Thứ ba, 23/04/2024,

LẠC DUYÊN (25/09/2013)

“Lạc duyên” là một tập thơ tình. Mà thơ về tình yêu là một lĩnh vực rất quen, nhưng rất rộng và cực khó. Vì người đời viết đã nhiều, tưởng như khai thác đã cạn kiệt. Điều này nói lên rằng: Trương Nam Chi là một người dũng cảm. Tôi đã đọc liền một mạch tập thơ này của chị. Cảm giác chung là một tiếng thơ nhỏ nhẹ, duyên dáng và khá phong phú. Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm chị lấy chuyện mình, bao nhiêu phần trăm chuyện người, và cả chuyện đời ra mà dẫn dụ, tâm sự, khái quát thành những ý tưởng, ý thơ, bài thơ. Nhưng qua đây, mỗi người có thể tìm thấy những điều thấm thía, có vui và có buồn. Cho dù thế nào, thì phía sau những con chữ vẫn ấm một ngọn lửa, khiến lòng không thấy nguội lạnh, bã bời, mà khích lệ người ta yêu đời hơn và yêu người hơn. Phải chăng có được cảm giác ấy, là nhờ cái tình trong và cảm xúc cũng trong.



          Tiếng thơ của Trương Nam Chi đậm chất tinh tế của một tâm hồn phụ nữ. Chị lại tựa vào tình mẹ, nhiều khi vận dụng cảm thức của ca dao, cho   nên sự dịu nhẹ, tha thiết được tăng lên. Điều đó cũng góp phần hóa giải những vướng mắc trước cuộc đời và tình yêu, đầy hấp dẫn rộn ràng, nhưng cũng đầy phức tạp và khổ đau!
         Mỗi người có con đường riêng đến với tình yêu, chẳng ai giống ai, cho nên ở thơ Trương Nam Chi, những sắc thái biểu lộ của tình yêu cũng có nét riêng thật đáng nhớ, đáng suy ngẫm. Chút xao động tình đầu, như một tiếng sét, làm cho con người như chẳng còn là mình nữa. Ấy là khi “ai đó” nhận ra trong ánh nhìn của một người khác giới, cảm thấy “Đất trời nghiêng ngả sóng thình lình dâng" rồi rơi vào trạng thái chênh chao: “Lúc trơ lỳ, lúc rối tung/ Tim nào yêu cũng mông lung khó lường” là lúc tình yêu đến, rồi sâu và cao hơn nữa, tình yêu khiến cho hai tâm hồn quyện lấy nhau, chỉ muốn đem tất cả yêu thương chăm chút cho người mình yêu: “Em ước làm ngọn gió/ Hát ru giấc mộng anh”. Nếu vì một lý do nào đấy, phải chia ly thì nhớ thương day dứt đến cháy lòng “Nhớ gì quặn thắt từng đêm/ Nỗi đau quánh lại buồn thêm thật buồn”. Không nề hà hy sinh, không chi ly tính toán, miễn là mang đến cho người yêu hạnh phúc “Xin dâng người cả một đời/ Tạ ơn một khắc mà người tặng ta”.

         Oái oăm là cuộc đời không chỉ có niềm vui hạnh phúc. Có khi vì vì chiến tranh mà tình yêu đổ vỡ, người yêu mãi mãi xa, chỉ còn những kỷ vật gợi nhớ một thời, giờ gặp lại không sao cầm lòng, vì biết rằng, thời gian nhớ thương và đau khổ làm cho con người tàn tạ: “Tóc xanh nay đã kết hoa/ Tang lòng trắng cuộc chia xa bất ngờ”. Nhưng đấy là những lý do ngoài tình cảm. Và thường thì không phải vậy. Mà tự ở mỗi con người. Có phải vì “Em đi bỏ lại dòng sông/ Thuyền anh xuôi bến không chồng lạc duyên” chăng? Hay là những ghen tuông, những dỗi hờn vô cớ, những trách cứ không đâu để giận dữ bùng lên đòi rũ bỏ tất thảy: “Những giận hờn với lo toan/ Trả anh cùng với gió ngàn trăng sao”. Khoảng cách giữa hai người như không còn hiện hữu nữa, chỉ mấy nhịp cầu mà “Chân bước chông chênh lòng trĩu nặng/ Quãng đường xưa bỗng hóa xa xôi”. Những lúc như thế, người đọc cũng thấy buồn lây, và dễ đồng cảm với sự hờn lẫy chất chứa bao nhiêu lửa nóng từ trái tim đau hay giọt nước mắt trong như giọt sương của người thiếu nữ: “Người ơi ngọn lửa xuân thì/ Đốt lên cháy hết còn gì là duyên” hoặc là “Đời là bèo dạt mây trôi/ Ai người sẽ hiểu phận vôi trong bình”.

         Trương Nam Chi được đào tạo chuyên ngành hóa học, nhưng là người có tâm hồn đam mê với thơ ca, nhất là chị rất yêu mến thể thơ lục bát. Chị đến với thơ như là để giải tỏa những rung động của lòng mình trước những cảm xúc, ý tưởng nảy sinh trong cuộc sống, trong tình yêu. Trong câu chuyện cùng bạn bè, người ta nhận thấy trong sâu thẳm tâm hồn chị, có chất nghệ sĩ ưa lãng mạn phiêu bồng của người cha xứ Quảng từng nhiều năm là Biên tập Văn nghệ của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Cộng với phẩm chất của người mẹ xứ Thanh, mang khí phách của những trang nữ nhi đảm lược hòa quyện cùng nét duyên kín đáo của người phụ nữ xứ Bắc dịu dàng. Cho nên, thơ chị vừa đam mê bùng nổ vừa đằm thắm giữ gìn.
Tôi nghe nói lúc đầu Trương Nam Chi định lấy tên chung cho các tập thơ của mình là Quà tặng tình yêu, nhưng sau đổi lại là Lạc duyên. Dù đường đời còn những trái tim bị lạc duyên, hay những lứa đôi đến với nhau nồng nàn tha thiết, nhưng qua tâm hồn chị, đều nhằm vun đắp, dâng hiến cho vẻ đẹp của tình yêu, để cuộc sống không bao giờ tẻ nhạt, trái tim không bị cằn cỗi đi. Thơ chị chưa nhiều những bài điêu luyện về nghệ thuật, nhưng những sắc thái đa dạng của niềm yêu say mê và trân trọng những gì mà tình yêu đem lại thì lại rất phong phú. Hình như tất cả cảm xúc, ý tưởng đều nhằm chủ đề ấy. Và có lẽ, đó cũng là thông điệp mà Trương Nam Chi muốn gởi tới bạn đọc trong tập thơ này.

 

Nhà thơ, Nhà PBVH LÊ QUANG TRANG
(Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,
Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh)

Chia sẻ:                  
Các bài khác: