Thứ ba, 30/04/2024,

LOI THANH KINH TU TAM (06/09/2013)

 Lời thành kính tự tâm: Bình bài thơ Yên Tử của Lại Quang Phục / Trần Trung 


    Yên Tử

            Lại Quang Phục

Quanh co Yên Tử non xanh

Xa xa sóng biếc dâng thành Hạ Long.

Núi thiêng đất Phật rêu phong

Mây lành tụ khí ngàn thông gió đàn

Linh sơn Yên Tử mênh mang

“Gió lùa cửa động, trăng ngàn đầy sân”*

Tình đời ánh mắt trong ngần

Lối tùng, đường trúc trời xuân mơ màng

Ngân Hà một dải vắt ngang

Bạch Thầy, giờ Tý thăng… đàn Thầy ơi!**

Phù sinh, Ôi! một kiếp người

Bất sinh, bất diệt, Phật trời hiện ra

Suối tiên róc rách hòa ca

Trời Nam đất Phật sáng lòa vĩ thiêng

Dâng nhang, quỳ trước Hoa Yên

Lòng thiền như hóa bay trên mây lành

“Kìa ai tích đức, tu hành

Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”

LỜI THÀNH KÍNH TỰ TÂM

  Nhà thơ - Nhà giáo Trần Trung

Viết về Danh thắng – cũng đồng thời là Cõi – Thiêng: Yên Tử (Quảng Ninh) đã hút thu cảm hứng cùng sự thành tâm, thành kính của nhiều nghệ sĩ – nhất là trong lĩnh vực thơ, nhạc, họa…

        Bài thơ “Yên Tử” của Lại Quang Phục (trong tập “Gánh trăng” – NXB Hội Nhà văn 9/2012) dẫu chưa đủ ấn tượng về câu chữ và cấu tứ cho tôi; song, tác giả đã đem đến trong tôi nỗi xúc động lặng lẽ chính bởi cái Tâm (viết hoa), bởi tấm chân tình thiết tha và thành kính của nhà thơ khi hướng vọng tới Cõi – Thiêng – Yên – Tử:

        “Quanh co Yên Tử non xanh

Xa xa sóng biếc dâng thành Hạ Long.”

        Hai câu thơ khơi mở của Lại Quang Phục cũng là một cách “khai môn kiến sơn” (mở cửa thấy núi). Bởi, cảnh quan Yên Tử mở ra, gợi ra đa tầng của không gian nơi đây với đường nét, hình vẽ (quanh co Yên Tử non xanh); với tầm xa gần của “non xanh”, của “sóng biếc”… Thú vị hơn, bởi cái cách liên tưởng hòa trộn của cảnh sắc quan sát với sự so sánh, khơi gợi. Cảm giác hiện hữu và mang mang vô tận trong hình ảnh thơ: “xa xa sóng biếc dâng thành Hạ Long”. Thế nên, khoảng của không gian vật chất, không gian địa lý giữa Yên Tử và Hạ Long (với khoảng năm chục cây số - cùng thuộc tỉnh Quảng Ninh) vào thơ, bỗng như gần gũi, hợp hòa của “non xanh” (Yên Tử) cùng sóng biếc (Hạ Long). Tất cả bỗng xôn xao, hội tụ và lan tỏa:

        “Núi thiêng đất Phật rêu phong

Mây lành tụ khí ngàn thông gió đàn

        Linh sơn Yên Tử mênh mang…”

        Bài thơ “Yên Tử” của Lại Quang Phục đi giữa Đường – Biên – Hài – Hòa giữa Đạo và Đời; giữa ảo và thực. Và, gốc rễ, căn cốt vẫn là sự chân tâm, chân cảm của nhà thơ, khởi phát tự lòng nhà thơ.

        Nếu như những dòng thơ đầu của Lại Quang Phục với sự dịch chuyển điểm nhìn trong sự hài hòa giữa điểm nhìn thấy, gặp gỡ và cộng hưởng với tấm lòng cùng trí tưởng tượng, thì với xúc cảm trong ánh mắt “tình đời”, người thơ họ Lại, lại tự dắt lòng mình, tình về với đời thực. Về với đời thực để rồi những lời thơ về “Yên Tử” nghiêng sang sắc mầu chiêm nghiệm, ngẫm ngợi – chiêm nghiệm, ngẫm ngợi về miền đất thiêng (với núi thiêng, Linh sơn) và đồng thời cả sự chiêm nghiệm, rung động về kiếp nhân sinh. Cảm thức ấy gợi ra từ những lời thơ, hình ảnh thơ:

        - “Phù sinh, ôi! một kiếp phù người”

        - “Suối tiên róc rách hòa ca

   Trời Nam đất Phật sáng lòa vĩ thiêng”

        - “Lòng thiền như hóa bay trên mây lành”

        Thơ là sự hình thành, thăng hoa từ hiện thực khách quan mà dấu ấn gốc rễ, nguồn cội mang đậm màu sắc chủ quan phải khơi dậy từ tấm tình chân thực và cảm động của nhà thơ. Và, xét về phương diện cấu tứ, người nghệ sĩ cũng cần điểm dừng để bài thơ khi câu chữ khép lại mà tình ý thơ vẫn lan tỏa ngân nga trong lòng độc giả. Tôi muốn nói: hai câu thơ cuối trong “Yên Tử” của Lại Quang Phục, nên lược đi (dẫu tác giả đã để trong dấu ngoặc kép!):

        “Kìa ai tích đức, tu hành

Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”

                Hà Nội 21/08/2012

                          Trần Trung

 

 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: