Mười lăm năm trước, Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang còn trẻ lắm. Mới ngoài ba mươi mà đẻ rõ lắm: ba đứa con trứng gà trứng vịt… Thế mà dám để cả nhóm gà vịt ấy ở nhà để trắng đêm Quy Nhơn với bạn bè Hà Nội. Rõ là hai tâm hồn ấy hòa hợp, trong trẻo quá đỗi… Rồi mới mấy lần đại hội nhà văn trẻ đi qua và bây giờ Mừng đã là gã thi sĩ tuổi tri thiên mệnh rồi. Trung niên thi sĩ Nguyễn Thanh Mừng không muốn nói ra cái ẩn ức đời mình nhưng với bạn bè bây giờ, chén rượu hình như có gì đắng đót… Và đây nữa, cái Giải Trạng Nguyên Thơ Tạp chí VNQĐ mới rồi…
Một vô danh giữa trập trùng tuổi tên
Ấy là Nguyễn Thanh Mừng tự trào đấy thôi. Chứ thực ra hắn đã có chút tên tuổi ngự ở cái xứ của “Bàn thành tứ hữu” đất võ trời văn Bình Định. Nhưng hình như cái chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật ấy không mấy khi xuất hiện trong cái dáng vẻ rất… Nguyễn Thanh Mừng. Gã thích uống rượu với bạn muôn phương, thích đọc thơ bạn thơ mình và bàn văn chương thơ phú hơn là bàn chuyện thế sự. Lần ấy vào khoảng năm 1995, tôi đã thấy Mừng say và khóc khi đọc thơ bên mộ Hàn ở Ghềnh Ráng. Không thích ăn to nói lớn mà cười cợt bông phèng dễ gần dễ mến. Tôi đồ rằng kẻ giận Mừng ghét Mừng muốn hãm Mừng có lẽ không phải vì không yêu Mừng, hay là không yêu văn chương Mừng. Máu văn chương trong gã có từ khi còn là gã trai rời miền sơn cước với những truông dài nai cọp ra thị thành học chữ học nghĩa để rồi thành danh giữa chốn “trập trùng tuổi tên”… Lạ là hắn làm thơ chỉ rặt lục bát. Mà lục bát cũng mượt mà lắm, lại riêng giọng xa xăm như thể từ ngàn xưa sót lại một mình hắn. Những là cổ kính, những là hoang tàn phế tích… Là hắn đương khóc cho dĩ vãng vàng son của thành quách đổ nát của mấy vương triều cũ định đô xứ Đồ Bàn.
Nguyễn Thanh Mừng đã viết những câu lục bát thật cổ kính từ hai chục năm trước. Cái đất võ của gã lại là đất văn. Chả thế mà ở xứ của gã, nhiều người không biết chữ cùng đã ứng khẩu thành…lục bát. Nghe nói thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ còn biết “bút phê” hay nói đúng cách ở chốn vương quyền là ngự bút, đôi khi Ngài cũng dụng ngôn kiểu… lục bát: “Thôi thôi sự đã lỡ rồi/ Trăm nghìn gì cứ trách bồi vào ta”, “Thằng Kiền Long muốn xin voi- Con nào cụt vòi, cho nó một con”… Đúng là khẩu khí Quang Trung, khẩu khí Bình Định ngang tàng khí phách, gọi vua Tàu già lão bằng thằng! Nguyễn Thanh Mừng thừa hưởng cái gia tài lục bát dân gian như là điệu thức của cha ông mà lớn khôn mà tích tụ chữ nghĩa. Chất dân gian đã đắp bồi cho tâm hồn gã tựa phù sa ám lên hồn thơ của gã… Cái tài của gã là nhiều khi nói chuyện hay giao đãi đều tuôn ngay ra… lục bát. Nhưng cái giỏi là chả ngô nghê, sáo rỗng mà lại chỉnh vần đắc ý mới mệt chứ! Cái vẻ ngoài của Mừng thật khó đoán gã đương là ai. Là ai, chỉ Mừng biết. Chốn “giày cỏ gươm cùn” thì liệt gã vào hạng chỉnh tề áo mão com lê cà vạt, nhưng hình như nơi sang trọng mũ cao áo dài thì liệt Mừng vào loại phơ phất gió sương. Một người bạn Mừng nhận xét thế. Mà đúng thế chăng? Gã hình như chưa nhận được sự tín nhẫn của chốn cây cao bóng cả, mà rồi tự vấn rằng chốn hạt lúa củ khoai cũng ít khi tha thiết cùng mình nữa.
Gã tự nhận bất tài ham vui có lẽ không hẳn đúng bởi Tao Đàn nghe đâu còn rộng cửa mời đón gã vào… Nhưng gã thì có vẻ thích lãng du với hoa cỏ thiên nhiên hơn, như gã tự bạch “văn chương róc rách dại điên cát bùn”. Và nếu không có hội Tao Đàn và bạn bầu khắp xứ, hẳn gã đã thành rêu phong lau lách quê nhà… Hình như gã có cái tư chất hay khí chất của con nhà võ nên chi văn gã cũng múa may cũng tung hoành đáo để. Mà toàn cái giọng vương đế lẫn thảo mộc dân dã. Gã nghiêng mình trước các bậc thánh nhân “Thánh nhân im lặng mỉm cười/ Nụ cười sông bể toả lời vô biên”. Còn thân phận mình, gã cũng như chúng ta thôi, bầm giập giữa đời đen bạc mà vẫn lạc quan nghêu ngao chữ nghĩa: “Còn tôi giọt nước huyên thiên/ Văn chương róc rách dại điên cát bùn”. Nhưng rồi hình như cái sự mê say thơ phú của gã cũng được người đời ghi nhận. Bằng chứng là không ai nỡ chê bai phũ phàng cái sự nông nổi vụng về của gã. Bạn bè ca tụng đã đành mà dân văn chương xa lạ cũng hạ một câu: Được. “Được” là quá đủ với gã.
Văn chương róc rách dại điên cát bùn
Như mọi người cầm bút chân chính, gã là người trọng danh dự chứ không phải trọng quyền chức, tôi biết thế. Và rất trọng những ai hiểu mình giữa một thế cuộc nhốn nháo. Gã hay nói vui: Cái đất Bình Định mênh mông lắm, trong quen thuộc có cái mới lạ, trong mới lạ có cái quen thuộc, cứ cơm đùm cơm nắm đi vào dân gian khai thác mãi không hết “Làm cho vũ trụ điên khùng/ Dỏng tai nghe một lạ lùng quen thân!”. Vậy đó, dân Bình Định quen thuộc hình ảnh đôi vợ chồng từ thuở hàn vi đến giờ lặn lội trên những nẻo đường mưa gió nắng nôi của non sông Bình Định để vắt tâm sức làm ra những công trình biên khảo văn hóa, những công trình tầm cỡ quốc gia và những vần thơ: “Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười”. Những bậc khoa bảng ở Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng quý mến gã lắm. Gã luôn còn có tấm lòng bảo bọc của những tri kỷ tri âm, nhân dân khắp hang cùng ngõ hẻm để thực hiện ý nguyện ký thác tâm huyết vào tác phẩm.
Tuy nhiên một vài kẻ cũng sinh lòng đố kỵ ghét ghen. Thói đời mà. Ở đâu cũng thế. Đất Bình Định có nhiều kẻ sĩ mà chốn quan trường thời nhiễu loạn không làm hoen ố tấm lòng họ được, có trát vàng lên họ vẫn là họ, có ném bùn vào, họ cũng vẫn là họ. Nguyễn Thanh Mừng học tập trong tinh hoa lịch sử văn hóa nước nhà, tinh hoa lịch sử văn hóa Bình Định. Gã không tự nhận mình là kẻ sĩ nhưng gã là kẻ biết nói lời từ chối với những chức vụ xủng xoảng, những vinh quang phù phiếm để chọn lựa con đường, dù đối diện với phong ba. Trường hợp gã có ra đường làm một công việc lao lực để kiếm tiền nuôi con và “nuôi thơ”, gã sẽ còn bạn bè bốn phương chia sẻ, còn một khối lượng kiến văn và vốn sống đầy nỗi niềm “thế thái nhân tình” để tải lên sách lên báo.
Những trang viết thấm đẫm tài năng, thấm đẫm mồ hôi nước mắt của Trạng nguyên Thơ, của cây lục bát tài hoa hy vọng sẽ còn lại với thời gian.
Và hình như chỉ nơi ấy là đất sống của văn chương Nguyễn Thanh Mừng, để Mừng góp như đã đã góp những câu thơ cổ kính huyền tích vào văn chương Bình Định, văn chương nước Việt…
Bài và ảnh: Tân Linh
Điện thoại: 0913024394
Địa chỉ: Báo Văn hóa, 124 - Nguyễn Du - Hà Nội
Đào Tấn Trực - daotantrucpy@gmail.com - 0905407519 - Phú Yên
(Ngày 6/07/2010 04:26:18 PM)
"Trường hợp gã có ra đường làm một công việc lao lực để kiếm tiền nuôi con và “nuôi thơ”, gã sẽ còn bạn bè bốn phương chia sẻ, còn một khối lượng kiến văn và vốn sống đầy nỗi niềm “thế thái nhân tình” để tải lên sách lên báo".
Ấy vậy mà Mừng cũng có nhiều tai tiếng lắm. Đời là thế. Bôn ba chi cho rồi mai kia cũng bằng nhau phải không anh Mừng. Có vợ yêu thương, con trưởng thành, có tài văn nghệ là mãi mãi không bao giờ cô đơn. chỉ có những người kém sức mới sinh lòng đố kị. Mệt ai, Thanh Mừng cư nghêu ngao lục bát. Sim ơi còn nhớ ta không/ Xưa ta và bạn sống trong thung đồi/ sau cơn lăn lóc vô hồi? Bây giờ gặp lại ở nơi thị thành........ Gặp lại thì phải cười hé hé hé to lên nhé TM. |