Chủ nhật, 28/04/2024,

Làm Thơ Lục Bát (20/10/2016)

 Thơ Lục Bát là thể thơ thông dụng nhất, vì cách gieo vần và chọn chữ theo thanh luật (Luật Bằng Trắc) tương đối đơn giản. 

Câu Lục = sáu chữ --- chữ 2 bằng, 4 trắc, 6 bằng ký hiệu là B-T-B
Câu Bát = tám chữ --- chữ 2 bằng, 4 trắc, 6 bằng, 8 bằng là B-T-B-B

Câu lục = x B x T x B  
Câu bát = x B x T x B x B  

Thơ Lục Bát, còn được gọi là thơ "Sáu Tám", vì câu đi trước có 6 chữ, còn câu đi sau có 8 chữ, cứ thế mà lặp lại hoài cho tới khi nào tác giả muốn ngưng bài thơ. Thông thường, bài thơ Lục Bát bắt đầu câu sáu và dừng lại ở câu 8. 

Trăm năm trong cõi người ta (câu đầu truyện)

.................................

Mua vui chắc cũng một vài trống canh (câu cuối truyện)

1. Cách Gieo Vần-Chữ cuối của câu lục thứ nhất v1 phải vần với chữ thứ sáu của câu bát v1 tiếp theo. Cứ hai câu là một đoạn. Cứ mỗi hai câu thì đổi vần, dùng chữ thứ 8 câu bát v2 vần với chứ thứ sáu câu lục v2 tiếp theo  và bao giờ cũng gieo vần bằng (còn gọi là bằng hoặc bình, tức có dấu huyền hoặc không dấu). Ký hiệu của bằng là B. Ðặc biệt chữ thứ tư của câu 6 và câu 8 luôn luôn được gieo ở vần trắc (tức có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, hoặc dấu nặng)

. Ký hiệu của trắc là T. Chữ thứ sáu của câu bát được gọi là yêu vận (vần lưng chừng câu), và chữ thứ tám của câu tám được gọi là cước vận (vần cuối câu). Vận hay vần là tiếng đồng thanh với nhau. Gieo vần thì phải hiệp vận (tức cho đúng vận của nó). 

Ví dụ: hòn, non, mòn, con... Nếu gieo vần mưa với mây thì bị lạc vận. Còn nếu gieo vần không hiệp với nhau thì gọi là cưỡng vận. Ví dụ: tin đi với tiên.

Công thức vần:
x B x T x B (v1) 
x B x T x B (v1) x B (v2) 
x B x T x B (v2) 
x B x T x B (v2) x B (v3) 

.......................................................
2. Luật Bằng Trắc-Cách dùng mẫu tự và viết tắt như sau: B là Bằng, T là Trắc, V là Vần. Thanh luật chuẩn thơ lục bát là:

Câu 6: B  T B 
Câu 8: B T B B 

Ví dụ: 
Câu 6: Trăm năm | trong cõi | người ta = v1 (B-T-B)
Câu 8: Chữ tài | chữ mệnh | khéo là = v1| ghét nhau=v2 (B-T-B-B)
Câu 6: Trải qua | một cuộc | bể dâu = v2 (B-T-B)
Câu 8: Những điều | trông thấy | mà đau = v2 | đớn lòng = v3 B-T-B-B
(Kiều) 

- Chữ thứ 6 của câu 6 (ta v1) hiệp vận (Vần) với chữ thứ 6 của câu 8 (là v1), chữ thứ 8 (nhau v2) của câu 8 hiệp vận (Vần) với chữ thứ 6 (dâu v2) của câu 6, chữ thứ 6 (dâu v2) của câu 6 hiệp vận (Vần) với chữ thứ 6 (đau v2) của câu 8. Chữ chân câu bát (lòng v3) vần tiếp xuống cặp thứ ba câu lục và câu bát...
Ghi chú: Chữ là và đau là yêu vận (tức là chữ thứ sáu trong câu bát); chữ nhau và lòng là cước vận (tức là chữ thứ 8 ở chân câu bát).


Biệt lệ-Tuy luật bằng trắc đã qui định như ở trên, nhưng những chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 nếu không theo đúng luật thì cũng không sao. Cái biệt lệ ấy được gọi là "nhất, tam, ngũ bất luận", có nghĩa là chữ thứ 1, chữ thứ 3 và chữ thứ 5 không kể (bất luận B, T), tức không nhất thiết phải theo đúng luật. Còn các chữ thứ 2, chữ thứ 4, và chữ thứ 6 bắt buộc phải theo đúng luật (phân minh), do câu "nhì, tứ, lục phân minh" không được gieo sai. 
Ví dụ: 
Trăm năm trong cõi người ta (B-T-B) (Kiều) 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (B-T-B-B) (Kiều) 
Gieo đúng thanh luật chuẩn.


3. Thanh-Thanh gồm có Trầm Bình Thanh và Phù Bình Thanh. Trầm Bình Thanh là những tiếng hay chữ có dấu huyền. Ví dụ: là, lòng, phòng... Phù Bình Thanh là những tiếng hay chữ không có dấu. Ví dụ: nhau, đau, mau...

Trong câu 8, hai chữ thứ 6 và thứ 8 luôn luôn ở vần Bằng, nhưng không được có cùng một thanh. Có như thế, âm điệu mới êm ái và dễ nghe. Nếu chữ thứ 6 thuộc Phù Bình Thanh thì chữ thứ 8 phải thuộc Trầm Bình Thanh, và ngược lại. 
Ví dụ: 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. 
(Ghi chú: Câu bát thứ nhất: là thuộc Trầm Bình Thanh, nhau thuộc Phù Bình Thanh). 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 
(Ghi chú: Câu bát thứ hai: đau thuộc Phù Bình Thanh, lòng thuộc Trầm Bình Thanh). 

4. Phá Luật-Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp người làm thơ thích phá luật ở chữ thứ hai câu 6, thay vì vần bằng thì lại đổi ra vần trắc; còn chữ thứ tư thì có khi đổi thành vần bằng thay vì vần trắc như thường lệ. Câu 6 cũng được ngắt ra làm hai vế. 
Ví dụ: Mai cốt cách | tuyết tinh thần ( T T B 
Mỗi người | một vẻ | mười phân | vẹn mười ( B T  B B  
(Kiều) 
Ðau đớn thay | phận đàn bà ( T T B 
(Kiều) 
Khi tựa gối | khi cúi đầu ( T B B 
(Kiều) 
Ðồ tế nhuyễn | của riêng tây ( T T B 
Sạch sành sanh vét | cho đầy túi tham ( B T B B  
(Kiều) 
Phá luật thường trong câu lục thôi. Câu bát giữ nguyên.


5. Biến Thể Lục Bát 
Biến Thể Lục Bát là thể văn biến đổi ở cách gieo vần. 

Ví dụ: 
Câu 6: Vừa ra đến chợ một khi 
Câu 8: Thấy rồng che phủ tứ vi một người 
Câu 6: Nguyên nàng số lý nghề nòi 
Câu 8: Dưới đất trên trời thuộc hết mọi phương (T B T B 
(Truyện Lý Công ) 
Chú thích: Câu tám thứ hai vừa phá luật vừa biến thể. Chữ thứ tư (trời) của câu 8 lại vần với chữ thứ sáu (nòi) của câu 6 bên trên. 
Hoặc: 
Câu 6: Khoan khoan chân bước bên đường 
Câu 8: Thấy chàng họ Lý ngồi đương ăn mày 
Câu 6: Ðầu thời đội nón cỏ may 
Câu 8: Mặt võ mình gầy cầm sách giờ lâu (T B T B 
(Truyện Lý Công) 
Chú thích: Câu tám thứ hai vừa phá luật vừa biến thể. Chữ thứ tư (gầy) của câu 8 lại vần với chữ thứ sáu (may) của câu 6. Chữ thứ  sáu câu bát phá thể đổi thành vần trắc T (chữ sách)

Trên đây là một số niêm luật căn bản của thơ Lục Bát. Làm thơ Lục Bát tuy dễ mà khó. Cái khó là ở cách gieo vần, làm sao đừng cho bị lạc vận hoặc cưỡng vận. Một bài thơ hay mà bị lạc vận hoặc cưỡng vận thì sẽ làm hỏng cả bài thơ, cũng giống như một con sâu làm hỏng cả nồi canh ngon vậy! 

 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: