Thứ bảy, 27/04/2024,


Sách mới của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Khi nhà báo bất lực thì văn chương lên tiếng (31/03/2016) 


  Chiều 30/3, trong khuôn khổ Hội sách Mùa xuân vừa khai mạc, Buổi ra mắt sách “Có tiếng người trong gió” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, HN.




 
 Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội giới thiệu cuốn "Sát thủ online"

mới tái bản của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy


   

   Phát hành trong bối cảnh xã hội nổi lên vài vụ việc bắt cóc trẻ em, cuốn sách thực sự đưa người đọc đến độ hoang mang khi nghĩ rằng những tình tiết trong truyện có thật hay không. Chính suy nghĩ, cảm giác đó sẽ đưa người đọc đến gần hơn với cuốn sách gần 300 trang được dịch giả Nguyễn Thụy Anh miêu tả là “một tiểu thuyết nhiều tầng lớp câu chuyện, động chạm đến những vấn đề thời sự của xã hội”.
   Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: Khi tôi bị ám ảnh bởi một ý nghĩ nào đó tôi luôn muốn viết về nó, không sớm thì muộn. Do đó, khi đọc tin về những đứa trẻ sơ sinh bị bắt cóc, tôi đã tự hỏi là chúng đươc mang đi đâu, với mục đích gì, cuộc đời còn lại sẽ ra sao, đi đâu về đâu? Và tôi đã muốn viết về những con người bị cướp đi quyền được sống và họ không được phép quyết định sự sống của mình.


Cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp hình sự


    Cuốn sách mở đầu bằng cuộc gặp gỡ éo le trên đất Trung Quốc giữa một kĩ nữ dày dặn kinh nghiệm với một cậu trai trẻ mới bước vào đời mà cô có linh cảm đó là người cô vẫn tìm kiếm bấy lâu. Cùng lúc đó tại Việt Nam, các chiến sĩ công an đang điều tra một vụ án liên quan đến sự biến mất của hàng loạt trẻ sơ sinh trong thành phố… Cuốn sách gồm 13 chương với những mảng chuyện được viết mạch lạc, xoay quanh nhân vật Đoan Đoan, nhóm điều tra và nhân vật Lục Nhị.
   Nguyễn Xuân Thủy đã đưa người đọc vào thế giới còn nhiều góc khuất của nạn buôn bán trẻ em. Những vấn đề xã hội thể hiện trong tiểu thuyết như chính những vấn đề đang xảy ra ngoài xã hội. Tác giả chia sẻ: “Sát thủ online và Có tiếng người trong gió có điểm chung chính là đều viết về tình mẫu tử. Đây là điều quen thuộc, hiện hữu và tôi bị ám ảnh không chỉ ở một cuốn sách”.
   Nhà văn Chu Văn Sơn nói mình đã đọc Có tiếng người trong gió liền mạch từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều để chia sẻ rằng: Tôi thấy tác phẩm của Nguyễn Xuân Thủy là nguồn phim điện ảnh. Cuốn sách là sự găp gỡ giữa văn học và điện ảnh. Tôi đã phải tự hỏi mình là điều gì ở cuốn sách hấp dẫn mình. Đó là câu chuyện có dáng hình sự, vấn đề điều tra tội phạm hay mẹ đi tìm con, con đi tìm mẹ? Ba vấn đề nhức nhối được đề cập là buôn bán trẻ em, buôn bán phụ nữ và cướp đoạt tạng người. Vấn đề điều tra tội phạm cũng như nỗ lực của con người, của xã hội chống lại tội ác của loài người. Và theo tôi, điều hấp dẫn chính là việc mẹ đi tìm con, con đi tìm mẹ và ở tư duy điện ảnh được xử lý hấp dẫn, có lồng ghép của hai câu chuyện, tình sự và hình sự. Hai mạch truyện tạo nên sự lôi cuốn người đọc.
   Nhà báo Thanh Hằng chia sẻ: “Lâu lắm tôi mới đọc một cuốn sách liền mạch như cuốn sách này. Nhưng khi đọc xong tôi thấy mình bị ám ảnh bởi cái kết buồn. Có thể tác giả không muốn kéo dài cuộc sống đau khổ của Đoan Đoan, Lâm Lâm, Phan Phan. Nhưng với tôi, tôi thấy đây là những trang viết hấp dẫn, đi vào lòng người”.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng điểm mới của tác phẩm chính là sự khơi dậy được những đối thoại tư tưởng. Trong đó, cái ác không chỉ là sản phẩm của những vô minh bản năng. Trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Thủy, anh đã đặt ra vấn đề mới là cái ác không chỉ là vô minh bản năng mà còn là chủ đích lựa chọn của những trí thức giang hồ.

 



Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy kí tặng sách

 


    Những cuốn tiểu thuyết khác


   Nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội với tư cách là đồng nghiệp, là bạn văn đã chia sẻ: “Tôi xin nói về hành trình tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bởi tôi thấy anh có ý thức trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Bởi thông thường để viết văn, các nhà văn thường dốc hết vốn liếng để đưa vào tác phẩm của mình. Nên mỗi lần Nguyễn Xuân Thủy ra mắt sách, tôi luôn tự hỏi cuốn tiếp theo của anh về đề tài gì. Cuốn Biển xanh màu lá là vốn liếng của đời lính của anh, cuốn Sát thủ online là đúc kết của thời gian làm công dân mạng, cuốn Nhắm mắt nhìn trời khai thác bi kịch của trí thức ở thủ đô. Sau những cuốn đó tôi thực sự không đoán biết nội dung tiểu thuyết tiếp theo của Nguyễn Xuân Thủy là gì. Khi đọc Có tiếng người trong gió, tôi thực sự thấy ngạc nhiên về sự khai thác vấn đề buôn bán nội tạng, chạm đến vấn đề khủng khiếp của loài người là chính đồng loại săn bắt và đem bán nội tạng của nhau”.
   Nhà văn, nhà PBVH Văn Giá nhận xét chung về các tác phẩm: Văn của Xuân Thủy là những câu chuyện của những điều đang diễn biến, chưa xong xuôi và mở ra vô vàn câu trả lời. Giữa cuộc sống hỗn loạn thì Xuân Thủy đang biểu đạt những cái đang có của cuộc sống. Nếu như nhà văn khác đang viết theo cách hồi tưởng thì Xuân Thủy lại lấn sâu, tham dự vào đời sống một cách có trách nhiệm.
Chia sẻ thêm về các cuốn sách của Nguyễn Xuân Thủy, nhà văn Phong Điệp cho rằng: “Tác giả đã chiêm nghiệm, phản ánh đời sống hôm nay cũng như sự vật lộn của con người về cuộc sống. Tôi cho rằng đây là một nhà văn nhập cuộc. Và tôi thấy những cuốn sách của Xuân Thủy đọc để thức tỉnh”.
   Khi được hỏi về việc thâm nhập thực tế tác giả nói: Nếu có thể đi thực tế, tôi mong muốn mình có thể đi lên vũ trụ, xuống đáy biển sau khi đi vòng quanh trái đất. Bên cạnh thực tế thì tôi có những tri thức tổng hợp trong quá trình sống và làm báo. Đó là những nguyên liệu đầu vào, nhưng quan trọng nhất là chất liệu tạo nên cảm hứng sáng tác. Khi có sự chín muồi thì tôi bắt đầu viết, những gì nhà báo bất lực thì văn chương lên tiếng”.

 

Nguồn vanghequandoi.com.vn
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: