hực tư duy dị thường phát lộ một dòng thơ trào phúng có một không hai của thời đại này và nó tồn tại mãi với thời gian.     

       Thơ  ông đã nổ tung ngạo nghễ ùa vào đời sống  xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nó trở thành những vần thơ bất tử, trường tồn, vượt ra khỏi các ngưỡng tôn giáo, các giai tầng tri thức trở thành những phiến đá bền vững, bổ xung những giá trị cơ bản về giá trị ngôn ngữ trong kho tàng văn học Việt Nam. Nơi Cụ nằm có lẽ là cạnh bến sông xưa, đâu đây vẫn còn vang vọng tiếng” Gọi đò” đơn côi, gieo vào tâm thức bao thi nhân kính cẩn nghiêng mình trước cụ. Trong khi đó ông lão “gọi đò” năm xưa đã gửi mình trong giấc ngủ thiên thu cô tịch.

         Sông Đào chiều vắng bến đò đìu hiu, nắng thu ngăn ngắt nhuộm vàng mặt sông, nước cuồn cuộn chảy ngược dòng, muôn đời sông Đào phù sa đỏ rực. Sức sống mới vẫn được cỗ máy thời gian vận hành nghiêm chỉnh theo đúng quy luật phát triển của vũ trụ. Tâm sự của Cụ Tú làng Vị Xuyên day dứt với nhân tình thế thái trước sự suy tàn của đạo học nho gia, trước sự vật đổi, sao dời, theo lẽ tự nhiên,” biển xanh hóa thành nương dâu” là vậy. Hồn thơ Cụ Tú đã từ lâu hòa vào sóng nước mênh mang, chảy hoài, trôi mãi trên dòng sông thời gian,dòng sông thi ca, khát khao tìm về bến đỗ “ Mom Sông” để tạo thành một lâu đài thi ca bất hủ, mãi mãi  trường tồn.

             Tôi mộng mị như nhập hồn trước lăng mộ người, hoàng hôn đang chìm dần khuất sau tháp nhà thờ Xanhtuma in đậm bóng xuống hồ Vị Xuyên thật là kỳ ảo. Ngày xưa thực dân Pháp đã chọn vị trí xây nhà thờ mà theo cá nhân tôi đó là một vị trí quá đắc địa,đẹp nhất của thành phố Nam Định để xây dựng một công trình kiến trúc mang một giá trị nghệ thuật hoàn mỹ độc đáo. Lúc xây dựng nhà thờ Cụ Tú còn sống hay đã chết mà sao không có bài thơ nào của cụ về việc xây dựng nhà thờ. Cảnh còn đấy nhưng người đâu? Nếu Q có mặt ở đây vào buổi chiều này cậu ta xẽ nhất trí với tôi, những suy nghĩ ngắn dài về Cụ Tú. Một nhà thơ có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với cậu ta, và tôi từ thời cắp sách đên trường.

          Trên quảng trường 3.2 là một quảng trường đẹp, quy hoạch rất hợp lý chỉ tiếc rằng diện tích quảng trường hơi nhỏ, nên không gian vẫn bị gò bó đối với một thành phố hiện đại trong tương lai. Trải qua nhiều đời chủ tịch tỉnh mãi đến  những năm 1990 của thế kỷ XX,tượng đài Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mới được xây dựng và khánh thành trên chính quê hương của người. Đó là minh chứng cho lòng tự hào, sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đối với sự nghiệp vĩ đại của vị thánh lỗi lạc tài ba,người anh hùng dân tộc  ba lần đánh thắng những cuộcxâm lăng tàn bạo  của đế quốc Nguyên Mông giữ gìn non sông gấm vóc Đại Việt từ thế kỷ mười ba. Tượng đài tọa lạc trên một khuôn viên rộng lát đai hoa cương. Quốc công tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn  đứng sừng sững oai nghiêm,  hướng về phía Đông Bắc như cảm nhận thấy sự căng thẳng từ phía bên kia biên giới và từ biển Đông vọng đến, “Hịch tướng sỹ”  trầm hùng như vang lên từ cõi sâu thẳm, “Gươm thần” như đang động đậy trong vỏ binh thư những quyết sách lớn đang được nắm chặt trong tay. Người ngắm nhìn các hậu duệ tý hon của ngài đang vô tư, nô đùa dưới chân. Trước những sóng gió và biến động, mà lòng ngài như hóa lửa, biển đang bị quấy đục, món nợ “Mỵ Châu” thủa trước vẫn còn dai dẳng và lời thề “Sát Thát” vẫn còn nguyên giá trị. Đất nước chưa một ngày êm ả.

    Một mình dạo chơi trên công viên Hồ Vị xuyên đã gợi cho tôi bao điều suy nghĩ về  về một vùng đất thấm đậm hào khí Đông A với những chiến công chống giặc ngoại xâm sáng ngời trong sử sách. Tiếng vó ngựa hội quân rầm rập trên hành cung Thiên Trường xưa, vẫn nhắc nhở cho các thế lực thù địch quốc tế, hãy hiểu rằng: Bài học về ý nghĩa và giá trị lịch sử vẫn còn nguyên tính thời sự cùng với thời gian nó càng được khẳng định,bởi vì dân tộc này chấp nhận hy sinh để bảo toàn độc lập tự đo và toàn vẹn lãnh thổ.

       Bước chân vô định trước thời gian, khúc liên tưởng mà tôi vừa gặp chợt hiện, chợt mất, có lúc nó ào ạt như bão dông từ  biển khơi ập đến, có lúc nó lững thững góp mặt điểm danh như anh học trò đã lười đến muộn còn ngang ngạnh bất cần. Thời gian đang bị thao túng và lạm dụng. Tôi tiếc từng phút từng giây với tôi quỹ thời gian còn lại chẳng  đáng là bao. “ Những ngày xanh theo lịch rụng từng tờ” Đông qua xuân tới thế mà tôi về hưu đã được tròn năm năm rồi, Thời gian trước hàng ngày tôi đi làm qua khu vực quảng trường 3-2 chỉ cảm được những giá trị của sự chuyển động của thời gian qua bốn mùa bát tiết, mưa xuân cây cỏ bật chồi hoa nở ve kêu, thu về nắng mật lá rơi vàng thảm cỏ, bàng vươn tay trụi trần đón heo may về, kiếp luân hồi thường trực phiêu du không ngừng không nghỉ. Tôi lang thang với những vòng tròn vô định qua vòng này lại bị cuốn vào nhập sang vòng tròn khác vận động không ngừng, không nghỉ. Đó là những cảm nhận mà tôi càng ngày càng ngộ ra bản chất của cuộc sống là sự vận động. L Q Q và tôi gốc gác lem luốc phù xa nhà quê thứ thiệt hơn sáu mươi năm qua lăn lóc như những viên sỏi từ đỉnh đồi lăn xuống chân đồi văng ra bãi sông nước dâng sóng cuộn lại lăn theo dòng chảy như một định mệnh nghiệt ngã. Hai thằng đực dựa vào nhau, gắn bó với nhau đến năm 17 tuổi, sau đó mỗi thằng vào đời theo những ngả đường định mệnh riêng. Tại sao tôi gọi là ngả đường định mệnh riêng. Bởi vì có việc tưởng chừng ta đang cưỡng lại số mệnh để rẽ sang một con đường khác mà ta nhận thức tưởng đó là đúng, song khi ta nhập cuộc lúc đó mới lại phát hiện ra rằng ta lại bị rơi vào phép thử nghiệt ngã của vòng đời. Rõ ràng cái giá trị thật đến thật đàng hoàng vô thức và trung thực, mà ta lầm tưởng đấy là cú nhử, không dám xông vào phá trận đồ bát quái đó mà ta bỏ qua tìm sang ngả khác thế là lại buột mất cái giá trị thực của mình. Đời người thường mắc phải những chứng bệnh đó là sự ngộ nhận trước ảo ảnh và hào quang. Bỏ qua cái thực tại hiện hữu đi tìm cái viển vông vô định, sau rồi lại vỗ ngực than trời hối tiếc thì tất cả đều đã muộn và qua rồi. Nếu một lúc nào đó L Q Q đọc những dòng này chắc rằng Q cũng đồng tình với tôi về quan điểm này. Trang này như một lá thư thứ ba mà tôi đã bị ai đó lấy mất khi tôi gửi sách vở về cho gia đình quản lý ai đã đọc và lấy mất bản gốc của lá thư đó là bức thư hay nhất trong ba bức thư mà tôi có. Rất mong ai đó vô tình hay hữu tình mà có hạnh ngộ giữ nó cho tôi chuộc lại, hoặc gửi lại cho tôi bản sao vì thực chất tôi là chủ nhân độc quyền sở hữu nó. Q mến của P, mình có lỗi không giữ trọn được trọn vẹn ba lá thư đó như ba lá bùa tâm thế của chúng ta, hiện nay nó cũng như Q trôi nổi ở phương trời nào. P ngờ rằng nó cũng có số phận như chúng ta phải  phiêu bạt, và cái ý thức và vô thức đều tuân theo quy luật định mệnh chẳng vậy  Bạch Vân cư sỹ ( Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã lấy được lá số  cho cái quạt một vật vô tri. Đừng trách mình nhé lá thư số ba cũng có số phận Q ạ.

Thành Nam 2012 Thạch Lan (LQP)+L Q Q

 

 Từ đường họ Lại Phù Vân

NƠI GHI DẤU LÒNG YÊU NƯỚC.

 

Nhân dịp Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi khen Họ Lại Phù Vân tròn 65 năm (1950-2015), theo quyết định số 1370/ QĐ - UBND của Chủ tịch tỉnh Hà Namđã quyết định công nhận Từ đường họ Lại xã Phù Vân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là  ''DI TÍCH CẤP TỈNH- Loại hình Di tích Lịch sử lưu niệm sự kiện''. Đây là niềm vui, niềm tự hào của họ Lại chi Phù Vân nói riêng và Họ Lại Việt Nam nói chung.

 

      Như thường lệ hàng tuần tôi đều nhận được nhật báo Hà Nam.(Vì báo Hà Nam gửi cho chúng tôi đều dồn lại gửi theo tuần) Sau rằm tháng giêng tôi nhận được báo như thường lệ.Trong số Hà Nam cuối tuần năm thứ 19 ngày 07 tháng 3 năm 2015-số 85 (5903)trang 4,5 có bài viết của tác giả Chu Bình: "Từ Đường họ Lại Phù Vân-NƠI GHI DẤU LÒNG YÊU NƯỚC”. trân trọng cảm ơn nhà Báo Chu Bình xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài báo trên.

  

     Họ Lại ở Phù Vân (tp. Phủ Lý)là một trong 371 chi của Đức triệu tổ Lại Thế Tiên. Đức triệu tổ quê gốc ở Thanh Hóa, làm quan đất Kinh Bắc. Khi về già cụ cáo quan về quê làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu giúp người nghèo và mở trường dậy học cho con em trong vùng.. Các con cháu của Đức triệu tổ  say này đều làm quan trong triều, có công và được ban lộc điền. Từ đây quá trình di cư của dòng họ hình thành . Trong quá trình đó con cháu của Đức Triệu Tổ đã chọ vùng đất thuộc làng Phù Đạm (nay là một phần của xã Phù Vân) làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Tại đây để nhớ những người có công trong việc khai điền lập ấp, họ Lại đã lập nên ngôi Đại Tôn Từ đường. Ngôi Từ đường này được xây vào cuối thế kỷ XV-là một di tích cổ trên địa bàn tỉnh. Từ đường ban đầu nhỏ được xây theo kiểu chồng diêm 4 mái. Năm 1947, con cháu dòng họ xây thêm tòa tiền đường, tả vu và hữu vu. Điều đặc biệt của tòa tiền đường là phía trước hậu cung có một tấm bia đá khắc lại toàn văn bức thư Hồ Chủ Tịch khen ngợi dòng họ Lại tích cực tham gia phong trào tòng quân giết giặc năm 1950.

  Về bức thuwcuar chủ tịch Hồ Chí Minh gửi khen họ Lại theo tộc phả của họ được biết. Cuối năm 1949. Chính Phủ kêu gọi toàn dân tòng quân để tăng cường lực lượng chiến đấu phục vụ cho kháng chiến. Đáp lời kêu gọi của chính phủ, họ Lại Phù Vân hưởng ứng tích cực. Trong họ đã tổ chức vận động  đàn ông thanh niên xung phong đăng ký khám tuyển. Rất đông con cháu họ Lại tham gia, tạo nên khí thế cô cùng sôi nổi. Vào ngày khám tuyển, họ Lại Phù vân đã tổ chức một đoàn gồm 60 người lên Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Kim Bảng dự tuyển.Đoàn đi dự tuyển tay cầm quốc kỳ và biểu ngữ vừa đi vừa hô to khẩu hiệu “Hoan nghênh cuộc vận động tòng quân đánh giặc giữ nước của Đảng và Chính Phủ”… “Toàn thể họ Lại nguyện tích cực tham gia kháng chiến kiến quốc”. Kết quả khám tuyển 17 thanh niên trong số 60 người tham gia dự tuyển được trúng tuyển đã gây hiệu ứng tích cực cho nhân dân trong vùng, cổ vũ tinh thần thúc giục mọi người hưởng ứng nhiệt tình phong trào. Với thành tích ấy, mùa xuân Canh Dần (1950), họ Lại đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.

       Chúng tôi về Phù Vân với mong muốn gặp lại một trong 17 thanh niên đã trúng tuyển ngày ấy,may sao gặp được cụ Lại Thế Lập . Cụ Lập là một trong hai người của dòng họ còn sống trong đoàn quân trúng tuyển năm xưa. Năm nay bước sang tuổi 86 nhưng vẫn còn minh mẫn. Cụ Lập Kể, ban đâu những người trúng tuyển được đưa lên Hòa Bình tập huấn 3 tháng, sau đó được phân về các đại đội . Đại đội của ông xuôi về đóng quân ở Hàm Rồng (Thanh Hóa). Tại đây ông đã cùng đồng đội tham gia trận đánh bốt Nga Sơn, chùa Non Nước (ninh Bình). Sau đó chuyển quân về đánh bốt Hồi Trung (Hà Nam). Dẹp xong các bốt địch sừng sỏ ngày đó, đoàn quân trở về Thanh Hóa hành quân lên Điện Biên. Hành quân đến Sơn La không may ông ốm nặng phải quay trở lại Thanh Hóa để điều trị. Năm 1952, thấy sức khỏe của ông yếu không thể tiếp tục tham gia kháng chiến đơn vị đã cho ông giải ngũ. Về nhà ông được biết ,họ mình được Bác Hồ gửi thư khen ngợi ông đã rất vui và cảm thấy tự hào nhưng cũng thấy tiếc khi ông không thể cùng anh em lên đường tham gia đánh giặc.

     Từ 17 người trúng tuyển năm ấy, họ Lại Phù Vân còn có gần 80 người hăng hái tham gia bộ đội chủ lực cà phong trào du kích của địa phương. Thời kỳ này có 4 người con họ Lại hy sinh, 2 thương binh, và 06 bà mẹ sau nay được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm chống Mỹ, con cháu họ Lai Phù Vân lại sẵn sàng lên đường chiến đấu ở các chiến trường. Trong đó có ông Lại Khắc Phục, người đã chở hàng trăm chuyến hàng hóa , vũ khí vào tuyến lửa an toàn. Ông được đại diện cho 10 vạn thanh niên ngành giao thông vận tải đi dự Liên hoan thanh niên thế giới tại Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1973 cụ Lại Khắc Tường-một người của dòng  họ là lão dân quân có nhiều đóng góp cho địa phương được chontham gia đoàn diễu binh trong Lễ mừng công nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 tại Hà Nội. Chính bức thư của Bác Hồ là động lực làm xuất hiện những tấm gương sáng chói như vậy của họ Lại Phù Vân.

   Thể theo yêu cầu của dòng họ, toàn văn bức thư đã được Văn phòng Chủ tịch nước  cho phép in vào tộc phả họ Lại theo công văn số 181 – Hà nội ngày 10/7/1958. Một năm sau, bức thư được dòng họ khắc vào bia đá, đặt trang trọng trong Từ đường , để nhắc nhở con chauis các thế hệ niềm vinh dự tự hào này. Từ đó cứ 5 năm một lần, toàn họ Lại tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư khen ngợi.     

    Vừa qua họ Lại ở Phù Vân càng vui mừng hơn khi ngôi Từ đường của dòng họ được UBND tỉnh xếp hạng là: Di tích Lịch Sử Lưu niệm sự Kiện .-Một trong hai di tích được xếp hạng loại hình này của tỉnh tính đến thời điểm này.

CHU BÌNH

 

Sau đây là nội dung bức thư

của Chủ tịch Hồ Chí Minh

khen ngợi dòng họ Lại ở Phù Vân.

 

Kính gửi : Họ Lại xã Phù Vân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

 

      Trong lúc nước nhà kháng chiến gay go.Họ đã nghe tiếng gọi của Chính phủ hăng hái tòng quân, bảo vệ đất nước và góp phần chung sức kháng chiến mọi mặt với chính phủ là biểu hiện tinh thần yêu nước rất cao.

      Tôi mong rằng; các họ trong cả nước Việt Nam, họ nào cũng như họ Lại Phù Vân thì ta không đánh mà giặc cũng phải lui.

     Vậy tôi thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khen ngợi và cảm ơn Họ.

     Mong Họ tin tưởng Chính phủ và đoàn kết xung quanh Chính phủ để cùng kháng chiến kiến quốc.

Xuân Canh Dần

HỒ CHÍ MINH

Con cháu họ Lại –Phù Vân trước bia lưu niệm đặt tại từ đường họ Lại tại xã Phù Vân Huyện Kim bảng tỉnh Hà Nam (nay là tp. Phủ Lý).

 

   Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thổi một luồng gió phấn khởi đến mọi người con của họ Lại trên khắp đất nước Việt Nam, thúc đẩy mọi người càng ra sức góp phần vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ Lại trong cả nước đã có hàng vạn chiến sỹ tham gia lực lượng vũ trang hàng ngàn liệt sỹ, thương binh bệnh binh và rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng.

  Họ lại Việt Nam là một dòng họ không nhỏ tương đối thống nhất( Nam Bang nhất Lại) do Viễn tổ Thái thú Lại Tiên người Bách Việt khai sáng từ thời kỳ đầu công lịch cách đây khoảng 1800 năm

( An nam lược chí)và vị tổ kế tiếp là Lý triều Đô thống Khu mật tả sứ Gián nghị đại Phu trấn thủ châu Nghệ An Lại Linh(Việt sử lược). Một số chi chính, từ mấy thập kỷ nay đã vọng thờ Viễn tổ Lại Tiên và Khai hoạn thủy tổ Lại Linhcungf chư vị Tiên tổ thuộc các thế hệ sau. Trong trường kỳ lịch sử của dân tộc, cũng như các con Lạc cháu Hồng khác, họ Lại Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp mở nước, dựng nước và giữ nước đã được vua Lê Huyền Tông và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Hiện nay đã phát triển đến gần 400 chi họ trong cả nước, hình thành một cộng đồng người rộng lớn từ Bắc chí Nam(Kể cả những bà con họ Lại thuộc các chi họ trong nước đang sinh sống công tác và học tập ở nước ngoài)

  Cộng đồng họ Lại Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc họ tộc truyền thống.( Điều 1. nội quy cộng đồng họ Lại tại Hà Nội)

 

Nam Định ngày 15 tháng Giêng Ất Mùi

Lại Quang Phục

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định

Chủ tich Hội đồng hương tp. Phủ Lý

tỉnh  Hà Nam tại Tp. Nam Định

Sưu tầm và giới thiệu.

 

 “Về miền thương nhớ”

Tập thơ để lại nhiều dấu ấn…

 

       Sau những trăn trở và những va đập do nội, ngoại cảnh tác động tạo nên những dư chấn kiến tạo, để đến hôm nay trong tay tôi đã có thi phẩm “ Về miền thương nhớ”. Tập thơ đầy đặn một trăm năm mươi trang chứa đựng “hồn câu, vía chữ” của hơn bốn mươi tác giả quê gốc Hà Nam. Từ mạch nguồn mang đậm hơi thở của hồn thơ Nguyễn Khuyến,văn phong Nam Cao…, thấm đẫm âm hưởng của các thi nhân Tú Xương, Nguyễn Bính… đã lắng đọng tạo nên những giọt tình sâu thẳm, nồng ấm men thơ và phiêu lãng trong thi phẩm “Về miền thương nhớ”,giữa mùa thu Nhâm Thìn 2012 này.

       Trải qua 15 năm tái lập tỉnh, và thành lập hội đồng hương tỉnh Hà Nam tại thành phố Nam Định. Trưởng thành qua các phong trào thơ ca địa phương. Thơ của các tác giả là đồng hương Hà Nam tại Nam Định hôm nay ngày càng đậm đà nồng nàn hương sắc tình yêu, trầm lắng suy tư trước sự biến động của thế thái nhân tình, song chân chất mộc mạc chân thành như khoai sắn quê hương, đã khẳng định những dáng dấp đích thực của những hồn thơ mộc mạc với những hàm ngôn giàu cảm xúc, nặng ân tình.

       Hãy lật từng trang trong tập thơ, ta bắt gặp màu xanh mượt mà của ruộng đồng Bình Lục, lặng lẽ Ao Thu, ngõ trúc lưa thưa mờ ảo trong sương. Như còn đâu đây bóng dáng thi hào An Đổ ngồi câu cá bên gốc gáo Vườn Bùi. Vẳng nghe từ sâu thẳm vọng về tiếng trồng đồng Ngọc Lũ rộn ràng hội quân gọi chim Hạc mỏ dài bay qua mặt trăng thời gian, giội về âm vang trống trận Bồ Đề:

              Quê tôi là đất Bồ Đề

       Vọng vang tiếng trống lời thề thiêng liêng

              Đứng lên đạp mọi xích xiềng

Nông thôn cờ đỏ búa liềm tung bay

                                   Trần Hoằng

       Kia rồi bãi mía nương dâu bên bờ Châu Giang như dải lụa mềm vắt ngang mảnh đất ôm gọn trong lòng bao trầm tích của nền văn minh lúa nước Sông Hồng “ Đền Trần Thương, làng Vũ Đại, ông giáo Thứ… bao nhiêu nét văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn còn tồn tại mãi với thời gian trên mảnh đất này. Lý Nhân giờ đã đổi thay:

              Vui sao tiếng trẻ học đường

       Nghe trống Bắc Lý mà thương “Chí Phèo”

              Nhớ Nam Cao cảnh xưa nghèo

Mừng nay “Vũ Đại” có nhiều đổi thay

          Thăm Làng Vũ Đại -Trần văn Trụ

       Ngược triền đê sông Hồng ta về với Duy Tiên, nhớ xưa vua Lý tịch điền được một hũ vàng nhỏ và một chĩnh bạc mà có ruộng “Kim Ngân”, để bây giờ trăng Đồng Văn tỏa sáng cùng Hà Thành, chùa Long Đọi vẫn vươn giữa cao xanh, khẳng định sự trường tồn của lịch sử, trước những biến động dịch chuyển của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước:

       “Vươn giữa cao xanh bóng chùa Long Đọi

      Hoàng Đế xuống đồng no ấm khắp thôn  làng”

                     Hà Nam quê tôi -Thạch Lạn

       Theo quốc lộ 1A xe ta bon bon qua Phủ Lý về đất Thanh Liêm, Phố Động, dốc Bói còn đây, núi Non, núi Đụn, núi Bàn Cờ còn đây, hội vật Liễu Đôi mở hết mồng mười tháng giêng, Kẽm Trống, Trinh Tiết linh thiêng, bao la Bùng Lạng một miền núi sông, Thanh Liêm mảnh đất anh hùng:

       “Tương truyền từ ngàn năm xưa

       Núi thiêng đã dựng sinh từ vua Đinh

       Đại Cồ Việt thuở bình minh

       Lê Hoàn chiêu mộ chiến binh hợp về

          Đền lăng Bảo Thái - Nguyễn Hữu Mạnh

                                 

       Men theo triền núi ven sông Đáy trở về với đất Kim Bảng, cũng như Thanh Liêm vùng đất Cổ Bảng ngổn ngang thung lũng đá núi đan xen: Núi Cấm cuốn cờ, Chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ, đền Bà Lê Chân rực rỡ tượng vàng, khói xi măng Bút Sơn đêm ngày tỏa mơ màng, mang nặng lời thề hóa đá, Kim Bảng ngày càng thay da đổi sắc:

       “Nhật Tân thoi dệt đêm ngày

       Ngàn dâu kín bãi bên này Phù Vân

       Bà Đanh nức tiếng xa gần

       Bút Sơn khói tỏa sáng cùng Ba Sao”

                          Về quê - Duy Thái

       Như một lẽ tự nhiên tất cả các dòng sông đều chảy về nơi đấy, Phủ Lý thành phố ngã ba sông vùng đất cổ của trấn Sơn Nam xưa, nay trẻ trung, rực hồng hương sắc, rực rỡ cờ hoa, nơi hội tụ khí thiêng sông núi đã tạo nên một Phủ Lý đổi mới và năng động bên cạnh Hà Nội thủ đô trái tim của tổ quốc:

       “Rồng chầu hổ phục đất trời đây

       Sông núi ôm nhau mải mê say

       ...Địa linh bừng nở sinh nhân kiệt

       Nguyên khí tụ thêm phát sỹ tài…”

                     Non nước Hà Nam - Đinh Minh Cao

       Bà con đồng hương Hà Nam tại thành phố Nam Định hòa vào niềm vui chung của nhân dân hai tỉnh. Xin kinh dâng quê hương Hà Nam tập thơ ”Về Miền thương nhớ”, với những vần thơ, câu chữ còn thủ công, ngổn ngang góc cạnh, thô ráp như đá sỏi quê nhà, song mộc mạc chân tình, dạt dào nghĩa nặng tình sâu đối với Hà Nam hai chữ thân thương. Đã biết rằng tập thơ “Về miền thương nhớ” còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết, song sản phẩm của cộng đồng bà con đồng hương đã phần nào điểm tô thêm cho bầu không khí sinh hoạt trong Hội đồng hương ngày càng phong phú đa dạng. Bởi vì thơ là một trong những điều không thể thiếu trong sinh hoạt giao lưu cộng đồng.     

        Chúng tôi mong rằng tác phẩm “Về miền thương nhớ”sẽ đáp ứng một phần nào đó đối với bà con đồng hương Hà Nam tại Nam định, trên tinh thần “Cây nhà lá vườn”. Bởi vốn dĩ thơ là vậy.

                                    Nam Định 05.10 .2012

                                       LẠI QUANG PHỤC                                                    

 

Qua cầu Hồng Phú về quê

Rét ơi là rét tái tê lòng người

  Cây trút lá nhựa căng chôi

Ổ rơm năm ấy bồi hồi đắm say.

 

Thơ ca nói riêng, văn học nói chung từng được xem là lịch sử tâm hồn dân tộc. Qua mỗi trang thơ, áng văn ta không chỉ thấy muôn màu cuộc sống trong bước đi của thời gian, mà còn thấy được vẻ đẹp của tình người. 

Trang [1 ]