Thứ năm, 25/04/2024,


Đường Chiều (Truyện Ngắn). (23/03/2014) 



Chiếc xe ung dung lướt dọc bờ sông. Con nước lờ đờ, ngầu đục, dập dềnh vài cụm lục bình lơ thơ hoa tím. Bầu trời ảm đạm đứng yên, lặng nhìn tôi và nàng trôi hững hờ, lạnh nhạt trên đường như ngọn gió chiều la đà qua khung cửa trống.

Đường vắng. Nàng đang ôm ngang bụng tôi chợt len lén rút về. Tôi nói bâng quơ:

- Con đường nầy bây giờ đẹp quá! Xanh ngắt những hàng cây!

Nàng cười khe khẻ. Tôi lặng nhìn mấy bụi dừa nước lao xao, chải những tàu lá mườn mượt, bóng nhẩy vào không gian yên tĩnh:

Ừ, Tất cả đã đổi thay!

Lòng tôi nao nao. Tôi và nàng cũng thay đổi. Mỗi người thay đổi một cách. Suy nghĩ riêng tư, âm thầm sống bên nhau dưới một mái nhà. Chẳng biết tự bao giờ, cuộc sống trở nên buồn tẻ, đáng chán. Những chuyện cơm áo cứ xoáy mòn tình yêu đôi lứa. Ngôi nhà trở thành tù ngục. Cả hai đều cố gắng chịu đựng vì có một sợi dây vô hình buộc chặt. Đó là đứa con. Thằng Kha, đứa con duy nhất của chúng tôi.

- Nhanh quá! Mới đó mà thằng Kha đã mười lăm tuổi.

Tôi nhìn đăm đăm phía trước, đầu cui cúi. Những sợi tóc ôm lấy cái gáy gầy. Tôi buột miệng:

- Mình già hết cả rồi.

Giọng nàng rầu rầu, pha chút cay đắng:

- Ừ, sắp chết đến nơi. Cũng xong một kiếp người. Rảnh nợ.

Nỗi đau lại nhói lên, xiết lấy trái tim nhạy cảm của tôi. Chết có là một cách giải quyết tốt không? Cũng có thể, cho riêng mình. Còn những người thân sẽ ra sao? Thằng Kha nó mới mười lăm tuổi, lẽ nào nó phải rời bỏ thời thơ ấu đầy ắp những ước mơ đẹp đẻ chỉ vì cách “sống mòn” của cha mẹ?

Nàng bỗng áp má lên lưng tôi:

- Dù thế nào mình cũng phải sống cho tới khi con mình trưởng thành, có vợ, có con.

Tôi cười, nhấn ga, chiếc xe vọt tới. Hơi men như được xốc lên trong tôi, lan tỏa, bay ngược ra sau, xộc vào mũi nàng. Thông thường nàng hay ca cẩm :

- Vợ chồng quen hơi mà. Mùi da thịt, mùi mồ hôi của riêng anh đã biến mất, thay vào là cái mùi chung mà tôi ngữi thấy ở những gã đàn ông say rượu thoáng ngang. Đôi khi, tôi giật mình hoảng hốt vì chẳng nhận ra anh. Có đêm, tôi ngơ ngác nhìn người đàn ông nằm cạnh. Hắn giăng tay, bẹt chân, ngoẹo đầu, há hốc mồm. Một dòng nước dãi nhờn đục chảy dọc khóe miệng , xuống cằm. Chốc chốc, anh trở mình, đập tay đánh rầm, miệng ú ớ điều gì đó rồi ngáy phì phò như kéo bể. Mùi men chua loét, trộn lẫn mùi mồ hôi, tràn ngập căn phòng. Dìm tôi vào nỗi đau kì hoặc.

Nàng đâu biết rằng tôi cũng từng nghĩ “Nàng, người tôi yêu đâu rồi? Một cô gái xinh xắn, lạc quan, bao dung, hiền hậu đâu rồi? Cô gái năng nổ, xông xáo trong công việc, chinh phục mọi người bằng những tài mọn nhưng ít ai làm được. Tất cả đã biến mất tự bao giờ, chẳng rõ. Bên cạnh tôi là một người đàn bà nhếch nhác, ăn mặc lôi thôi. Lúc nào cũng càm ràm, cằn nhằn về tiền nong. Lúc nào cũng không hài lòng vì tiền tôi đem về quá ít mà chi phí lại nhiều. Nàng xé vụn nỗi buồn để cả hai chìm trong khắc khoải ngày này sang ngày khác. Còn tôi tệ hại hơn. Tôi đi trốn nỗi buồn trong men rượu để khi tỉnh thấy nỗi buồn dầy them, sâu hơn .

Mãi đến hôm nay, hai vợ chồng mới có dịp đi chung. Nhờ anh bạn thân muốn con cũng “hạnh phúc” như chúng tôi nên nhờ tôi và vợ dắt hai cháu vào… phòng hoa chúc. Ôi, một nhầm lẫn đáng thương! Nhưng, cả tôi lẫn nàng đều lặng lẽ xấu hổ và hợp tác biểu diễn cái màn hạnh phúc giả trá một cách rất đạt.

Buổi sáng, tôi đưa nàng đến chỗ làm tóc, trang điểm rồi về nhà chờ đến giờ tới rước. Thoáng nhìn, tôi sững sờ, kêu khẽ:

- Em lạ lắm, rất đẹp!

Tan tiệc cưới, nàng rủ tôi đi loanh quanh cho thư thả. Dong xe hết con đường này sang đường khác. Cả hai bâng khuâng, hồi hộp trong cảm xúc lạ lẫm như thuở ban đầu. Tôi thầm thì:

- Cái răng cái tóc là gốc con người, đúng lắm! Kỉểu tóc nầy rất hợp với em.

Nàng tựa cằm lên vai tôi, khúc khích cười. Giọng tôi bỗng êm như ru:

- Em nhớ không? Con đường nầy hồi đó hai đứa trốn học ra ngắm trời nước. Kìa, chỗ cây mù u, anh đã nắm tay em. Ha ha…Hồi đó sao minh ngố quá, chỉ có vậy mà hai đứa đều run. Về nhà, hồi hồi, hộp hộp mãi.

- Hi, em cũng vậy. Tối ngủ cứ lăn trở hoài. Chị hai nằm cạnh cằn nhằn hoài luôn.

- Hôm đó, em mặc áo bà ba trắng, cổ lá trầu. Tóc em chỉ dài chấm vai Óng mượt, bay bay trong gió, nhìn dễ thương làm sao!

Nàng thở hắt ra:

- Bây giờ, em đã già rồi!

Tôi lặng im để tìm câu trả lời vừa ý vợ:

- Ừ, nhưng chưa đến nổi nào. Hôm nay, em đẹp lắm! Chíếc áo màu nắng thu nầy rất hợp với em, mua hồi nào vậy?

- Của cơ quan tặng đó. Em đâu có mua.

- Lâu rồi, anh chẳng mua sắm gì cho em, anh bậy thiệt.

- Ồ, không sao đâu. Em già rồi, đâu cần se sua.

- Em nghĩ vậy là lầm rồi. Làm đẹp khác với se sua. Em quên rồi sao! Chồng yêu cái tóc nên dài, cái tay nên khéo, cái tài nên khôn!

Nàng nhìn vào lưng áo tôi. Dù màu xanh chưa nhạt nhưng đã xuất hiện những chấm li ti, làm cho người mặc mang vẻ ốm yếu, xanh xao, nghèo nàn làm sao. Tôi cảm thấy xót xa, hỗ thẹn. Nhưng nàng chợt òa khóc:

- Em đã không chăm sóc anh. Cứ mãi quẩn quanh trong chuyện cãi cọ. Lúc nào em cũng đòi hỏi và chờ đợi nhiều hơn lo vun vén hạnh phúc.

Tôi cho xe quẹo vào con hẽm dọc một ao sen Những vòm lá dầu thấp thóang, lao xao. Nắng chiều hắt những tia vàng chói, lấp lánh trên mặt ao. Và cánh sen hồng nhô cao, đẫm nắng, rực rỡ. Dừng xe, tôi và nàng ngồi bên gốc cây nhìn bâng quơ những chiếc lá vàng dưới chân. Nàng cầm tay tôi. Cánh tay đầy gân xanh và một hàng xẹo do bị bỏng. Ba mẹ tôi, một người mãi theo đuổi bóng sắc, một người cứ mãi ghen hờn, rình rập, không ai nhớ đến tôi. Tôi trốn học đi theo lũ bạn hư thân mất nết cũng chẳng ai hay. Đến khi trường gửi giấy mời, ba tôi lại phủ xuống đầu tôi một trận đánh thừa chết thiếu sống. Ông còn nở lấy cây đũa sắt mà mẹ đang dùng gắp than trong lò dí vào tay tôi. Tôi ngất xỉu vì sợ hãi, đau đớn. Khi tôi tỉnh lại thì ba tôi đã ra đi. Từ đó, không gặp lại ông lần nào nữa. Nhưng ông để lại nỗi đau không sao giải thích được trong lòng tôi và mẹ. Cũng từ đó, tôi trở nên chăm chỉ học hành và rồi tôi yêu. Tôi yêu nàng.

Tôi cứ lảng vảng trước cửa nhà nàng. Tưởng tôi có ý đồ xấu, nàng không dám mở cửa sổ. Một đêm, cây dạ lý bên rào trổ hoa, tỏa hương ngào ngạt, len vào phòng. Nàng mở toang cửa sổ, vươn vai, hít thở không khí trong lành, ngát hương thì tôi từ xa chạy tới. Sợ quá, nàng đóng sầm cửa, tôi chỉ kịp gào lên :” Anh yêu em!”

Hôm sau, tôi đón nàng trước cổng trường , mời nàng đi ăn kem nhưng nàng từ chối, với lý do:”Sợ anh”.

Tôi trợn mắt:”Anh có gì để bé sợ?” Nàng chẳng dám nói rằng sợ cái nết phóng đãng, hư đốn của tôi mà cứ ấp a ấp úng mãi rồi chỉ đại vào cánh tay có vết bỏng. Tôi bật cười, thăm dò:” Vậy để anh kéo tay áo xuống nhé” Nàng gật đầu. Sau đó là những cuộc hẹn và kết thúc bằng một đám cưới đơn giản khi hai đứa ra trường.

Chúng tôi rất hạnh phúc. Đi làm về, không như người khác, nằm đọc báo mà tôi lao vào công việc nhà, giúp vợ chăm sóc thằng Kha. Tôi muốn tạo điều kiện cho nàng có thời giờ nghỉ ngơi, học thêm ngoại ngữ. Lẽ ra, chúng tôi sẽ sống tốt hơn nếu như cơ quan tôi không giải thể, tôi mất việc. Ba người sống nhờ vào đồng lương của Nàng. Đời sống eo hẹp hẳn đi. Nàng bỗng trở nên trái tính, trái nết. Ham gây gổ. Còn tôi, dù cố nuông chìu nhưng dần dần tôi mất kiên nhẫn, sức chịu đựng không còn. Nàng chẳng hiểu được nỗi đau của chồng mà lại xé vụn những chuyện vốn dĩ vụn vặt. Nàng bới rác lên để… cùng ngửi. Nàng có đủ mọi tật xấu của đàn bà mà không hề biết. Nàng cứ nghĩ mình giỏi nên địa vị cao hơn chồng. Lấy đuợc nàng là phúc đức cho tôi. Còn tôi đã mang bộ mặt kiêu hãnh của một gã một thời phóng đãng đáng ghét ngày nào ra hành xử với nàng. Khi nàng quát tháo thì tôi đập phá, xong bỏ đi nhậu. Cả tôi và nàng đều đau đớn, khổ sở. Tôi thoát ra ngoài bằng rượu. Còn nàng lao vào công việc để quên và hao mòn dần với những ưu phiền tự chuốc.

Nàng bật khóc, tôi vụng về dỗ dành:

- Nín đi em!

- Nhưng chính em đã làm khổ anh .

Tôi nheo mắt mỉm cười:

- Anh sướng gần chết. Tối ngày chỉ lẩn quẩn trong nhà rồi ra quán nhậu nhẹt. Cho chó ăn chè.

Nàng đỏ mặt:

.- Đúng là em thích trách móc mà không tìm cách giúp anh có Niềm say mê khác.

- Anh ơi, hay là anh thi vào đại học, ban đêm học thêm tin học!

- Em điên rồi sao? Học để làm gì chứ? Nhà mình đang khó khăn…

Nàng say sưa trong ý tưởng mới:

- Đừng lo, em sắp được tăng lương. Em lo được mà.

- Nhưng anh già rồi. Sắp chết đến nơi.

Nàng bật cười:

- Già bằng một phụ nữ ở nước ngoài không? Bà ta đã một trăm linh bốn tuổi mà mới tốt nghiệp đại học đó. Người ta rất hãnh diện vì có một nữ sinh cao tuổi như vậy.

- Em muốn hãnh diện vì có một thằng chồng già rồi còn đi học ?

- Tất nhiên! Em muốn làm một người đàn bà mà người ta ca ngợi : ”Vì chồng em phải trải dâu. Vì chồng em phải qua cầu đắng cay!” Em nghĩ cũng gay go đó. Nhưng anh sẽ làm được. Đi học, anh sẽ làm giàu kiến thức của mình mà còn có cơ hội giúp vợ con sau này.

Tôi nhìn nàng đăm đăm. Có giọt nước ẩn nơi khóe mắt nàng, khiến cho tia nhìn sóng sánh như mặt hồ thu gờn gợn. Tôi nắm lấy bàn tay nàng:

- Ừ, anh sẽ cố , em có tin anh không?

Nàng gật đầu. Tôi vòng tay qua lưng nàng,


 Trên cao, gió hát. Những chiếc lá dầu rì rào hòa âm. Mặt trời chợt lóe sáng trước khi rụng xuống chân trời phía xa.

 

 

Bùi Đức Ánh
Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: