Thứ sáu, 26/04/2024,

Chút tình dành cho con trẻ trong thơ Vũ Xuân Hồng (03/10/2013)

Thơ Vũ Xuân Hồng chân chất, mộc mạc và đặc biệt, tôi rất thích những bài thơ anh viết cho thiếu nhi. Dẫu chỉ hơn mười bài về mảng đề tài này, ta cũng có thể cảm nhận được tấm lòng của anh dành cho các em...

 


Đọc những bài thơ Bé đi thăm vịnh Hạ Long, Hạ Long thần tiên, Cổ tích Hạ Long, Trung thu Hạ Long, ta thấy có một ''Hạ Long biển nhớ'' qua cái nhìn hồn nhiên, thơ trẻ trong thơ Xuân Hồng. Tác giả muốn các em hiểu biết và tự hào về di sản thiên nhiên thế giới này không phải qua những bài tuyên truyền mệnh lệnh mà bằng những câu thơ đáng yêu như thế này: Động Thiên Cung lộng lẫy/ Giữa biển trời hoang sơ/ Một vương quốc bất ngờ/ Biển đầy Kim tự tháp... hay Cánh buồm nâu tuổi thơ/ Trôi giữa miền cổ tích/ Bầy khỉ đùa tinh nghịch/ Hải âu vui dẫn đường... Chắc chắn bé sẽ yêu hơn quê hương, đất nước mình khi được ''học bài'' bằng những bài thơ như thế.
Bên cạnh chùm thơ về Hạ Long mến yêu, trong thơ Xuân Hồng ta còn cảm nhận được tâm hồn, tình cảm của bé với thiên nhiên đất trời, bố mẹ và cuộc sống qua các bài thơ Cây thay áo mới, Mưa xuân, Cầu vồng, Trăng nhà bé, Rủ trăng học bài, Chuyến phà tuổi thơ...
Những bài thơ trên đã diễn tả được sự hồn nhiên, tươi tắn của tâm hồn trẻ thơ. Đó là cảm nhận của bé về: Ngọn gió đông tinh nghịch/ Thổi bóng nước ao trời/ Bụi nước bay khắp nơi/ Trời làm mưa xuân đấy... hay khoảnh khắc đáng yêu khi Giọt xuân bay giăng tơ/ Con đê làng đón mẹ/ Long lanh đôi mắt trẻ/ Mẹ gánh đầy mùa xuân.


Ngoài những câu thơ với xúc cảm tinh tế như vậy, qua các bài thơ này; ta còn cảm nhận được tình cảm yêu thương dành cho thiên nhiên, bởi bé biết thương cây xoan già/ Mỗi lần thay áo mới. Đó còn là tình cảm trân trọng của bé với chiếc phà bao năm đã gắn bó nên mặc dù quê hương bé đã có cây cầu mới nhưng mỗi lần: Qua cầu bé vẫn nhớ/ Những chuyến phà tuổi thơ.


Bài thơ hồn nhiên và cảm động nhất là Trăng nhà bé. Khi đón xong tết trung thu, trăng của thiên nhiên về bên sườn núi nhưng bé vẫn chưa ngủ được, vì món quà phần cha. Bé vẫn thức đợi dù cha đi làm ca ba và khi thoáng thấy cha bé reo, trăng nhà ta đã về! Thì ra, trăng của đất trời đâu có thể đẹp, thân thương bằng trăng nhà bé được? Mong rằng khi đọc bài thơ này, các bé sẽ biết yêu và trân trọng hơn ''vầng trăng nhà mình''!


Trong mảng thơ viết cho thiếu nhi của bác sỹ Vũ Xuân Hồng, tôi chú ý đến hai bài thơ: Buổi học trong vườn và Tình bạn của cây. Đó thực sự là những ''cổ tích cho người lớn'', chuyện nhỏ mà không nhỏ. Nhìn những đàn chim ríu rít trong vườn, bé ngây thơ hỏi ông sao chim về làm tổ. Ông bảo: Bởi đất lành chim đậu. Đất lành được ông “định nghĩa” giản dị là “rất xanh”, “rất sạch”, là ''bình yên''. Và: Muốn đàn chim ở lại/ Phải trồng nhiều cây xanh/ Giữ môi trường trong lành/ Không đốt rừng, săn bắt. Bài học về việc bảo vệ môi trường thật dễ đi vào lòng người xiết bao!


Bài thơ Tình bạn của cây lại cho ta bài học về nhân sinh sâu sắc. Khi: Vui chơi trong rừng cây/ Bé băn khoăn tự hỏi/ Cây thì không biết nói/ Sao kết thành bạn thân? Bé thấy cây: Đông mà không chen lấn/ Sống thành hàng rất xinh/ Chung nhau một nghĩa tình/ Bám sâu vào lòng đất. Cây còn có khát vọng vươn cao: Bầu trời thì cao ngất/ Cây rủ nhau leo lên/ Lá hợp thành chiếc phổi/ Thở cho trời trong xanh... Từ đó bé tự hiểu cây kết bạn/ Bằng những lời rất riêng. Đọc những câu thơ này, ta không khỏi chạnh nghĩ đến con người...


Tấm lòng dành cho con trẻ của nhà thơ - bác sỹ Vũ Xuân Hồng giản dị mà sâu sắc là thế, nên anh không cần đến những vần thơ tân kì, xa lạ... anh chỉ sử dụng thể thơ ngũ ngôn để chuyển tải những câu chuyện về thế giới của con trẻ, qua đó gửi chút yêu thương, mơ ước về một tuổi thơ đẹp, sống hồn nhiên yêu đời, yêu người. Những câu thơ được viết bằng tấm lòng trìu mến của một người cha, người ông, một bác sỹ tận tuỵ với nghề nên quả thực đã có một thế giới được nhìn qua lăng kính của trẻ thơ trong thơ Vũ Xuân Hồng.


Theo Trần Tố Loan / Báo điện tử Quảng Ninh

Chia sẻ:                  
Các bài khác: