Thứ bảy, 20/04/2024,

Thơ Trương Nam Chi (Trần Đình Song) (19/12/2016)

 


Làm thơ là lặn lội trong cõi trống rỗng ảo mật của âm thanh để phát hiện ra nhịp điệu phi thường của ngôn ngữ, là đi từ cái “không” kỳ bí của rung động đến cái “sắc tướng” vi diệu của từ vựng như trong kinh Bát Nhã, là “Ngôi Lời” của Thánh kinh thể hiện ra bằng dáng hình con chữ.

Làm thơ như thế thật là khổ nhọc vô ngần, đôi khi phải khẩn cầu, nhiều lúc phải van vĩ, lắm hồi rơi nước mắt. Hơn ngàn năm trước Giả Đảo đã khóc đến “đầm đìa giọt lệ” lúc đọc lại thơ mình:


題 詩 後

二 句 三 年 得,

一 吟 雙 淚 流。

知 音 如 不 賞,

歸 臥 故 山 秋。

Phiên âm:

Đề thi hậu
Nhị cú tam niên đắc,
Nhất ngâm song lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng,
Quy ngoạ cố sơn thu.


Dịch nghĩa:

Đề sau bài thơ

Hai câu thơ làm mất ba năm,
Ngâm lên đôi dòng lệ chảy dài.
Nếu như bạn tri âm không thưởng thức (thơ ta),
(Thì ta) quay về với mùa thu núi cũ.


Dịch thơ:

Ba năm làm được đôi câu,
Ngâm lên thổn thức dòng châu chảy dài.
Tri âm ví chẳng đoái hoài,
Đành về núi cũ nằm dài ngắm thu.

(Trần Đình Song)


Phụ chú:

Giả Đảo 賈島 (779-843) tên chữ là Lãng Tiên, người Phạm Dương, Hà Bắc thuộc ngoại ô Bắc Kinh ngày nay. Ông là nhà thơ bỏ rất nhiều công phu trau chút lời thơ, gọt dũa từng từ, làm sao cho mỗi tiếng ông dùng phải làm kinh động người xem ông mới thỏa. Ông nỗi tiếng về giai thoại “thôi xao”. Chuyện kể rằng ông băn khuăn không biết nên dùng từ “thôi” (đẩy) hay “xao” (gõ) trong hai câu thơ: Điểu túc trì biên thụ, Tăng thôi/xao nguyệt hạ môn (Chim đậu cành cây bên ao, Nhà sư đẩy/gõ cánh cửa dưới trăng). Mãi suy nghĩ ông suýt đâm vào xe Hàn Dũ, một nhà thơ đồng thời với ông. Sau khi nghe ông kể, Hàn Dũ khuyên ông nên dùng chữ “xao” vừa tả hành động, vừa tả âm thanh. Tô Đông Pha diễu gọi ông là “Giả sấu” (Giả gầy) vì khổ công làm thơ. Cứ xem hai câu đầu bài tứ tuyệt này đủ thấy sự “khổ luyện” của ông. Hai câu đối nhau chan chát, từ đối từ, ý đối ý, số lẽ đối số chẵn, nhưng ông đối rất kín đáo, mới đọc không để ý sẽ không phát hiện ra câu đối.

Thuở đó không gian thì mênh mông, thời gian thì đậm đặc. Nhà thơ thật ung dung, tự tại, có thể bỏ rất nhiều ngày tháng cho một lời thơ. Họ hạnh phúc hơn chúng ta ngày nay cứ bị rượt đuổi bởi sự ngắn ngủi của cuộc đời. Làm sao có ai trong thời đại của chúng ta còn có thể bỏ mất ba năm để làm vài câu thơ nhỉ? Tôi không thích thơ Giả Đảo lắm nhưng tôi yêu thái độ cầu toàn trong nghệ thuật của ông.

Thi sĩ Hồ Dzếnh quê huyện Quảng Xương, Thanh Hóa mang hai giòng máu: cha Trung Hoa mẹ Việt Nam. Ông gắn bó suốt đời với quê ngoại thân thương còn quê nội chỉ hiện diện trong ông như một thao thức về cội nguồn với những ám ảnh, lôi cuốn của vẻ đẹp mơ hồ vọng lại từ đất nước xa xôi. Ông chưa hề đặt chân lên tổ quốc của cha mà sao những phong cảnh ông vẻ ra về xứ Trung Hoa mù khơi lại hiện hữu linh động như thể đó là một phần tâm hồn xưa cũ của ông? Làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, có lúc ông đợi thơ như đợi một thời khắc linh thiêng, như kẻ hầu đồng đợi hồn nhập xác:

Phút linh cầu mãi không về,
Phân vân giấy trắng chưa hề mực đen.


Trương Nam Chi cùng quê ngoại xứ Thanh như Hồ Dzếnh, cùng tâm trạng mòn mõi đợi chờ giây phút “Ngôi Lời” hiển hiện, đã cung kính diễn ra nghi thức “Gọi hồn”:


Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ


Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần


Đời đang ủ
Ché rượu cần


Thêm lần vít ngọn
Thêm
Lần ta say!


Trương Nam Chi đã bẻ gãy câu thơ lục bát ra làm tư, làm tám cho hợp với nhịp điệu khẩn cầu van vỉ của bản tụng ca trước đền thờ nghệ thuật.

Thử dịch bài thơ ra một ngôn ngữ phương tây, tôi cũng làm cái việc vô vọng là chuyển tải một cơn mưa rừng ra lời gió biển:


Oh!
Soul of words,
You solitary,
Come here
Sit next to me
for the rhyme of the poem

Life is fermenting
A jar of wine drunk through straw
Sucking the pipe once more,
I am drunk
again.

 

Trần Đình Song

Chia sẻ:                  
Các bài khác: