Chủ nhật, 28/04/2024,

Đôi điều về tập thơ: Vầng trăng chia xa (05/09/2013)

ĐÔI ĐIỀU VỀ Tập thơ “VẦNG TRĂNG CHIA XANhà giáo ưu tú Đỗ Thanh Dương Đỗ Thanh Dương (Hội VHNT Nam Định) Thơ ca nói riêng, văn học nói chung từng được xem là lịch sử tâm hồn dân tộc. Qua mỗi trang thơ, áng văn ta không chỉ thấy muôn màu cuộc sống trong bước đi của thời gian, mà còn thấy được vẻ đẹp của tình người. Tất nhiên theo cách riêng của văn thơ. Tập thơ “Vầng trăng chia xa” của Lại Quang Phục gồm 60 bài thơ, viết trong 40 năm trời, kết đọng những cảm xúc của anh trên hành trình lữ thứ của một lưu học sinh (TTS), một cán bộ phiên dịch tại Bungari, rồi trở về nước công tác trong ngành du lịch... 60 năm ấy, biết bao nhiêu vùng đất, bao nhiêu khoảng trời ánh xạ vào thơ anh. Bắt đầu là quê hương, một miền quê bán sơn địa, giàu truyền thống văn hóa cách mạng: Quê tôi Thanh Sơn, huyện Kim Bảng Hà Nam, Phủ Lý cách hai cây ........ Nhớ thuở hồng hoang đi mở cõi Thiền sư gửi hồn vào cỏ cây ....... Hồng Sơn phố núi bụi mây thưa Đền bà Lê Chân chuyện cổ xưa ......... Kìa núi Con Voi – kho xăng đó Đồi am mộ tổ ánh trăng mờ (Quê tôi) Rồi đến dải đất vùng thượng lưu sông Hồng, nơi anh nhận công tác quy hoạch đô thị ở một tỉnh miền núi. Con sông một thời gian dài gắn bó, để thương, để nhớ: lao đi MùSông Hồng ơi! Ơi hỡi sông Hồng! Sông chung thủy ngàn đời năm tháng... Sông lặng lẽ êm đềm chảy trong rừng vắng Sông chẳng đổi dòng khi nước phân ly (Sông thương) Bao la rộng dài là Tổ quốc yêu thương: Quê Việt Nam yêu dấu vô cùng Đêm nhớ mẹ quây quần nghe câu Quan họ Hồn quê hương vang lên từ đó Với vùng phương Nam biết bao trù phú tươi đẹp: Dòng Cửu Long lặng lẽ sóng dồi Hoa trái đôi bờ phì nhiêu bát ngát Rừng đước Cà Mau, hương sen Đồng Tháp Biển êm đềm đón những cánh buồm nâu (Tổ quốc) Nhà thơ Lại Quang Phục Hoàn cảnh học tập, công tác đưa anh tới đất nước Hoa Hồng trên bán đảo Bancăng. Thế là trong thơ anh xuất hiện những khoảng trời mới lạ. Một thảo nguyên tuyết trắng mùa đông: Ngỡ ngàng đón một mùa đông Một mùa tuyết trắng khắp đồng bao la Thảo nguyên bát ngát, gần xa Đông về tuyết phủ mượt mà như bông (Đông về) Một chiều hè Hắc Hải diễm lệ: Bài thơ viết trong chiều hè Hắc Hải Nắng rung rinh ru quả ngọt trên cành Gió mơn man ve vuốt mái đầu xanh Trời xanh thẳm vô tư kỳ lạ quá... ....... Hải âu lượn soi mình trên biển mặn Thành phố nguy nga vuông vức đẹp xinh (Chiều hè Hắc Hải) Một dòng Đanuyp rực rỡ lúc sang xuân: Hết mùa tuyết rơi, dòng băng vỡ ra từng mảng. Đanuyp e lệ, mở hàng mi mơ màng... Mùa xuân đến rực rỡ mặt trời bừng tỉnh dậy sau cơn ấp ủ. Sông vặn mình dưới những hàng dương đang bật chồi xanh, đôi hàng cây cỏ đơm hoa căng phồng ngực thở... Bao nhiêu miền đất, bấy nhiêu tình người! Cái tình trong tập thơ “Vầng trăng chia xa” thật đằm thắm. Lại Quang Phục yêu thiết tha Tổ quốc, quê hương mình. Một tình yêu bình dị, gắn với những cảnh quan bình dị: Chưa chiều thu nào trong như hôm nay Gió dạt dào bãi bồi xanh ngô lúa Trời xanh thẳm trông sao kỳ lạ quá In sắc hồng đỏ rực phù sa (Vần thơ mùa thu 1) Một tình yêu tự hào về đất nước rợp cớ sao trong mùa thu cách mạng: Khi mùa thu lại đến Dâng tràn hương đắm say Nắng mùa thu êm dịu Rợp màu cờ tung bay (Vần thơ mùa thu 2) Về quê hương quật khởi, đổi đời, dựng xây cuộc sống mới: Rồi bỗng mùa thu tới Cũng dưới gốc đa này Dân làng ùa cả dậy Tập hợp tại nơi đây ........ Làng lên Hợp tác xã Đã được năm hai năm Bên gốc đa cổ thụ Hội trường rộng thênh thang (Kể chuyện gốc đa làng) Về vị thế ngày một cao của tài năng trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế: Nắng xuân về trên đất nước Vạn Xuân Trong vũ trụ cờ Việt Nam rực rỡ Rung phím đàn bàn tay ai lướt gió Mà suối âm thanh réo rắt nhạc thanh bình Giải Fiels này đã trao cho anh Hãy yêu quý và giữ gìn lấy nó (Đảng trao) Một tình yêu rộng mở đối với đất nước anh em từng mở lòng đón các anh đến học tập, công tác. Xứ sở Hoa Hồng tươi đẹp với “Thảo nguyên xanh”, với Tháng 5 – Mùa xuân”: Mùa Xuân là tháng Năm Hương đồng vương cùng nắng... Đanuyp dịu dàng trôi Dải khăn voan buông xuống Với những thiếu nữ Bungari xinh như mộng: Em ríu rít cùng anh Tung tăng trên đồng nội Má ửng hồng em gọi Ơi mùa xanh bao la... Anh thẹn thùng bỡ ngỡ Trước mùa xuân trong em Trước làn da trắng xinh Trước màu xanh ánh mắt. (Tháng 5 – Mùa xuân) Những năm sống xa đất nước, anh luôn có nỗi nhớ của người xa xứ về chốn quê nhà trong muôn trùng xa cách: Xứ biển mặt trời nắng nhẹ lao xao Có người khách tập làm thơ trên ghế đá Vẫn ấm áp nhớ mong về quê mẹ Tổ quốc Việt Nam ở tận bên kia (Chiều hè Hắc Hải) Nơi đó có những người thân yêu. Người vợ thân thương, tảo tần như biết bao phụ nữ thảo hiền ta đã gặp tự nghìn xưa: Ngày đêm tần tảo chuyên cần Nuôi con mẹ hiến tuổi xuân cho đời Giữ gìn đúng đạo làm người Thờ cha, kính mẹ một thời thủy chung (Lời ru – Vọng phu) Đứa con thơ dại khát thèm bàn tay nâng niu, bế bồng của bố. Thương con, không về được, đành mua cuốn sách làm quà tặng con ngày trở về: Con ra đời lúc bố ở xa Vào giữa mua thu nắng vàng Gần ngày khởi nghĩa... Ơi con trai yêu quý của mẹ cha Chiều thu nay bố đi công tác xa Mua cuốn sách làm quà cho con đó Mai này đây! Lớn lên con sẽ rõ Khi con vừa ra đời Bố mua sách tặng con (Vô đề) Những tình cảm chứa chan yêu thương, nhân bản! Lại Quang Phục có lối biểu hiện tình cảm riêng mà tôi rất thích. Một tình yêu lặng lẽ, kiệm lời, trĩu đằm những câu thơ. Chùm bốn câu của anh theo tôi là những bài thơ hay, vì lẽ đó: Tuyết bay lất phất qua khung cửa Những cánh hoa tiên rắc trước thềm Chợt nhớ quê nhà mùa mai nở Giao thừa xứ tuyết bóng trăng nghiêng (Tuyết) Nhớ em gánh nước giếng làng Ngây thơ khuôn mặt trái xoan ửng hồng Nắng vàng soi gánh nước trong Long lanh cặp mắt, đáy lòng giếng khơi! (Giếng làng) Có những bài mang hương vị Đường thi: Trăng quê nằm gác ở đầu non Quên cả mẹ đi bước đã mòn Bancăng rực rỡ đèn cao áp Cúi đầu thương nhớ đất sinh con (Trăng) Đêm lặng nghe tiếng sóng Biển Đen đầy ánh trăng Lung linh chùm hoa lửa Soi mặt đường long lanh (Varna) “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Tiếng lòng biểu hiện trong thơ Lại Quang Phục chân thành, mộc mạc là điểm thành công nhất trong tập thơ này. Bên cạnh đó, không thể không nói tới những thành công về mặt bút pháp – thể loại. Lại Quang Phục viết những bài thơ thể tự do, câu thơ trải dài, âm điệu hào sảng khi anh ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Đảng kính yêu (Tổ quốc, Đảng trao). Lại viết những câu thơ lục bát ngọt ngào sâu lắng về quê hương ân nghĩa, ân tình (Trăng quê), về những người yêu dấu (Lời ru – Vọng phu, Thư xuân, Bài thơ trên sân ga). Anh cũng có những thể nghiệm mới mẻ: Viết bài thơ hình con thoi (Devnia), bung phá trong những đoạn thơ văn xuôi (Khúc ca dòng sông Đanuyp)... Nhưng thành công hơn vẫn là những bài thơ 5 tiếng (Thảo nguyên xanh, Tháng 5 – mùa xuân, Xuân 1981) và chùm thơ tuyệt cú (Trăng, Hoa, Đợi, Hạnh phúc). Không chỉ có thơ trữ tình, mà tập thơ còn có những bài trào phúng hóm hỉnh, ý vị để tự trào và cười những trớ trêu, bất như ý trong cuộc sống... Những thành công bước đầu đó khiến người đọc có cảm giác đi vào một vườn thơ nhiều hương sắc, dịu ngọt đáng yêu. Trong bài “Vào sách” khá độc đáo, Lại Quang Phục tự nhận “Vầng trăng chia xa” là tập thơ Lang Thang là sự “thu gom những gì gặt hái được trên con đường từ vùng quê sơn cước – đến bên bờ Hắc Hải và lại trở về quê hương. Một vòng tròn khép kín”. Nhưng tôi tin rằng một người sớm có cơ duyên với Thơ, hằng trăn trở về Thơ, thì đây chỉ là sự khép lại một không gian vật thể, còn với khoảng mênh mông vô tận của tâm hồn thì hành trình “lang thang” trên mới chỉ là bước đầu. Mong anh sẽ tiếp tục “lang thang” mãi trong chiều sâu nội tâm để có những áng thơ hay. 05 – 3 – 2011 ĐTD

Chia sẻ:                  
Các bài khác: