Thứ ba, 31/12/2024, 5:08:47 PM


Tìm về hoa gạo tháng ba (14/04/2011) 

“Tháng Ba hoa gạo gọi mùa

Cánh đồng khô hạn đợi mưa lưng trời…”

(Nguyễn Thị Minh Hồng)

 

 

Làng tôi ở bao năm trời tình làng nghĩa xóm gắn kết, thương yêu nhau qua từng đụn rơm nghèo, bờ ruộng chênh vênh và ngọn rau rừng đắng. Tôi đi xa từng ấy năm vẫn nhớ cái ranh giới làng quê không phải là “cây đa, bến nước sân đình” hay lũy tre xanh bao bọc, mà ngay cổng làng là cây gạo to sừng sững không biết có từ thuở nào vẫn giang những cánh tay chào đón.

Tháng ba này trên khoảng trời quê hương đã thắp lên một màu đỏ rực, như ngọn đèn trời chiếu sáng cho làng quê thanh bình và như soi đường cho những đứa con xa quê đừng quên lối.

Tôi nhớ ngày bé thơ còn đi chân đất đến trường, mỗi khi tháng ba về cả lũ  bạn đứa nào cũng chỉ đợi trống tan trường rồi ùa nhau chạy về thật sớm. Chỉ để làm sao về đến đầu làng thật nhanh, đứa nào cũng hứng cái mũ lan rộng vành chờ hoa gạo rụng. Nhưng vào những ngày bão lớn, cây gạo đứng một mình giữa khoảng trống trơ bị gió quật rụng xuống rất nhiều hoa gạo đỏ, như thể gió trời đã dập tắt từng ngọn đèn nhỏ trên những bàn tay cây gạo. Lũ nhỏ chúng tôi, chẳng ai bảo ai nhưng đều buồn vời vợi, nỗi buồn hiếm hoi của tuổi cắp sách đến trường. Những bông gạo rụng chúng tôi nhặt về bằng hết, đứa thì đặt trên cửa sổ có những viên gạch vỡ nham nhở, đứa thì thả vào một cái chậu nước rồi để trong nhà, cũng có đứa ương bướng cố ép vào trang vở. Dù biết rằng hoa gạo mọng nước không dễ gì ép như hoa phượng hay bằng lăng tím, bởi hoa gạo không cam lòng để màu đỏ tươi của mình chuyển thành sắc tím đen trong trang vở trắng. Hoa gạo chỉ thích thắp đỏ giữa khoảng trời làng quê yên bình vào đúng độ tháng ba.

Sau này tôi đi xa, mỗi lần nhớ về làng quê tôi lại nhớ đến những kỉ niệm một thời sâu hoa gạo đỏ đội lên đầu tự nhận làm cô dâu, rồi thể nào thằng bạn cũng tít mắt cười nhận “ để tao làm chú rể”. Lũ bạn ê ồ suốt cả buổi chiều, cho đến khi bóng tối đã dần bao trùm ngõ xóm mới lũ lượt kéo nhau về, có đứa vẫn còn dặn với theo: “Ngày mai đến lượt tao làm cô dâu nhé!”. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thương những kỉ niệm hồn nhiên ấy, dù những đứa bạn năm xưa đã con bồng, con bế, chú rể của riêng mình ngày nào giờ cũng đã đi đón cô dâu. Tôi trở về đi ăn cưới bạn vào đúng độ hoa gạo nở rộ nên bảo với đứa bạn rằng:

- Đúng tháng ba năm sau mình sẽ lấy chồng.

Con bạn bông đùa:

- Chờ hoa gạo chắc?

Tôi cười.

Tháng ba này vẫn ngồi giữa thành phố xa xôi, trời đang nóng bỗng chuyển gió mùa, lòng lại xót xa thương hoa gạo rụng. Không biết trẻ con bây giờ có còn hứng hoa như ngày xưa không, hay để cánh hoa tả tơi rơi trên nền cỏ để ngày mai có thể cái nắng gắt, oi nồng lại trở về thiêu những cánh hoa rơi. Lâu lắm rồi không về thăm quê, đang bảo lòng có khi tháng ba này lại xách ba lô về nhặt hoa gạo đỏ…

 

 

Vũ Thị Huyền Trang

(Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Xuan Quang - xuanquang2008@yahoo.com -  - Hà nội  (Ngày 25/04/2011 06:49:44 PM)
Các bạn không cần phải về quê / tháng 3, xem hoa gạo đâu, mà ngay bây giờ/ tháng 4, đến Hồ Gươm giữa Hà nội, đối diện tượng vua Lý thái Tổ, cũng... nhặt đựơc hoa gạo. Cây gạo cổ thụ năm nay ra hoa muộn 1 tháng vì trời lạnh lâu quá, nên bây giờ cuối tahngs 4 mà hoa gạo vẫn đỏ trời đấy.
  Đỗ Tiến ĐỊnh - trungvoidang@yahoo.com - 0983529275 - NINH BÌNH  (Ngày 19/04/2011 04:59:14 PM)

Bài viết thật khiến những người con đi học xa quê như tôi bồi hồi nhớ về quê hương. QUê tôi tháng Ba cũng cháy trời hoa gạo.Tôi cũng là người mơ mọng yêu hoa gạo tháng Ba.Xin cảm ơn những chia sẻ của tác giả và hi vọng nếu có duyên chúng ta sẽ gặp nhau giữa đất Thủ đô.

Các bài khác: