Không đề
Bước chân đánh giặc trăm miền
Tôi đi qua những con thuyền bến sông…
Thơ yêu chẳng có một dòng
Tôi yêu, tôi để trong lòng tôi yêu…
Dẫu cho những sớm những chiều
Mưa Trường Sơn thấm ướt nhiều trong thơ
Dẫu cho ai có mong chờ
Tôi không dám ước ai chờ đợi tôi!
Sân ga vang một tiếng còi
Khói bom hôm ấy bầu trời ngổn ngang
Hòa vào dòng lá ngụy trang
Tôi đi, mất hút trong hàng, bóng tôi
Bài thơ từ đó không lời
Tôi mang theo suốt một đời làm thơ
Nguyễn Trọng Oánh
Đây là một bài thơ mà tôi chép được sau đêm liên hoan tiễn tiểu đoàn tôi vào chiến trường Đông Nam Bộ, mùa đông 1972 dưới tán lá rừng Mai Siu, Lục Nam, Bắc Giang.
Người lính ngâm bài thơ ấy cũng chỉ thuộc rồi ngâm lên cho mọi người nghe vậy thôi, chứ cũng không nhớ tên tác giả.
Bài thơ nằm trong tay tôi ở một trang gần cuối cùng, sau rất nhiều những bài thơ Nga, Pháp, Đường, Tống, Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Chính Hữu, Huy Cận, Hữu Loan… Đấy cũng là một phần hành trang của tôi trên đường ra mặt trận như nhiều người lính trẻ.
Bài thơ có gì ghê gớm lắm đâu mà sao chỉ sau vài chặng hành quân, tôi đã thuộc lòng:
Bước đi đánh giặc trăm miền
Tôi đi qua những con thuyền, bến sông…
“Đánh giặc trăm miền”, thế là vào sinh ra tử cũng là trăm bận! Dữ dội đến thế mà sao câu thơ… hiền lành đến thế? Có lẽ sự quyến rũ ở đây chính là ở sự từng trải mà khiêm nhường từ trong cốt cách?
“Tôi đi qua những con thuyền, bến sông…”
Qua “con thuyền” thì ắt là phải qua “bến sông”, có gì trong sự lý lẽ dường như là dĩ nhiên này? Nhưng mà có đấy! Không phải ngẫu nhiên cái hiện lên từ “trăm miền” ấy lại chỉ là “những con thuyền”, “những bến sông” đâu! Nơi ấy biết bao nhiêu là tiễn biệt, bao nhiêu là hẹn thề, thương nhớ, hy vọng, mong chờ của những năm tháng chiến tranh mà nhà thơ đã “giấu đi” sau hai câu thơ hiền lành ấy.
Đã thế lại còn tự trách mình “Thơ yêu chẳng có một dòng”.
Nhà thơ này không thuộc dạng hào hoa “tức cảnh sinh tình” chăng?
Không! Anh ấy có một cách yêu riêng, kín đáo mà thầm kín lạ lùng: “Tôi yêu, tôi để trong lòng tôi yêu…”. Nó như “Mưa Trường Sơn thấm ướt nhiều trang thơ”.
Mưa hay là nước mắt? Cái nước mắt âm thầm, quả cảm của người lính khi biết mình có thể “một đi không trở lại”, có thể là “kẻ phụ bạc” của mọi nỗi mong chờ tha thiết kia:
Dẫu cho ai có mong chờ
Tôi không dám ước ai chờ đợi tôi
Có thể nói đây là một câu thơ tuyệt vời dành cho nỗi cô đơn vị tha và cao quí.
Nỗi cô đơn quả cảm này không là một giả định mà là một hiện thực trong những dòng thơ tiếp theo:
Sân ga vang một tiếng còi
Khói bom hôm ấy bầu trời ngổn ngang
Hòa vào dòng lá ngụy trang
Tôi đi, mất hút trong hàng, bóng tôi.
Nỗi cô đơn quả cảm ấy còn có một tên khác: “Đức hy sinh”!
Có lẽ vì thế, nhà thơ đã cảm thấy hết sự bất lực của mọi ngôn ngữ:
Bài thơ từ đó không lời
Tôi mang theo suốt một đời làm thơ
Bây giờ, tác giả bài thơ đã mất hơn mười năm rồi, sau khi để lại bộ tiểu thuyết đặc sắc gồm một ngàn trang “Đất trắng”, tôi vẫn không sao quên được nụ cười bằng mắt lặng lẽ và hiền hậu vô cùng của anh dưới tán rừng cao su mặt trận Đông Nam bộ 1973 khi tôi cho anh đọc cuốn sổ tay chép thơ đã ố vàng của tôi có bài thơ này.
- Của anh thật à? – Tôi bàng hoàng bật hỏi – Vậy còn câu thơ: “Tình yêu ta chỉ một/ Mà mùa trăng thề nhiều”, cũng rất giống… tính nết anh mà tôi thuộc từ lâu, có phải cũng của anh không?
- Ừ, ông hay nhớ tỉ mỉ nhỉ – Nguyễn Trọng Oánh hơi đỏ mặt – In lâu lắm rồi! Nhưng làm sao mà bắt người ta nhớ hết được. Bao nhiêu là tuổi tên!..
Trần Ninh Hồ
(Nguồn: Cand.com.vn)