TT - Công trình đường hầm quân sự bí mật “6501” từ lâu được thế giới biết đến với tên gọi “Vạn lý trường thành ngầm” đã trở thành mối lo ngại lớn đối với nhiều quốc gia. Mới đây, một nghiên cứu không chính thức của Mỹ cho rằng đây là nơi cất giấu vũ khí hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc.
Các đường hầm được thông với nhau như một mê cung
Washington Post ngày 29-11 dẫn báo cáo dài 363 trang của nhóm sinh viên Trường đại học Georgetown do giáo sư Phillip Karber, một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dẫn đầu cho biết về một công trình mà giới quân sự Trung Quốc tự hào mô tả là “Vạn lý trường thành ngầm”. Đây là một hệ thống những đường hầm dài 5.000km, nơi đang lưu thông các đoàn tàu đặc biệt được trang bị các đầu đạn hạt nhân, tên lửa liên lục địa cùng các bệ phóng lưu động, nối liền với các căn cứ cũng nằm ngầm dưới lòng đất. Hệ thống này gây sửng sốt đến mức Lầu Năm Góc lần đầu tiên đã phải đưa vào báo cáo thường niên của mình.
Kho chứa vũ khí ngầm?
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2008 đã vô tình phơi bày một thế giới quân sự bí mật trên các bức ảnh chụp những đỉnh đồi bị sập. Dạo đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin hàng ngàn kỹ thuật viên bức xạ đã được đưa đến vùng này, dấy lên những đồn đoán về một mạng lưới đường hầm rộng lớn cất giấu vũ khí hạt nhân. Tháng 12-2009 quân đội Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận trên Đài truyền hình trung ương CCTV rằng Quân đoàn pháo số 2 đã và đang xây dựng một mạng lưới các đường hầm dài hơn 4.800km cùng các căn cứ nằm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, đủ sức đảm bảo an toàn trước các cuộc tấn công hạt nhân.
Công trình nghiên cứu kéo dài ba năm của giáo sư Karber và các sinh viên Đại học Georgetown được khởi động ngay sau trận động đất Tứ Xuyên. Các sinh viên đã tập hợp hàng tấn tài liệu khác nhau: từ các tạp chí quân sự, tin tức, hình ảnh đến các diễn đàn, các cuộc phỏng vấn... để đưa ra kết luận rằng hệ thống đường hầm này đang chứa các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, thậm chí họ còn thiết lập một bảng chỉ dẫn sơ bộ về vị trí của các đường hầm và các loại tên lửa được cất giấu bên trong cũng như giả định cả những cách vận chuyển tên lửa... Theo công trình nghiên cứu này, các sinh viên ước tính Trung Quốc hiện đang cất giấu đến 3.000 đầu đạn hạt nhân, gấp 10 lần con số từng được đưa ra trước đó. Washington Post cho biết kết quả nghiên cứu này đã được đưa ra Quốc hội Mỹ thảo luận và các tài liệu cũng đã được chuyển đến các quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc.
Đường hầm bí mật năm 1965
Theo các tài liệu của Trung Quốc, đường hầm bí mật này đã được Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng từ những nằm 1960. Cách đây 30 năm, truyền thông nước này đã đưa ra nhiều phỏng đoán về một kho vũ khí bí mật được cất giấu trong một công trình mang tên “6501” dài 17km được khởi công vào năm 1965 và đã bị bí mật đình chỉ vào năm 1973. “Vạn lý trường thành ngầm” mà Lầu Năm Góc đã nêu trong báo cáo của mình hẳn là phiên bản khổng lồ của công trình “6501” này.
Theo Tân Hoa xã, công trình ngầm “6501” giống như một mê cung gồm ba tầng thông nhau được đúc bằng bêtông cốt thép. Với chiều dài 17km và khoảng 25 hang động lớn nhỏ có diện tích lên đến hàng trăm mét vuông, “6501” đủ rộng để cho bốn xe ca dàn hàng ngang và cả xe lửa lưu thông. Các chuyên gia Trung Quốc còn cho biết 17 “giếng trời” trong đường hầm được thiết kế dành cho các tên lửa với chiều cao 80m, đường kính từ 10-20m. “Thật khó tưởng tượng với chiều dài 5.000km của phiên bản trường thành ngầm mới, Trung Quốc có thể chứa được những loại vũ khí gì”, Tân Hoa xã dẫn lời một học giả giấu tên cho biết.
Vẫn theo Tân Hoa xã, công trình đường hầm “6501” được xây dựng một cách bí mật để phục vụ mục đích quốc phòng. Ông Tăng Trung Dân, một công nhân xây dựng công trình “6501”, cho biết từ khi khởi công đến lúc bị đình chỉ xây dựng vào năm 1973, mọi thông tin đều được giữ bí mật, ngay cả chính quyền địa phương cũng không mảy may hay biết gì về đường hầm này. Ngay đến các công nhân đào hầm được điều đến cũng không biết mình đang ở đâu và xây dựng công trình nhằm mục đích gì. Cho đến nay, đường hầm này đã từng chứa những gì, lý do vì sao công trình bị đình chỉ vào năm 1973 vẫn còn là một câu hỏi không lời đáp đối với giới truyền thông Trung Quốc.
Báo Le Nouvel Observateur, Pháp, ngày 7-12, khi đề cập đến “Vạn lý trường thành ngầm” này đã kết luận: “Chắc chắn các vệ tinh do thám và các thiết bị nghe lén trên toàn trái đất sẽ dõi theo mọi động tịnh phát ra từ cái ổ chuột chũi khổng lồ này”.
ĐÔNG PHƯƠNG (Theo Washington Post, THX)
(Nguồn: http://tuoitre.vn)