Thứ ba, 07/01/2025, 9:13:41 AM


Tháng Ba rưng rức nỗi nhớ quê (28/04/2010) 

 

THÁNG BA NHỚ QUÊ


Tháng Ba vời vợi nhớ quê 
Bởi mình sức yếu, đường về hóa xa 
Đứng ngồi ngóng mẹ, mong cha 
Tuổi già, ngõ vắng, sân nhà rêu mưa... 
 
Phố phường lạc tiếng gà trưa 
Tiết Thanh Minh giục vãn mùa Xuân xanh 
Muốn theo ngọn gió ngọt lành 
Bay ngang xóm cũ rung cành xoan tơ... 
 
Rét nàng Bân, nhớ ngày xưa 
Tháng ba thiếu thốn, vại dưa khú buồn 
Nồi cơm độn, dạ bồn chồn 
Cọng rau má đắng, lạnh cơn đói lòng... 
 
Thị thành gạo trắng nước trong 
Nổi nênh bao nỗi long đong phận người 
Muốn đem thương nhớ ra phơi 
Mà mưa lay lắt đất trời tháng Ba!..

 

Phạm Tâm An

 

 

Thường tháng Ba âm lịch là có tiết Thanh Minh “Thanh Minh trong tiết tháng Ba” dù ở đâu, làm gì những người con xa nhà cũng trở về quê để tảo mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tháng Ba tiết trời ở miền Bắc đôi lúc vẫn còn rét, gọi là rét nàng Bân “Nàng Bân may áo cho chồng/ May ba tháng ròng mới được nửa thân…”, rồi tháng Ba lại là cái tháng giáp hạt, đói lắm “Lúa ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ con mắt”.

Thế nên, mỗi người, khi xa quê đã có sẵn nỗi nhớ quê ở trong lòng rồi, nhưng cứ độ tháng Ba thì nỗi nhớ ấy nó lại càng da diết, càng quặn thắt hơn, quê hương luôn ở trong lòng, nhưng vì xa nên nỗi nhớ cứ vời vợi. Tác giả dùng từ “vời vợi” thật đúng với tâm trạng nhớ quê, người ở đây mà hồn lại hướng cả về quê:

Tháng Ba vời vợi nhớ quê 
Bởi mình sức yếu, đường về hóa xa 
Đứng ngồi ngóng mẹ, mong cha 
Tuổi già, ngõ vắng, sân nhà rêu mưa...

Là thân nữ nhi, sức khoẻ không đựơc tốt, khí hậu của tháng Ba lại khắc nghiệt như thế thì không về quê được, đành ngồi mong cha nhớ mẹ với tâm trạng bồn chồn, đứng ngồi không yên. Bởi thế mà nỗi nhớ lại tăng lên gấp bội lần, nhớ tha thiết cái ngõ vắng, cái sân nhà mưa đã xanh rêu…

Phố phường lạc tiếng gà trưa 
Tiết Thanh minh giục vãn mùa Xuân xanh 
Muốn theo ngọn gió ngọt lành 
Bay
ngang xóm cũ rung cành xoan tơ...

Về quê không được, đành phải ở lại phố, mà gửi niềm thương nỗi nhớ trong miền ký ức hiện về. Chỉ nghe tiếng gà trưa, một âm thanh hoàn toàn xa lạ với thành phố chợt cất lên, tiếng gà lạc ấy, tác giả nghe mà không cảm thấy nó vô duyên chút nào, trái lại thấy âm thanh ấy rất đỗi thân thương, gần gũi làm sao. Tiết Thanh Minh cũng là lúc mùa xuân gần hết, xuân đã vãn rồi, nhưng từ vãn ở đây có thể tác giả còn dùng để như thúc giục ai hãy vãn- chiêm ngưỡng cái mùa xuân xanh. Ừ! Nỗi nhớ quê trong tiết Thanh Minh như thúc giục, như nhắc về cái tuổi Xuân đã gần mai một rồi, hãy về quê trong tiết Thanh Minh, đi tảo mộ và biết đâu sẽ gặp ai đó ngày xưa, hoặc có ai đó nhặt được chiếc thoa mà trao lại như nàng Kiều gặp Kim Trọng thuở xa xưa, để rồi mối tình của họ cũng là cảm xúc cho Nguyễn Du có tuyệt tác Truyện Kiều lưu truyền đến muôn đời sau.

Nỗi nhớ quê, niềm xuân thì thúc giục đã khiến lòng lâng lâng như muốn theo ngọn gió. Mà theo gió được thì sẽ bay đi chỗ nào mình muốn, nhưng tác giả chỉ muốn bay về xóm cũ để rung cành xoan tơ… Gió rung cành xoan thì hẳn là đúng rồi, nhưng còn ngầm gởi cái tình cảm nhớ nhung quay quắt và pha chút nuối tiếc với những kỷ niệm những gì… gì đấy của cái thời còn mơ mộng non tơ, nhưng không tiện nói ra, đành dùng dấu ba chấm (…) đễ  diễn tả vậy.

Rét nàng Bân, nhớ ngày xưa 
Tháng ba thiếu thốn, vại dưa khú buồn 
Nồi cơm độn, dạ bồn chồn 
Cọng rau má đắng, lạnh cơn đói lòng...

Tháng Ba, tháng của thiếu thốn, thiếu mặc thì rét, thiếu ăn thì đói. Cái vại dưa khú, là món dưa làm từ những loại rau sâu si già cỗi để dành ăn, nhưng thức ăn ấy cũng không còn, để  cái vại phải trống không mà… buồn. Cơm thì độn, ăn cơm độn rau, độn khoai… ai cũng đói, cũng xót ruột, lúc nào cũng bồn chồn, cứ nhớ cứ mong ước một bữa cơm thật no, thật chặt dạ. Thiếu ăn đến nỗi phải ăn độn rau má đắng. Rau má là thứ rau giải nhiệt, có tính hàn. Trong cái tháng rét nhất, cơ thể buốt như tê cứng mà lại phải độn thứ rau ấy thì càng làm lạnh hơn cái cơn đói lòng.

Cái đói của ngày xưa được tác giả nhớ như thế là rất đúng, rất thật. Tháng Ba nay đã no đủ hơn, nhớ về quê không nhiều người phải chạnh lòng vì những thiếu thốn như thế nữa. Nhưng tác giả vẫn nhớ, vẫn nhắc xưa. Để làm gì nhỉ? Là con người, khi đã no cơm ấm áo thì không được quên những ngày đói khổ xa xưa ấy, cái thời ông bà cha mẹ ta phải ăn rau thay cơm để nhường cơm trắng cho con, cháu. Nhớ nỗi khổ để thương yêu, kính trọng ông bà, nhớ để tự nhắc nhở mình không được hoang phí khi có đồng tiền bát gạo trong tay, nhớ để mình biết sống chia sẻ nhường cơm sẻ áo với người khác đói khổ hơn mình, nhớ để mình có trách nhiệm với cuộc sống của người thân yêu ruột thịt của mình còn khó khổ ở quê hơn. Và điều quan trọng hơn cả là nhớ nỗi khổ để nhắc mình phải biết và trân trọng với quê nội, quê ngoại nghèo khó ngày xưa.

Thị thành gạo trắng nước trong 
Nổi nênh bao nỗi long đong phận người 
Muốn đem thương nhớ ra phơi 
Mà mưa lay lắt đất trời tháng Ba!..

Những ngày tháng Ba nhớ quê, thân ở chốn thị thành, tiếng là gạo trắng nước trong nhưng cũng vẫn nổi nênh bao nỗi khổ, vất vả, long đong phận người. Đã có số ít người từ quê lên trụ lại thị thành và may mắn có được cuộc sống đầy đủ sung túc, nhưng cũng còn nhiều người, phải nói là đa số còn ba chìm bảy nổi cứ long đong mãi, bởi việc làm không ổn định, thu nhập không ổn định, giá cả đắt đỏ, nhà phải đi thuê… Ai đã từng trong cảnh mưa rét căm căm, cuộc sống bấp bênh, không có việc làm, không còn tiền dự trữ… thì mới thấy bài thơ này nói đúng tâm trạng quá. Sống ở chốn thị thành khi không tiền thì đành chịu thôi, đói ở quê còn bứt rau má cầm hơi nhưng ở đây đất chật người đông, rau dại ở đâu mà hái đây, khắc nghiệt vô cùng.

Nhớ quê quá, nỗi niềm quá, bức bối quá, mong có một chút nắng để đi ra ngoài, như đem thương nhớ ra phơi cho vơi bớt, cho ấm lòng lên. Nhưng mưa cứ lay lắt mãi. Tháng Ba mà, muôn đời vẫn thế, chẳng thể nào thay đổi được đâu. Thế nên kết thúc bài thơ mà nỗi nhớ quê lại càng nhức buốt hơn bội phần, để cho tác giả gói trọn tâm trạng của mình vào bài thơ với tên là “Tháng Ba nhớ quê” là hoàn toàn xác đáng, phù hợp, không có cái tên nào hay hơn trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn thế. Nó khiến người đọc cứ rưng rưng nỗi nhớ quê nhà theo tác giả. Bài thơ đã gây xúc động cho người đọc và quan trọng hơn đã nói hộ tâm trạng của bao người đang xa quê. Đọc mà thấy nỗi nhớ quê rưng rức, trào dâng đến nghẹn ngào!

 

Vũ Thiên Kiều

Ban dân vận Hòn Đất – Kiên Giang

ĐT: 0986585388. - Email: vuthienkieu@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Tâm An - chicantaman@yahoo.com - 0916863368 - Ninh Bình  (Ngày 4/05/2010 05:09:10 PM)
Em xin cảm ơn chị Vũ Thiên Kiều cùng các anh, chị...đã đọc thơ, lời bình và có những lời động viên cho cả hai người viết ! Mong rằng, NHỮNG NGƯỜI THƠ luôn tìm được tiếng nói chung, luôn có những tâm hồn đồng điệu và có thể cho ra đời những tác phẩm hay!
  Đỗ Văn Kệ - mdanlachn@yahoo.com - 04.37632744-09887763 - P908-nhà An Lạc-Mỹ Đình 1-Hà Nội  (Ngày 1/05/2010 10:44:03 AM)


Bài thơ hay, bài bình viết lại rất hay. Phải là đã trải qua nhiều năm tháng xa quê đầy vất, khó khăn vẫn luôn đau đáu nỗi quê trong lòng với tình quê tha thiết mặn nồng mới có cảm nhận và viết ra lời bình như vậy, thực đúng là:
Thân cò lặn lội nơi xa
Tháng năm vẫn chở quê nhà trong tâm...

Và có mấy lời với bài bình:

Lời bình sâu sắc lạ thường
Nồng nàn thắm thiết khôn nhường phần ai
Quê hương tình đất tình người
Vào lời bình thấy thêm tươi sắc màu
Kỳ công ghép nối chữ câu
Cho đời mê mải đêm thâu với mình
Như trong thảm lúa tươi xanh
Như trong nhung lụa long lanh óng mềm
Hẳn là nơi đó vườn tiên
Nuôi trồng từ ấy văn em ngọc ngà
Hẳn là ở cuối trời xa
Ai từng lần giở hẳn là khó quên...

Đỗ Văn Kệ
Dđ:0988776390

  Nguyễn Duy Xuân - duyxuann@yahoo.com.vn - 0907730415 - Buôn Ma Thuột  (Ngày 30/04/2010 10:10:24 PM)

Thiên Kiều thơ viết cũng hay
Bình thơ cũng dễ làm say lòng người
Chúc mừng nhé, bạn thơ ơi
Càng hay, càng giỏi, càng ngời tình thơ!

  Lê Thi Hữu -  - 0986487556 - Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình  (Ngày 30/04/2010 06:44:02 PM)
Muốn đem thương nhớ ra phơi
Mà mưa héo hắt tím trời tháng Ba!..
  Chử Thu Hằng - nguoibinhthuong1957@yahoo.com - 01663332171 - Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội  (Ngày 29/04/2010 05:06:10 PM)
Bài thơ của Phạm Tâm An rất hay, bài bình của Vũ Thiên Kiều được viết với sự đồng cảm sâu sắc, đọc thấm lắm. Xin có đôi lời chia sẻ với người quê ra tỉnh lập nghiệp nhé

Thị thành gạo trắng, nước trong
Moi óc đút miệng, đau lòng người quê.
Muốn về...vời vợi đường về...

Các bài khác: