Thứ ba, 16/04/2024,

Trương Nam Chi với Nỗi buồn Pha Lê (Lâm Xuân Vi) (25/09/2014)

NỖI BUỒN PHA LÊ

 

Em đừng lo chị kém duyên
Nên quăng quật những ưu phiền vào thơ
Em đừng vội đỡ gánh cho
Chị ngần ngại lắm bến đò hư không

Ừ, thì buồn buốt mùa đông
Ừ, thì buồn thấu cánh đồng cô đơn
Ừ, thì nắng quái chập chờn
Ừ, thì giông tố vuốt vờn bao phen

Nỗi buồn mình chị nhen lên
Một mình canh lửa bốn bên ba bề
Một mình đốt đến si mê
Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à...

Trương Nam Chi


Lời bình của Lâm Xuân Vi

 

Vào một sáng chớm thu Giáp Ngọ, hơi thu man mác buồn, một nỗi buồn không gọi được thành tên, Cũng ngay lúc đó tôi nhận được tập thơ Nỗi buồn pha lê của nhà thơ Trương Nam Chi từ Sài Gòn gửi tặng.


Liệu có chăng sự trùng hợp ngẫu nhiên nào giữa tâm trạng mình với tên tập thơ, cũng lại là tên một bài thơ trong tập thơ ấy?
Những dự cảm không căn nguyên đã xui khiến tôi thử tìm hiểu giải mã xem có mối liên hệ vô hình thú vị nào từ bài thơ đã lây truyền sang nỗi buồn mông lung ấy cho mình?


Ngay cái tên bài thơ, Nỗi buồn pha lê, nghe có gì khác lạ, buộc người đọc không thể không lướt qua.
Khác với nhiều người, thường lo lắng phiền muộn với những nỗi buồn, còn Trương Nam Chi lại chủ động cho nhân vật "chị" của thơ mình đối diện, chấp nhận nó và thể hiện thái độ ấy ngay từ tên gọi bài thơ.


Trương Nam Chi chọn thể thơ lục bát, thế mạnh cho biểu đạt tình cảm, dễ thấm thía sẻ chia, để người đọc cảm thông với "chị" ở sự bộc bạch chân thành.


Nhà thơ chọn lối tâm sự giãi bày trong câu chuyện chị, em của hai nhân vật trữ tình mà mình gửi gắm, ký thác bằng lối độc thoại.
Mở đầu bằng khổ thơ:


Em đừng lo chị kém duyên
Nên quăng quật những ưu phiền vào thơ
Em đừng vội đỡ gánh cho
Chị ngần ngại lắm bến đò hư không


Cái duyên cũng có năm bẩy đường: duyên nghề, duyên phận, duyên tình... Nhà thơ không nói rõ ra, nhưng chắc ai cũng hiểu đó là duyên lứa đôi. Và trong đời thực có thể "chị" cũng đã không may mắn trong đường tình duyên, thậm chí đã nếm trải một đôi lần thất bại, chẳng những thế trong thơ "chị" giờ chỉ toàn những ưu phiền, mà thơ là người - là chị. Thương chị, ái ngại cho hoàn cảnh của chị, sợ chị mặc cảm ngại ngần, rối rắng mãi nhỡ để lỡ giở, hoặc lại gặp người chẳng xứng đôi vừa lứa thì thật bất hạnh? Nghĩ vậy, nên em đã xăng xái muốn "xông vào" đỡ vực chị. Sự thương cảm, dám xả thân chia sẻ cho chị trong tình cảnh này của em là điều dễ hiểu. Thế nhưng cái đức tính nhẫn nhịn, chịu đựng, không muốn phiền lụy ai, nhất là cốt cách của chị thì đó lại là một trở ngại. Hơn nữa, rào cản "cái bến đò hư không" mà chị viện dẫn, luôn ám ảnh khó vượt qua, chẳng khác gì "chim thấy cành cong ". Chính vì thế, dù biết em hết lòng, nhưng cũng khó bề chị chấp nhận.


Chắc rồi em cũng không nỡ trách chị, bởi biết đâu có những điều thầm kín riêng tư hệ trọng lắm mà chị không thể thổ lộ. Chính vì thế nên chị mới chuẩn bị cho mình tâm thế để chủ động đón nhận dẫu phải gặp ngang trái phũ phàng:


Ừ, thì buồn buốt mùa đông
Ừ, thì buồn thấu cánh đồng cô đơn
Ừ, thì nắng quái chập chờn
Ư, thì giông tố vuốt vờn bao phen

 


Khổ thơ có bốn điệp từ “Ừ” đứng đầu các câu, đã khẳng định tính chủ động đối mặt vời mọi trạng

huống, dạng thức của nỗi cô đơn vây bủa, giằng xé tâm can cuộc đời chị. Xác định được như thể thì chị đã khẳng định nghị lực và bản lĩnh, dẫu có phải khép lại cánh cửa hôn nhân.
Nỗi cô đơn hành hạ, quăng quật, dẫu thế chị không một lời oán thán, trách cứ ai, mà luôn tự nhận hết về mình, do mình:


Nỗi buồn mình chị nhen lên
Một mình canh lửa bốn bên ba bề
Một mình đốt đến si mê
Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à...


Bài thơ khép lại làm nên cái kết đẹp của Nỗi buồn pha lê, đẹp không chỉ ở hình tượng ngôn từ, mà cao hơn thế ở đức bao dung nhân hậu, lạc quan. Nỗi buồn pha lê cũng là nỗi buồn kiêu hãnh, sang trọng ở nghị lực vượt thoát, giữ trọn cốt cách phẩm giá, quyết không để ai mủi lòng thương hại mình.


Có thể, có những lý lẽ rất khác với kết cục về bài thơ này, thế mới đúng với thuộc tính của tình yêu, bởi tình yêu muôn đời có lý lẽ riêng của mỗi con tim.

 

Ninh Bình, ngày chớm thu Giáp Ngọ - 2014
Nhà thơ Lâm Xuân Vi
(Hội VHNT Ninh Bình)

Email: xuanlamvi@yahoo.com



Chia sẻ:                  
Các bài khác: