Thứ sáu, 03/01/2025, 2:17:12 AM


Người phụ nữ của Y Moan: "Em muốn sống bên anh trọn đời..." (22/08/2010) 

Chị đẹp, thật sự là đẹp, dù đã trung tuổi nhưng nét đẹp từ hồi con gái vẫn còn mặn mà trên gương mặt. Những buồn lo suốt thời gian qua, từ khi nghe tin dữ Y Moan bị trọng bệnh đã làm đôi mắt chị trũng xuống vì lo âu, vì buồn. Nhưng ở người đàn bà ấy vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, đảm đang. Chị cũng nói, nhờ sự đảm đang ấy mà chị mới làm được vợ Y Moan cho đến bây giờ, bởi với phụ nữ, lấy một người đàn ông say mê sự nghiệp không phải sung sướng gì… Chị là Nguyễn Thị Minh Ngẫu, người bạn đời của nghệ sĩ đại ngàn Y Moan.

Đã từng tuyệt vọng

* Đêm Ngọn lửa cao nguyên đã diễn ra tốt đẹp, chị là người đứng sau cánh gà, đóng vai trò quan trọng là giữ sức khỏe cho Y Moan, khi ấy chị đã nghĩ và tưởng tượng những gì?

- Tôi thấy rất xúc động, nhất là khi Y Moan được đặc cách phong NSND, Hội Nhạc sĩ tặng anh ấy huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc. Tôi đã luôn nghĩ đêm diễn này không biết anh có hát nổi không, lúc nào tôi cũng trong tình trạng thót tim, gần như nghẹt thở, cả đêm diễn không dám nhìn anh. Đêm hôm ấy, tôi phải thuê bác sĩ, y tá cầm bình oxy, cầm bịch nôn đi theo, sẵn sàng khi có sự cố xảy ra. Cả 2 tháng nay, anh uống nước cũng nôn, uống sữa cũng nôn, đừng nói là ăn cháo, lâu lắm không biết cháo là cái gì. Hồi sáng hôm đó đi tập chương trình, anh hát mà ai cũng khóc hết, ai cũng nói bệnh tật như thế mà hát được như thế là phi thường lắm, đi tập xong Mỹ Linh đưa chúng tôi về, Linh có nói không biết sau này bằng tuổi anh thì có hát được như thế không?! Nói chung, tôi cũng không nghĩ anh hát được như thế.

* Lúc nào gọi điện cho chị cũng thấy chị ở bên cạnh Y Moan, nhà cũng đông con nhiều cháu mà hình như chị không xa anh nửa bước thì phải?

- Thì mọi việc là tôi thôi chứ tụi nhỏ cũng bận công việc của tụi nó, với lại chúng xoa bóp cho bố được lúc nào thì xoa thôi chứ con trai làm sao khéo tay bằng con gái được. Hồi đưa anh đi Sài Gòn chữa bệnh, cũng chỉ có tôi với anh ấy, vì lúc đó con trai thứ hai đang thi báo cáo đại học, bé út thì đang ôn thi tốt nghiệp lớp 12. Mà xa anh tôi cũng không yên tâm, lâu lắm rồi tôi chưa biết ngủ vào ban ngày, đêm cũng chỉ có tôi chăm cho anh, không ai thay thế được. Với lại, chỉ có người lớn tuổi mới thức đêm được, bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ khó mà thức đêm lắm. Hồi anh Y Moan làm phẫu thuật ở Sài Gòn, tôi thường trải chiếu dưới giường bệnh để nằm ngủ, nghĩ là ngủ thôi chứ cái đầu cứ mang mang không thể nào ngủ được.

* Chị cứ lo lắng triền miên như thế thì làm sao giữ được sức khỏe để mà tiếp tục công việc phía trước khi mà bệnh của anh mỗi ngày một khó khăn hơn?

- Hồi ở Sài Gòn về, tôi sút 3kg, vừa phờ phạc vừa buồn vừa chán nản, lúc nào cũng thấy mình như người ở đâu ấy chứ không phải là mình nữa. Sau đó mọi người động viên, nên dù không muốn ăn tôi cũng phải ăn, tự bồi dưỡng cho bản thân mình. Tôi thấy khổ lắm, anh ấy không biết đến bệnh của mình, anh vẫn nghĩ là khối u đã được cắt bỏ, chỉ do vết thương sau mổ nên khó ăn, khó uống chút thôi, anh ấy không biết thì thôi để cho anh ấy không biết luôn, tôi và các con chịu đựng nỗi buồn này cũng đủ lắm rồi. Anh ấy vẫn hi vọng là sẽ khỏi bệnh, khi anh ấy nghĩ thế thì tôi lại đau…

* Ở trong hoàn cảnh chị, người ta thường tuyệt vọng…

- Giờ tôi cũng đang mong muốn có cái phép diệu kỳ nào đó, cầu mong trời đất phù hộ cho có phép màu nào đó cho anh khỏe mạnh. Cả cuộc đời anh không biết làm hại ai bao giờ, từ xưa đến giờ anh chỉ biết hát và hát. Đi hát cho đồng bào vùng sâu vùng xa, ai cũng thương hết, anh chẳng màng điều gì, đi hát thì có gạo mới người ta cho, có củ khoai củ mì người ta cũng gói cho đem về… Anh chẳng bao giờ từ chối hát, người ta yêu cầu hát 2 bài thì anh phải hát 4-5 bài, hát đến khi dàn nhạc không đánh nữa thì mới chịu thôi. Anh mê hát đến mức, có thời gian đi diễn ở vùng sâu vùng xa, đất cao nguyên vừa nắng vừa bụi, anh lại toàn diễn ở ngoài trời, một tối hát cả chục bài, đi hít bụi nhiều về phải đi viện vì phổi có vấn đề. Lúc ấy chúng tôi nghĩ là anh bị ho lao, sau đó lại nghĩ anh bị ung thư phổi, lần đó tôi cũng từng tuyệt vọng. Khám đúng bệnh thì anh bị rách màng phổi do hít bụi nhiều chứ cũng không phải do hút thuốc. Lần đó, tôi cũng cảnh báo anh là anh không nên đi hát quá sức như thế, người ta yêu quý anh, hâm mộ anh nhưng anh phải biết giữ sức khỏe, nhưng anh không nghe, nhất quyết không nghe.


Gia đình Y Moan tại quê nhà Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hà

 

Bố mẹ cho tôi cái tính chịu đựng

* Nghe chị nói thì có vẻ anh cũng thuộc diện… bướng nhỉ?

- Anh là thế mà, những thứ gì thuộc về chuyện gia đình, con cái vợ chồng bàn bạc thấy hợp hợp thì nghe chứ trong âm nhạc thì không bao giờ nghe tôi cả. Với một điểm nữa là hút thuốc không bỏ, không tài nào bảo anh bỏ thuốc được, bây giờ đau như vậy cũng không bỏ, ngày trước thì một ngày hút 2 gói giờ bớt đi chút ngày mấy điếu thôi nhưng cũng không bỏ. Nói ra cũng tội, anh đau bệnh cũng không chịu bỏ, anh bảo, bây giờ anh bỏ thuốc lá thì chết, còn mỗi thuốc là thấy không chán thôi, mọi người bảo thôi, cứ kệ cho anh hút. Nói chung, trong cuộc sống, anh có công việc của anh, tôi có công việc của tôi, anh đã thích cái gì thì khó nói được lắm, ví dụ việc hát hò là đam mê của anh, đôi khi tôi cũng nói là thôi anh hát hò nó vừa vừa thôi, dành chút thời gian cho vợ con, nhưng anh đâu có nghe, vẫn cứ hát hết mình và đi suốt.

 

* Làm phụ nữ, ai cũng muốn người đàn ông san sẻ, gánh vác việc gia đình với mình, anh cứ đi suốt như thế thì có nghĩa là chị cũng ít được anh “gánh” giùm cái sự vất vả con cái?


- Nói là không bao giờ cãi nhau thì không đúng, vợ chồng làm sao bình yên cả đời được, nhà ai cũng vậy thôi, cũng có nhiều lúc tôi bực bội lắm nhưng vì tôi đã xác định mình là phụ nữ nên tôi chấp nhận lo cho con cái là chính. Hồi năm 1980, anh Y Moan ra Nhạc viện Hà Nội học, chỉ có mình tôi với Y Vol mới sinh ở nhà. Tôi tăng gia thêm, nuôi gà, nuôi heo để gom tiền cho anh đi học, anh học một thời gian thì Y Vol ở nhà đau, anh biết ở nhà có mình tôi sẽ xoay sở khó khăn nên anh về, không học nữa. Anh về đoàn thì lại đi công tác tháng nọ qua tháng kia luôn, thôi thì mình chấp nhận lấy chồng làm nghề này thì đành chịu, cha mẹ sinh ra cho tôi cái tính chịu đựng, nếu không chịu đựng thì không bao giờ vượt qua được.

* Dù giỏi chịu đựng nhưng hỏi thực, có khi nào chị thấy áp lực đến nỗi không muốn vượt qua?

- Tất nhiên chứ, anh cứ đi suốt như thế tôi thấy thực sự khó khăn, hồi đó tôi vất vả lắm, rất là khổ, chúng tôi ở tập thể mấy chục năm, cũng mới làm nhà gần đây thôi, nói là nhà nhưng cũng không phải sang trọng gì đâu, chỉ là chỗ chui ra chui vô cho nó mát mẻ, là nơi yên tĩnh khi anh trở về và nghỉ ngơi. Anh mắc bệnh thế này, không biết sống được bao nhiêu lâu nữa ở trong căn nhà ấy nên cũng buồn lắm. Được một điều là anh lại rất quấn quýt gần gũi với con cháu, chúng nó lớn bằng chừng này mà vẫn nựng con, yêu con như chúng còn nhỏ, chứ không như tôi, yêu thì biết là yêu con trong lòng thôi chứ không có ôm ấp con cái như anh.

 

Vợ chồng Y Moan cùng bạn bè tại Hà Nội những ngày
chuẩn bị live show. Ảnh: Nguyễn Hoàng

 

* Người có “lửa” âm nhạc như Y Moan chắc chắn cũng là người đa tình, anh lại hay đi nữa, chị có thường lo lắng vì cái sự đa tình đó?

- Cái đó thì lo cũng không được mà không lo cũng không được, cái gì đến thì cứ đến thôi, có những lúc tôi thấy mình tưởng như không vượt qua được, đôi khi định chia tay rồi đấy nhưng cũng nghĩ chỉ là phút giây nào đó thôi nên tôi cho qua hết. Tôi đã xác định là tôi sinh ra và sống trên đời này vì các con, vì chồng thôi. Từ khi tôi quyết định nghỉ việc ở nhà nuôi con là đã xác định dành hết cuộc đời cho các con, để anh yên tâm làm việc rồi. Khi nghỉ việc tôi cũng mới bắt tay vào làm những việc mà trước đến nay mình không làm như nuôi heo, nuôi gà…

* Chị là người Thái Bình, ở vùng đồng bằng mà ngược lên miền núi xa xôi rồi se duyên với Y Moan ở đó, một chặng đường xa như vậy chắc hẳn phải có cái duyên đặc biệt nào đó?

- Hồi xưa ấy mà, tôi đi theo các bạn đi làm kinh tế mới, khi đó tôi mới 17 tuổi, hồi đó đi làm kinh tế mới đông lắm. Tôi đi theo nhưng lên đó thấy công việc không phù hợp, cũng tính là quay về thôi, sau đó được tuyển vào đoàn văn nghệ ở Đắk Lắk, rồi quen Y Moan và cưới thôi.

* Chị đẹp như thế chắc Y Moan theo chị rồi đúng không?

- Tôi và Y Moan ở cùng đoàn quen nhau thì cưới nhau thôi chứ cũng chẳng biết ai theo ai. Tôi cũng không nghĩ mình đẹp, chỉ là dễ nhìn thôi. Chúng tôi lấy nhau năm 1979 thì cuối năm 1980 sinh Y Vol, năm 1983 sinh Y Garia. Đồng bào chế độ mẫu hệ nên anh Y Moan  thích con gái, cứ bảo phải sinh đứa con gái, thế nên cuối năm 1992 tôi sinh được H’Dresden. Anh cứ đi công tác suốt nên khi sinh con gái thì tôi xin nghỉ việc ở đoàn để nuôi con.

* Tại sao chị lại phải nghỉ làm? Đi làm sẽ có thêm thu nhập lo cho các con chứ?

-  Anh muốn tôi tập trung nuôi con, ở nhà chăm con thì tự do hơn. Hồi đó lương bổng cũng có được bao nhiêu đâu, ở nhà làm thêm cũng đỡ hơn. Mà anh thì cứ đi diễn liên tục, cứ bảo đi là đi thôi, bao nhiêu lần đi Campuchia, đi vùng sâu vùng xa, những phần tử ghét văn nghệ sĩ nó dễ hại lắm… Anh đi như thế thì tôi phải ở nhà thôi. Mà ở nhà vừa lo cho con vừa lo thắt ruột mỗi khi anh đi liệu có giữ được mạng hay không nữa.

* Ở trong đoàn, sự nghiệp của chị đang ở mức nào thì chị bỏ việc?

- Tôi có làm gì đâu mà nói là sự nghiệp. Đầu tiên tôi được tuyển làm diễn viên múa thực tập bình thường, sau sinh Y Vol thì chuyển làm hành chính luôn, chứ sinh con nhỏ mà đi theo đoàn suốt làm sao mà đi được, nên thôi ở nhà, sinh bé út thì nghỉ luôn. Hồi đó là mới giải phóng xong, hiếm diễn viên, đoàn ca múa đi tuyển diễn viên ở các thanh niên đi làm kinh tế mới về vừa học vừa làm thì tôi được tuyển thôi chứ không phải  như bây giờ là phải qua trường lớp đào tạo.

* Chị là con gái đồng bằng, lên làm dâu ở vùng đại ngàn có dễ hòa nhập không?

- Tôi ở tập thể mà, sống tập thể lâu lâu thì anh đưa về qua nhà, cũng ít khi nghỉ lại, lại đi luôn, nhưng tôi cũng dễ quen, dễ thích nghi nên không có vấn đề gì cả. Nói chung làm vợ của anh Y Moan thì vất vả nhưng đổi lại thì lại rất vui vì anh ấy nhiều bạn bè anh em lắm, anh được cái may mắn là ai cũng thương cũng mến, ở nhà khách khứa cũng đến liên tục.

Đang trò chuyện thì người nhà thông báo Y Moan lại nôn, chị Ngẫu kêu ai đó giúp anh, nhưng người nhà chị lắc đầu nói: “Chú không chịu, chú bảo phải có cô giúp cơ”. Chị tạm biệt tôi,  tất tả... Nhìn người phụ nữ ấy, nhìn đôi mắt buồn ngân ngấn nước ấy, tôi cũng thầm ước một điều kỳ diệu sẽ đến với chị…

 

 

Ái Vân thực hiện

(Nguồn: TT&VH Cuối tuần)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: