Thứ năm, 25/04/2024,


Người tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn văn hóa Thái (12/06/2009) 

Sinh ra ở vùng xa thành thị nên không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Song vốn ham học và tìm tòi khám phá nên anh Cà Văn Chung, dân tộc Thái đã có những tiến bộ không ngừng.

 

Thời đi học, vốn bản tính hiền lành, hay giúp đỡ mọi người nên anh được các thầy cô giáo và bà con dân bản yêu quí. Sau khi học hết cấp ba anh tình nguyện nhập ngũ. Thời gian tại ngũ, nhờ sự cần cù, chịu khó học tập nên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh đã thành thạo một số nghề như: Làm ảnh, sửa chữa thiết bị điện tử... Ra khỏi quân ngũ anh được tuyển vào làm ở bộ phận thông tin của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La (nay là Sở Khoa học và Công nghệ). Anh có tham gia viết các tin bài cho tờ Tập san Khoa học kỹ thuật rồi được lãnh đạo tín nhiệm đưa vào làm trong Ban biên tập. Đến lúc đó anh mới có được bằng Đại học Nông nghiệp tại chức. Cùng với tài năng và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả cao, anh được phân công làm Phó phòng rồi Trường phòng Tin học và Thông tin khoa học công nghệ kiêm Phó Ban biên tập. Nay anh chuyển sang làm Phó giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh. Ngoài việc hoàn thành xuất sắc công việc của mình, anh luôn trăn trở: Làm thế nào đóng góp chút hiểu biết của mình vào sự nghiệp bảo tồn văn hóa của dân tộc?

Công việc của anh thực ra không liên quan đến văn hóa Thái nhiều. Nhưng với tâm huyết và sở trường của mình, anh luôn tìm hiểu về văn hoá nói chung và văn hoá Thái nói riêng. Anh đã sưu tập được nhiều tư liệu quý của dân tộc Thái, từ những bài vè, đồng dao đến những bài cúng, bài mo, đến các tác phẩm về lịch sử, truyện kể bằng thơ... Những lời ru, bài hát của bà, của mẹ từ ngày còn thơ bé đã khơi nguồn cảm xúc và chắp cánh cho anh.

Đặc biệt anh yêu thích đi sâu vào nghiên cứu lịch Thái. Bởi anh biết rõ dân tộc Thái có cách tính lịch riêng có thể áp dụng trong nông nghiệp và mọi mặt đời sống xã hội như các dân tộc tiến bộ khác. Trước năm 1990, anh biết một số nhà nghiên cứu văn hóa Thái đã tìm cách biên soạn lịch cho người Thái, nhưng không thực hiện được vì khó tính toán, hay nhầm lẫn. Các vị ấy đã in ra thử một năm nhưng tốn nhiều công sức mà vẫn bị sai sót nhiều. Năm 1990 (lúc đó  là biên tập viên), anh đã biên soạn và đề xuất đưa lịch Thái vào Nông lịch Sơn La. Khi công trình của anh được thẩm định và phát hành đã được nhân dân địa phương ủng hộ hết lòng, ai cũng muốn có một cuốn Nông lịch để xem ngày Thái. Từ đó đến nay, lịch Thái vẫn được thường xuyên đưa vào Nông lịch (nay gọi là Lịch khoa học) hàng năm. Ngoài ra, một số cơ quan khác như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh… cũng đã đưa lịch Thái của anh vào việc chỉ đạo sản xuất để bà con dễ hiểu, dễ áp dụng mà vẫn không sai với bộ lịch chung. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh đã cộng tác với Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hoá và Công ty In Sơn La xuất bản lịch Blog. Do tính khoa học trên cái nền dân tộc và hiện đại nên năm 2009 in tới 50.000 cuốn mà vẫn không đủ cung cấp cho bà con dân tộc Thái và các dân tộc khác ở khắp mọi nơi.

 

      

              Báo cáo font bộ gõ chữ Thái trong hội thảo

             Mã hóa và Số hóa chữ Thái tại Điện Biên ngày 3/11/2006

 

Năm 2006, để bảo tồn và phát huy hơn nữa lịch Thái ở Sơn La, anh đã tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, đó là: Nghiên cứu, biên soạn và tin học hoá lịch Thái. Kết quả anh đã nêu lên được quá trình hình thành và phát triển của Lịch Thái, so sánh với lịch của dân tộc Thái ở một số nước như Trung Quốc, Myanma, Thái Lan… Biên soạn thành công cuốn lịch 200 năm trong đó có lịch Thái dày 830 trang (chia làm 2 tập). Xây dựng chương trình lịch cho máy vi tính trong đó có: Dương lịch, Âm lịch, Lịch 24 tiết và Lịch Thái. Chương trình này cho người Thái biết lịch hàng ngày, giúp bà con thuận tiện tra cứu từng ngày, tháng giữa các loại lịch với nhau trong phạm vi 400 năm (1800 - 2199). Đồng thời nếu ai cần có thể tìm hiểu, nghiên cứu về lịch và lịch Thái cũng vô cùng thuận tiện vì tất cả đã được lập trình. Ngoài ra, anh còn làm chủ nhiệm một đề tài khác là Website thông tin khoa học và công nghệ (năm 2000) và là người đề xuất và tham gia tích cực đề tài đưa chữ Thái vào máy tính.

Anh là thành viên tích cực của Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM - 4 Trần Quang Diệu, Hà Nội) và Mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái (VTIK), là một trong những thành viên chủ chốt trong các cuộc Hội Thảo về  Rừng thiêng, về Địa danh cổ và việc xây dựng Bộ chữ Thái Việt Nam… Tài năng cùng lòng yêu văn hóa dân tộc là điểm tự vững chắc cho anh đạt được những thành công to lớn. Song khi nói về mình, anh luôn khiêm nhường: “Những điều tôi làm được mới chỉ như hạt cát trong mênh mông tinh hoa văn hóa của dân tộc. Tôi còn nhiều dự định ở phía trước lắm. Mỗi khi làm được một việc dù nhỏ cho dân tộc mình tôi thấy lòng thanh thản hơn!”.

Nhìn khuôn mặt cương nghị, ánh mắt sáng ngời đầy tự tin của anh, tôi biết rằng anh sẽ còn đóng góp được nhiều cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Thái.

 

Trần Vân Hạc

 

Đ/c: F.201 – Nhà: B4 – Ngõ:189 - Thanh Nhàn

P. Quỳnh Lôi - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội

ĐT: 0917331683 - Email: vanhac.yenbai@gmail.com

                  

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: